Học sinh có xu hướng lựa chọn các môn KHXH nhiều hơn KHTN có đáng lo ngại?

30/12/2024 06:40
Trần Trang

GDVN - Chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo nhân lực các ngành STEM, Công nghệ thông tin.

Nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước đã khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký môn thi lựa chọn tốt nghiệp và triển khai dạy học, ôn tập theo định hướng đăng ký của học sinh. Theo đó, học sinh có xu hướng chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên.

Đáng chú ý, năm 2025 là năm đầu tiên mà hai môn Tin học và Công nghệ được đưa vào tổ hợp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo thống kê lựa chọn môn thi tốt nghiệp, môn Tin học và Công nghệ có rất ít thí sinh đăng ký. Thực trạng này khiến các trường đại học về lĩnh vực STEM, Công nghệ thông tin bày tỏ sự lo lắng.

Nhiều nguyên nhân khiến tổ hợp khoa học tự nhiên thiếu sức hút

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chỉ ra 3 nguyên nhân tạo ra xu thế chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp môn học trong những năm gần đây.

Đầu tiên, về mặt vĩ mô, chế độ Nhà nước đối với sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản không tạo được sức hút như một số ngành khác.

Trong khi sinh viên học ngành sư phạm có thể được cấp học bổng, hỗ trợ học phí hay các chính sách đãi ngộ khác, thì sinh viên ngành khoa học cơ bản lại không có những ưu đãi tương tự, khiến các ngành này không thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh.

Ngoài ra, hiện nay sau khi tốt nghiệp các ngành khoa học tự nhiên, sinh viên thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định. Trước đó, thập niên 1990, các ngành khoa học tự nhiên chiếm ưu thế trong sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, do những ngành này có ít cơ hội việc làm, cùng với thu nhập thấp, xã hội dần chuyển hướng sang các ngành khác như kinh tế, ngân hàng và dịch vụ, những lĩnh vực này hứa hẹn đem lại mức thu nhập cao và cơ hội nghề nghiệp ổn định hơn.

Một yếu tố quan trọng khác là công tác truyền thông về vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển của đất nước chưa thực sự hiệu quả.

Xã hội, phụ huynh và học sinh không nhận thức đúng hoặc chưa hiểu hết tầm quan trọng của các ngành khoa học tự nhiên trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học, công nghệ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Điều này dẫn đến việc học sinh không xem các ngành khoa học tự nhiên là lựa chọn hấp dẫn và không có đủ động lực để theo học các ngành này, mặc dù nhóm ngành đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước trong dài hạn.

DXQ_3521.JPG
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng phát biểu trong Hội thảo khoa học bên lề Cuộc thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ 26. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, thầy Đăng cũng đưa ra hai nguyên nhân đến từ hệ thống giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học.

“Bệnh thành tích, áp lực thi cử ép nặng lên các nhà trường, điều này thúc đẩy họ khuyến khích học sinh lựa chọn các môn học có khả năng dễ đạt điểm cao.

Chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện nay được thiết kế theo quan điểm hướng nghiệp, giúp học sinh có thể tự do lựa chọn các môn học phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Tuy nhiên, do các môn học tự nhiên có yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng nên thường không được nhiều học sinh lựa chọn. Thay vào đó, học sinh lựa chọn các môn học "nhẹ nhàng", ít yêu cầu về khối lượng kiến thức và không gây quá nhiều áp lực trong quá trình học tập.

Các cơ sở đào tạo đại học xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào năng lực ngoại ngữ hay điểm thi đánh giá năng lực tư duy cũng là một yếu tố quan trọng. Học sinh thường bị cuốn vào việc học thêm và tham gia các kỳ thi bên ngoài để đạt được điểm số đủ cao, đáp ứng yêu cầu xét tuyển vào đại học.

Việc học tập ở bậc phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trở thành một công việc mang tính hình thức, chỉ để đáp ứng yêu cầu xét tuyển vào các trường đại học. Do đó, học sinh sẽ chọn thi những môn dễ được điểm cao” - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học cho hay.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ: “Theo số liệu thống kê hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây có hiện tượng học sinh lựa chọn các tổ hợp khoa học xã hội làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều hơn so với tổ hợp khoa học tự nhiên.

Điều này có nhiều nguyên nhân, một là các môn khoa học xã hội thường gần gũi và “dễ học”, “dễ nhớ” hơn so với các môn khoa học tự nhiên; hai là để học tốt các môn khoa học tự nhiên thì ngoài tư duy logic, nhà trường cũng cần có đủ các trang thiết bị thực hành, thí nghiệm thì mới đảm bảo được tính thực tiễn và hấp dẫn của môn học.

