Theo một số chuyên gia chia sẻ, so với Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT thì Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập đã bổ sung 01 vị trí việc làm về “tư vấn học sinh”. Do đó, nhu cầu về vị trí việc làm liên quan đến tâm lý học giáo dục sẽ lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Tâm lý học giáo dục đang được đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học. Đáng nói, chương trình đào tạo ngành này ở mỗi cơ sở giáo dục đại học lại có những điểm nổi bật.
Ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh
Trường Đại học Vinh có đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục. Năm 2024, ngành Tâm lý học giáo dục của nhà trường tuyển sinh 70 chỉ tiêu.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hằng Ly - Tư vấn tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Vinh đánh giá, đào tạo nhân lực tâm lý học giáo dục không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng một nền giáo dục hiện đại, phát triển bền vững.
Cụ thể, nhân lực ngành tâm lý học giáo dục giúp hỗ trợ người học trong quá trình học tập và phát triển; cung cấp các giải pháp can thiệp kịp thời với những học sinh gặp khó khăn về tâm lý, học tập hoặc các vấn đề xã hội khác.
Nhân lực lĩnh vực tâm lý học giáo dục đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Giáo viên và chuyên viên tâm lý học giáo dục được trang bị kiến thức giúp hiểu rõ hơn về tâm lý học sinh, qua đó thiết kế các phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn; hỗ trợ giáo viên quản lý lớp học, xây dựng môi trường học tập tích cực và thân thiện.
“Nhân lực lĩnh vực tâm lý học giáo dục đóng góp vào sự phát triển của xã hội thông qua việc xây dựng một thế hệ học sinh có khả năng ứng phó tốt hơn với các thách thức trong cuộc sống, góp phần hình thành các giá trị nhân văn và kỹ năng giao tiếp xã hội, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Bên cạnh đó, việc đào tạo bài bản đội ngũ nhân lực tâm lý học giáo dục sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành tạo ra nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, ứng dụng thực tiễn trong giáo dục và xã hội, giúp xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến sự phát triển tâm lý, cảm xúc của học sinh”, cô Ly chia sẻ.
Cùng chỉ ra tầm quan trọng trong đào tạo ngành học này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang - Giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quy Nhơn) chia sẻ, trong xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh những tác động tích cực thì cũng tiềm ẩn không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh. Điều đó gây ra những khó khăn tâm lý cho các em như tình trạng lo âu, căng thẳng, trầm cảm, bạo lực học đường ở các trường học, hay một số khác có hành vi lệch chuẩn.
Chính vì thế, việc Trường Đại học Quy Nhơn đưa vào đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực có thể đưa ra các giải pháp giáo dục cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong lĩnh vực giáo dục.
Những năm gần đây, kết quả tuyển sinh và đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Quy Nhơn có nhiều triển vọng. Trong đó, điểm trúng tuyển ngành học này năm 2024 tăng 8 điểm (từ 15 điểm lên 23 điểm) so với năm 2023.
Ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được đưa vào tuyển sinh và đào tạo từ năm 2024. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh - Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bày tỏ, việc đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng xã hội phát triển văn minh, bền vững.
“Năm học 2024-2025, nhà trường tuyển được 60/68 sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục. Điều này không phải do ít thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với ngành Tâm lý học giáo dục mà là do nhà trường xác định mức điểm trúng tuyển ngành này là 26,68 điểm (theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024) nên chỉ có 60 thí sinh đủ điểm trúng tuyển.
Nếu nhà trường xác định điểm trúng tuyển đối với ngành Tâm lý học giáo dục thấp hơn khoảng 0,01 hoặc 0,02 điểm so với điểm trúng tuyển thực tế thì số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ vượt quá nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh”, cô Ngọc Anh cho biết.
Những điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục ở mỗi trường lại có những điểm nổi bật và khác biệt.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Hằng Ly, ngoài việc chú trọng đến chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà trường đã tập trung vào công tác đổi mới trong dạy và học. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của ngành Tâm lý học giáo dục Trường Đại học Vinh được phát triển dựa theo đề cương CDIO (là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate).
“Hiện nay, trước nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển toàn diện cho học sinh ngày càng cao, nguồn nhân lực giảng dạy Tâm lý học, Giáo dục học càng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Việc đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục của nhà trường không chỉ giải quyết được việc “khát” giáo viên lĩnh vực tâm lý mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được học tập thuận lợi”, cô Ly chia sẻ.
Trong khi đó, ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có điểm nổi bật như xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy tâm lý học giáo dục. Cụ thể, nhà trường tạo điều kiện để giảng viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tuyển dụng thêm giảng viên có trình độ tiến sĩ để phục vụ đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục. Dự kiến đến năm 2027, Khoa Tâm lý - Giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có khoảng 85% giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học, Giáo dục học.
Thêm nữa, nhà trường tập trung xây dựng và nâng cấp các phòng học thực hành, thư viện, hệ thống công nghệ để hỗ trợ hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên.
Ngoài ra, ngành Tâm lý học giáo dục của nhà trường còn cung cấp các dịch vụ tư vấn hỗ trợ tâm lý cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và tham gia các dự án nghiên cứu về tâm lý học, giáo dục.
Chưa kể, nhà trường cũng tạo ra môi trường học tập năng động, sân chơi bổ ích để sinh viên có nhiều cơ hội bộc lộ sự khác biệt và tiềm năng sẵn có của bản thân.
Chỉ ra những điểm nổi bật của chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục Trường Đại học Quy Nhơn, cô Trang cho biết, ngành Tâm lý học giáo dục của nhà trường có nền tảng là ngành Sư phạm Tâm lý giáo dục nên có thế mạnh đào tạo về tâm lý giáo dục trong trường học.
“Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhà tuyển dụng, chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục luôn được nhà trường cập nhật, thay đổi theo định hướng phát triển kỹ năng thực hành, tăng cường trải nghiệm thực tế cho người học nhằm đáp ứng tốt công việc sau khi ra trường.
Nhà trường kết hợp với các cơ sở giáo dục (từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học), các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống, can thiệp trẻ để đưa sinh viên đến trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập.
Số học phần và số giờ thực hành, thực tế, thực tập của ngành được tăng lên, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện ngay từ khi còn học ở nhà trường. Nhiều sinh viên trong quá trình học tập đã tham gia làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp nhằm rèn luyện và phát triển năng lực chuyên môn”, cô Trang chia sẻ.
SV khó tiếp cận tài liệu tâm lý học giáo dục nước ngoài do trình độ tiếng Anh còn hạn chế
Bên cạnh những thuận lợi, việc đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục của một số cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với một số khó khăn.
Cụ thể, cô Trang cho rằng, hiện nay đã có quy định về vị trí nhân viên tư vấn trường học nhưng chưa thực sự mang lại thuận lợi như mong đợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục vì chưa có cơ chế tuyển dụng rõ ràng. Thực tế, vị trí nhân viên tư vấn trường học đang sử dụng giáo viên kiêm nhiệm, sinh viên tốt nghiệp sư phạm có chứng chỉ tư vấn,...
Còn theo cô Ly, có nhiều khó khăn trong đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục. Thứ nhất là nhiều người chưa hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của tâm lý học giáo dục, dẫn đến việc đánh giá thấp ngành học này. Một số học sinh, phụ huynh và thậm chí các nhà tuyển dụng đôi khi không coi trọng vai trò của chuyên gia tâm lý trong môi trường giáo dục.
Thứ hai, chương trình đào tạo chưa thực sự gắn với thực tiễn: Nội dung đào tạo đôi khi còn nặng lý thuyết, thiếu tính ứng dụng thực tế; sinh viên ít có cơ hội thực tập tại các trường học, trung tâm tư vấn hoặc các cơ sở thực tế.
Thứ ba, thiếu đội ngũ giảng viên chuyên môn cao; một số giảng viên thiếu khả năng cập nhật các phương pháp đào tạo mới hoặc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
Thứ tư, hạn chế về cơ sở vật chất và tài nguyên học liệu như ngành chưa được trang bị đầy đủ phòng thực hành tâm lý, phòng tư vấn mô phỏng; tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Việt còn ít, chủ yếu phụ thuộc vào tài liệu nước ngoài, gây khó khăn cho sinh viên chưa thành thạo ngoại ngữ.
Thứ năm, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng khiến cho không ít sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục cảm thấy lo lắng về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Trước những khó khăn này, cô Ly chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục của nhà trường.
“Cần một giải pháp tổng thể bao gồm đổi mới chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, cải thiện cơ sở vật chất, và tạo cơ hội thực hành nghề cho sinh viên. Quan trọng hơn, việc nâng cao nhận thức xã hội và mở rộng cơ hội nghề nghiệp sẽ giúp ngành học này phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại”, cô Ly bày tỏ.
Cụ thể, đối với chương trình đào tạo, cần kết hợp giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế, chú trọng vào các kỹ năng như tham vấn học đường, xử lý xung đột, và tư vấn tâm lý; bố trí thêm thời gian thực tập tại các trường học, trung tâm tư vấn, hoặc các cơ sở giáo dục; mở thêm các chuyên ngành như tư vấn tâm lý học đường, tâm lý trị liệu, hoặc quản lý tâm lý giáo dục.
Về phát triển đội ngũ giảng viên, cô Ly cho rằng, cần cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục tiên tiến ở trong và ngoài nước về tâm lý học giáo dục; mời các chuyên gia nước ngoài đến trường giảng dạy, tổ chức hội thảo hoặc hướng dẫn nghiên cứu; giúp giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và sử dụng hiệu quả công nghệ trong đào tạo.
Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở vật chất và tài nguyên học liệu; hỗ trợ sinh viên trong thực tập và việc làm bằng cách kết nối giữa nhà trường với các trường, trung tâm tư vấn để tạo cơ hội thực tập cho sinh viên. Xây dựng trung tâm hướng nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên định hướng nghề nghiệp và kết nối với nhà tuyển dụng. Đồng thời, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên phát triển các dự án tư vấn tâm lý độc lập.
Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, học bổng khuyến khích cho sinh viên tài năng theo đuổi ngành Tâm lý học giáo dục; xây dựng các chính sách công nhận và tạo điều kiện cho chuyên gia tâm lý hoạt động trong trường học.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Ngọc Anh cho rằng, lĩnh vực tâm lý học giáo dục có nhiều tài liệu nước ngoài rất bổ ích nhưng do trình độ tiếng Anh của sinh viên còn hạn chế nên sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với nguồn tài liệu này.
Chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục phải cập nhật liên tục, cải tiến kịp thời để bắt nhịp xu hướng, nhu cầu xã hội. Do đó, việc phát triển chương trình đào tạo đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Để khắc phục những khó khăn kể trên, cô Ngọc Anh cho rằng, cơ sở đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cập nhật chương trình học và sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại; mở rộng hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế để trao đổi học thuật và nghiên cứu; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực tâm lý học giáo dục.
Để đáp ứng yêu cầu công việc của lĩnh vực tâm lý học giáo dục, sinh viên sau khi tốt nghiệp, cô Ly chia sẻ, các em cần trang bị cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, và phẩm chất cá nhân. Dưới đây là những yếu tố cần thiết:
1. Kiến thức chuyên môn
Sinh viên cần nắm vững:
Lý thuyết tâm lý học cơ bản và ứng dụng: Hiểu về các khái niệm như phát triển tâm lý, hành vi học sinh, cảm xúc, và động lực học tập.
Tâm lý học phát triển: Đặc điểm tâm lý của trẻ em, thanh thiếu niên trong các giai đoạn phát triển khác nhau.
Tâm lý học giáo dục: Áp dụng các phương pháp tâm lý để cải thiện hiệu quả học tập, quản lý lớp học và giải quyết các vấn đề trong môi trường giáo dục.
Các phương pháp nghiên cứu: Biết cách thực hiện khảo sát, phân tích dữ liệu, và áp dụng nghiên cứu vào thực tế.
Tâm lý học lâm sàng và tham vấn học đường: Hiểu biết về tư vấn tâm lý, chẩn đoán và hỗ trợ học sinh gặp khó khăn tâm lý.
2. Kỹ năng nghề nghiệp
Kỹ năng giao tiếp và lắng nghe: Giao tiếp hiệu quả với học sinh, giáo viên, phụ huynh và đồng nghiệp, đồng thời tạo môi trường an toàn để học sinh chia sẻ.
Kỹ năng tư vấn và hỗ trợ tâm lý: Áp dụng các kỹ thuật tham vấn để giúp học sinh vượt qua căng thẳng, lo âu, hoặc các vấn đề cá nhân.
Kỹ năng giải quyết vấn đề: Xử lý các tình huống khó khăn trong trường học, từ xung đột giữa học sinh đến các vấn đề về tâm lý học đường.
Kỹ năng làm việc nhóm: Cộng tác với giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia khác để hỗ trợ học sinh một cách toàn diện.
Kỹ năng quản lý lớp học: Hỗ trợ giáo viên tạo dựng môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tham gia của học sinh.
Sử dụng công nghệ: Thành thạo các công cụ hỗ trợ nghiên cứu, tư vấn, và quản lý thông tin trong môi trường giáo dục.
3. Phẩm chất cá nhân
Đạo đức nghề nghiệp: Tôn trọng quyền riêng tư, bảo mật thông tin, và làm việc với sự công bằng, khách quan.
Thấu cảm và nhạy bén: Hiểu và đồng cảm với những khó khăn, cảm xúc của học sinh để hỗ trợ kịp thời.
Kiên nhẫn và linh hoạt: Biết cách thích nghi với từng đối tượng học sinh và từng hoàn cảnh cụ thể.
Tư duy phản biện: Phân tích vấn đề một cách logic và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tinh thần học hỏi: Luôn cập nhật kiến thức mới, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành để nâng cao năng lực.
4. Hiểu biết về môi trường làm việc
Sinh viên cũng cần chuẩn bị:
Kiến thức về hệ thống giáo dục: Hiểu rõ quy định, chính sách, và cách vận hành của môi trường giáo dục.
Kỹ năng thích nghi với các vị trí công việc khác nhau: Từ chuyên viên tư vấn học đường, giảng viên tâm lý học, đến nghiên cứu viên trong các tổ chức giáo dục.
5. Thực hành và kinh nghiệm thực tế
Tham gia thực tập: Kinh nghiệm thực tế tại các trường học hoặc trung tâm tư vấn tâm lý giúp sinh viên làm quen với công việc và các tình huống thực tế.
Tham gia các dự án cộng đồng: Làm việc trong các chương trình hỗ trợ học sinh hoặc cộng đồng để trau dồi kỹ năng và phát triển mối quan hệ nghề nghiệp.
6. Chứng chỉ và bằng cấp bổ trợ
Chứng chỉ tham vấn tâm lý, đào tạo kỹ năng mềm hoặc các khóa học về tâm lý trị liệu.
Bằng ngoại ngữ (như tiếng Anh) để tiếp cận tài liệu chuyên môn và làm việc trong các môi trường quốc tế.
Như vậy, sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục cần có sự chuẩn bị toàn diện từ kiến thức, kỹ năng đến thái độ và đạo đức nghề nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên đáp ứng yêu cầu công việc mà còn góp phần vào sự phát triển tích cực của học sinh và môi trường giáo dục.