Bỏ quy đổi điểm 10 với chứng chỉ ngoại ngữ sẽ xóa bỏ được nhiều hạn chế lâu nay

29/12/2024 06:23
Phương Thảo

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông, không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 sẽ giúp học sinh nhận thức sâu sắc mục tiêu dài hạn của việc học ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Một trong những điểm mới đáng chú ý là chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.

Khuyến khích học sinh học ngoại ngữ, tạo sự công bằng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) nhận định: “Tôi cho rằng việc chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp là hợp lý.

Điều này không chỉ tiếp tục khuyến khích học sinh học ngoại ngữ, mà còn hướng tới sự công bằng hơn trong việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Trước đây, việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 đã gây ra một số tranh cãi, khi học sinh đạt chứng chỉ IELTS 4.0 cũng được quy đổi thành điểm 10 tương đương với học sinh đạt IELTS 8.5".

76954523_2497747600273001_3115361653504344064_n.jpg
Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế. (Ảnh: website nhà trường)

Đồng quan điểm, thầy Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) bày tỏ: “Sau nhiều năm thực hiện việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã dần bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về sự công bằng giữa các thí sinh cùng sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ nhưng trình độ khác nhau; sự công bằng đối với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế còn hạn chế so với học sinh ở thành phố.

Quy định mới giúp xóa bỏ những hạn chế trên đảm bảo việc xét công nhận tốt nghiệp được bình đẳng hơn cho tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh hay khu vực sinh sống”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đánh giá, quy định mới vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, vừa khuyến khích sự nỗ lực học tập của các em.

“Khi không còn quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp sẽ hạn chế sự bất công giữa các học sinh có chứng chỉ nhưng trình độ khác nhau. Trước đây, một học sinh đạt IELTS 6.5 và một học sinh chỉ đạt IELTS 4.0 cùng được quy đổi thành điểm 10 như nhau, điều này rõ ràng chưa thực sự phản ánh đúng năng lực của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, sự điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đảm bảo sự công bằng và tạo ra môi trường học tập tích cực, đồng đều cho tất cả học sinh trên cả nước.

Trường Trung học phổ thông A Lưới là một trường ở vùng núi, học sinh ít có điều kiện tiếp cận các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhưng nhờ sự chăm chỉ và quyết tâm, nhiều em vẫn đạt được điểm số rất cao như 9.6 hay 9.8 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là minh chứng cho thấy, dù sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ hay không, học sinh vẫn luôn có cơ hội khẳng định năng lực của bản thân và đạt được thành tích cao thông qua sự cố gắng và nỗ lực”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới chia sẻ.

458669091_1008146074437788_2073405968079735068_n.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới. (Ảnh: website nhà trường)

Nhà trường tiếp tục tư vấn, định hướng để học sinh giữ động lực học ngoại ngữ

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi chứng chỉ ngoại ngữ chỉ còn được sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây có thể làm mất đi động lực học ngoại ngữ của học sinh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Lê Quốc Huy nêu ý kiến: “Điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu, mục tiêu và định hướng cá nhân của từng em.

Đối với những học sinh xem chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ để chuẩn bị hành trang cho tương lai, quy định mới không làm thay đổi động lực học tập của các em. Bên cạnh đó, điều này còn giúp hạn chế sự phụ thuộc vào điểm số, khuyến khích học sinh học ngoại ngữ với mục tiêu dài hạn và ý nghĩa thiết thực hơn”.

Mặt khác, thầy Huy khẳng định, nhà nước luôn đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của thế hệ trẻ, xem đây như một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển đất nước bền vững. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã đề ra những chủ trương mạnh mẽ nhằm thực hiện quyết tâm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

403606156_828159562649534_845955801161771169_n.jpg
Thầy Lê Quốc Huy, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A. (Ảnh: website nhà trường)

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A cho biết thêm: “Ninh Bình là một tỉnh có thế mạnh về du lịch, ngoại ngữ đóng vai trò then chốt trong việc giao tiếp và phát triển kinh tế. Với lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan, đây sẽ là cơ hội để học sinh học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ và góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện của địa phương.

Do đó, nhà trường luôn nhắc nhở đến học sinh rằng học ngoại ngữ không chỉ vì mục tiêu điểm số, mà còn trang bị cho bản thân các em những kỹ năng thiết yếu, phục vụ học tập, công việc và cuộc sống sau này.

Chứng chỉ ngoại ngữ dù không còn được quy đổi thành điểm 10, vẫn là một lợi thế lớn khi xét tuyển đại học, đồng thời là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các em trong môi trường học tập mới”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới bày tỏ: “Quan điểm giáo dục mà nhà trường luôn truyền đạt đến học sinh là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây là định hướng chung không chỉ với bộ môn tiếng Anh mà còn với tất cả các môn học khác.

Các thầy cô giáo thường nhấn mạnh với học sinh rằng học ngoại ngữ không chỉ để đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi lẽ điểm số đó không phải yếu tố quyết định thành công của các em.

Bên cạnh đó, chứng chỉ ngoại ngữ giống như tấm áo giáp giúp các em nổi bật và tự tin hơn khi xét tuyển đại học và là chìa khóa để mở ra cánh cửa việc làm đầy triển vọng trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Với những định hướng trên, việc không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp sẽ không làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Ngược lại, điều này còn giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc học ngoại ngữ, không chỉ dừng lại ở điểm số”.

Về phía Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế, Tiến sĩ Phạm Kim Thư, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong các trường học cần tiếp tục được quan tâm, tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng.

“Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Một trong những nhiệm vụ Bộ Chính trị yêu cầu các cấp là tập trung trong thời gian tới là nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Do vậy các nhà trường cần chú trọng việc xây dựng môi trường, phong trào học tiếng Anh gắn với những hoạt động giáo dục, khuyến khích các em học tiếng Anh, xây dựng tình yêu ngôn ngữ và giúp các em hiểu được lợi ích của việc sử dụng tiếng Anh (ngôn ngữ này sẽ trở thành một công cụ trong tương lai chứ không chỉ là một môn học đơn thuần) để học sinh không cảm thấy “sợ” môn tiếng Anh”.

471365725_1709769909802036_9198725777388196626_n.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế trong hoạt động ngoại khóa gắn với chủ đề học tập và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Phạm Kim Thư thông tin thêm, để học sinh vẫn giữ được động lực học ngoại ngữ, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa kết hợp ngoại ngữ như: Giáng sinh vui vẻ kết hợp tiếng Anh, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, hát tiếng Anh, giao lưu với học sinh quốc tế. Đồng thời, nhà trường triển khai các chương trình áp dụng phương pháp tích hợp được hỗ trợ bởi nội dung số, cho phép học sinh học tiếng Anh một cách tự nhiên thông qua các môn học khác,...

Phương Thảo