Giáo viên dạy thêm không đúng quy định, tiền thu từ học sinh có phải trả lại?

30/12/2024 10:23
Bùi Nam

GDVN - Giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Thời gian qua trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí cũng như cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp giáo viên dạy thêm không đúng quy định.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi phát hiện xử lý, chấn chỉnh như thế nào? Giáo viên nhận tiền từ dạy thêm trái phép có buộc phải hoàn trả hoặc thu hồi số tiền đó hay không cũng được quan tâm.

gdvn-day-them-5068.png
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Các trường hợp không được dạy thêm hiện nay

Căn cứ Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định về các trường hợp giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng không được dạy thêm như sau:

“Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”

Theo đó, giáo viên dạy thêm các trường hợp trên là trái quy định hay gọi là dạy thêm trái phép, trong đó vi phạm phần nhiều ở giáo viên tiểu học do quy định không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Do đó, nếu giáo viên dạy thêm thu tiền thuộc các trường hợp cấm thì sẽ thuộc trường hợp dạy thêm mà pháp luật không cho phép hay là dạy thêm trái phép.

Xử lý vi phạm khi dạy thêm trái phép ra sao?

Căn cứ Điều 22 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định:

“Điều 22. Xử lý vi phạm

1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định./.”

Theo đó, nếu giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị (hiệu trưởng) có thể xử lý kỷ luật giáo viên vi phạm này theo quy định.

Giáo viên có bị thu hồi tiền thu từ dạy thêm trái quy định không?

Hiện tại, Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP không còn quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm.

Trước đó tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP (đã hết hiệu lực từ ngày Nghị định 04 có hiệu lực - 10/3/2021), giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm ngoài xử lý kỷ luật, hành chính,... giáo viên còn phải trả lại các khoản tiền đã thu sai của người học.

Vì vậy, nên thời gian qua dù phát hiện vi phạm nhiều, nhưng các cơ quan chức năng có phần lúng túng trong vấn đề xử lý dạy thêm, sau khi phát hiện dạy thêm trái phép nhưng không thể thu hồi tiền giáo viên đã thu trái phép.

Giáo viên bị kỷ luật khi dạy thêm trái phép ra sao?

Đối với việc xử lý kỷ luật viên chức là giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm:

Căn cứ khoản 5 Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo:

“Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo

…5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.”

Căn cứ Điều 15; Khoản 1 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức:

“Điều 15. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức

1. Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Buộc thôi việc.

2. Áp dụng đối với viên chức quản lý

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Cách chức.

d) Buộc thôi việc.

Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Theo đó, đối với việc dạy thêm không đúng với quy định pháp luật sẽ vi phạm việc giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật như trên. Người đứng đầu đơn vị sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật phù hợp đối với giáo viên có hành vi dạy thêm không đúng với quy định này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam