Khả năng nhận diện sách giáo khoa giả, sách in lậu còn hạn chế

29/12/2024 07:26
Khánh Hòa

GDVN- Cần tăng cường đẩy mạnh công nghệ trong việc chống sách giả, sách lậu bằng cách sử dụng tem chống chống giả và mã QR.

Mánh khóe trong việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách in lậu đang ngày càng tinh vi và biến hóa muôn hình vạn trạng khiến độc giả khó phát hiện. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số phát triển, sách giả đã xuất hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội… nhằm dễ tiếp cận hơn với phụ huynh, học sinh.

Sách in lậu ngày càng được sản xuất tinh vi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hưng (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: "Tính đến nay, nhà trường chưa từng ghi nhận trường hợp nào mua phải sách giáo khoa giả, sách giáo khoa in lậu. Nhà trường thường đăng ký mua sách giáo khoa với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Giang từ cuối tháng 3 của năm học trước, để chuẩn bị cho năm học tiếp theo, nên học sinh đều được hỗ trợ mua sách tại trường.

Khi mua sách giáo khoa tại trường, phụ huynh, học sinh sẽ yên tâm về chất lượng sách, tránh được tình trạng mua nhầm phải sách giả, sách kém chất lượng. Trường hợp mua ngoài cửa hàng, có thể không thể kiểm soát được nội dung cũng như chất lượng sách”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hưng (Hưng Yên). Ảnh NVCC.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hưng (Hưng Yên). Ảnh NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết: “Sách giáo khoa là tài liệu học tập chính thống, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy và học tập. Việc sách giả xuất hiện với nội dung sai lệch, chất lượng in ấn kém sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình học của cả học sinh cũng như giáo viên.

Việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách in lậu làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước, gây thiệt hại cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành chính thống. Những đơn vị này phải đầu tư rất nhiều vào quá trình biên soạn, in ấn, phân phối sách. Nếu sách giả được bán rẻ, chiếm thị phần nhiều hơn trên thị trường, sẽ gây ra tổn thất lớn về kinh tế; đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của độc giả.

Sản xuất, buôn bán sách giả, sách lậu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các quy định của pháp luật về xuất bản. Tình trạng, sách giả, lậu tồn tại và diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong thời gian qua khiến việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng hành vi gian lận thương mại và lừa đảo người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, việc sách giả, sách lậu được tiêu thụ rộng rãi sẽ làm giảm niềm tin của xã hội vào hệ thống xuất bản, tạo ra tiền lệ xấu trong việc chấp nhận sản phẩm kém chất lượng”.

Lý giải về nguyên nhân học sinh, phụ huynh mua nhầm phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, cô Nguyệt cho rằng: “Thứ nhất, sách giả, sách lậu được bán giá rẻ hơn rất nhiều so với sách giáo khoa từ nguồn chính thống. Bị đánh trúng nhu cầu “tiện lợi, kinh tế”, không ít phụ huynh, học sinh có tâm lý tiết kiệm chi phí, đã mua nhầm phải loại sách giáo khoa giả.

Thứ hai, khả năng nhận diện sách giả, sách lậu còn hạn chế. Sách in lậu ngày càng được sản xuất tinh vi, từ chất lượng in ấn, bìa sách, cho đến nội dung bên trong, khiến phụ huynh và học sinh khó phân biệt. Nhiều người chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để nhận diện vì sách lậu trông khá giống với sách thật.

Thứ ba, trong thời đại công nghệ số, các sàn thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm thông dụng, phổ biến, nên người tiêu dùng mua sắm dễ dàng hơn. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trên các nền tảng này chưa thực sự chặt chẽ, người bán sách lậu dễ dàng đăng tải sản phẩm với hình ảnh sách thật và mức giá hấp dẫn, khiến người mua dễ bị đánh lừa.

Không chỉ vậy, các kênh bán sách giáo khoa giả thường giao hàng với tốc độ nhanh, không yêu cầu nhiều thủ tục. Đôi khi, học sinh cần tài liệu học tập gấp, nên đã lựa chọn mua hàng trực tuyến, không kiểm tra kỹ lưỡng đến chất lượng.

