Xếp loại GV đi kèm nhiều quyền lợi, hiệu trưởng trăn trở xây dựng tiêu chí

09/01/2025 07:40
Thuận Phương

GDVN - Đánh giá, xếp loại giáo viên hiện nay được rất nhiều giáo viên quan tâm bởi liên quan đến khá nhiều chính sách ưu đãi.

“Hiệu trưởng thiên vị”; “Hiệu trưởng không công bằng” …là những câu nói vẫn thường được nghe nhiều nhất sau mỗi đợt nhà trường thực hiện việc đánh giá, xếp loại giáo viên.

Việc đánh giá, xếp loại giáo viên trong mỗi trường học là công việc vô cùng quan trọng. Đánh giá, xếp loại đúng, không chỉ tạo thêm nhiều động lực để giáo viên phấn đấu, nỗ lực hết mình trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh mà còn khơi dậy lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết để các thầy cô giáo cống hiến với nghề. Đặc biệt, từ 1/7/2024, việc đánh giá xếp loại định kỳ hàng năm sẽ là căn cứ xem xét chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73. Điều này càng khiến cho việc đánh giá, xếp loại giáo viên thời gian tới cần chặt chẽ, chi tiết, minh bạch hơn.

thi-dua-khen-thuong-minh-hoa-1610-8418-1467-7358-9544.jpg
Ảnh minh họa.

Đánh giá, xếp loại giáo viên phải qua những bước nào?

Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức đang thực hiện theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Thông thường, đánh giá, xếp loại giáo viên ở nhiều trường học sẽ trải qua 3 bước. Bước 1: là cá nhân tự đánh giá. Bước 2: đánh giá của tổ chuyên môn. Bước 3: đánh giá của nhà trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên theo bước 3, mỗi trường sẽ có một cách làm khác nhau. Có trường, tổ chức đánh giá, xếp loại giáo viên thông qua cuộc họp liên tịch mà thành phần tham dự là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, 5 tổ trưởng chuyên môn, thanh tra và thư ký hội đồng…

Có trường, không thông qua liên tịch mà đưa thẳng ra hội đồng sư phạm nhà trường với sự góp mặt của toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường để cùng nhau đánh giá, xếp loại.

Đánh giá, xếp loại giáo viên thông qua hội đồng liên tịch có khách quan, công bằng?

Một giáo viên tại tỉnh miền Tây chia sẻ với người viết: “Năm học 2023-2024, em đạt khá nhiều thành tích trong giảng dạy (cả thành tích của học sinh và của cá nhân). Bản thân em, xung phong ở lại điểm trường đã gần chục năm (nơi mà không giáo viên nào muốn đến vì trường nằm ngoài ốc đảo lại thiếu thốn đủ thứ. Đã thế, mỗi ngày đến trường phải bỏ vài chục ngàn tiền túi trả tiền đi đò…).

Vậy mà, cuối năm bình xét, bản thân em không được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều bức xúc nhất là có 7 giáo viên được tổ chuyên môn đưa lên hoàn thành xuất sắc thì trong cuộc họp liên tịch nhà trường đã đồng ý cho 6 người đạt, một mình em bị rớt. Điều đáng nói, 6 người đạt xuất sắc đều dạy ở cơ sở chính và đều có tên trong hội đồng liên tịch của trường”.

Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở một trường mà không ít trường học hiện nay khi đánh giá, xếp loại giáo viên thông qua hội đồng liên tịch thì những thành viên nằm trong hội đồng xét duyệt vẫn được ưu ái hơn.

Có trường, hội đồng liên tịch tổ chức bỏ phiếu kín vẫn xảy ra tình trạng "tôi bỏ cho bạn thì bạn bỏ cho tôi". Dẫn đến tình trạng người làm việc kém hiệu quả hơn nhưng số phiếu bình chọn đạt cao hơn.

Theo người viết nhận thấy, khá ít trường hợp người nằm trong liên tịch lại rớt thi đua hoặc bị xếp loại thua nhiều giáo viên.

Toàn trường đều tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên sẽ công tâm hơn?

Tại trường học nơi tôi công tác, giáo viên được đánh giá, xếp loại 2 lần vào cuối học kỳ I và cuối năm.

Giáo viên sẽ được đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên và đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp. Cả 2 đánh giá này đều thông qua 3 bước.

Bước 1: Giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Tổ chuyên môn họp, lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ và đánh giá, xếp loại trong tổ.

Bước 3: Họp hội đồng nhà trường, tổ chức đánh giá, lấy ý kiến góp ý cho từng giáo viên và thống nhất xếp loại dưới sự biểu quyết của cả tập thể.

Thực hiện việc đánh giá, xếp loại giáo viên như trường tôi được xem là công khai, dân chủ. Giáo viên được đánh giá nếu thấy chưa thỏa đáng sẽ có quyền lên tiếng để tập thể xem xét lại. Vì thế, sau mỗi đợt đánh giá, xếp loại, giáo viên hầu như không có những xì xào, bàn tán vì ai đó được thiên vị hoặc bị xử ép.

Làm thế nào để kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên được chính xác?

Đánh giá, xếp loại giáo viên hiện nay được rất nhiều giáo viên quan tâm bởi liên quan đến khá nhiều chính sách ưu đãi.

Nếu như trước đây, nhiều thầy cô giáo ở địa phương tôi ít quan tâm đến việc đánh giá xếp loại vì có đạt giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên hoàn thành tốt hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì chế độ, quyền lợi của những thầy cô giáo này vẫn như nhau.

Có những năm, một số giáo viên trường tôi còn tự nhận là hoàn thành nhiệm vụ mặc dù có ý kiến của tập thể đề xuất xem xét để đưa lên hoàn thành tốt. Giáo viên này còn vui vẻ nói: “Kệ đi, xếp loại gì mà chẳng được, lương thì vẫn nhận đủ, có bị đuổi dạy đâu phải lo”.

Hiện nay, kết quả xếp loại giáo viên hàng năm sẽ nhận được tiền thưởng. Mức thưởng được chia làm 3 bậc như hoàn thành, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc (theo Nghị định 73); được tham gia xét nâng hạng I theo Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT trong 5 năm gần nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ có ít nhất 2 năm hoàn thành xuất sắc).

Một đồng nghiệp của người viết giảng dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức thưởng cho giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo từng đợt thi đua khá cao. Vì thế, cuộc cạnh tranh giữa các giáo viên để được xếp loại hoàn thành xuất sắc trong tổ, trong trường luôn trở nên khốc liệt.

Cô Minh Trang, hiệu trưởng một trường tiểu học ở địa phương người viết công tác cho biết: "Việc đánh giá, xếp loại giáo viên liên quan đến tiền thưởng thì hiệu trưởng đau đầu lắm. Xếp loại dù công tâm đến mấy cũng không thể làm vừa lòng tất cả giáo viên trong trường.

Nếu đánh giá, xếp loại theo những mục: Chính trị tư tưởng; Đạo đức, lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao như trong các biểu mẫu hướng dẫn thì trong trường học sẽ có nhiều giáo viên tự xếp mình loại hoàn thành xuất sắc.

Theo quy định tại Nghị định số 48/2023/NĐ-CP và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW thì tỉ lệ viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% số được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vì vậy, nếu làm không chặt chẽ, hiệu trưởng không công tâm, khách quan sẽ dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ và sinh ra nhiều bức xúc trong đội ngũ nhà giáo".

Vậy làm thế nào để kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên được chính xác? Cô Minh Trang cho biết tại trường cô công tác đã xây dựng được một số các tiêu chí có điểm cộng, điểm trừ để đánh giá chất lượng viên chức giáo viên cuối năm đảm bảo được sự công tâm và khách quan.

Ví dụ: điểm cộng là tham gia các phong trào thi đua như thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, năng nổ, đạt kết quả tốt trong việc thực hiện các phong trào, trong giảng dạy, tỷ lệ học sinh lên lớp, khen thưởng, duy trì sĩ số…

Điểm trừ như đi trễ, ngày giờ công chưa đảm bảo, có phản ánh, đơn thư từ phụ huynh, có học sinh đánh nhau, vi phạm đạo đức, bỏ học, lưu ban …

Khi đã có bảng tiêu chí điểm cộng, trừ như vậy thì việc đánh giá, xếp loại giáo viên sẽ thực chất hơn mà không còn kiểu đánh giá cảm tính như cách làm ở nhiều trường học hiện nay. Vì thế, cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhiều giáo viên trong trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương