Đề kiểm tra THCS, THPT có đổi mới, lãnh đạo trường mong có ngân hàng đề chung

25/12/2024 09:13
Ngọc Huyền

GDVN - Nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ngân hàng đề thi tập trung, tổng hợp từ các Sở và các cơ sở giáo dục.

Ngày 17/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH quy định kiểm tra, đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số theo quy định tại Thông tư 22/2021-TT/BGDĐT.

Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp trung học phổ thông sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm).

Phần trắc nghiệm khách quan với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng - sai và trả lời ngắn. Với những môn học không có dạng câu hỏi “trả lời ngắn”, toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng “đúng - sai”. Mức độ nhận thức đề kiểm tra sẽ có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng.

Đại diện các cơ sở giáo dục nhận định rằng, thay đổi cấu trúc đề kiểm tra sẽ giúp học sinh “học thật - thi thật”. Tuy nhiên, với những người ra đề, ban đầu sẽ gặp nhiều thách thức.

Thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ là phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỏ Trạng (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Hiện tại, nhà trường đang trong quá trình nghiên cứu và phân tích các yêu cầu của cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới. Theo nhận định ban đầu, các giáo viên trong trường đều đồng thuận rằng, việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn phù hợp”.

Ảnh.png
Ma trận đề kiểm tra định kỳ. Ảnh chụp màn hình.

Nữ hiệu trưởng bày tỏ, khi đề kiểm tra chia ra 40% câu hỏi nhận biết, 30% câu hỏi thông hiểu và 30% câu hỏi vận dụng, học sinh sẽ phải thay đổi cách học nếu muốn đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, việc dành ra 3/10 điểm cho phần tự luận cũng giúp phân loại học sinh dễ dàng.

“Trước đây, với cách kiểm tra, đánh giá cũ, giáo viên ngoài việc giảng dạy cho học sinh hiểu, còn hướng dẫn các em một số cách khoanh trắc nghiệm nhanh. Thậm chí, nhiều học sinh tự mày mò, học trên mạng các ‘mẹo’ có sẵn, nhằm khoanh ‘lụi’ mà không thực sự chú tâm vào việc trả lời câu hỏi.

Nhưng với dạng cấu trúc đề kiểm tra mới, với phần tự luận, học sinh không thể làm mẹo mà phải sử dụng tư duy để viết ra lập luận. Sự thay đổi này là đúng đắn, giúp các em nhận thức được mình phải “học thật - thi thật”, học để hiểu, để tư duy và trình bày được trên mặt giấy”, cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hướng thay đổi phù hợp cho cấu trúc đề kiểm tra định kỳ cấp trung học phổ thông.

Với những môn học không có dạng câu hỏi ‘trả lời ngắn’, toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng ‘đúng - sai’. Tôi cho rằng, thay đổi này sẽ giúp đánh giá học sinh một cách toàn diện, rõ ràng hơn. Học sinh không thể vượt qua bài kiểm tra bằng các ‘mẹo khoanh bừa’, mà buộc phải học kỹ để làm được”.

le-thai-phi-4151.jpg
Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá mới có tính phân loại rõ rệt, với 40% câu hỏi ở mức độ nhận diện, 30% thông hiểu và 30% câu hỏi vận dụng. Về điều này, thầy Phi cho biết, các giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên đã dạy theo hướng trên, nhằm phân loại học lực học sinh, giúp các em hiểu được với học lực của mình đang ở mức nào, nên hoàn thành phần nào trong đề kiểm tra trước. Phương pháp giảng dạy này đặc biệt áp dụng với học sinh cuối cấp.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng nhận định, cấu trúc đề kiểm tra mới khá sát với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, học sinh sẽ có nhiều thuận lợi trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức.

Chia sẻ về những thay đổi mới trong cấu trúc đề kiểm tra định kỳ cấp trung học phổ thông, cô Huỳnh Thị Hoà Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 1 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đánh giá: “Những thay đổi này sẽ giúp đề kiểm tra sát hơn với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh giá chính xác khả năng của học sinh.

Tuy nhiên, để thích ứng với cấu trúc đề kiểm tra mới, học sinh phải chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Các em không thể chỉ 'học vẹt' như trước, mà phải hiểu những gì mình học và nhận diện đúng các dạng thức câu hỏi, lựa chọn phương án trả lời chính xác”.

Cũng theo cô Bình, với học sinh, kỹ năng và tư duy rất quan trọng. “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy cô giáo không chỉ dạy học sinh để hiểu biết, mà còn để xử lý thông tin và tình huống một cách linh hoạt. Điều này sẽ càng thêm hiệu quả khi áp dụng cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới.

Cụ thể, với 2 phần rõ rệt là trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận chiếm 3/10) điểm, học sinh sẽ học bao quát kiến thức nếu muốn trả lời được các câu trắc nghiệm. Bên cạnh đó, học sinh cũng được rèn luyện kỹ năng tư duy qua phần tự luận.

Dạng thức câu hỏi ‘đúng - sai’ được tăng cường trong các đề kiểm tra của môn học không có dạng câu hỏi ‘trả lời ngắn’, muốn làm được dạng này, học sinh phải nắm kỹ kiến thức để phân biệt các chi tiết sai lệch rất nhỏ trong câu hỏi” - nữ hiệu trưởng phân tích thêm.

