Cùng đào tạo vi mạch bán dẫn, điểm chuẩn và học phí ở các trường có sự khác biệt

14/01/2025 06:28
An Vy

GDVN - Theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, điểm chuẩn các ngành về vi mạch bán dẫn ở mức cao so với các ngành khác trong hệ đại học chính quy.

Lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang dần trở thành một lĩnh vực hot trong xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Với sự gia tăng nhu cầu về các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng này và mở rộng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, bao gồm các ngành và chuyên ngành như công nghệ vi mạch bán dẫn, thiết kế vi mạch, kỹ thuật bán dẫn,...

Nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các ngành học liên quan đến vi mạch bán dẫn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và tổng hợp điểm chuẩn, học phí năm học 2024-2025 của một số ngành thuộc lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, năm 2024 là năm đầu tiên nhà trường đào tạo ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn và tuyển sinh với 50 chỉ tiêu.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh với 4 phương thức sau:

Phương thức 1 là dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp trung học phổ thông kết hợp phỏng vấn.

Phương thức 3 là xét tuyển thẳng theo đề án của trường.

Phương thức 4 là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển theo quy định của từng ngành đào tạo và điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có).

Theo đó, mức điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2024 theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn là 25,01 điểm (trên thang điểm 30). Đặc biệt, đây là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất so với các ngành khác trong cùng hệ đại học chính quy của nhà trường.

diem-chuan-dh-khcn-hn-8579.png
Điểm chuẩn ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn năm 2024 hệ đại học chính quy của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Ngoài ra, ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn theo chương trình chuẩn có mức học phí năm học 2024-2025 khoảng 53.000.000 đồng/năm, tương đương khoảng 212.000.000 đồng cho toàn khóa học.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Phenikaa, nhà trường tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với tổng 150 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 21 điểm (theo thang điểm 30).

diem phenikaa.png
Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của Trường Đại học Phenikaa. (Ảnh chụp màn hình)

Đối với chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, nhà trường áp dụng các phương thức tuyển sinh sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa, chiếm 5-10% tổng chỉ tiêu;

Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, chiếm 40-60% tổng chỉ tiêu;

Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ trung học phổ thông, chiếm 30-40% tổng chỉ tiêu;

Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, chiếm 5-10% tổng chỉ tiêu.

Năm học 2024 - 2025, học phí chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo chương trình chuẩn của Trường Đại học Phenikaa là 46.200.000 đồng/năm, tương đương với 184.800.000 đồng/toàn khóa.

Đặc biệt, đối với sinh viên khóa 18, nhập học năm 2024 tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn đúng hạn đạt loại Khá trở lên, nhà trường cam kết hỗ trợ việc làm cho sinh viên.

Còn theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, nhà trường tuyển sinh chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông với tổng 60 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 26.31 điểm (theo thang điểm 30).

bk đn.png
Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng ở mức cao. (Ảnh chụp màn hình)

Về phương thức tuyển sinh chuyên ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch, nhà trường áp dụng 6 phương thức sau: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường; xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (xét tuyển học bạ); xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông;xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Bên cạnh đó, học phí chuyên ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch năm học 2024-2025 theo chương trình chuẩn thuộc nhóm ngành 2 với mức 28.700.000 đồng/năm, tương đương 114.800.000 đồng/toàn khóa.

Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng, nhà trường tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính với tổng 60 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 27 điểm (theo thang điểm 30).

Đặc biệt, chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong tất cả các ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng ở tất cả các phương thức tuyển sinh.

diem-chuan-truong-dh-cntt-tt-viet-han-3478.png
Điểm chuẩn chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 hệ đại học chính quy của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Về phương thức tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, nhà trường áp dụng 5 phương thức sau:

Phương thức 1 là xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, nhà trường xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh); D90 (Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên).

Phương thức 2 là xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ). Trong đó, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển với điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Phương thức 3 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Theo đó, điểm chuẩn chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn của phương thức này là 700 điểm (thang điểm 1200).

Phương thức 4 là xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh đối với thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi hoặc tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế,...

Năm học 2024 - 2025, học phí chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn theo chương trình chuẩn của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng là 16.400.000 đồng/năm, tương đương với 65.600.000 đồng/toàn khóa.

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch với 100 chỉ tiêu.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường áp dụng các phương thức tuyển sinh đối với ngành Thiết kế vi mạch như sau:

Phương thức 1 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ giáo dục và Đào tạo; xét ưu tiên, xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường trung học phổ thông năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, năng khiếu, trường trong danh sách ưu tiên năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Phương thức 3 là xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực, thành tích cá nhân và hoạt động văn thể mỹ, đóng góp xã hội.

Theo đó, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển tổng hợp năm 2024 của ngành Thiết kế vi mạch là 80,03 điểm (theo thang điểm 90).

diem-chuan-truong-dh-bach-khoa-hcm-2276.png
Điểm chuẩn ngành Thiết kế Vi mạch theo phương thức xét tuyển tổng hợp chương trình tiêu chuẩn của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. (Ảnh: Website nhà trường)

Về học phí, nhà trường thu theo từng học kỳ, với số tín chỉ tối đa là 17 tín chỉ mỗi học kỳ. Trong năm học 2024-2025, mức học phí của chương trình tiêu chuẩn ngành Thiết kế vi mạch là 29.000.000 đồng/năm và sẽ tăng dần theo từng năm, tổng cộng khoảng 123.500.000 đồng cho toàn khóa học.

Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 2 ngành: Công nghệ bán dẫn và Thiết kế vi mạch đều thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Cụ thể, ngành Công nghệ bán dẫn nằm trong nhóm ngành Vật lý học, Công nghệ Vật lý điện tử và Tin học, Công nghệ bán dẫn; ngành Thiết kế vi mạch nằm trong nhóm ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Thiết kế vi mạch của nhà trường.

Đồng thời, năm 2024 cũng đánh dấu lần đầu tiên nhà trường triển khai đào tạo hai ngành học mới này. Trong năm học đầu tiên, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công nghệ bán dẫn là 50 chỉ tiêu, ngành Thiết kế vi mạch là 60 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn hệ đại học chính quy ngành Công nghệ bán dẫn theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25,10 điểm (thang điểm 30); ngành Thiết kế vi mạch là 25,90 điểm (thang điểm 30).

cong-nghe-ban-dan-truong-dh-khtn-hcm-148.png
thiet-ke-vi-mach-truong-dh-khtn-hcm-8695.png
Điểm chuẩn ngành Thiết kế vi mạch theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Về phương thức tuyển sinh, nhà trường áp dụng các phương thức sau:

Phương thức 1 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức này chiếm tỉ lệ từ 1-5% tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.

Phương thức 2 là xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác hoặc xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo. Phương thức này chiếm tỉ lệ từ 10-20% tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.

Phương thức 3 là xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này chiếm tỉ lệ từ 15-40% tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.

Phương thức 4 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Phương thức này chiếm tỉ lệ từ 45-55% tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.

Trong đó, năm 2024, điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức của 2 ngành Công nghệ bán dẫn và Thiết kế vi mạch lần lượt là 840 điểm; 910 điểm (thang điểm 1200).

Phương thức 5 là xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế (dành cho thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình nước ngoài). Phương thức này chiếm tỉ lệ từ 1-2% tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.

Ngoài ra, học phí năm học 2024-2025 được quy định theo quy định của Nhà nước và đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngành Công nghệ bán dẫn thuộc khối ngành IV và có mức học phí năm học 2024-2025 theo chương trình chuẩn là 30.400.000 đồng/năm và sẽ tăng dần theo từng năm học, khoảng 146.600.000 đồng/toàn khóa.

Còn ngành Thiết kế vi mạch thuộc khối ngành V, mức học phí năm học 2024-2025 theo chương trình chuẩn là 31.000.000 đồng/năm và sẽ tăng dần theo từng năm học, khoảng 152.500.000 đồng/toàn khóa.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Thiết kế Vi mạch với tổng 100 chỉ tiêu. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên nhà trường đưa ngành học này vào chương trình đào tạo.

8 phương thức xét tuyển nhà trường sử dụng để tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; Ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.

Theo đó, điểm chuẩn ngành Thiết kế vi mạch dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 26,5 điểm (thang điểm 30).

Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển (xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024), điểm chuẩn ngành Thiết kế vi mạch là 910 điểm (thang điểm 1200).

hoc phi dh cntt.png
Học phí ngành Thiết kế vi mạch của Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khoảng toàn khóa. (Ảnh chụp màn hình)

Về học phí, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quy định mức học phí ngành Thiết kế vi mạch năm học 2024-2025 theo chương trình chuẩn là 32.800.000 đồng/năm và sẽ tăng dần theo từng năm, khoảng 156.600.000 đồng cho toàn khóa học.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh chuyên ngành Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch (thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông) với 120 chỉ tiêu cho chương trình đại học chính quy, giảng dạy bằng tiếng Việt.

Điểm chuẩn trúng tuyển chuyên ngành này dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 25,95 điểm (thang điểm 30).

Về phương thức tuyển sinh, nhà trường áp dụng các phương thức sau:

Phương thức 1 là xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải quốc gia.

Phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh; giải Khuyến khích hoặc giải 4 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia; xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, top 200; điểm SAT quốc tế hoặc xét tuyển học sinh do ban giám hiệu trường liên kết giới thiệu.

Phương thức 3 là xét tuyển bằng điểm học bạ trung học phổ thông đối với thí sinh tốt nghiệp trong 3 năm 2022, 2023 và 2024.

Phương thức 4 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Phương thức 5 là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 và đợt 2 năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, điểm chuẩn chuyên ngành Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch (thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông) dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 25,5 điểm (thang điểm 30).

Ngoài ra, chuyên ngành Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch thuộc nhóm ngành 3 với mức học phí năm học 2024-2025 theo chương trình chuẩn là 869.000 đồng/tín chỉ. Với tổng số 150 tín chỉ trong toàn khóa học, học phí dự kiến khoảng 130.350.000 đồng/toàn khóa.

Năm 2024, Trường Đại học Cần Thơ triển khai đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật máy tính, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 90 chỉ tiêu.

Theo Đề án tuyển sinh, nhà trường tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch theo các phương thức sau:

Phương thức 1 là tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Phương thức 2 là xét tuyển dựa vào điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Phương thức 3 là xét tuyển bằng điểm của học bạ trung học phổ thông.

Phương thức 4 là xét tuyển bằng điểm của kỳ thi V-SAT.

diem-chuan-dh-can-tho-8276.png
Điểm chuẩn theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của Trường Đại học Cần Thơ ở mức cao. (Ảnh: Website nhà trường)

Bên cạnh đó, điểm chuẩn chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn năm 2024 của Trường Đại học Cần Thơ theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 24,28 điểm (thang điểm 30). Theo phương thức xét tuyển bằng điểm của kỳ thi V-SAT, điểm chuẩn chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là 321 điểm (thang điểm 450).

Ngoài ra, mỗi năm học được chia thành 2 học kỳ chính và 1 học kỳ phụ. Học phí được tính dựa trên số lượng tín chỉ mà sinh viên đăng ký trong từng học kỳ, với mức phí mỗi tín chỉ xác định theo bình quân của từng năm học. Tổng học phí ước tính theo chương trình chuẩn khoảng 14.450.000 đồng/năm, tương đương khoảng 57.800.000 đồng cho toàn khóa học.

An Vy