Chuyển CSGDĐH công lập về Bộ GDĐT là phù hợp "1 việc không giao cho 2 người"

04/01/2025 06:24
Doãn Nhàn

GDVN -Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đang trực thuộc nhiều bộ/ngành và địa phương khác nhau.

Trong những năm qua, chính sách đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, với nhiều chuyển biến quan trọng. Dẫu vậy, vẫn còn một số vấn đề bất cập về mô hình tổ chức, quản trị đại học cần sớm được tháo gỡ.

Quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục hiện đang chồng chéo

Từ kinh nghiệm công tác trong ngành và nghiên cứu về giáo dục đại học nhiều năm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang nhận định: Nhược điểm lớn nhất về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục đại học nước ta hiện nay là sự phân tán trách nhiệm quản lý cho quá nhiều bộ/ngành, địa phương cùng quản lý. Việc chia cắt các nhiệm vụ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ/ngành, địa phương khác quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học đã làm cho việc quản lý nhà nước về giáo dục đại học bị chồng chéo, thiếu thống nhất.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Nguyên Phương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Nguyên Phương

Đất nước ta đang bước sang vận hội mới, để thành công chinh phục những mục tiêu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, Phó giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh rằng giáo dục đại học Việt Nam phải được cải tổ một cách cơ bản và sâu rộng đặc biệt là hệ thống tổ chức quản lý. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được Đảng, Nhà nước quyết liệt triển khai, Phó giáo sư Nguyễn Thiện Tống bày tỏ, đây cũng là thời điểm thích hợp để xem xét lại vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Theo đó, Phó giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, cần hướng tới trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học khi đủ điều kiện.

ts-dam-quang-minh.jpg
Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest. Ảnh: MC

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest cũng cho rằng, chủ trương xem xét vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục đại học được đặt ra thời điểm này là hợp lý, không những giúp cho việc tinh gọn và tối ưu các hoạt động của các Bộ chuyên ngành mà còn giúp cho việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục đại học được đồng bộ và nhất quán.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh phân tích, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đang được quản lý theo 5 mô hình khác nhau: đại học hai cấp (trường thành viên trực thuộc các đại học quốc gia, đại học vùng), cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc cơ quan chuyên ngành, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Từ việc có nhiều mô hình quản trị khác nhau nên việc quản trị mỗi cơ sở giáo dục đại học lại có một phong cách đặc thù khác nhau phụ thuộc vào cơ quan quản lý trực tiếp, dẫn tới chính sách phát triển giáo dục đại học triển khai chưa thống nhất. Đặc biệt khi triển khai chính sách tự chủ giáo dục đại học thì tính đồng bộ không cao do cơ chế quản trị khác biệt ở các đơn vị.

"Theo nghiên cứu của hai giáo sư hàng đầu về giáo dục đại học Altbach và Salmi vào năm 2011 thì một trong những đặc tính cốt lõi của những trường đại học đẳng cấp thế giới đó là mức độ tự chủ cao trong quản trị. Những năm qua sau khi tiến hành tự chủ cũng đã ghi nhận những bước tiến đặc biệt quan trọng của cơ sở giáo dục đại học đi theo mô hình tự chủ như Đại học Bách Khoa Hà Nội, một số trường đại học tư thục tiêu biểu cũng ghi nhận sự phát triển bứt phá.

Như vậy có thể nói việc chuyển các trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ khối các trường công an, quân đội) về trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ tạo sự nhất quán trong chiến lược phát triển giáo dục đại học. Một số lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù như luật, y tế nên quản lý bằng giấy phép hành nghề sẽ tuân theo đúng chuẩn mực quốc tế, còn việc đào tạo nên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý", Tiến sĩ Đàm Quang Minh nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng đã có một nghiên cứu về kết quả tuyển sinh (từ năm 2017 đến năm 2021) của các trường ở các mô hình quản lý khác nhau. Theo đó, thống kê về điểm tuyển sinh trung bình thì các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết quả tốt nhất và các trường đại học địa phương có chất lượng đầu vào thấp nhất.

điểm tuyển sinh.PNG
Bảng thống kê về điểm tuyển sinh trung bình thì các cơ sở giáo dục đại học phân theo các mô hình quản lý hiện nay. Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Đàm Quang Minh

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhận định, nếu chuyển các trường công lập đa ngành, đa lĩnh vực đang trực thuộc bộ/ngành và địa phương quản lý về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc trường trung ương sẽ hỗ trợ các trường địa phương tốt hơn so với thực tế "tự bơi" như hiện nay của các trường đại học địa phương.

"Hệ thống giáo dục đại hiện nay thể hiện sự bất đối xứng của giáo dục bậc đại học giữa hai thành phố lớn và các địa phương khác. Hệ lụy này còn dẫn tới việc áp lực dân cư của hai thành phố lớn quá nặng, trong khi đó hầu hết các tỉnh thành còn lại luôn thiếu nguồn lực trí thức chất lượng cao để làm động lực phát triển", chuyên gia đặt vấn đề.

Chuyển cơ sở giáo dục đại học công lập về Bộ GDĐT quản lý là đúng việc, đúng người

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Cũng cho rằng cần thống nhất đầu mối quản lý về giáo dục đại học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học cần được xem xét, đánh giá lại theo tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Đó là giảm bớt các đầu mối quản lý Nhà nước chuyên ngành, theo nguyên tắc "1 việc không giao cho 2 người".

"Theo tôi, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng việc, đúng người. Đưa các cơ sở giáo dục đại học về một mối do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý toàn diện tại thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý”, Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng, khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ khối trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo, lúc này Bộ sẽ là cơ quan duy nhất quản lý nhà nước về mọi mặt đối với các cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo với lợi thế có một đội ngũ quản lý nhà nước đầy đủ chức năng, giàu kinh nghiệm quản lý về giáo dục và đào tạo chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ quản lý các cơ sở giáo dục đại học.

Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng lưu ý thêm, chúng ta đã có nhiều lần đề xuất bỏ bộ chủ quản/ cơ quan quản lý trực tiếp để phù hợp với việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Chính vì vậy, về lâu dài, khi các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện tự chủ toàn diện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trở thành cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng chính sách, giám sát, và thanh kiểm tra. Tuy nhiên, Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng cũng cho rằng, việc chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể tăng áp lực ban đầu lên Bộ.

Doãn Nhàn