Có phụ huynh lo học nghề con sẽ không được tiếp tục học chương trình văn hóa

14/01/2025 06:40
Vân Anh

GDVN - Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau bậc THCS tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, khi tỉ lệ học sinh chọn học nghề khá thấp. 

Tháng 12/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Kế hoạch này, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. [1]

GDVN_nghe.JPG
Ảnh minh họa: M.T.

Mục tiêu phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đúng đắn nhưng khó thực hiện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Đây là chủ trương rất đúng đắn, bởi không phải học sinh nào cũng phù hợp để theo học văn hóa. Việc phân luồng học sinh giúp những em có năng khiếu hoặc yêu thích nghề nghiệp cụ thể có cơ hội phát triển năng lực.

Những học sinh gặp khó khăn trong học văn hóa nhưng có năng lực đặc biệt (như hội họa, âm nhạc, nấu ăn, sửa chữa kỹ thuật…) nên được định hướng học nghề sớm. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tăng cơ hội nghề nghiệp sau này cho các em. Học sinh vào trường nghề vẫn được học văn hóa, điều này cần được phụ huynh hiểu rõ để xóa bỏ định kiến.

Hiện nay, tại Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng tỉ lệ học sinh chọn trường nghề còn thấp, chủ yếu là học sinh có năng khiếu đặc biệt về thể thao, hội họa, âm nhạc. Hầu hết các phụ huynh vẫn kỳ vọng con em mình tiếp tục học trung học phổ thông và vào đại học”.

z6160747158546_53da63dfe248fc3d0b65dba1a7815685.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm đó, cô Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, mục tiêu rất đúng đắn, nhưng thực tế để đạt mục tiêu 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là khá khó khăn.

Đa số phụ huynh vẫn mong các con tiếp tục học trung học phổ thông, dù không vào được trường công lập thì cũng tìm đến các trường tư thục. Nhiều phụ huynh lo ngại rằng, học nghề đồng nghĩa với việc con sẽ không được tiếp tục học chương trình văn hóa. Điều này xuất phát từ tâm lý “chuộng bằng cấp”, nhiều phụ huynh cũng chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo của các trường nghề.

Hiện tại, tỉ lệ học sinh tại trường chọn học nghề rất ít, chủ yếu là những em có năng khiếu đặc biệt như hội họa, âm nhạc hoặc thể thao. Ngay cả khi có sự hỗ trợ từ các chương trình tư vấn tuyển sinh và quảng bá của các trường nghề, phụ huynh vẫn e ngại vì khoảng cách địa lý hoặc thiếu thông tin về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp”.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ: “Theo tôi, đây là một chủ trương thiết thực và có tầm nhìn. Hiện tại, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tại nhà trường đăng ký học nghề còn chưa cao. Tuy nhiên, đây là việc cần làm, bởi xã hội không chỉ cần những người “quản lý” mà còn cần những “người thợ” lành nghề. Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu này, cần phải phấn đấu rất nhiều.

Thách thức lớn nhất chính là rào cản tâm lý và thói quen tư duy cũ của phụ huynh và học sinh. Nhiều người cho rằng, con đường duy nhất để thành công là học trung học phổ thông, phải vào đại học. Họ chưa nhìn nhận đúng giá trị của việc học nghề và những cơ hội mà giáo dục nghề nghiệp mang lại”.

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết thêm: “Thực tế, có những học sinh mặc dù năng lực không phù hợp để tiếp tục học lên các bậc học văn hóa cao hơn, nhưng cả phụ huynh lẫn chính các em học sinh đó đều không chấp nhận việc học nghề, coi đó là một lựa chọn “không tương xứng”. Điều này tạo ra một “gánh nặng” cho giáo dục. Cần phải có sự thay đổi nhận thức, hiểu đúng về năng lực của mình và nhu cầu thực tế của xã hội.

Nhà trường cần minh bạch trong việc đánh giá học lực và tư vấn lộ trình phù hợp cho học sinh. Nếu phụ huynh hiểu rằng, con em họ không đủ điều kiện để theo học cấp trung học phổ thông thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa việc vận động học sinh đi học nghề với việc “ép buộc” các em”.

Tư vấn hướng nghiệp cần được quan tâm hơn

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Minh, vấn đề phân luồng học sinh trung học cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể như:

Thứ nhất, tâm lý phụ huynh thường đặt kỳ vọng cao vào việc con em mình tiếp tục học trung học phổ thông, thậm chí là phải vào đại học. Do đó, phụ huynh ít quan tâm đến các lựa chọn nghề nghiệp ngay từ bậc trung học cơ sở.

Thứ hai, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp hiện nay chưa xây dựng được uy tín hoặc chưa đáp ứng đủ kỳ vọng về chất lượng giảng dạy và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh.

Thứ ba, công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn chưa đầy đủ, chưa đến được với đa số phụ huynh, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về lợi ích của việc học nghề.

Cô Minh cũng chia sẻ thêm về các giải pháp: “Đầu tiên, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cần nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình giảng dạy, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Tiếp đó, tăng cường công tác truyền thông, xây dựng các chương trình tư vấn chuyên sâu cho cả học sinh và phụ huynh, giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích và triển vọng của việc học nghề.

Cuối cùng, công tác hướng nghiệp cần được triển khai bài bản hơn, giúp học sinh xác định rõ đam mê và khả năng từ sớm”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Bàn về giải pháp, cô Nguyễn Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh về mối quan hệ của phụ huynh và nhà trường trong công tác phân luồng học sinh: “Quan trọng nhất là phụ huynh phải hiểu rằng, trường nghề không phải là một lựa chọn kém. Thay vào đó, đây là cách phát huy tiềm năng của học sinh và định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Phụ huynh cần tự nguyện và ủng hộ các con học nghề theo khả năng phù hợp.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cần cải thiện chất lượng đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học sinh. Điều này sẽ giúp tăng niềm tin của phụ huynh vào các trường nghề.

Cần tăng cường các chương trình truyền thông sâu rộng để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về các lựa chọn nghề nghiệp. Tiếp đó, cần cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Bên cạnh đó, các trường trung học cơ sở nên phối hợp chặt chẽ với trường nghề để định hướng rõ ràng cho học sinh”.

Theo cô Hằng, mục tiêu về công tác phân luồng học sinh là rất tốt, nhưng cần sự phối hợp từ nhiều phía, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức của phụ huynh. Cô nhấn mạnh: “Chỉ khi phụ huynh hiểu và ủng hộ, cùng với sự cải thiện chất lượng từ các môi trường đào tạo nghề, thì mục tiêu mới đạt hiệu quả”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Ke-hoach-363-KH-UBND-2024-thuc-hien-Chi-thi-29-CT-TW-xoa-mu-chu-cho-nguoi-lon-Ha-Noi-636782.aspx

Vân Anh