Trường đại học chia sẻ lý do đưa môn Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển

30/12/2024 06:27
Anh Tú

GDVN - Dù mang lại nhiều lợi ích, việc đưa môn Tin học, Công nghệ vào các tổ hợp xét tuyển cũng đòi hỏi đổi mới trong giảng dạy ở bậc phổ thông.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nhiều môn học mới được đưa vào là môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp ví như Tin học, Công nghệ....

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội,...đưa môn Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển.

gdvn-tin-hoc-1297 (1).jpg
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Đưa môn Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển là bước đi dài hơi

Trong mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa tổ hợp (Toán, Tiếng Anh, Tin học) vào xét tuyển. Đây là một trong những tổ hợp được áp dụng cho các ngành như Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc bổ sung môn Tin học vào tổ hợp xét tuyển trong năm 2025, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Đây là một trong những bước đi quan trọng của trường trong việc đổi mới và thích ứng với nhu cầu xã hội. Việc bổ sung tổ hợp có môn Tin học không chỉ giúp mở rộng cơ hội cho thí sinh, mà còn đảm bảo đầu vào có nền tảng tốt về công nghệ”.

Bên cạnh đó, thầy Sơn cũng cho rằng, thí sinh đã quen thuộc với môn Tin học ở bậc phổ thông sẽ có lợi thế lớn khi học các môn chuyên ngành tại đại học, đồng thời thúc đẩy phong trào học tập các môn này ở bậc phổ thông.

Theo thầy Sơn, đây không phải chỉ là một thử nghiệm, mà là bước chuẩn bị dài hơi cho những đổi mới sâu rộng hơn trong tương lai: “Nhà trường kỳ vọng, trong vài năm tới, khi thí sinh đã quen với các tổ hợp này, số lượng đăng ký sẽ tăng lên. Điều này sẽ giúp cân bằng giữa việc đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Môn Tin học không chỉ là một môn học công cụ, mà còn là nền tảng để sinh viên tiếp cận các môn học khác như lập trình, khoa học dữ liệu, và an ninh mạng. Đối với những ngành này, sự hiểu biết sâu sắc về Tin học ở giai đoạn phổ thông sẽ giúp sinh viên phát triển tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề ngay từ năm nhất đại học”.

Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang nhấn mạnh, năm 2025 là năm “bản lề” với nhiều thay đổi trong giáo dục.

Để thích ứng với những thay đổi này, theo thầy Phương, Trường Đại học Nha Trang đã chủ động làm việc với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình học ở bậc phổ thông, để từ đó đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.

“Thực tế cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang chú trọng phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề và các kỹ năng khác thay vì chỉ tập trung vào kiến thức thuần túy. Môn Tin học cùng với các môn học khác đang góp phần phát triển các năng lực đó. Điều này sẽ giúp thí sinh khi trúng tuyển và nhập học, có khả năng thích nghi tốt hơn với môi trường đào tạo ở đại học.

Việc đưa môn học mới như Tin học vào tổ hợp xét tuyển đại học ở cả phương thức xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (điểm học bạ) và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thể hiện một động thái tích cực, linh hoạt, phù hợp với xu thế phát triển và cần thiết trong bối cảnh tuyển sinh sắp tới.

Đặc biệt, môn học này có thể cung cấp năng lực nền tảng về công nghệ thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số”, thầy Phương chia sẻ.

Được biết, theo danh mục ngành và phương thức xét tuyển năm 2025, Trường Đại học Nha Trang dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển gồm môn Toán, Ngữ văn, Tin học (trong đó môn Toán được nhân hệ số 2) đối với các ngành như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh thương mại, Tài chính - Ngân hàng, Khoa học máy tính, Kế toán, Kiểm toán.

Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến áp dụng các tổ hợp xét tuyển có môn Tin học và Công nghệ như: Toán, Lý và Công nghệ (A0C); Toán, Lý và Tin học (A0T); Toán, Hóa và Công nghệ (B0C); Toán, Tiếng Anh và Công nghệ (D0C).

