Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo viên THPT viết sáng kiến cần lưu ý điều gì?

03/01/2025 06:50
Ánh Dương

GDVN - Sáng kiến sao chép, đề tài xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu bị phát hiện thì kết quả công nhận sẽ bị hủy bỏ là nội dung đáng chú ý của Công văn này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản số 8417/HD-SGDĐT ban hành Hướng dẫn xét, công nhận sáng kiến, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, văn bản hướng dẫn các nguyên tắc, điều kiện, trình tự tiếp nhận và thực hiện xét chấp thuận đề nghị công nhận sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật trong trường hợp người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo là tác giả sáng kiến. Hướng dẫn các nguyên tắc, điều kiện, trình tự tiếp nhận và thực hiện xét, công nhận sáng kiến; xét, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong phạm vi cơ sở, thành phố và toàn quốc. Việc hướng dẫn áp dụng để làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng áp dụng: đối tượng được xét, công nhận có sáng kiến để làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo

Theo đó, Công văn này có một số nội dung đáng chú ý như sau:

sang-kien-kinh-nghiem-2-8708.jpg

Nguyên tắc xét, công nhận sáng kiến, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến

1. Việc xét, công nhận sáng kiến thực hiện theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN và do người đứng đầu đơn vị cơ sở có thẩm quyền xét, công nhận.

2. Việc xét, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng sáng kiến trong phạm vi cơ sở do người đứng đầu Cấp cơ sở xem xét quyết định.

3. Sáng kiến muốn đề xuất xét công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng trong Thành phố, toàn quốc thì thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét trong phạm vi Thành phố là 03 năm và trong toàn quốc là 06 năm kể từ thời điểm sáng kiến được công nhận tại cơ sở.

4. Chỉ ghi nhận tác giả sáng kiến có tỷ lệ đóng góp từ 20% trở lên; ngoại trừ sáng kiến có quy mô thực hiện phạm vi rộng lớn, có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan và có phạm vi ảnh hưởng toàn thành phố thì phải có thuyết minh cụ thể, hợp lý nội dung đóng góp của từng tác giả để được xem xét.

5. Sáng kiến có đồng tác giả thuộc nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thì việc đề nghị xét, công nhận sáng kiến, xét công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong phạm vi cơ sở phải có ý kiến thống nhất của các đồng tác giả về việc nộp đơn (hoặc từ bỏ quyền tác giả) đối với sáng kiến; đồng thời phải có xác nhận của cơ quan nơi tác giả đang công tác về việc tác giả tham gia thực hiện sáng kiến.

6. Một giải pháp không được đề nghị xét nhiều hình thức. Nếu giải pháp đã đề nghị xét, công nhận theo đối tượng “sáng kiến” thì không đề nghị xét, công nhận theo đối tượng “đề tài” và ngược lại.

7. Sáng kiến sao chép của tác giả khác, sao chép từ các nguồn tài liệu đã được công bố trên các trang tin điện tử hoặc sáng kiến, đề tài xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu bị phát hiện thì kết quả công nhận sẽ bị hủy bỏ.

Điều kiện xét và yêu cầu tài liệu xét công nhận sáng kiến, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng, của sáng kiến

Điều kiện xét, công nhận sáng kiến

Sáng kiến được công nhận nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Điều lệ sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP như sau:

- Có tính mới: Sáng kiến được xem là mới khi sáng kiến đó lần đầu tiên được tạo ra hoặc cải tiến trong Đơn vị cơ sở;

- Đã áp dụng hoặc áp dụng thử tại Đơn vị cơ sở;

- Có khả năng mang lại lợi ích thiết thực (hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ).

Điều kiện xét, công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng của sáng kiến trong phạm vi cơ sở

Sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong phạm vi cơ sở nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã được công nhận sáng kiến tại Đơn vị cơ sở;

- Đã áp dụng mang lại hiệu quả tại Đơn vị cơ sở;

- Đã được đơn vị khác tại cơ sở áp dụng/nhận chuyển giao áp dụng; hoặc đạt giải thưởng trong các hội thi, cuộc thi cấp quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, toàn quốc…; hoặc có sự ảnh hưởng, tác động đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động hoặc đối tượng quản lý của Cấp cơ sở; hoặc có khả năng nhân rộng trong phạm vi cơ sở.

Điều kiện xét, công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng của sáng kiến trong phạm vi Thành phố

Sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong phạm vi thành phố nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã được công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong phạm vi cơ sở;

- Đã áp dụng mang lại hiệu quả tại Cấp cơ sở;

- Đã được đơn vị khác ngoài cơ sở áp dụng/nhận chuyển giao áp dụng; hoặc đạt giải thưởng trong các hội thi, cuộc thi do Thành phố hoặc tổ chức chính trị xã hội, hội đặc thù, cơ quan đoàn thể Thành phố, trung ương tổ chức...; hoặc có sự ảnh hưởng, tác động đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động hoặc đối tượng quản lý của Thành phố; hoặc có khả năng nhân rộng trong phạm vi Thành phố.

Điều kiện xét, công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng của sáng kiến trong phạm vi toàn quốc

Sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong phạm vi toàn quốc nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã được công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong phạm vi Thành phố;

- Đã áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cho Thành phố;

- Đã được đơn vị khác của một tỉnh, thành khác áp dụng/nhận chuyển giao áp dụng và được Sở Khoa học và Công nghệ địa phương xác nhận sáng kiến được áp dụng/nhận chuyển giao áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Giáo viên không có sáng kiến vẫn đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở

Liên quan đến sáng kiến, giáo viên cần biết thêm một số thông tin có liên quan như sau:

Theo Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2024) đã quy định giáo viên không còn bắt buộc phải có sáng kiến để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nữa.

Thay vào đó, giáo viên chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” tại Điều 24 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022;

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.

Như vậy theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022, để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì giáo viên không còn bắt buộc phải có sáng kiến nữa.

Mà có thể thay bằng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài khoa học có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu,...

Giáo viên cần có bao nhiêu sáng kiến để được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có quy định như sau:

“d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;”

Theo đó, sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể để giáo viên được đề nghị bằng khen bộ, ngành, tỉnh, cụ thể như sau:

Trường hợp 01: Trường hợp danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét cho cá nhân mà đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” và có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu thì ngoài 02 sáng kiến/đề tài đã được dùng để xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, giáo viên cần có thêm 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.

Trường hợp 02: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét cho cá nhân “đạt tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì phải có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.

Bạn đọc có thể xem toàn bộ văn bản số 8417/HD-SGDĐT TẠI ĐÂY.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương