Khó khăn về cơ sở vật chất, có điểm trường mầm non phải học nhờ ở nhà dân

30/12/2024 06:45
Mạnh Dũng

GDVN - Thiếu lớp học, nước sạch, áo ấm, trường học vùng cao đang mòn mỏi mong chờ những chính sách đặc thù và thu hút xã hội hóa để giải bài toán về cơ sở vật chất.

Trong thời gian qua, điều kiện học tập và chất lượng giáo dục tại các trường học vùng cao đã và đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất tại các nhà trường vẫn là một trong những thách thức lớn cần được giải quyết.

Vẫn còn tình trạng thiếu lớp học, phải đi học nhờ, thiếu nước sạch, áo ấm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết, những năm qua, huyện Mường Nhé đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất đối với các trường học. Tuy nhiên, hiện, cơ sở vật chất ngành giáo dục tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu phòng học.

Cụ thể, cấp mầm non còn 86 phòng học bán kiên cố, 1 phòng tạm; cấp tiểu học còn 151 phòng bán kiên cố, 27 phòng tạm; cấp trung học cơ sở còn 17 phòng bán kiên cố.

Ngoài ra, một số phòng thực hành, nhà công vụ, phòng nội trú, thiết bị dạy học tại các trường học trên địa bàn huyện hiện còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy - học của giáo viên và học sinh.

“Thời gian qua, huyện Mường Nhé đã tích cực huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, trong khi nhu cầu vốn lớn, nên đến nay, vẫn còn nhiều công trình trường học trên địa bàn huyện chưa được đầu tư xây dựng theo chuẩn, còn thiếu nhiều hạng mục công trình gây ảnh hưởng tới công tác dạy và học”, thầy Chùy cho hay.

thầy Chùy.png
Thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Liêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cho biết, hiện tại, nhà trường đang quản lý 16 điểm trường với 25 lớp học, phục vụ nhu cầu học tập của 739 học sinh ở các độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lớp học vẫn đang là một vấn đề khiến nhà trường phải tìm những phương án tạm thời.

“Tại điểm trường Nặm Pục, lớp dành cho trẻ 5 tuổi hiện vẫn phải học nhờ ở nhà dân. Điều này không chỉ gây bất tiện trong việc tổ chức giảng dạy, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và môi trường học tập của trẻ. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt bán trú của học sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong số 11 điểm trường có tổ chức bếp ăn, đa phần đều sử dụng “bếp tạm” đã xuống cấp, gây trở ngại cho việc nấu ăn và đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ”, cô Liêm bày tỏ.

Cô Liêm cũng cho biết thêm, một thách thức khác mà nhà trường đang phải đối mặt là tình trạng thiếu trang thiết bị học tập, đồ dùng và đồ chơi phù hợp với lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, vì chưa đủ điều kiện đáp ứng, các hoạt động dạy và học vẫn còn bị hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả tối đa.

Nặm Pục.png
Điểm trường Nặm Pục thuộc Trường Mầm non Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) phải nhờ nhà dân. (Ảnh: NVCC)

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, cô Phạm Bích Hân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho hay, nhà trường đang phải đối mặt những khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là việc thiếu nguồn nước sinh hoạt tại các điểm trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học.

“Tại các điểm trường thuộc Trường Mầm non Lũng Phìn, do không có nguồn nước sạch, giáo viên và học sinh phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa để sinh hoạt và phục vụ việc nấu ăn hàng ngày. Tuy nhiên, số lượng vật dụng, bể chứa nước lại không đủ, gây nhiều bất tiện và khó khăn trong sinh hoạt.

Thêm vào đó, số lượng chăn, đệm hiện có tại các điểm trường lại không đủ đáp ứng hoặc đã hư hỏng sau thời gian dài sử dụng. Điều này khiến việc giữ ấm cho trẻ trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Ngoài ra, tại điểm trường Cháng Chá Phìn, khu vực nhà vệ sinh hiện tại đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của cả cô và trò...”, nữ hiệu trưởng chia sẻ.

Bàn về những nguyên nhân gây nên tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất tại địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố.

Thầy Chùy cho biết, do đặc thù là huyện miền núi, biên giới nằm ở vùng sâu, vùng xa, thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, huyện đã gặp phải nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giáo dục.

Cụ thể, thầy Chùy cho biết: “Hệ thống giao thông trong huyện còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại một số xã và các điểm trường. Vào mùa lũ, việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn, nhiều cơ sở vật chất bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạy và học. Điển hình, toàn bộ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ (xã Pá Mỳ) đã phải di dời, do nằm trên khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, số lượng trường học trên địa bàn huyện lớn với 35 đơn vị trường ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở). Trong đó, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt tại các điểm trường lẻ của cấp mầm non và tiểu học là rất lớn.

Tuy nhiên, điều kiện địa hình phức tạp, khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều trở ngại. Đơn cử, từ bản Pa Tết đến trung tâm xã Huổi Lếch có khoảng cách lên đến hơn 30 km đường rừng, khiến chi phí vận chuyển vật liệu tăng cao. Vì vậy, nhiều đơn vị tài trợ không thể đáp ứng kinh phí dù đã khảo sát thực tế và nắm được tình hình khó khăn về cơ sở vật chất tại các điểm trường”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng cho biết, công tác xã hội hóa giáo dục trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, với nhiều nỗ lực kêu gọi hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà trường. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế lớn, việc giải quyết toàn diện những khó khăn về cơ sở vật chất đòi hỏi thời gian và nguồn lực lâu dài, không thể thực hiện trong ngắn hạn.

