Có tiền thưởng theo NĐ 73, xếp loại đi kèm kinh tế, GV thêm động lực phấn đấu

05/01/2025 06:32
Trung Dũng

GDVN - Lãnh đạo nhiều trường cho rằng, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá giáo viên cụ thể, khách quan để việc thực hiện chi trả đúng đối tượng, không gây tranh cãi.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, đồng thời được bổ sung quỹ tiền thưởng 10% tổng quỹ lương. Điều này đang tạo ra không khí phấn khởi chung với các giáo viên trong cả nước, nhất là khi nhiều trường sẽ thực hiện việc chi trả tiền thưởng cho giáo viên trước dịp Tết Nguyên đán 2025.

Qua chia sẻ của lãnh đạo một số trường học, để phát huy được hết ý nghĩa của Nghị định 73 thì việc các Nhà trường cần xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá mới, cụ thể để tiền thưởng đến đúng đối tượng là việc làm cần thiết. Từ đó tạo ra sự nỗ lực, phấn đấu trong công việc với từng giáo viên.

Giáo viên thêm động lực phấn đấu

Trao đổi với phóng viên, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) cho biết: "Nhận được thông tin sau khi Nghị định này chính thức được ban hành, các giáo viên trong trường hồ hởi, vui mừng đón nhận. Hiện tại, nguồn kinh phí chi trả thưởng cũng đã đã được phân bổ về cho Nhà trường theo đúng quy định. Việc còn lại là chúng tôi thực hiện đúng, công bằng, khách quan.

Ngoài việc sớm thực hiện chi trả thưởng cho giáo viên, cố gắng để họ được nhận tiền thưởng trước Tết Nguyên đán thì chúng tôi cũng đang lên phương án xây dựng các tiêu chí đánh giá mới, cụ thể hơn để có thể áp dụng cho năm học 2024 - 2025 đảm bảo hiệu quả, khách quan, công bằng và làm nền tảng cho công tác thi đua, khen thưởng trong những năm học tiếp theo", thầy Tuấn Anh cho hay.

thầy tuấn anh.jpg
Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: NVCC

Cũng theo vị lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, hiện tại kết quả đánh giá xếp loại với năm học 2024 - 2025 chưa có. Vì thế, để thực hiện theo năm tài chính 2024, việc chi thưởng cho giáo viên sẽ được tính từ tháng 7/2024 và căn cứ theo kết quả thi đua của năm học 2023 - 2024.

Cụ thể, vị Hiệu trưởng này cho biết: "Sẽ có 4 mức để xếp loại là: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và mức không hoàn thành nhiệm vụ, từ các mức xếp loại trên sẽ ra các mức xét thưởng.

Tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương độ chênh lệch tiền thưởng theo cách xếp loại thưởng, theo đó sẽ dao động từ 2,5 đến gần 4 triệu đồng/mức thưởng. Chính vì có những mức thưởng khác nhau với từng mức xếp hạng nên chắc chắn trong những năm học tiếp theo, giáo viên nào cũng sẽ tự cố gắng, nỗ lực để đạt ra kết quả năm sau cao hơn năm trước.

Điều này là bởi, trước đây khi chưa có khoản tiền thưởng theo Nghị định 73, nhiều giáo viên có tư tưởng yên vị, ngại phấn đấu, thậm chí nhiều năm chỉ duy trì ở mức "hoàn thành nhiệm vụ". Trên thực tế, nếu một giáo viên nếu được xếp ở mức hoàn thành nhiệm vụ thì sự nỗ lực của nhà giáo đó chưa thực sự cao và có sự hời hợt trong thực thi công việc.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định này có hiệu lực, việc phấn đấu của mỗi giáo viên sẽ đi kèm với lợi ích kinh tế nên chắc chắn rất nhiều người sẽ có suy nghĩ khác về công việc mình đang làm. Bởi lẽ, số tiền thưởng của giáo viên tại trường hiện tại qua tính toán có thể lên tới hơn 7 triệu đồng/ người với mức thưởng cao nhất. Đó mới chỉ là tính từ ngày 1/7 đến thời điểm tính mức thưởng. Tuy nhiên với năm tiếp theo, nếu tính tròn cả năm thì mức thưởng này có thể là gấp đôi.

Với những người công tác trong ngành giáo dục thì đây là số tiền thưởng rất lớn. Nếu được chi trả vào dịp trước Tết Nguyên đán để họ có một cái Tết ấm no hơn thì việc này còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa".

Thầy Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, việc này rất cần sự nhạy bén, tâm huyết của lãnh đạo Nhà trường khi xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng làm sao đảm bảo sự chặt chẽ và có định lượng chuẩn xác.

Vị này cho rằng, việc đánh giá xếp loại trong những năm tiếp theo không đơn giản chỉ là để biết cán bộ, giáo viên đó đang ở mức độ nào mà nó còn gắn liền với quyền lợi, lợi ích của mỗi người. Vì thế, xây dựng quy chế đánh giá làm sao để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, khách quan và không xảy ra kiện tụng, tranh cãi cũng là điều không hề đơn giản.

Qua đó, nêu lên một số quan điểm về định hướng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng trong những năm tiếp theo, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương chia sẻ: "Lâu nay khi các trường thực hiện việc đánh giá thi đua thường dựa trên các tiêu chí chung chung, chỉ có một vài tiêu chí cứng. Chưa kể, có thể một số tiêu chí chưa thực sự thuyết phục nhưng vẫn được xuê xoa.

