Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có nhiều nội dung mới, quan trọng. Trong đó có 2 nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và dư luận xã hội hội: quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều bàn thêm về khoản 1 Điều 5 quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Điều 5. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ nhất, là giáo viên có thâm niên giảng dạy hàng chục năm cả hai bậc trung học cơ sở (thỉnh giảng trường tư thục) và trung học phổ thông (công lập), người viết rất vui mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm có nội dung rất đúng đắn: "Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh".
Bởi vì, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường có thu tiền của học sinh như hiện nay đã và đang gây ra rất nhiều hệ luỵ, đó là: có tình trạng giáo viên o ép học sinh học thêm; việc đánh giá học sinh thiếu công bằng, khách quan; phụ huynh tốn kém chi phí; bất hoà giữa phụ huynh với nhà trường;...
Người viết đã từng hỏi hàng chục đồng nghiệp dạy bậc trung học cơ sở rằng, ở trường thầy cô có tình trạng giáo viên "ép" học sinh đi học thêm (để thu tiền) hay không thì tất cả giáo viên đều trả lời là có, "chuyện này không có gì lạ".
Ở trường nơi người viết đang công tác, người viết là thành viên của Hội đồng Thi đua khen thưởng, thì năm nào cũng nhận được phản ánh của học sinh và phụ huynh là có tình trạng giáo viên "ép" học sinh học thêm.
Điều tệ hại nhất mà người viết nhận được thông tin là, học sinh làm toán đúng đáp án nhưng vẫn bị giáo viên thẳng tay trừ điểm do trò giải khác phương pháp của thầy.
Một số học sinh tham gia lớp học thêm của giáo viên này tiết lộ, muốn làm đúng phương pháp của thầy thì các em phải đi học thêm (ở nhà thầy).
Hậu quả, giáo viên này bị học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh thiếu tôn trọng và bị tổ chuyên môn trừ điểm đánh giá viên chức cuối năm học.
Thứ hai, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt thì đa số các em đều đăng kí tham gia học thêm để được phụ đạo, được kiểm tra lại, được xét có đủ điều kiện lên lớp hay không.
Từ trước đến nay, ở các nhà trường phổ thông, việc dạy cho học sinh kiểm tra lại là nhiệm vụ của thầy cô giáo, không thu tiền phụ huynh vì luật không cho phép (học sinh đi học chỉ đóng học phí theo quy định chung).
Vậy nên, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt, theo người viết là hoàn toàn đúng đắn.
Chỉ có điều, người viết cho rằng, giáo viên dạy cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt thì cần được hiệu trưởng quy đổi ra định mức tiết dạy nhằm bảo đảm quyền lợi của thầy cô giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên. Vậy nên, nhân đây người viết đề xuất: giáo viên dạy 1 tiết phụ đạo cho học sinh chưa đạt được tính bằng 1,5 đến 2 tiết nghĩa vụ.
Nếu giáo viên nào đã dạy đủ định mức tiết dạy và có tham gia dạy phụ đạo cho học sinh chưa đạt thì thầy cô giáo được tính tiết thừa giờ cuối học kì, cuối năm theo quy định hiện hành.
Thứ ba, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi là phù hợp với quy định hiện nay.
Hiện nay, đội tuyển học sinh giỏi được giáo viên dạy bồi dưỡng và thầy cô được giảm định mức tiết dạy theo quy định.
Cụ thể, khoản 11 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT nêu rõ, nếu giáo viên phải thực hiện hoạt động chuyên môn và hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng ngoài việc dạy chính trên lớp, việc quy đổi sang tiết dạy được thực hiện như sau:
Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;
Do đó, khi tính lương cho giáo viên dạy ôn thi học sinh giỏi, căn cứ vào số tiết dạy học sinh giỏi để giảm tương ứng giờ dạy định mức.
Đồng thời, nếu giáo viên dạy bồi dưỡng vượt quá định mức giờ dạy quy định thì được tính tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC theo công thức như sau:
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm
Trong đó: Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%
Số giờ dạy thêm/năm học được tính theo công thức: [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).
Thứ tư, điều mà người viết băn khoăn nhất là quy định: Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Lí do, học sinh lớp 9, lớp 12 đăng kí ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông thường vào thời điểm đầu tháng 6 - trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên.
Việc học sinh tự nguyện đăng kí ôn thi nhưng nhà trường không được thu tiền thì liệu bao nhiêu giáo viên tự nguyện dạy không lương?
Nếu giáo viên từ chối dạy thì học sinh sẽ bị thiệt thòi rất nhiều và các em chỉ còn cách đến các trung tâm luyện thi để học thêm.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm tháng 6, một số trường có tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông miễn phí cho học sinh.
Có điều, thầy cô được tính ngày công để Thành phố chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Người viết cho rằng, các quy định tại Thông tư 29 rất đúng và trúng. Các quy định này sẽ giúp đưa hoạt động dạy thêm, học thêm trở về đúng giá trị thực chất của nó, tránh những biến tướng làm méo mó cái nhìn của thầy với trò, phụ huỵnh với giáo viên. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đảm bảo quyền lợi cho giáo viên để quy định về dạy thêm, học thêm được triển khai thuận lợi, dễ thực hiện.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.