Thứ tư, một số phụ huynh và học sinh chưa nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng sách lậu, như sai lệch nội dung, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và vi phạm pháp luật. Họ thường chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt về chi phí, mà bỏ qua giá trị lâu dài”.

Đẩy mạnh công nghệ trong việc chống sách giả, sách lậu

Theo cô Hoàng Thị Minh Nguyệt, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, lậu, cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện từ nhiều phía: nhà trường, phụ huynh, học sinh, cơ quan chức năng và cả xã hội.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở in ấn, phát hành và kinh doanh sách, đặc biệt tại các địa điểm tình nghi buôn bán sách giả. Khi phát hiện, những cơ sở sản xuất, buôn bán sách giả, lậu, cần áp dụng chế tài mạnh hơn, không chỉ phạt hành chính, cần truy cứu trách nhiệm hình sự với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Cùng với đó, các nền tảng thương mại điện tử phải phối hợp với cơ quan chức năng nhằm giám sát nguồn gốc sách và xóa bỏ các gian hàng bán sách giả, sách kém chất lượng.

Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh công nghệ trong việc chống sách giả, sách lậu bằng cách sử dụng tem chống chống giả và mã QR. Các nhà xuất bản cần áp dụng công nghệ tem chống giả hiện đại hoặc mã QR xác thực để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và tính xác thực của sách.

Với việc số hóa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, cần đẩy mạnh phát triển các phiên bản sách điện tử chính thống để học sinh, phụ huynh dễ dàng tiếp cận nguồn sách chất lượng mà không lo bị làm giả.

Thứ ba, nhà trường, các tổ chức xã hội và truyền thông cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của sách lậu, giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn, việc mua sách giả là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, làm suy giảm chất lượng trong môi trường giáo dục. Đồng thời, cần hướng dẫn phân biệt sách thật và sách giả như: tem chống giả, chất lượng in ấn, bìa sách, logo nhà xuất bản…

Thứ tư, các nhà xuất bản cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của nhà xuất bản và người tiêu dùng. Việc đẩy mạnh quảng bá sách chính hãng, mở rộng các kênh phân phối sách chất lượng đến tay người đọc một cách nhanh chóng, tiện lợi là điều rất cần thiết.

Cuối cùng, nhà trường phải trang bị đầy đủ sách giáo khoa và sách tham khảo chính hãng, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với sách thật.

co-Nguyet-2.jpg
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San (Nam Định). Ảnh NVCC.

Để hạn chế tình trạng phụ huynh, học sinh mua phải sách giả, sách lậu cô Nguyệt cho biết thêm, học sinh nên thực hiện việc đăng ký mua sách giáo khoa tại trường. Khi nhà trường cung cấp sách giáo khoa, nguồn sách được lấy từ các đơn vị phát hành sách uy tín. Điều này giúp phụ huynh, học sinh tránh mua phải sách giáo khoa giả, lậu với nội dung sai lệch hoặc chất lượng in ấn kém, đảm bảo kiến thức học tập chính xác và đầy đủ. Ngoài ra, phụ huynh tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, xếp hàng khi mua sách tại các cửa hàng, nhà sách.

Bên cạnh đó, nhà trường cung cấp sách giáo khoa theo chương trình học chính thức và phù hợp với từng khối lớp, đảm bảo sự đồng bộ về nội dung giảng dạy, học tập. Học sinh trong cùng một lớp, một trường sẽ sử dụng chung một bộ sách, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Cùng bàn về giải pháp chung tay đẩy lùi tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu, cô Nguyễn Thị Thanh Mai cũng cho biết, trước mỗi năm học, Trường Tiểu học Long Hưng đều đăng tải danh mục sách giáo khoa của từng khối lớp lên cổng thông tin điện tử của nhà trường, cũng như thống nhất với phụ huynh để mua sách cho học sinh.

Không chỉ vậy, nhà trường thường xuyên tuyên truyền để phụ huynh, học sinh hiểu và nhận thức đúng đắn trong việc lựa chọn sách giáo khoa thật, tránh tình trạng mua nhầm sách không đảm bảo phục vụ học tập. Việc sử dụng sách giáo khoa từ nguồn chính thống góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và nâng cao chất lượng học tập.

Khánh Hòa