Mường Nhé.png
Một số hình ảnh về học sinh tại các trường học thuộc huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Nhiều giải pháp chỉ là tạm thời, cần thêm những chính sách đặc thù với trường học vùng cao

Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Bích Hân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Phìn cho biết: “Nhà trường đã và đang thực hiện những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh.

Cụ thể, tại các điểm trường, thay vì sử dụng than để sưởi ấm, nhà trường đã bổ sung quạt sưởi cho các em học sinh. Việc này không chỉ đảm bảo sự an toàn, mà còn giúp tạo ra môi trường học tập và sinh hoạt tốt hơn, đặc biệt là trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Đối với nhà vệ sinh đã xuống cấp tại điểm trường Cháng Chá Phìn, nhà trường đã khắc phục bằng nguồn lực sẵn có tại địa phương và đang nỗ lực cải tạo, nâng cấp để sớm mang lại điều kiện nhà vệ sinh tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhà cũng rất chú trọng đến việc hỗ trợ các em trong việc ăn, ở cũng như cải thiện số lượng đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho công tác học tập, sinh hoạt bán trú. Đặc biệt, trường đã phối hợp cùng các đơn vị cấp trên nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa.

Việc thực hiện công tác xã hội hóa nhằm khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất được nhà trường đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Do đó, nhà trường mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ xã hội, không chỉ về mặt cơ sở vật chất, mà còn là sự đồng hành để mang đến điều kiện học tập tốt nhất cho các em nhỏ vùng cao, qua đó từng bước cải thiện chất lượng giáo dục tại địa phương”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Liêm cho hay, thời gian qua, Trường Mầm non Thạch Lâm đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức.

1215b9fd-379b-4aa4-a37e-6c0a5cc57093.jpg
Cô Nguyễn Thị Liêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm (Cao Bằng). Ảnh: NVCC.

Cụ thể, nhà trường đã đề xuất lãnh đạo địa phương về việc tu sửa các điểm trường và bổ sung một số đồ dùng phục vụ công tác bán trú ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, việc huy động sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện trong việc ủng hộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nấu ăn và tiến hành sửa chữa một số lớp học cũng được nhà trường chú trọng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng lớp học cần tu sửa và nhu cầu trang thiết bị tại các điểm trường là rất lớn. Mặc dù đã có sự hỗ trợ, nhưng nguồn lực hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này khiến việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh tại các điểm trường còn gặp nhiều khó khăn.

“Một trong những thách thức lớn nhất mà nhà trường đang phải đối mặt là điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh. Hiện nay, có đến 96,6% phụ huynh là người dân tộc Mông, phần lớn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng hỗ trợ của phụ huynh đến việc phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục và chăm sóc trẻ tại trường.

Tuy nhiên, với sự cố gắng không ngừng, nhà trường vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm các nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời, nỗ lực tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để nâng cao cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập và ăn ở của học sinh”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh, công tác xã hội hóa giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện cơ sở vật chất tại các trường học ở vùng cao, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng từ phía nhà trường.

Cô Hường cho biết, nhà trường thường xuyên báo cáo về tình trạng cơ sở vật chất với chính quyền địa phương, cũng như huy động thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Tuy nhiên, một số vấn đề như thiếu đệm, nước nóng và hệ thống sưởi vẫn chưa được giải quyết triệt để, do chưa tìm được nguồn hỗ trợ.

Do đó, để khắc phục khó khăn, nhà trường đã sử dụng những giải pháp tạm thời và tích cực vận động các nguồn xã hội hóa ngay tại địa phương.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao, tuy nhiên, cô Bùi Thị Hường còn một số băn khoăn về chính sách đối với học sinh tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới: “Mặc dù nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng trên thực tế, điều kiện kinh tế địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, học sinh tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo) và Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn).

Chính vì vậy, tôi mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung chế độ phù hợp với học sinh và thầy cô giáo tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng cao”.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Phìn cho rằng, để khắc phục những khó khăn hiện tại, ngoài những chế độ của Nhà nước, cần sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng: “Hiện nay, học sinh đã và đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Cụ thể, các em được hỗ trợ bữa ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non) và đồ dùng học tập theo số Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng thiết yếu như: phòng học, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt,... vẫn là vấn đề cấp thiết, cần sự chung tay từ cộng đồng, xã hội nhằm đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho học sinh”.

Cùng bàn về những giải pháp khắc phục tình trạng cơ sở vật chất tại trường học ở vùng cao hiện nay, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có một số đề xuất, kiến nghị, cụ thể: “Thứ nhất, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, ưu tiên sự ủng hộ của các nhà tài trợ tạo điều kiện giúp đỡ các trường học vùng cao đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, để thuận tiện trong dạy và học.

Thứ hai, cần có chính sách đặc thù đối với các xã không thuộc khu vực biên giới, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, đảm bảo cuộc sống và khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất tại địa phương”.

Mạnh Dũng