Các trường chi thu nhập tăng thêm, thưởng cuối năm cho GV theo quy định nào?

09/01/2025 07:53
Ánh Dương

GDVN - Việc chi thu nhập tăng thêm cuối năm cho giáo viên, nhân viên được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cứ vào dịp cuối năm là giáo viên lại xôn xao bàn tán về khoản thu nhập tăng thêm, thường gọi là thưởng Tết, bởi vì mỗi trường chi một kiểu, kể cả những trường trong cùng một địa bàn.

Những năm qua, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho biết, có trường cho cho giáo viên hàng chục triệu đồng, thầy cô giáo rất phấn khởi.

Nhưng ngược lại, không ít trường chi cho giáo viên vài ba trăm nghìn đồng, thậm chí chỉ có một ít mứt, bánh, hạt dưa,... khiến thầy cô không khỏi chạnh lòng.

Việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên, nhân viên cuối năm ở các trường công lập nhiều hay ít, dựa trên quy định nào thì không phải thầy cô nào cũng rõ.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên xin có đôi điều chia sẻ về việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên, nhân viên theo các căn cứ là các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

gdvn-thucdonhm3b-257.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thứ nhất, Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, tại điểm a khoản 3, Điều 10 quy định về tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng như sau:

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), trường hợp xét thấy đơn vị có khả năng tiết kiệm được kinh phí; thủ trưởng đơn vị quyết định:

- Tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; mức tạm chi hàng quý của đơn vị tối đa không quá 20% quỹ tiền lương một quý của đơn vị;

- Tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân;

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số kinh phí tiết kiệm được:

- Trường hợp đơn vị đã tạm chi vượt quá số kinh phí tiết kiệm được theo quy định thì phải giảm trừ vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập của đơn vị (nếu có) hoặc giảm trừ vào số tiết kiệm của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu đơn vị không có số tiết kiệm của năm sau);

- Trường hợp đơn vị đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, chi khen thưởng, chi phúc lợi hoặc để trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng theo chế độ quy định.

Trường hợp số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào kinh phí tiết kiệm năm tiếp theo của đơn vị;

Như vậy, trường nào đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm thì mới có cơ sở để chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên, nhân viên.

Việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên, nhân viên như thế nào là tùy thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ của từng nhà trường.

Tại đơn vị nơi người viết đang công tác mặc dù nhà trường có nhiều nguồn thu nhưng giáo viên, nhân viên được nhận thu nhập tăng thêm thấp hơn so với các trường bạn vì nguồn phúc lợi được chi đều trong năm.

Trong năm học, giáo viên, nhân viên được hưởng một số phúc lợi từ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường như: khám sức khỏe định kỳ; hiếu, hỉ; quà lưu niệm cho người nghỉ hưu theo chế độ; hỗ trợ các ngày lễ, Tết; trang phục đầu năm; quà trung thu, Quốc tế thiếu nhi cho con giáo viên nhân viên; tham quan, học tập;...

Thứ hai, kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng theo quy định.

Theo đó, Điều 22 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng theo thứ tự sau:

(1) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động:

Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

(2) Chi khen thưởng và phúc lợi:

- Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp;

- Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức;

- Chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;

(3) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.

Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Thứ ba, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên giáo viên, nhân viên được thưởng Tết đúng nghĩa theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, giáo viên là viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập là một trong các đối tượng được hưởng chế độ tiền thưởng tương đương 10% tổng quỹ tiền lương không bao gồm phụ cấp theo chức vụ, chức danh của đối tượng thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Tiền thưởng Tết của giáo viên là viên chức trong các trường công lập sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Mức tiền cụ thể của các đối tượng trong cơ sở giáo dục có thể sẽ không giống nhau, được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, có thể không gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người.

Lưu ý: Quỹ tiền thưởng hằng năm này nằm ngoài quỹ khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng.

Như vậy, để biết chính xác mức tiền thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì giáo viên, nhân viên căn cứ vào quy chế tiền thưởng của đơn vị.

Có thể khẳng định, trường nào thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ rõ ràng; hiệu trưởng chi tiêu hợp lí, khoa học thì giáo viên, nhân việc sẽ có thêm một khoản thu nhập tăng thêm cuối năm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương