Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ 31/01/2025.
Tại Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Cụ thể, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được xây tối đa 5 tầng (tăng 1-2 tầng so với trước); trường tiểu học và trung học phổ thông tăng thêm 5 lớp so với quy định tại Thông tư số 13. [1]
Giúp trường học có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh và chuẩn hóa sĩ số học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Các quận, huyện ở vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rộng hơn so với các quận tại vùng trung tâm, đặc biệt là Quận 1. Những trường ở khu vực trung tâm muốn xây dựng trường học, thêm tầng, thêm lớp là vấn đề rất khó khăn.
Nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã có kiến nghị từ lâu, đề nghị cho phép các quận thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (nói riêng) và những nơi có mật độ dân cư đông đúc (nói chung), với diện tích đất nhỏ được phép xây dựng 5 tầng. Với các quận trung tâm, việc xây thấp tầng, diện tích nhỏ không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của người học”.
“Việc được phép xây 5 tầng tạo thuận lợi rất nhiều cho cả học sinh, giáo viên. Trường học sẽ có thêm phòng học, phòng chức năng giúp học sinh được học tập trong môi trường đầy đủ, đúng tiêu chuẩn hơn. Ngoài ra, còn đảm bảo về số lượng, sĩ số học sinh/lớp. Việc cho phép các trường học xây dựng tăng số tầng sẽ giúp trường học có thể đón số lượng học sinh và chuẩn hóa sĩ số học sinh” - thầy Khoa nhấn mạnh.
“Hiện tại, Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh đang thực hiện theo mô hình trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế của Hồ Chí Minh với sĩ số là 35 học sinh/lớp. Mặc dù, nhà trường đáp ứng đủ yêu cầu về sĩ số học sinh/lớp, nhưng nếu duy trì như vậy, chỉ được tuyển sinh được số lượng nhỏ học sinh do phòng học ít.
Tới đây, nếu được cho phép xây dựng 5 tầng sẽ có thêm phòng học, nhà trường có thể nhận được nhiều học sinh hơn, đáp ứng được nhu cầu của người học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều phòng học sẽ đáp ứng được yêu cầu về quy chuẩn lớp học, sĩ số học sinh/lớp theo điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” - thầy Khoa bày tỏ.
Cô Đặng Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Thắng (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cũng bày tỏ: “Học sinh ngày một tăng, quỹ đất hạn chế là một trong những vấn đề cần được tháo gỡ tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư. Để đảm bảo đủ phòng học, phòng bộ môn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cũng như các trường trung học cơ sở nói chung đều mong muốn được xây thêm tầng, mở rộng thêm số lượng lớp học.
Các tòa nhà của Trường Trung học cơ sở Cao Thắng hiện đang có 3 tầng. Nếu kết cấu móng kiên cố, sau khi khảo sát đảm bảo đủ an toàn, nhà trường mong muốn được xây thêm tầng, để có thêm phòng học cho học sinh.
Hiện tại, học sinh phải chia thành 2 ca học: Khối lớp 8, lớp 9 học ca sáng; khối lớp 6, lớp 7 học ca chiều. Nếu được xây dựng thêm tầng, số phòng học sẽ đầy đủ, tránh tình trạng học sinh phải học theo ca”.
Đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập trên tầng cao
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: “Việc cho phép các trường phổ thông xây dựng không quá 5 tầng là một giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất.
Với những nơi có diện tích nhỏ, hẹp, muốn tăng thêm số phòng học, bắt buộc phải xây cao tầng. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số trường học xây cao 5 tầng. Những trường thuộc khu vực trung tâm, có điều kiện về kinh tế, sẽ sử dụng hệ thống thang máy, một số trường chưa có điều kiện phải sử dụng thang bộ gây ra sự bất tiện cho học sinh khi di chuyển lên cao.
Tầng 5 tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở có thể sử dụng làm phòng họp, hội trường. Nếu tầng 5 làm phòng học, cần có thêm các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học”.
Hiện tại, các lớp học tại Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang có sĩ số 45 học sinh/lớp. Việc xây thêm tầng, thêm phòng học có thể giúp giảm sĩ số/lớp xuống. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi học tập trên tầng cao, ngay từ khi xây dựng phải thiết kế lan can cao, hạn chế việc các em học sinh nô đùa, nghịch ngợm gây nguy hiểm hoặc xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Việc được xây 5 tầng là một trong những giải pháp tháo gỡ được tình trạng thiếu đất xây trường. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhu cầu tuyển sinh ngày càng tăng cao, nhưng quỹ đất còn hạn hẹp. Để giải quyết vấn đề này, cần tìm nguồn đất khác (khu đất bỏ hoang, các kho bãi sử dụng kém hiệu quả) rộng hơn, để hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng trường học.
Theo thầy Cao Đức Khoa, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi học tại tầng cao, cần có những quy chuẩn riêng về việc xây dựng đối với các trường học xây cao 5 tầng.
Cụ thể, thầy Khoa phân tích: “Hiện nay, các em học sinh đã có sự thay đổi đáng kể về chiều cao, thể chất so với những thế hệ học sinh trước đó, do được bổ sung dinh dưỡng, tham gia các hoạt động thể dục thể thao từ sớm. Nếu trường được duyệt xây dựng theo tiêu chuẩn cũ, phần lan can và ban công sẽ khá thấp. Sau khi được tiếp nhận, bàn giao, nhà trường buộc phải bỏ thêm kinh phí để cải tạo, xây cao thêm ở phần lan can hoặc những khu vực khác, gây tốn kém. Chính vì vậy, theo tôi, quy chuẩn xây dựng cũ đã không còn phù hợp”.
Thầy Khoa cũng đề xuất thêm, ngoài những yêu cầu, quy chuẩn mới trong xây dựng, cần quan tâm đến việc phòng chống thương tích, cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn khi xây các cầu thang bộ, hành lang phải đảm bảo về chiều rộng, chiều dài, các phòng học phải có cả cửa trước và cửa sau để đảm bảo an toàn cho học sinh.
“Hiện nay, nhiều trường chỉ có 1 cửa hoặc 2 cửa phía trước, không có cửa phía sau. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lấy ý kiến chung của các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước về nội dung này, sau đó triển khai thực hiện.
Xây dựng trường học phải đặt việc đảm bảo an toàn lên hàng đầu, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy phải được ưu tiên trong quy chuẩn xây dựng. Xây dựng thêm tầng là mong mỏi của các trường phổ thông ở khu vực có mật độ dân cư cao và có ít quỹ đất cho giáo dục. Tuy nhiên, cần có thêm quy chuẩn bắt buộc về an toàn và các vấn đề khác” - thầy Khoa bày tỏ.
Ưu tiên khối lớp nhỏ học ở tầng thấp
Cô Đặng Thị Phương Loan cũng chia sẻ thêm: “Khi xây tầng cao công tác quản lý học sinh, quản lý cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn cần phải thực hiện chặt chẽ hơn. Với những học sinh khối lớp 6, lớp 7, nên ưu tiên học tại tầng 1. Khối lớp 8, lớp 9 sẽ học tại tầng cao hơn. Trong quá trình xây dựng, độ cao của lan can cần được thiết kế, xây dựng đảm bảo an toàn cho học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên nên thường xuyên nhắc nhở, kết hợp cùng gia đình trong việc quán xuyến, xây dựng ý thức cho con em, cần tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, giúp học sinh không đùa, nghịch ngợm, gây nguy hiểm khi học ở tầng cao”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-cho-phep-cac-truong-pho-thong-duoc-xay-cao-khong-qua-5-tang-post247972.gd