Tạp chí điện tử GDVN bình chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2024

27/12/2024 06:26
Tuệ Nhi

GDVN - Trước khi chào đón năm mới 2025, độc giả cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhìn lại hoạt động của ngành giáo dục với nhiều sự kiện nổi bật ở năm 2024.

LTS: Năm 2024 đang đi đến những ngày cuối cùng, vòng tròn thời gian một năm cũng sắp sửa khép lại. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn một số sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm qua.

Tòa soạn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước về các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!

1. Thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Gồm 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.

Bảng kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế giai đoạn 2020-2024.

Bảng kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế giai đoạn 2020-2024.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, năm 2024 tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Cụ thể:

Tại kỳ thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương (APIO), đội tuyển quốc gia Việt Nam có 7/7 học sinh đều đoạt Huy chương; gồm: 1 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc.

Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO), đội tuyển quốc gia Việt Nam có 8 học sinh dự thi; kết quả, có 8/8 học sinh đoạt huy chương; gồm: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng.

Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), đội tuyển quốc gia Việt Nam Việt Nam có 6 học sinh dự thi; kết quả, có 6/6 học sinh đoạt huy chương và bằng khen; gồm: 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng, 1 Bằng khen.

Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO), đội tuyển quốc gia Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, cả 5/5 học sinh đều đạt huy chương.

Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế (ICHO), đội tuyển quốc gia Việt Nam có 4 học sinh dự thi; kết quả, có 4/4 học sinh đều đoạt huy chương; gồm: 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.

Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO), Đội tuyển Việt Nam có 4 học sinh dự thi. Kết quả, 4/4 học sinh đoạt Huy chương, gồm 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế (IOI), đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 4 học sinh dự thi, kết quả 4/4 học sinh đoạt Huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

2. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học - cơ sở để quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giáo dục đại học

Tháng 2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Theo Thông tư, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giáo dục đại học. Đồng thời, đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, bao gồm: Tổ chức và quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đồ họa: Doãn Nhàn.

Đồ họa: Doãn Nhàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

Cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học, bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học thông qua kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

3. Tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Kế hoạch nhằm thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục, tồn tại hạn chế. Phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

4. Cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên

Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung (đạt gần 70% tổng chỉ tiêu).

Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm; số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng...

5. Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng

Ngày 29/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị Căn cứ Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329 ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.

Ảnh minh họa: Phương Linh.

Ảnh minh họa: Phương Linh.

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) được tăng hệ lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

Việc tăng hệ số lương cùng với giữ nguyên phụ cấp thâm niên nghề và một số phụ cấp đặc thù khiến giáo viên rất vui mừng vì thầy cô giáo được tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

6. Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Kết luận nêu, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.

Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hoá, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kết luận cũng chỉ việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn một số hạn chế, bất cập.

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm.

7. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tới năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình nêu rõ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến tại 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Dự kiến danh sách các cơ sở đào tạo được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn gồm: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Công nghệ Thông tin); Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Giao thông Vận tải; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Điện lực; Học viện Kỹ thuật Mật mã; Trường Đại học Việt Đức.

8. Xếp hạng đại học có những bước tiến quan trọng

Năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Theo bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2024 – Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững năm 2024, có 2152 cơ sở giáo dục đại học đến từ 125 quốc gia được xếp hạng.

Tại Việt Nam, có 13 trường đại học được xếp hạng (nhiều nhất từ trước đến nay), bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội,Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Duy Tân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Phenikaa, và Trường Đại học Việt Đức.

Vừa qua, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) cũng đã công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025 - QS World University Rankings: Asia 2025 với 984 trường.

screenshot-2024-11-07-132101-3889-7854.png
Xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025.

Đáng chú ý, tại bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025, Việt Nam có 17 cơ sở giáo dục đại học lọt vào danh sách này. Như vậy, so với bảng xếp hạng năm 2024, Việt Nam có thêm có thêm hai cơ sở giáo dục đại học lọt vào danh sách này là Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (hạng 701-750) và Trường Đại học Vinh (851-900).

9. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số

Tháng 11/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.

Bộ chỉ số này được áp dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số trong phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương) trên phạm vi toàn quốc nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số trong phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, đồng thời phát hiện các điển hình, mô hình chuyển đổi số làm tốt để nhân rộng, tạo phong trào thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục. Quyết định có hiệu lực từ 29/11/2024.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Theo Bộ chỉ số, mức độ chuyển đổi số đối với các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương được đánh giá theo thang điểm tối đa là 100 điểm, kết quả được đánh giá ở ba mức độ:

Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số dưới 50 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương chưa đáp ứng công tác chuyển đổi số.

Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số từ 50 đến 75 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương đã đáp ứng cơ bản công tác chuyển đổi số.

Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số trên 75 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương đáp ứng tốt công tác chuyển đổi số.

10. Đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023

Tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023.

Báo cáo sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024 của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở giáo dục đại học, quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, quy định về hoạt động đào tạo, quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, quy định về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 có 2 mục tiêu là phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa Luật, xây dựng luật mới.

Tuệ Nhi