Thông tư 29 tạo dựng hàng lang pháp lý rõ ràng để GV được dạy thêm chính đáng

17/01/2025 08:43
Việt Dũng

GDVN - Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đã giúp cho giáo viên được dạy thêm đúng quy định, góp phần hạn chế tiêu cực.

Nhà giáo ưu tú, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Ngai đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào cuối năm 2024.

Theo Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, vào năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định nhiều vấn đề về dạy thêm học thêm, nhưng đến Thông tư 29 lần này, rõ ràng là đưa ra nhiều quy định thiết thực hơn.

“Tôi cho rằng, thông tư 29 lần này đã có những điểm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên được dạy thêm đúng với quy định, nhưng vẫn kèm theo những quy định, ràng buộc để góp phần hạn chế tiêu cực từ việc dạy thêm có thể mang lại” – thầy Ngai nhấn mạnh.

gdvn-daythemcok.jpg
Một hoạt động dạy thêm tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, nhu cầu dạy thêm học thêm là một nhu cầu có thật của cả thầy cô và học sinh, phụ huynh, không thể cấm cản được. Vấn đề chính yếu, cốt lõi nhất ở đây là cần phải quản lý, tổ chức như thế nào để góp phần hạn chế tối đa nhất những vấn đề tiêu cực mà dạy thêm học thêm có thể mang lại.

Để các nội dung của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được thực thi một cách nghiêm túc, thầy Nguyễn Văn Ngai cho rằng, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, thông qua sự giám sát của quần chúng nhân dân, phụ huynh những vấn đề có liên quan đến dạy thêm học thêm.

Đặc biệt, thầy Nguyễn Văn Ngai đề nghị: “Cần phải xử lý thật nghiêm khắc đối với những giáo viên nào vi phạm các quy định về dạy thêm học thêm”

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức và trách nhiệm thực hiện của thầy cô giáo. Thầy cô không chỉ là những người truyền thụ kiến thức trong khuôn khổ bộ môn mình phụ trách, mà còn phải là những tấm gương trong việc chấp hành tốt các quy định của ngành, của pháp luật để học sinh noi theo” – thầy Nguyễn Văn Ngai nói tiếp.

Trước ý kiến có một số giáo viên trăn trở vì không được dạy thêm học sinh chính khóa, thầy Ngai cho rằng: “Không nên cho phép thầy cô giáo dạy thêm học sinh chính khóa của mình ở trong trường”.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Ngai giải thích: “Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi và quản lý ngành giáo dục và đào tạo thành phố, tôi thấy vẫn xuất hiện tình trạng thầy cô giáo sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để lôi kéo, thu hút học sinh đi học thêm với mình. Đó là việc khó có thể chấp nhận được.

Chính vì vậy, quan điểm cá nhân của tôi, nhằm ngăn ngừa thầy cô giáo có thể tạo ra những chiêu trò, ngăn chặn những hành vi tiêu cực mà việc dạy thêm có thể mang lại cho học sinh, tốt nhất là không nên cho phép thầy cô giáo dạy thêm học sinh chính khóa của mình”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ra đời mang tạo dựng một hàng lang pháp lý rõ ràng cho giáo viên hoạt động dạy thêm”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích: “Có nghĩa là thầy cô giáo sẽ vẫn được dạy thêm, được sống với nghề một cách “đường đường, chính chính”.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú vẫn bày tỏ băn khoăn về việc Thông tư 29 cho phép dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền, mà phải sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước chi trả cho giáo viên.

Cụ thể, hàng năm, từ khoảng thời gian cuối tháng 5 (năm học đã kết thúc) cho đến khi học sinh đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có một số trường trung học phổ thông tổ chức ôn tập thi cho học sinh, có thu tiền theo thỏa thuận với phụ huynh.

Tuy nhiên, theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì không cho làm việc này, mà kinh phí lấy từ nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, vấn đề ở đây là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước rót về cho các trường đã thực hiện từ đầu năm, còn thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực lại từ 14/2/2025.

Ngoài ra, thầy Huỳnh Thanh Phú nói: “Việc các trường trung học phổ thông tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh thường là từ cuối tháng 5, là nằm ngoài khung chương trình năm học của nhà trường, thì làm sao ngân sách nhà nước có thể rót xuống cho trường để dùng vào việc bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp”.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1 Huỳnh Thanh Phú đề nghị rằng: “Nên chăng cho phép các trường lấy ý kiến, thảo luận với phụ huynh để có kinh phí tổ chức ôn tập thi cho học sinh, để làm giảm áp lực kinh phí cho ngân sách nhà nước”.

Việt Dũng