Ngoài ra, một nguyên nhân tôi nghĩ cũng khá khách quan là những năm gần đây, các trường đại học có nhiều phương án tuyển sinh khác nhau, trong đó nhiều phương án tuyển sớm, vì vậy khá nhiều học sinh đã biết được kết quả đỗ đại học trước khi đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó các em sẽ có xu thế lựa chọn các môn khoa học xã hội để dễ học và dễ đạt điểm cao hơn.

Riêng đối với môn Tin học và môn Công nghệ, từ năm 2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa vào làm môn tự chọn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên cả thí sinh và phụ huynh đều phải tìm hiểu thông tin và cân nhắc thận trọng hơn”.

picture1-1835.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Khó khăn lớn trong việc triển khai giáo dục STEM

Trước xu thế kể trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng lo ngại việc ít học sinh theo học các môn khoa học tự nhiên dẫn đến việc triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông gặp nhiều khó khăn.

Nếu có triển khai giáo dục STEM ở trường phổ thông thì hiệu quả không cao, thậm chí chỉ mang tính hình thức. Vì để tham gia các hoạt động giáo dục STEM, học sinh phải có vốn kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên.

“Hệ quả tiếp theo của tình trạng này là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đầu vào cho các ngành đào tạo đại học, đặc biệt là những ngành cần người học có kiến thức vững về khoa học tự nhiên.

Điều này tạo ra một lỗ hổng trong nguồn lao động, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong những lĩnh vực quan trọng này. Hậu quả là Việt Nam sẽ thiếu nguồn lao động có chuyên môn cao trong các ngành liên quan mật thiết đến khoa học tự nhiên” - thầy Đăng bày tỏ.

438301593_840461044776645_2147251320497265828_n.jpg
Học sinh của một trường trung học phổ thông tham gia Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng cho biết xu thế chênh lệch trong việc lựa chọn các tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc đào tạo nhân lực phục vụ các lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngành Công nghệ thông tin và các ngành STEM đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, tư duy logic và nền tảng kiến thức về khoa học cơ bản vững chắc. Nếu học sinh không chọn các môn Tin học, Công nghệ, số lượng và chất lượng nhân lực đầu vào cho các ngành này sẽ giảm và có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực trong tương lai.

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin và STEM đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là các lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, An ninh mạng, Bán dẫn…

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong áp dụng xét tuyển tổ hợp có môn Tin học và Công nghệ.

Trong mùa tuyển sinh 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến triển khai các tổ hợp mới có môn Công nghệ, Tin học gồm: Toán, Vật lý, Công nghệ (A0C); Toán, Vật lý, Tin học (A0T); Toán, Hóa học, Công nghệ (B0C); Toán, Tiếng Anh, Công nghệ (D0C).

Đây sẽ là một trong các tổ hợp được sử dụng để xét tuyển vào 35 ngành/chương trình đào tạo như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính và An toàn thông tin...

Đây là tín hiệu tốt để các em học sinh có đam mê Tin học và Công nghệ có thể có thêm các lựa chọn môn thi tốt nghiệp và sử dụng các tổ hợp xét tuyển đại học có môn Tin học, Công nghệ.

Để khắc phục thực trạng hiện nay, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học có đề xuất: “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc học sinh lựa chọn và đăng ký theo học các tổ hợp được thực hiện ngay từ đầu lớp 10.

Do vậy để có nhiều học sinh lựa chọn các môn khoa học tự nhiên, cần thực hiện tốt giáo dục STEM ở mọi cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học, trung học cơ sở để học sinh thấy được ý nghĩa, hiệu quả của giáo dục STEM và có được kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên.

Công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông cần được đầu tư cả về nội dung, hình thức để học sinh lựa chọn theo học những ngành thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xã hội, phụ huynh và học sinh thấy được nhu cầu, vai trò và vị trí việc làm các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đầu tư, có chế độ ưu đãi đối với sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên.

Nếu làm tốt hai nội dung trên, xã hội, phụ huynh và học sinh sẽ có nhiều em lựa chọn theo học các môn khoa học tự nhiên khi vào học bậc trung học phổ thông

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học cần công bố sớm và ổn định lâu dài các môn khoa học tự nhiên trong các tổ hợp xét tuyển đại học. Không tuyển sinh “vét” bằng cách sử dụng các tổ hợp 100% các môn khoa học xã hội để xét tuyển các ngành khoa học tự nhiên”.

Trần Trang