Đam mê khoa học vũ trụ, chàng trai giành học bổng tiến sĩ tại Đại học Paris Cité

23/01/2025 07:08
Tuệ Nhi

GDVN - Để chinh phục được học bổng du học nước ngoài, Hoàng Việt cho rằng, ứng viên cần lưu ý đến một số yếu tố quan trọng trong hồ sơ xét tuyển.

Trần Hoàng Việt (cựu sinh viên và cựu học viên thạc sĩ ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) hiện đang theo đuổi chương trình tiến sĩ ngành Vũ trụ học tại Đại học Paris Cité, Pháp.

"Mối duyên lành" đến với nước Pháp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trần Hoàng Việt hãnh diện chia sẻ về hành trình chinh phục học bổng tiến sĩ: "Theo quy định của Pháp thì nghiên cứu khoa học bậc tiến sĩ bắt buộc phải có tài trợ (funding) từ một bên nào đó, có thể là học bổng Chính phủ, công ty tư nhân hay tổ chức nào đó. Ngoài những nguồn này ra, hàng năm các trường tiến sĩ (các đơn vị quản lý nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ) tại Pháp sẽ được nhận từ 5-10 suất tài trợ này. Họ sẽ tổ chức một cuộc thi để chọn ra những ứng viên phù hợp. Đây là nơi tôi đã giành được học bổng tiến sĩ, cụ thể tôi đã ứng tuyển vào cuộc thi do trường tiến sĩ tại Đại học Paris Cité tổ chức".

Hoàng Việt cho biết thêm, ứng viên tham gia cuộc thi này sẽ trải qua 2 vòng là nộp hồ sơ và phỏng vấn. Vòng phỏng vấn rất căng thẳng do đây là cơ sở để đánh giá giữa những ứng viên đã được lựa chọn ở vòng trước.

Tại vòng này, ứng viên sẽ thực hiện một bài thuyết trình về quá trình học tập nghiên cứu và chủ đề nghiên cứu bậc tiến sĩ đang ứng tuyển. Điểm quan trọng là chủ đề nghiên cứu tiến sĩ là phải nắm được những vấn đề quan trọng, cũng như chứng minh tại sao nghiên cứu đó là thiết yếu cho hội đồng.

Chỉ vài ngày sau vòng phỏng vấn căng thẳng, Hoàng Việt vỡ òa trong hạnh phúc khi được thông báo đã trúng tuyển chương trình tiến sĩ.

Trước đó, Việt từng giành học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp dành cho chương trình Thạc sĩ M2 tại Pháp. Với học bổng này, Việt được hỗ trợ 860 euro/ tháng (gần 23 triệu đồng) trong vòng 12 tháng. Cùng với đó là được hỗ trợ về nhà ở và bảo hiểm.

Hoàng Việt lý giải: "NPAC là chương trình vật lý trình độ thạc sĩ về 4 phân ngành của vật lý hiện đại: Nuclear (vật lý hạt nhân), Particle (vật lý hạt), Astroparticle (vật lý hạt thiên văn) và Cosmology (vũ trụ học). Hướng giảng dạy của NPAC là đào tạo học viên trở thành những nhà nghiên cứu tương lai, đủ trình độ để tham gia vào các dự án hoặc thí nghiệm vật lý lớn trên toàn thế giới.

Mỗi năm, NPAC sẽ thu hút hơn 100 ứng viên đăng ký nhưng chỉ có khoảng 30 ứng viên được nhận. NPAC xét tuyển theo hình thức nộp hồ sơ và phỏng vấn. Về phỏng vấn, mục đích chính của Hội đồng xét tuyển là “đo” mức độ phù hợp của ứng viên với chương trình thông qua hồ sơ cung cấp, lý do dự tuyển, nguyện vọng theo học. NPAC có 4 hướng chính, nên khi ứng tuyển, ứng viên cần xác định rõ xem muốn theo phân nhóm nào".

Với học bổng tiến sĩ, Việt sẽ nhận được khoảng 1.700 euro/tháng (gần 50 triệu đồng) và được hưởng nhiều ưu đãi khác như chi phí đi lại, chi phí mua đồ dùng hỗ trợ nghiên cứu, chi phí thực hiện các chuyến đi hội nghị, hội thảo...

453736689_502071339032508_3219101390374408200_n.jpg
Hiện tại, Hoàng Việt đang theo đuổi chương trình tiến sĩ Vũ trụ học tại Đại học Paris Cité, Pháp. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành Vũ trụ học tại Đại học Paris Cité, Pháp, Hoàng Việt cho hay: "Sự thật là từ đầu, dù đã quyết định theo tiến trình cơ bản của sự nghiệp nghiên cứu sau cử nhân là thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng tôi không có dự định hay lựa chọn cụ thể một trường, một nước nào để theo học. Lựa chọn ngành Vũ trụ học tại Pháp đến một cách tự nhiên với tôi do những sự hợp tác của Khoa Vũ trụ và Ứng dụng cũng như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với các trường, tổ chức giáo dục tại Pháp.

Lần đầu tiên tôi có cơ hội tiếp cận với đất nước này là kỳ thực tập cử nhân tại Phòng thí nghiệm Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học tại Đại học Paris Cité. Hơn thế nữa, Pháp là một cường quốc về các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là Vật lý với những phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu danh tiếng, tham gia vào vô số những dự án tiên phong trên thế giới. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là quốc gia phù hợp để có thể trang bị kiến thức cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ với các nhóm nghiên cứu".

"Những thành công bước đầu này của tôi sẽ không thành hiện thực nếu như không chọn theo học Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh - ngành học được đánh giá khá lạ ở Việt Nam. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là nơi đã xây dựng nền móng, tạo cho tôi những cầu nối để mở rộng cánh cửa đến với những môi trường nghiên cứu mới".

Về chủ đề nghiên cứu tiến sĩ, Việt bật mí, bản thân sẽ làm việc trong dự án vệ tinh nghiên cứu vũ trụ học LiteBIRD, được thực hiện với sự hợp tác của Nhật Bản và Châu Âu.

Bí kíp gây ấn tượng với hội đồng xét tuyển học bổng du học

Để giành được những học bổng du học nước ngoài, Hoàng Việt cho rằng, ứng viên cần lưu ý đến một số yếu tố quan trọng trong hồ sơ xét tuyển. Bài luận hay thư ứng tuyển cần nêu bật được động lực cũng như mục tiêu. Một bí kíp nhỏ mà Việt luôn thêm vào hồ sơ là mô tả về những việc đã làm trong kỳ thực tập và liên hệ với những dự định tương lai, đồng thời làm rõ tại sao những dự định đó lại phù hợp với bản thân.

f2f81214-6fa0-43f4-ac6a-3c0d1cea1ffd.jpg
Hoàng Việt (thứ tư từ trái sang) trong chuyến tham quan máy gia tốc hạt lớn (LHC) thuộc Hội đồng Nghiên cứu hạt nhân châu Âu. Ảnh: NVCC.

"Theo tôi, điều quan trọng nữa là nên có một giọng văn tự tin, không tới mức quá kiêu căng nhưng phải thể hiện rằng "tôi là người xứng đáng". Điều này cũng áp dụng cho những buổi phỏng vấn lựa chọn, phải chứng mình rằng bản thân có những điểm vượt trội hơn các ứng viên khác. Còn về thư giới thiệu, cần hiểu rằng chúng ta không thể kiểm soát trực tiếp nội dung của các lá thư này, tuy nhiên, nên chú trọng gây dựng những mối quan hệ, tạo ấn tượng tốt với các nhóm nghiên cứu, các giảng viên, giáo sư trong ngành. Hồ sơ ứng tuyển sẽ có trọng lượng hơn rất nhiều nếu như có những lá thư giới thiệu chất lượng từ những nơi, người có uy tín cao", Việt nhấn mạnh.

Về động lực đằng sau sự bền bỉ gắn bó với nghiên cứu khoa học, Hoàng Việt bày tỏ, bản thân anh có niềm đam mê với khoa học ngay từ khi còn nhỏ thông qua những cuốn sách như “Lược sử thời gian”, “Vũ trụ qua vỏ hạt dẻ”, hay sau này là những video, phim tài liệu về không gian.

Hơn thế nữa, theo Việt, nghiên cứu khoa học vũ trụ là một trong những ngành tiên phong của khoa học thế giới. Việt mong muốn sau khi đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực này sẽ có thể góp phần vào sự phát triển nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam.

Hoàng Việt cũng nhắn gửi đến các bạn sinh viên đam mê khoa học và đang ấp ủ ước mơ chinh phục học bổng đi du học nước ngoài: "Hãy giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, bởi theo đuổi đến cùng đam mê không phải là con đường dễ dàng. Cần xác định rằng nghiên cứu khoa học dù ở bất kỳ ngành nào cũng đều rất khó khăn, yêu cầu về khả năng và kiến thức rất cao và có những lúc bản thân sẽ cảm thấy nghiên cứu có thể không đạt kết quả như kỳ vọng.

Ngoài ra, còn phải nhìn nhận mức độ cạnh tranh quyết liệt, ngoài bản thân ra còn rất nhiều cá nhân xuất sắc khác, cũng đang tìm kiếm những vị trí tương tự. Cuối cùng, những yếu tố ngoại cảnh không thể kiểm soát như dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc nghiên cứu. Đối diện với những khó khăn, thứ duy nhất có thể khiến chúng ta tiến lên là đam mê. Nếu như chúng ta thực sự tìm thấy niềm vui trong công việc này thì chắc chắn sẽ không trở ngại nào không thể vượt qua".

Bên cạnh đó, Việt cũng cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, đừng bao giờ ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Việt thú nhận bản thân là kiểu người thích làm mọi việc một cách độc lập, tự tìm tòi giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sau quãng thời gian làm nghiên cứu, anh nhận ra không phải lúc nào tự bản thân cũng có thể nhìn nhận toàn diện mọi vấn đề. Khoa học là hợp tác phát triển, không phải cá nhân đơn lẻ.

Tuệ Nhi