Thêm tổ hợp xét tuyển có môn GD Kinh tế & pháp luật mở nhiều cơ hội cho thí sinh

31/12/2024 06:34
Ngọc Huyền

GDVN- Đưa môn GD Kinh tế và pháp luật vào tổ hợp xét tuyển sẽ thu hút nhiều thí sinh, đồng thời tuyển chọn được thí sinh có nền tảng tốt, phù hợp với ngành học.

Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra với 4 môn thi, bao gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Một số cơ sở giáo dục đại học cũng đã nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh.

Đáp ứng yêu cầu đầu vào của ngành học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh, mà còn giúp học sinh vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng vào đời sống.

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật với nội dung cơ bản về kinh tế, pháp luật, sẽ rất phù hợp trong việc định hướng cho học sinh theo học các ngành nghề kinh tế, hành chính và pháp luật. Vì vậy, nhà trường dự kiến bổ sung vào tổ hợp xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực Kinh doanh - quản lý”.

t100204.jpg
Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Được biết, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bổ sung tổ hợp xét tuyển D0G (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật) - đây là 1 trong 5 tổ hợp mới dự kiến được sử dụng xét tuyển trong mùa tuyển sinh tới đây.

Theo công bố về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2025, sẽ có 11 ngành/chương trình đào tạo dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D0G, bao gồm: Kinh tế đầu tư, Quản trị kinh doanh, Marketing, Phân tích dữ liệu kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kế toán (chương trình đào tạo bằng tiếng Anh), Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cho biết: “Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp xét tuyển sau khi phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng về môn học. Thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn học này, có thể đã có định hướng cho mình, hướng tới các ngành phù hợp với lĩnh vực Kinh doanh - quản lý của nhà trường”.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang chia sẻ: “Năm 2025 là một năm đặc biệt, khi lứa thí sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trường Đại học Nha Trang nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, đặc biệt, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, giúp học sinh có khả năng thích nghi tốt hơn với môi trường đào tạo ở đại học.

Chính vì vậy, việc đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp xét tuyển đại học ở cả phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp, sẽ giúp các thí sinh linh hoạt lựa chọn ngành, phù hợp với xu thế mới; từ đó, tăng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đặc biệt, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có thể cung cấp năng lực, kiến thức cơ bản về kinh doanh, quản lý và hiểu biết pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu về nền tảng ngành học”.

Mới đây, Trường Đại học Nha Trang công bố danh mục ngành và phương thức xét tuyển năm 2025. Theo đó, một trong các tổ hợp xét tuyển vào của các ngành/chương trình đào tạo thuộc nhóm ngành Kinh tế, Kinh doanh, Xã hội nhân văn là Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Với các ngành/chương trình đào tạo thuộc nhóm ngành Kinh tế, Kinh doanh, Xã hội nhân văn, kiến thức nền tảng về đạo đức, kinh tế, pháp luật là vô cùng quan trọng. Do đó, ngay từ khâu tuyển sinh, Trường Đại học Nha Trang đã tiến hành "chọn lọc" bằng cách bổ sung tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Đặt nhiều kỳ vọng vào tổ hợp xét tuyển mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương chia sẻ: “Các ngành trên đều yêu cầu thí sinh có năng lực, hiểu biết cơ bản về kinh tế, pháp luật. Tôi mong rằng, các tổ hợp xét tuyển mới sẽ có mức điểm chuẩn trúng tuyển phù hợp với năng lực thực sự của thí sinh, giúp nâng cao chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo

Đặc biệt, nhà trường kỳ vọng, sẽ lựa chọn được những nhóm thí sinh có năng lực tốt, có nền tảng kiến thức đáp ứng được chất lượng ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo mà trường đã và đang định hướng nghề nghiệp hiện nay".

Mở ra nhiều cơ hội xét tuyển cho học sinh

Năm 2025 là năm đầu tiên môn Giáo dục kinh tế và pháp luật được đưa vào các tổ hợp xét tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này sẽ tạo cơ hội cho nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tiến sĩ Thân Thanh Sơn chia sẻ: “Theo khảo sát sinh viên, các ngành/chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Do đó nguồn tuyển của nhà trường hằng năm thuộc top các trường có thí sinh đăng ký nhiều.

Năm tuyển sinh tới đây, khi kết hợp môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Toán và Ngữ văn tạo thành tổ hợp mới là D0G, nhà trường mong muốn sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh tham gia xét tuyển. Chưa kể, đây lại là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp. Vì vậy, nhà trường cần có tổ hợp mới này để có thể khảo sát số học sinh chọn môn học, từ đó đưa ra định hướng tuyển sinh phù hợp cho các năm tiếp theo”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn dự đoán, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển tổ hợp trên có thể chưa nhiều, do năm 2025 là năm đầu tiên áp dụng tổ hợp này. Dù vậy, nhà trường vẫn kỳ vọng chọn được thí sinh thực sự quan tâm đến ngành mà mình định hướng chọn và có năng lực/sở trường phù hợp với ngành, chương trình đào tạo của nhà trường.

Năm 2025, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp C14 (gồm Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Đánh giá về sự thay đổi trên, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tổ hợp C14 được lựa chọn vì môn Giáo dục kinh tế và pháp luật rất phù hợp với ngành Luật Kinh tế, dù trước đây nhà trường không xét tuyển bằng tổ hợp này.

Nhận thấy môn học trên giúp xây dựng nền tảng kiến thức cho thí sinh, Khoa Luật của trường đã đề nghị bổ sung tổ hợp C14, nhằm đảm bảo việc tuyển sinh sát với yêu cầu ngành học, đồng thời tăng cơ hội cho nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển”.

ad-4nxev7ioelouiuerdyggbzatkuvimm5umzwslihqnympvgcavjzu0uevjxw1alrvhj5hkrj7veiwc2syiah38y-75fyaqjjkd5htsj0-pyu9s2icgm1izh-6ty7ipr856j5raz2-hb6u7clul49d4b2yzl51l-7310.png
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhận định, việc đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp xét tuyển sẽ giúp con đường xét tuyển của thí sinh thêm “rộng mở”. Bởi, so với các tổ hợp khác, tổ hợp này đã có môn Toán và Ngữ văn đã là 2 môn bắt buộc, thí sinh chỉ cần tập trung thêm môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là đảm bảo đáp ứng, điều này sẽ giúp thí sinh giảm bớt áp lực.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn trên thực tế, số lượng thí sinh đăng ký các tổ hợp mới như C14 có thể vẫn còn hạn chế, một phần do các ngành liên quan đến luật ở Việt Nam hiện chưa thu hút thí sinh mạnh mẽ như các ngành kinh tế, kỹ thuật.

Ngoài ra, năm 2025 là năm đầu tiên các tổ hợp được điều chỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, thầy Sơn cho rằng, các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có thể sẽ thu hút được nhiều thí sinh đăng ký hơn từ năm 2026 trở đi.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ triển khai tổ hợp xét tuyển, hiện vẫn đang cân nhắc việc phân bổ chỉ tiêu cụ thể đối với mỗi ngành/chương trình đào tạo.

Ngọc Huyền