Tuy nhiên, khi đã có lợi ích gắn với các danh hiệu thi đua thì nó không chỉ là danh dự mà còn là kinh tế, vì thế cần lãnh đạo nhà trường đưa ra những phương án xây dựng bộ khung tiêu chí đánh giá cụ thể và dân chủ và có sự thống nhất, đóng góp ý kiến của các giáo viên. Để làm sao sau khi thực hiện đánh giá, kết quả cuối cùng đều được mọi người đồng thuận, vì mỗi trường học, mỗi địa phương sẽ có những yếu tố đặc thù riêng.

Trong bộ tiêu chí đánh giá phải đo đếm được thành tích, mức độ phấn đấu nỗ lực của từng giáo viên. Nghĩa là với những thành tích khác nhau sẽ có những mức đánh giá khác nhau, từ đó sẽ ra các mức thưởng phù hợp.

Chẳng hạn, một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh thì mức đánh giá cũng sẽ khác với một giáo viên khác chỉ bồi dưỡng được học sinh giỏi đạt giải cấp huyện. Đó cũng là những tiêu chí sát sườn nhất mà buộc mỗi giáo viên phải tự phấn đấu thì mới có được. Còn nếu chỉ dựa trên những tiêu chí chung chung như: phẩm chất đạo đức tốt, sống lành mạnh, thân thiện với quần chúng... thì thực sự rất khó để định lượng, đong đếm. Thậm chí là dễ có yếu tố tiêu cực khi thực hiện đánh giá".

Cần xây dựng quy chế đánh giá cụ thể, mức thưởng đúng với từng đối tượng

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho hay, đối với cán bộ công chức, viên chức đây là niềm vui, niềm động lực rất lớn và nó đặc biệt ý nghĩa hơn với người làm trong ngành giáo dục. Với khoản thưởng định kỳ hàng năm, trường học sẽ thực hiện chi trả tiền thưởng theo Nghị định 73 trước Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng này cũng băn khoăn về tiêu chí đánh giá đối với việc thưởng đột xuất. Bởi lẽ tiêu chí đánh giá với khoản thưởng này rất khó định lượng. Hơn nữa, đặc thù mỗi trường học, mỗi địa phương khác nhau, việc đánh giá cũng sẽ khác nhau, không đồng nhất.

z6192461937692_fdfcb1d38d53ec3fba71124e12f6c0a9.jpg
Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Qua đó, thầy Bắc cho biết: "Việc này chúng tôi cũng đang chờ thêm các hướng dẫn cụ thể để có thể áp dụng cho thật hiệu quả trong các năm tiếp theo. Bởi lẽ, trong Nghị định 73 có cụm từ "thưởng đột xuất", tuy nhiên lại rất khó có thể định nghĩa và cho các trường có cách hiểu đồng nhất về thế nào là thưởng đột xuất".

Còn đối với các khoản thưởng định kỳ, hàng năm mà giáo viên nhận được theo Nghị định 73, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh hiện vẫn đang được thực hiện dựa trên kết quả của việc đánh giá, xếp loại hàng năm của Nhà trường.

"Hiện nay chúng tôi cũng đang cho xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mới cho năm học tiếp theo để có thể làm tiêu chí đánh giá từ đầu. Bởi lẽ, nếu làm không đúng, thiếu sự chặt chẽ thì không chỉ là đánh giá sai đối tượng mà chế độ chi trả sẽ không đạt được mục đích lớn nhất là khích lệ và tạo động lực phấn đấu cho giáo viên", thầy Bắc nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bồng Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) bày tỏ, khi biết được thông tin sẽ có thêm khoản thưởng theo Nghị định 73, không chỉ giáo viên của Nhà trường mà tất cả giáo viên trên địa bàn huyện đều phấn khởi, vui mừng.

Về tiến độ thực hiện, cô An chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi cũng đang chờ thêm văn bản của huyện liên quan đến việc chi trả các khoản tiền thưởng. Cơ bản thì địa phương cũng đã có những hướng dẫn chi trả cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.

Khoản tiền thưởng theo Nghị định 73 này có thể sẽ đến tay các giáo viên trong dịp trước Tết Nguyên đán. Với các giáo viên, năm nay họ được đón một cái Tết ấm no và vui tươi hơn. Ý nghĩa của nó càng được nâng lên đối với những giáo viên mầm non đang công tác tại các địa bàn miền núi".

gdvn-co-ht-2376.jpg
Cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bồng Khê. Ảnh: Trung Dũng

Lãnh đạo Trường Mầm non Bồng Khê cũng cho hay, việc đánh giá, xếp loại để đưa ra các mức thưởng đối với giáo viên trong đợt chi trả này vẫn đang được Nhà trường thực hiện theo tiêu chí đánh giá của năm học được áp dụng lâu nay.

"Xét thấy trên thực tế, việc đánh giá theo tiêu chí cũ mà nhà trường đang áp dụng cũng đang rất hiệu quả, bám sát đối tượng và đảm bảo công bằng, vì thế khi Nghị định 73 có hiệu lực, việc thực hiện đánh giá và xếp mức thưởng cho các giáo viên của trường cũng không quá khó khăn.

Thời gian tới, có thể chúng tôi sẽ bám sát theo Nghị định và có thể bổ sung một số tiêu chí để phù hợp với các yêu cầu thực tế. Mục đích lớn nhất đó là các đối tượng được chi trả tiền thưởng phải đúng và gắn liền với sự cống hiến của họ. Để làm sao ý nghĩa nhân văn của Nghị định 73 không chỉ dừng ở mức là hỗ trợ thêm cho đời sống giáo viên mà nó còn là yếu tố tạo ra động lực phấn đấu của mỗi nhà giáo để góp phần đưa chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở các địa phương miền núi ngày càng được nâng cao hơn nữa", cô An nhấn mạnh.

Trung Dũng