Đề kiểm tra định kỳ THPT theo phụ lục CV 7991, bậc THCS có cần thống nhất?

05/01/2025 06:52
Sơn Quang Huyến

GDVN -Ngày 17 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản Số 7991/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS và THPT.

Văn bản Số 7991/BGDĐT-GDTrH nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ nội dung đã được tập huấn cho giáo viên cốt cán vào tháng 11/2024, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên của các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn quản lí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cụ thể việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học học phổ thông. Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp Trung học phổ thông sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm).

Phần trắc nghiệm khách quan với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng - sai và trả lời ngắn. Với những môn học không có dạng câu hỏi "trả lời ngắn", toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng "đúng - sai".

Mức độ nhận thức đề kiểm tra sẽ có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng.

Người viết đã tìm hiểu một số địa phương, thấy ở cấp trung học cơ sở, các tỉnh đang chỉ đạo việc thực hiện kiểm tra, đánh giá không thống nhất. Có nơi đề kiểm tra 100% tự luận, có nơi không quy định rõ ràng, có nơi 30% trắc nghiệm, 70% tự luận.

Thầy giáo Hồ Đông Kiên Giang cho biết: “Năm học 2024-2025 chúng tôi thực hiện thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Văn bản số 3522/SGDĐT-GDPT&GDTX Kiên Giang, ngày 16 tháng 10 năm 2024.

Đề kiểm tra có các hình thức sau: Đề kiểm tra tự luận, đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan, đề kiểm tra kết hợp tự luận với trắc nghiệm khách quan. Căn cứ vào đặc trưng môn học và tình hình thực tế, đơn vị lựa chọn hình thức xây dựng đề kiểm tra phù hợp để nâng cao hiệu quả, đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện. Chúng tôi đã ra đề theo hình thức 30% trắc nghiệm, 70% tự luận.

Tôi thấy ở cấp trung học phổ thông đã thống nhất về kiểm tra, đánh giá rồi, nếu bộ chỉ đạo thống nhất ở cấp trung học cơ sở sẽ có thuận lợi hơn khi thanh kiểm tra”.

brvt.png
Ảnh chụp màn hình văn bản số 5697/SGDDT-GDTHTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thầy Đặng Văn Tuân ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Bậc trung học cơ sở không quy định cụ thể sẽ có sự đa dạng hình thức kiểm tra định kì ở các địa phương cũng có điểm tốt.

Ví dụ, ở các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng chủ yếu câu hỏi tự luận có thể giúp đánh giá tốt hơn năng lực tư duy của học sinh. Ngược lại, ở các khu vực thành thị, nơi học sinh được tiếp cận công nghệ và có khả năng học tập tốt hơn, câu hỏi trắc nghiệm có thể được sử dụng nhiều hơn để tiết kiệm thời gian chấm bài và tăng tính khách quan.

Không bị ràng buộc bởi một cấu trúc ra đề cứng nhắc, giáo viên và nhà trường tại các tỉnh có thể phát triển đề kiểm tra theo cách riêng, phù hợp với phương pháp giảng dạy của mình, giúp thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong giáo dục.

Tuy nhiên cũng có cái chưa hay, ở cấp trung học phổ thông, cấu trúc đề thi thường có tỷ lệ 70% trắc nghiệm và 30% tự luận, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Nếu ở cấp trung học cơ sở học sinh không được làm quen với các dạng câu hỏi trắc nghiệm một cách bài bản, lên lớp 10 có thể gặp khó khăn khi làm bài kiểm tra định kì".

Một giáo viên khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: "Theo tôi, Bộ nên thống nhất cấu trúc đề kiểm tra đánh giá định kì bậc trung học cả nước như trung học phổ thông, sẽ có những cái hay như sau:

Thứ nhất, học sinh sẽ làm quen đề kiểm tra đánh giá từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông không còn bỡ ngỡ và các cấp quản lý dễ thanh kiểm tra, đánh giá chất lượng.

Thứ hai, việc ra đề trắc nghiệm theo cấu trúc đề tốt nghiệp trung học không còn khó với giáo viên trung học cơ sở vì tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo đã tiệm cận con số tuyệt đối.

Biên chế học sinh/lớp hiện nay khoảng 45 em/lớp, nên chật chội, dễ quay cóp, có nhiều đề cho một lớp là giải pháp để chống gian lận thi cử, điều này chỉ có thể sử dụng đề trắc nghiệm

Công nghệ thông tin cũng đã hỗ trợ khá nhiều cho giáo viên trong việc ra đề. Nên việc ra đề thi dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng - sai và trả lời ngắn cũng phải vấn đề quá khó khăn với giáo viên.

Thứ ba, với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng - sai và trả lời ngắn, học sinh không thể học tủ, học vẹt, hạn chế tình trạng mưa điểm 10 của hình thức trắc nghiệm khách quan lựa chọn. Điều giúp kết quả đánh giá chính xác để người dạy, người học rút kinh nghiệm, cấp trên có chỉ đạo sát với thực tế".

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-7991-bgddt-gdtrh-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-ve-viec-thuc-hien-kiem-tra-danh-gia-doi-voi-cap-trung-hoc-co-so-trung-hoc-pho-thong-380717-d6.html

https://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=37747

Sơn Quang Huyến