Theo Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, việc nhà trường áp dụng nhiều tổ hợp có chứa môn Tin học và Công nghệ để xét tuyển, do môn Tin học gồm 2 định hướng (Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính); môn Công nghệ giúp học sinh hình thành các năng lực như: nhận thức, giao tiếp, ứng dụng, đánh giá công nghệ, thiết kế kỹ thuật,… đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục STEM. Do đó, việc đưa các môn này vào tổ hợp xét tuyển là phù hợp với yêu cầu của một số lĩnh vực đào tạo chính của nhà trường như Công nghệ, Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng dự kiến đưa môn Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển trong năm 2025. Đồng thời, trường sẽ loại bỏ các tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, do không còn phù hợp với cấu trúc môn thi mới.

Điều này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh định hướng theo đuổi các ngành học hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Việc này không chỉ mở rộng lựa chọn mà còn trang bị cho thí sinh nền tảng vững chắc hơn khi bước vào giảng đường đại học.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng cho biết, mặc dù nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng việc đưa hai môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển là rất phù hợp với chương trình phổ thông 2018 và các ngành “mũi nhọn” của trường.

“Môn Tin học và Công nghệ là nền tảng quan trọng cho các ngành liên quan tới công nghệ. Việc tập trung vào những môn này không chỉ giảm áp lực học tập mà còn giúp thí sinh đạt kết quả tốt hơn, phù hợp với sở trường và định hướng nghề nghiệp. Điều này sẽ cải thiện đáng kể chất lượng đầu vào, đặc biệt là các ngành như Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô hay Điện - Điện tử”, thầy Song chia sẻ.

Ngoài ra, theo vị Hiệu trưởng, những ngành học liên quan tới công nghệ đòi hỏi sinh viên phải có sự chuẩn bị tốt về tư duy toán học, khả năng lập trình và kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Khi tổ hợp xét tuyển này được triển khai, thí sinh sẽ có cơ hội tập trung hơn vào các môn học “mũi nhọn”, từ đó, giảm bớt áp lực từ các môn không liên quan. Điều này cũng tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu, đồng thời xây dựng đội ngũ sinh viên chất lượng hơn.

Trường đại học và trường phổ thông cần phối hợp phổ biến thông tin về các tổ hợp xét tuyển mới

Tính đến thời điểm hiện tại, hai môn Tin học, Công nghệ đã được dự kiến bổ sung vào các tổ hợp xét tuyển của một số trường đại học.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trước khi học sinh được đăng ký tổ hợp thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức, nhiều trường học và địa phương đã tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn của học sinh. Theo đó, tính đến tháng 12/2024, ở nhiều trường vẫn chưa có nhiều thí sinh lựa chọn các tổ hợp có hai môn Tin học và Công nghệ. [1]

Để khắc phục tình trạng này, cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của các trường phổ thông để đẩy mạnh hiệu quả giảng dạy hai môn học này, thông qua đó, góp phần thay đổi định hướng của học sinh phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn bày tỏ, việc đánh giá và điều chỉnh chương trình giảng dạy, đồng thời, nâng cao chất lượng giáo viên Tin học và Công nghệ ở bậc phổ thông là nhiệm vụ cần được ưu tiên, để đạt hiệu quả tối ưu.

“Hiện tại, việc dạy và học môn Tin học, Công nghệ ở bậc phổ thông mới chỉ dừng lại chỉ ở mức cơ bản. Nếu được đầu tư và phát triển hơn, đây sẽ là nền tảng quan trọng, giúp mỗi học sinh khi bước vào giảng đường đại học có được công cụ hữu ích để nắm bắt kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn. Những điều chỉnh này có thể bao gồm nâng cao nội dung học tập, cập nhật công nghệ mới và đầu tư vào cơ sở vật chất, như các phòng máy hiện đại hơn...”, thầy Sơn đề cập.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Đồng thời, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn bày tỏ kỳ vọng: “Nhà trường hy vọng rằng, môn Tin học, Công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chuẩn bị hành trang cho học sinh phổ thông bước vào đại học.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và trường phổ thông trong việc phổ biến thông tin về các tổ hợp xét tuyển mới, đảm bảo học sinh cũng như phụ huynh hiểu rõ và chuẩn bị kịp thời. Điều này không chỉ giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn mở ra nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

Với những thay đổi này, các trường đại học kỳ vọng sẽ lựa chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học khẳng định vị thế của mình trong việc đào tạo các ngành công nghệ “mũi nhọn”, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/khao-sat-mon-thi-tot-nghiep-nhieu-truong-tin-hoc-cong-nghe-khong-hs-nao-chon-post247752.gd

Anh Tú