Hải Phòng chú trọng kiểm định chất lượng, tăng cường hội nhập quốc tế trong GD

30/12/2024 10:09
LÃ TIẾN

GDVN - Tính đến tháng 8/2024, Hải Phòng có 394 tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài (tăng 300 đơn vị so với giai đoạn 2016-2020).

Hải Phòng là một trong những thành phố lớn của cả nước, là thành phố cảng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của miền Duyên hải Bắc bộ và các tỉnh phía Bắc; là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, đô thị hóa nhanh, có nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Hải Phòng, Nghị quyết XVI của Đảng bộ thành phố đều xác định rất rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo ra mô hình giáo dục mới, tiên tiến, hội nhập cung cấp cho thành phố và các tỉnh lân cận nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và đội ngũ

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho thấy, giai đoạn 2020-2024, giáo dục và đào tạo thành phố phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và đội ngũ.

Theo đó, 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức học 02 buổi/ngày; 100% trường mầm non thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo hướng bổ sung mục tiêu, nội dung giáo dục địa phương, triển khai các chủ đề giáo dục mới và tăng cường hoạt động dịch vụ bổ trợ giáo dục.

100% cơ sở giáo dục mầm non đã áp dụng tiêu chí “Trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em” để cải tiến hoạt động, nâng cao mức độ hài lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. 100% các quận, huyện đã lựa chọn và đầu tư xây dựng 01 mô hình điểm “Trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em”.

hp-chi-giao-duc-12.jpg
Giai đoạn 2020-2024, giáo dục và đào tạo thành phố phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và đội ngũ. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hoạt động cho trẻ làm quen với Tiếng Anh được quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, toàn thành phố có 207 cơ sở (152 trường công lập, 22 trường tư thục, 33 cơ sở độc lập tư thục) với 29.228 (29,7%) trẻ mẫu giáo tham gia.

Về giáo dục tiểu học, chất lượng giáo dục hai mặt được duy trì ổn định; tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,49%. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 94,4%, tỷ lệ học sinh bán trú đạt 51,5%. Tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ đạt 97,3%, tỷ lệ học sinh học tin học đạt 68,1% .

Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đứng thứ 11; năm học 2022 đứng thứ 5, môn Ngữ văn đứng đầu toàn quốc; năm 2023 đứng thứ 6, có học sinh đạt thủ khoa tổ hợp D01 toàn quốc; năm 2024 đứng thứ 6, có học sinh đạt thủ khoa tổ hợp B00 toàn quốc với 29,55 điểm.

Hải Phòng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giai đoạn 2021-2024, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên nhiều phương diện đặc biệt là thành tích trong công tác thi chọn học sinh và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế, cụ thể: 06 giải quốc tế các môn văn hóa (2 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng), tăng 1 giải so với giai đoạn 2016-2020; 3 giải khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng), bằng số giải so với giai đoạn 2016-2020; 350 giải quốc gia (24 giải Nhất, 110 giải Nhì, 123 giải Ba, 94 giải Khuyến khích); 8 giải quốc gia khoa học kỹ thuật (5 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Tư), giảm 22 giải so với giai đoạn 2016-2020 (do Ban Tổ chức giảm số lượng dự án tham gia vòng quốc gia).

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã hướng dẫn các trường xây dựng kho học liệu số với hơn 30.000 bài giảng điện tử là nguồn tài nguyên để giáo viên, học sinh sử dụng hỗ trợ cho quá trình dạy và học. 100% kế hoạch bài dạy của giáo viên được quản lý qua hệ thống quản lý hồ sơ chuyên môn. Gần 100 phòng học thông minh tại các nhà trường được khai thác hiệu quả; các mô hình thí nghiệm ảo, kính thực tế ảo được khai thác phục vụ quá trình dạy, học và nghiên cứu khoa học của học sinh và giáo viên.

Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện đã thực hiện nghiêm việc tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục các năm học. 15/15 trung tâm thực hiện liên kết với 15 trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo nghề trung cấp cho học viên.

15 quận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 15 quận huyện đạt duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 14 quận, huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 14 quận, huyện đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông và nghề theo 02 tiêu chí tỷ lệ huy động và hiệu quả. (Huyện đảo Bạch Long Vỹ không có học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông); 15 quận, huyện đạt duy trì chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.

Về giáo dục đại học, các trường đại học đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng theo định hướng Nghị Quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hàng năm, 3 trường đại học (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Y dược Hải Phòng) đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh từ đó khẳng định chất lượng, uy tín của nhà trường đối với sinh viên và thị trường lao động. Đặc biệt, thành phố đã phê duyệt Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

hp-chi-giao-duc-11.jpg
Thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. (Ảnh: Lã Tiến)

Chú trọng kiểm định chất lượng, kiên cố hóa trường lớp và cải cách hành chính

Hải Phòng xác định công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường; Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện đã tích cực tham mưu chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình nông thôn mới.

Tính đến tháng 9/2024, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 475/648, đạt tỷ lệ 73,3% (mầm non đạt tỷ lệ 71,4%; tiểu học đạt tỷ lệ 76,8%; trung học cơ sở đạt tỷ lệ 63,5%; trung học phổ thông đạt tỷ lệ 77,5%), tăng 22,9% so với giai đoạn 2016-2020, vượt 8,3% so với chỉ tiêu đề ra.

04/04 trường đại học tại Hải Phòng đạt chuẩn kiểm định. Trong đó, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng là cơ sở giáo dục tư thục đạt chuẩn từ năm 2009, trong top các trường đại học tham gia kiểm định đợt đầu; Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã đạt chuẩn kiểm định trong nước và hiện nay đang hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp khu vực và thế giới.

Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học đã đạt được những kết quả rõ nhờ vào sự quan tâm của ủy ban nhân dân thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học.

Đến nay, cả thành phố có khoảng 13.171 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 12.638 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 96,2% , tăng 4,2% so với giai đoạn 2016-2020.

hp-chi-giao-duc-8.jpg
Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. (Ảnh: TK)

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông, chuẩn hóa phòng “Một cửa”: trang bị cơ sở vật chất, ban hành các quy định về tiêu chuẩn chất lượng trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, quy định các thủ tục hành chính…; hệ thống camera giám sát và đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân qua mã QR tại bộ phận một cửa; bố trí cán bộ có tinh thần trách nhiệm, vững về chuyên môn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận “Một cửa”.

Chỉ đạo tổ chức 4 hội nghị đối thoại với với tổng số 300 doanh nghiệp, đơn vị giáo dục về các vấn đề nổi cộm trong giáo dục nhân dân quan tâm. Chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng hệ thống HPNET-eOffice theo sự triển khai đồng bộ của thành phố. 100% văn bản đi, đến đều được số hóa và xử lý trên phần mềm trực tuyến (trừ văn bản mật).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành phố hiện nay có 129 thủ tục hành chính (thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân thành phố: 34; thẩm quyền giải quyết của Sở giáo dục và đào tạo: 51; thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân cấp huyện: 39; thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân cấp xã: 05), tăng 108 thủ tục hành chính so với giai đoạn 2015-2019. 100% các thủ tục hành chính đạt mức độ toàn trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng năm 2023 đạt 92,16 điểm đứng thứ 8/20 Sở, ngành, tăng 12 bậc so với năm 2022, tăng 11 bậc so với năm 2021. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng đạt giải Nhì trong phần thi xây dựng video clip tuyên truyền về sáng kiến cải cách hành chính tại Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính trong cán bộ, công chức thành phố Hải Phòng năm 2023.

hp-chi-giao-duc-9.jpg
Hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến được triển khai trên toàn thành phố ghi nhận nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: Lã Tiến)

Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục

Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài cho giáo dục và đào tạo, bước đầu đã đạt kết quả: có 08 cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài ; một số trường đại học nước ngoài (RMIT, BUV) đã quan tâm tìm hiểu về nhu cầu giáo dục đại học nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Thực hiện bản hợp tác giữa Đại sứ quán Hàn Quốc với thành phố, với sự hỗ trợ của Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam; thành phố Hải Phòng địa phương đầu tiên trên cả nước đã triển khai thí điểm giảng dạy tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông tại 4 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông với 16 lớp, 710 học sinh.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã giảng dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 tại 2 trường trung học phổ thông với 4 lớp, 168 học sinh; ngoại ngữ 2 tại 5 trường trung học cơ sở với tổng số 31 lớp, 1276 học sinh.

Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú tiếp đón trung bình 5 đoàn nước ngoài/năm đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý và giảng dạy.

hp-chi-giao-duc-10.jpg
Một tiết học với giảng viên nước ngoài tại Trường Đại học Hải Phòng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Về công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, tính đến 8/2024, trên địa bàn thành phố có 394 tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (tăng 300 đơn vị so với giai đoạn 2016-2020).

Trong đó có 3 trung tâm đăng ký liên kết thi chứng chỉ ngoại ngữ; 1 trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết thi chứng chỉ ngoại ngữ; 75 trung tâm có sử dụng giáo viên người nước ngoài với 465 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho 65 đơn vị (tăng 36 đơn vị so với giai đoạn 2016-2020).

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới.

Có chính sách đột phá để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại thành phố.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên cho đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao; coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, quản trị kinh doanh giỏi, lao động lành nghề, cán bộ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực ở những lĩnh vực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

LÃ TIẾN