Bồi dưỡng phẩm chất học sinh từ ngữ liệu đọc hiểu trong đề kiểm tra môn Ngữ văn

03/01/2025 06:46
Trần Văn Tâm

GDVN - Mục đích của đề kiểm tra, ngoài đánh giá năng lực còn phải đánh giá phẩm chất của học sinh theo yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tất cả các môn học đều hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

Môn Ngữ văn là môn thiết thực nhất trong việc bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh, bởi đây là môn mang tính tổng hợp, bao gồm cả tri thức văn hóa, đạo đức, triết học,... liên quan tới nhiều môn học và các hoạt động giáo dục khác.

Môn Ngữ văn gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày; giúp học sinh biết quan tâm đến đời sống thường nhật, biết liên hệ và có kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Chương trình Ngữ văn bồi dưỡng cho học sinh nhiều phẩm chất

Mục tiêu bồi dưỡng phẩm chất trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn như sau:

Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính.

Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế.

Từ mục tiêu chung, mỗi cấp học có mục tiêu cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý, lứa tuổi của người học. Cấp học sau có kế thừa và phát triển những phẩm chất của cấp học liền kề trước đó. Cụ thể như sau:

Đối với cấp tiểu học: Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh.

Đối với cấp trung học cơ sở: Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật.

Đối với cấp trung học phổ thông: Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất đã được hình thành ở trung học cơ sở; mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất với các biểu hiện cụ thể: có bản lĩnh, cá tính, có lí tưởng và hoài bão, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.

Trong dạy học môn Ngữ văn, ngữ liệu vừa là nội dung vừa là phương tiện dùng để dạy đọc hiểu; là phương tiện để dạy học tạo lập văn bản. Trong kiểm tra đánh giá, ngữ liệu là phương tiện để kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu, năng lực viết của học sinh.

Một trong những cách để bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh mà người giáo viên Ngữ văn phải làm trong suốt sự nghiệp giáo dục của mình là chọn những ngữ liệu văn bản có giá trị giáo dục, thẩm mỹ để thiết kế đề kiểm tra.

Bằng cách này hay cách khác, những ngữ liệu có giá trị phải đến được với học sinh, từ đọc hiểu văn bản học sinh tự rút ra bài học phù hợp với nhận thức, trình độ, hoàn cảnh sống cho bản thân.

de ngu van.jpg
Một đề kiểm tra cuối học kỳ I môn Ngữ văn.

Ngữ liệu có ý nghĩa tích cực sẽ bồi dưỡng tâm hồn học sinh ngày càng đẹp hơn, hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ. Hơn thế nữa, ngữ liệu hay sẽ gieo vào tâm hồn các em tình yêu văn học, gợi ý cho các em tìm đọc trọn vẹn tác phẩm.

Như vậy, ngoài những văn bản có trong sách giáo khoa để giáo viên giảng dạy thì giáo viên còn phải chọn những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ.

Vì thế, con đường giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh thông qua ngữ liệu là rất thiết thực, dễ làm nhưng đòi hỏi tính nghiêm túc trong thực hiện.

Nhưng hiện nay, điều đáng lo lắng nhất là dường như việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đang có dấu hiệu mất kiểm soát.

Mỗi lần kiểm tra định kỳ là mỗi lần “sóng mạng” nổi lên làm giảm niềm tin, tạo cảm giác quan ngại, lo lắng vào chức năng giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh của bộ môn Ngữ văn.

Bồi dưỡng phẩm chất học sinh từ ngữ liệu kiểm tra được định hình từ 2014

Là một giáo viên trung học phổ thông được nghiên cứu, tập huấn Chương trình khá nhiều, đồng thời cũng được phân công thẩm định đề kiểm tra định kỳ của trường từ khi mới bắt đầu dạy học và kiểm tra theo Chương trình mới nên có thể nói, tiêu chí đầu tiên để chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra là ngữ liệu phải có tính giáo dục tích cực trực tiếp, rồi mới xem xét đến những tiêu chí khác.

Vì sao như vậy? Bởi mục đích của đề kiểm tra, ngoài đánh giá năng lực còn phải đánh giá phẩm chất của học sinh theo yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Là đề kiểm tra, học sinh phải tự thân khám phá văn bản bằng hệ thống câu hỏi kèm theo, giáo viên không đồng hành cùng với học sinh, không có cơ hội gợi ý, định hướng để tìm hiểu, hiểu đúng nội dung, tư tưởng của văn bản. Nguy cơ dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ của học sinh là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, Chương trình hiện hành được xây dựng theo hướng mở, câu hỏi kiểm tra thiết kế theo hướng mở, do đó cần phải cẩn trọng cách đặt câu hỏi mở liên quan đến những nội dung nhạy cảm.