Cô Bình cũng bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng học sinh sau khi áp dụng hình thức kiểm tra, đánh giá mới: “Tôi rất tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Dù đây là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia kỳ thi tốt nghiệp, nhưng với nền tảng vững chắc từ chương trình hiện hành và các điều chỉnh phù hợp, tôi tin rằng, các em sẽ đạt được kết quả tốt”.

Giáo viên sẽ gặp khó trong thời gian đầu xây dựng đề theo cấu trúc mới

Việc thay đổi ma trận đề có thể làm cho giáo viên gặp khó, nhất là trong giai đoạn đầu làm quen với ma trận mới, cấu trúc mới.

cô Hoà Bình Lạng Giang số 1.jpg
Cô Huỳnh Thị Hoà Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 1. Ảnh: NVCC

Cô Huỳnh Thị Hoà Bình chia sẻ: “Việc nghiên cứu và thay đổi đề kiểm tra được nhà trường triển khai ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo. Các tổ chuyên môn đã họp để phân tích ma trận, cấu trúc đề kiểm tra được đính kèm, từ đó đưa ra phương án giảng dạy, xây dựng ngân hàng đề và hướng dẫn học sinh làm quen với cấu trúc đề mới”.

Khi được hỏi về khó khăn trong việc thay đổi cách ra đề, cô Bình cho hay: “Chắc chắn sẽ có khó khăn. Các thầy cô đang quen với cách ra đề cũ, vì vậy phải mất thời gian để phân tích và xây dựng bộ đề mới. Việc đổi mới luôn đụng phải vấn đề về sự thống nhất trong tổ bộ môn, không thể để mỗi người hiểu và triển khai một cách khác nhau”.

Cô Bình nhấn mạnh, giáo viên phải hiểu rõ bản chất của cấu trúc đề trước khi triển khai cho học sinh. Các tổ bộ môn cần thống nhất về bộ câu hỏi và đề thi, đồng thời hướng dẫn học sinh tiếp cận để các em làm quen dần với yêu cầu mới.

Cũng có băn khoăn về quá trình xây dựng đề kiểm tra định kỳ, thầy Lê Thái Phi chia sẻ: “Cấu trúc đề kiểm tra theo Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn sẽ kết hợp cả 2 hình thức đánh giá tự luận và trắc nghiệm, giúp đảm bảo độ tin cậy khi đánh giá thực lực học sinh. Sự thay đổi này rất tốt cho học sinh; tuy nhiên, lại gây một số khó khăn ban đầu cho giáo viên trong việc ra đề và chấm bài.

Giáo viên sẽ vất vả khi phải ra đề cả 2 dạng tự luận và trắc nghiệm. Bên cạnh đó, lại phải cân đối tỷ lệ các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng theo đúng yêu cầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn đầu, giáo viên từng bộ môn sẽ phải dành thời gian nghiên cứu, làm sao cho ra bộ đề đáp ứng yêu cầu cấu trúc, đồng thời phù hợp với đặc điểm riêng của môn mình phụ trách.

Đứng trước bất kỳ sự thay đổi nào, giáo viên cũng sẽ gặp khó khi tiếp cận. Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên đang trong quá trình nghiên cứu cấu trúc đề, đồng thời tham gia các lớp tập huấn mà Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bên cạnh đó, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ngân hàng đề thi tập trung, tổng hợp từ các Sở và các cơ sở giáo dục. Điều này sẽ thuận tiện cho giáo viên trong việc tham khảo tài liệu và xây dựng các bài kiểm tra định kỳ, giúp việc dạy và ôn tập cho học sinh dễ dàng hơn”.

Đồng tình với chia sẻ trên, cô Hoàng Thị Hạnh cũng bày tỏ: “Chắc chắn, khi đứng trước những thay đổi, các thầy cô giáo sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng đây là nhiệm vụ, cần phải thực hiện. Lần ra đề kiểm tra đầu tiên, cả thầy và trò có thể chưa quen. Nhưng từ lần thứ hai trở đi, sẽ bắt đầu 'thích nghi' và cảm thấy gần gũi, dễ thực hiện hơn.

Thứ nhất, giáo viên phải tư duy để các phần trong bài kiểm tra theo đúng tỷ lệ, mức độ phân loại mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu. Thứ hai, giáo viên cần định hướng học sinh học tập toàn diện, trả lời đúng dạng thức câu hỏi trong đề. Đây là hai nhiệm vụ mà các thầy, cô giáo cần thực hiện. Tuy có vất vả, nhưng khi ra đề theo cấu trúc mới này, tôi cho rằng, học sinh sẽ đạt kết quả tốt hơn so với dạng kiểm tra cũ”.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới của Trường Trung học phổ thông Mỏ Trạng, cô Hoàng Thị Hạnh bày tỏ, nhà trường đang gửi văn bản để các thầy cô trong trường nghiên cứu trước. Sau đó, khi kỳ kiểm tra cuối học kỳ I kết thúc, sẽ triển khai xây dựng cấu trúc đề kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, nữ hiệu trưởng cho biết, nhà trường rất mong muốn có thêm hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Đây mới là thông tin khái quát, bởi với mỗi môn, mức độ nhận thức và cách đánh giá năng lực học sinh sẽ khác nhau. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn chi tiết về đề kiểm tra với từng môn cụ thể, để các trường dễ dàng áp dụng và thực hiện”.

Ngọc Huyền