Có “an cư, lạc nghiệp” là giải pháp để giữ chân giáo viên ở địa bàn còn khó khăn

11/01/2025 07:50
Khánh Hòa

GDVN - Để thu hút và giữ chân giáo viên công tác lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cần nhiều giải pháp về chính sách và hành động cụ thể.

Thiếu nhà công vụ ảnh hưởng đến sinh hoạt của giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Tiến Quân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Thống kê đến đầu năm học 2024-2025, tổng số phòng công vụ của giáo viên trong toàn tỉnh là 2.322 phòng, trong đó: kiên cố (613 phòng, chiếm tỷ lệ 26,4%), bán kiên cố (1.616 phòng, tỷ lệ 69,6%); phòng tạm, mượn (93 phòng, chiếm tỷ lệ 4%). Tỷ lệ đáp ứng phòng công vụ cho giáo viên đạt 66,8%.

Những năm gần đây, nhà công vụ cho giáo viên được địa phương, nhà trường quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hoặc bố trí kinh phí sửa chữa. Việc này giúp thầy, cô giáo có chỗ ăn nghỉ khang trang, sạch đẹp và yên tâm công tác hơn.

Hiện nay, nhà trường ở khu trung tâm về cơ bản đều có nhà công vụ phục vụ nhu cầu giáo viên ở lại trong tuần hoặc nghỉ giữa 2 buổi. Tuy nhiên, một số khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn chưa có nhà công vụ hoặc nhà công vụ bị hư hỏng xuống cấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh hoạt của thầy cô giáo”.

thay-quan.jpg
Thầy Lê Tiến Quân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.

Tại huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), đảm bảo đáp ứng điều kiện nhà công vụ cho giáo viên cũng đang trở thành một trong những thách thức đối với ngành giáo dục địa phương.

Toàn huyện Phù Yên có 69 cơ sở giáo dục thuộc các bậc học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (bao gồm: 30 trường mầm non, 38 trường phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên); với 1.215 nhóm, lớp và 34.972 trẻ em, học sinh, học viên từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Tổng số phòng công vụ toàn huyện là 311 phòng. Trong đó, có 84 phòng ở kiên cố (27%); 210 phòng ở bán kiên cố (67,5%) và 17 phòng ở tạm (5,5%).

Chia sẻ về điều kiện thực tế trên địa bàn huyện, cô Lường Thị Thắm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên cho biết: “Nhà công vụ tại địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho giáo viên. Hiện nay, có 10 trường còn thiếu nhà công vụ cho giáo viên, 3-4 giáo viên phải ở chung phòng. Diện tích phòng của các trường thường dao động từ khoảng 5m2 đến 15m2. Một số cơ sở xây dựng từ những năm 2000 chưa được sửa chữa, các hạng mục phụ trợ theo nhà công vụ chưa được quan tâm đầu tư.

Việc thiếu nhà công vụ, nhà công vụ xuống cấp có ảnh hưởng rất lớn đến chỗ ở, sinh hoạt của các cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Khi ở ghép 3-4 giáo viên/phòng gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt và làm việc, không đảm bảo khi thầy cô phải ở lại trường, điểm trường để dạy học”.

Cô Thắm nhấn mạnh, cần xây đủ nhà công vụ cho các cơ sở còn thiếu và khắc phục 17 nhà công vụ còn là phòng tạm tại địa phương. Hàng năm, địa phương cần bố trí ngân sách xây dựng, sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên, coi đây là giải pháp ưu tiên nhất với giáo dục vùng khó. Ngoài ra, huy động các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa cho nhà công vụ những trường còn thiếu nhà công vụ hoặc đã có nhưng trong tình trạng xuống cấp.

“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, phải đáp ứng được nhu cầu được dạy học ở nơi có điều kiện tốt của giáo viên. Việc “an cư, lạc nghiệp” có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện, hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của nền giáo dục” - nữ Trưởng phòng bày tỏ.

Cô Lường Thị Thắm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC

Cô Lường Thị Thắm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có tổng số 58 đơn vị trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở); toàn ngành có hơn 1.500 viên chức sự nghiệp giáo dục, đồng thời, có tổng số 153 phòng ở công vụ. So với nhu cầu thực tế về phòng ở công vụ, hiện tại mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu của đội ngũ.

Thiếu nhà ở công vụ gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên trong việc yên tâm công tác. Nhiều nhà ở công vụ được xây dựng lâu cần được thay thế để đảm bảo an toàn; công trình xây dựng nhiều phòng không khép kín gây bất tiện cho việc ăn ở, sinh hoạt. Việc này ảnh hưởng một phần tới cuộc sống của đội ngũ; tuy nhiên không ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của thị xã tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã rà soát lại số phòng còn thiếu so với nhu cầu và những phòng công vụ đã xuống cấp để đầu tư, xây dựng bổ sung trong giai đoạn 2025-2030.

Việc này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ăn, ở, sinh hoạt, bám trường lớp của đội ngũ; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ giáo viên, yên tâm công tác, nhất là những giáo viên công tác tại các điểm trường xa”.

Thầy Phạm Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Văn Lợi cũng phân tích thêm: “Để thu hút và giữ chân giáo viên tại vùng khó, cần nghiên cứu, thực hiện chế độ cải cách tiền lương đối với nhà giáo công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đặc biệt là những xã đạt chuẩn nông thôn mới) nhưng vẫn là xã vùng sâu, vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, hiện tại, các chế độ phụ cấp của Chính phủ chỉ áp dụng cho xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên với những xã đạt chuẩn nông thôn mới, mặc dù còn có nhiều hạn chế về điều kiện, nhưng lại chịu thiệt thòi.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị phòng ở công vụ và các công trình vui chơi phục vụ cho việc ở lại trường của giáo viên”.

Cần bổ sung chính sách, đề án xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng cao

Từ những khó khăn trong thực tiễn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên cũng đề cập một số giải pháp: “Để khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ, nhà công vụ xuống cấp, cần phải thường xuyên rà soát tham mưu với cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà công vụ theo đầu tư công trung hạn 2021-2025, hàng năm.

Hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí ngân sách được cấp để sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường huy động các tổ chức, cá nhân xã hội hóa xây dựng trường lớp học, kết hợp với xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt tại các điểm trường lẻ.

Khi xây dựng nhà công vụ, cần thực hiện xây dựng kiên cố, bán kiên cố, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Không xây nhà tôn, nhà ghép không đảm bảo, không phù hợp với địa phương.

Khi thực tốt những giải pháp này, 100% các cơ sở giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được bố trí nhà công vụ, trong đó chủ yếu là nhà công vụ kiên cố và bán kiên cố.

Nhà công vụ sẽ giúp giáo viên yên tâm công tác, nhiều giáo viên sẵn sàng bám trường 10 năm, 20 năm, mặc dù nhà cách trường 40-60km. Đồng thời, tạo động lực, niềm tin cho nhà giáo để gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn”.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, để khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã phối hợp cùng chính quyền các huyện, thành phố, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 của Ủy ban nhân dân về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2025; Quyết định phê duyệt Đề án số 1860/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 kết hợp lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống các nhà công vụ, công trình cấp nước sạch, vệ sinh; bố trí kinh phí để sửa chữa cải tạo các nhà công vụ bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ để tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng phòng công vụ tại điểm trung tâm để các thầy cô yên tâm công tác. Mặt khác, tập trung phát triển kinh tế xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước... để các thầy cô giáo thuận lợi trong quá trình di chuyển có thể đi về trong ngày, không phải ở lại trường.

Thầy Lê Tiến Quân cũng cho biết thêm: “Hiện nay, các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo hưởng lương từ ngân sách đang ngày càng được quan tâm, giúp cho các thầy cô giáo yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành giáo dục.

Thời gian tới, nếu Luật Nhà giáo sớm được ban hành, sẽ càng củng cố vững chắc niềm tin của các thầy cô giáo, giúp các thầy cô chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Tuy nhiên, để thu hút được giáo viên và giữ chân giáo viên công tác lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp cả về chính sách và hành động cụ thể.

Trong đó, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định tại các Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Bổ sung chính sách, đề án xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên phải đi dạy xa nhà”.

Thầy Lê Tiến Quân cũng đề cập cụ thể hơn: “Để khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La kiến nghị với Chính phủ như sau:

Trước hết, ban hành đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2026-2030.

Đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… đầu tư xây nhà ở công vụ cho giáo viên. Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện quan tâm, tiếp tục bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo hoàn thiện hệ thống nhà công vụ, công trình cấp nước, vệ sinh.

Đề nghị các tổ chức cá nhân quan tâm hỗ trợ, tài trợ cho ngành giáo dục xây dựng nhà công vụ, trang thiết bị nhà công vụ cho các thầy cô giáo.

Mặt khác, đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm phối hợp thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 04/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện Kế hoạch số 272-KH/TU ngày 05/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai, thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đề nghị các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà công vụ, quản lý, sử dụng, bảo trì công trình được đầu tư để đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài”.

Cần tham khảo ý kiến nhà giáo khi xây dựng, thiết kế nhà công vụ

Cô Lường Thị Thắm đề xuất: “Tại các cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn và các điểm trường, cần bố trí xây dựng đủ phòng công vụ cho giáo viên. Xóa bỏ các phòng công vụ còn tạm bợ, không đảm bảo an toàn, chưa tạo động lực cho giáo viên bám trường, bám lớp.

Khi xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, cần xin ý kiến nhà giáo; thiết kế cần phù hợp với vùng miền núi, vùng cao, xây dựng khép kín hoặc có đầy đủ các hạng mục phụ trợ, nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp ăn đảm bảo diện tích.

Hàng năm, bố trí ngân sách duy tu, sửa chữa nâng cấp nhà công vụ xuống cấp hoặc đã được đầu tư 10-20 năm”.

Khánh Hòa