Trong sách giáo khoa có những văn bản hiện thực, phơi bày trần trụi bản chất xấu xa, soi vào những góc khuất đen tối của cuộc sống là chuyện bình thường. Bởi lúc tiếp cận những văn bản này, giáo viên đồng hành, uốn nắn tư duy suy nghĩ của học sinh. Dạy môn Ngữ văn, suy cho cùng là giúp học sinh từ trang sách văn học, hiểu và vận dụng được những điều tốt đẹp để làm cho cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Chẳng hạn, có nhiều ý kiến trái chiều khi chọn truyện cổ tích dân gian “Tấm Cám” hay truyện hiện thực phê phán “Chí Phèo”,… đưa vào sách giáo khoa. Nhưng đó là tác phẩm được hướng dẫn tìm hiểu trên lớp, giáo viên cùng với học sinh trao đổi về những chi tiết, hành động của nhân vật dễ làm nhiễu tư tưởng của học sinh, để giúp học sinh tiếp nhận tác phẩm theo hướng tích cực, nhân văn.

Việc chọn ngữ liệu để thiết kế đề kiểm tra bắt đầu từ năm 2014, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn thay đổi cấu trúc, yêu cầu. Theo đó, đề thi gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn. Phần đọc hiểu chọn ngữ liệu là một văn bản mới, không có trong chương trình sách giáo khoa, được thẩm định kỹ càng về nội dung tư tưởng, có tính giáo dục và thẩm mỹ. Kèm theo ngữ liệu là hệ thống câu hỏi về kiến thức tiếng Việt, làm văn từ trong văn bản và những câu hỏi kiểm tra sự nhanh nhạy, vốn hiểu biết về xã hội và khả năng trình bày quan điểm của cá nhân học sinh.

Theo người viết, trước hết ngữ liệu phải chuẩn, đảm bảo tính giáo dục thiết thực, học sinh trả lời được bao nhiêu câu hỏi kèm theo là khả năng của từng học sinh.

Việc học sinh đọc ngữ liệu có nội hàm mang thông điệp giáo dục tích cực thì cũng đã gieo những điều tốt đẹp để bồi dưỡng phẩm chất, tâm hồn cho các em.

Đối với môn Ngữ văn, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngữ liệu văn bản. Ngữ liệu là “xương sống” của chương trình, là phương tiện dạy học 4 kỹ năng đọc – viết – nói – nghe, là phương tiện để bồi dưỡng phẩm chất chủ yếu của người học.

Một ngữ liệu tốt phải đảm bảo những tiêu chí: Chủ đề phù hợp lứa tuổi, tâm lý học sinh từng khối lớp, phục vụ cho việc phát triển các phẩm chất cao đẹp của người học như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm, trung thực; dung lượng vừa phải không quá ngắn hay quá dài, tạo tâm thế nhẹ nhàng đủ cho học sinh thâu tóm nội dung, chủ đề để từ đó trả lời yêu cầu câu hỏi; những yếu tố ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp quen thuộc, phù hợp với trình độ sử dụng ngôn ngữ của học sinh; ngữ liệu phải tuyệt đối chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, độ tin cậy cao, mọi người có thể kiểm chứng được.

Cần hạn chế tối đa những ngữ liệu tiếu lâm, những ngữ liệu phản ánh thực tế xã hội tuy phổ biến nhưng có thể gây ra những liên tưởng nhạy cảm cho lứa tuổi học sinh như nhậu nhẹt, rượu chè, cờ bạc,…

Không nên sử dụng những ngữ liệu chứa các từ ngữ phản cảm, có khả năng gây tổn thương người khác; phân biệt giới; kích động những tình cảm mang tính cực đoan. Nếu cần thiết phải chọn ngữ liệu đó thì giáo viên nên “can thiệp” để tránh những hạn chế đã nêu.

Có thể nói, Chương trình Ngữ văn hiện hành thiết kế theo hướng mở nên việc chọn ngữ liệu dạy học, kiểm tra có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang thách thức nhiều giáo viên.

Chọn ngữ liệu kiểm tra là khâu cực kì quan trọng, thể hiện năng lực của một nhà giáo trên con đường bồi dưỡng phẩm chất cho thế hệ trẻ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm