Xã hội hóa biên soạn SGK tạo ra sự canh tranh để nâng cao chất lượng làm sách

14/01/2025 07:50
ĐÀO HIỀN

GDVN - Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá khi huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Quốc hội ban hành, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được coi nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới giáo dục. Nhìn chung, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và đông đảo tác giả gồm những chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu. Đặc biệt, lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.

Phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết: Trước đây, khi thực hiện theo Chương trình 2006 chỉ có một bộ sách giáo khoa, công tác biên soạn sách giáo khoa sẽ được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, dẫn đến việc nhà xuất bản được Nhà nước giao biên soạn, xuất bản tạo ra độc quyền.

Khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành chương trình khung, người biên soạn sách giáo khoa bổ sung thêm nội dung dạy học dẫn đến tư duy coi sách giáo khoa là pháp lệnh và được xem như một chương trình giáo dục cụ thể.

Sự ra đời của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa ở tất cả các lớp học, cấp học, đặc biệt là chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã mang lại nhiều thay đổi tích cực.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại khi huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục.

Có thể thấy, với một chương trình thống nhất, thay vì là “pháp lệnh” như trước đây, sách giáo khoa đã trở thành học liệu để giáo viên và học sinh có thể chủ động, linh hoạt sử dụng và tiếp cận đa dạng nguồn tri thức.

Khi thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, lợi ích ban đầu có thể nhìn thấy rõ ràng là khả năng tiết kiệm 1 khoản chi chi ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện tốt hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Cho đến nay, cả nước có 3 bộ sách chính với hàng trăm đầu sách đang được sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Không thể phủ nhận rằng, việc huy động được nguồn lực xã hội tham gia thực hiện biên soạn sách giáo khoa sẽ làm phong phú hơn thị trường sách của quốc gia.

Chưa kể, việc cùng tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để có bộ sách chất lượng cao. Bởi những bộ sách có nội dung tốt, hình thức đẹp và giá thành phù hợp chắc chắn sẽ được đón nhận và ưu tiên lựa chọn.

Với sự tham gia của nhiều bên liên quan trong việc biên soạn sách giáo khoa sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa từng đơn vị biên soạn, xuất bản sách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng kỳ vọng, nhu cầu của cả người dạy và người học.

260320240427-350ce1b443d3ec8db5c2.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh cũng cho rằng, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, theo đúng tiến trình phát triển của nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện chủ trương này từ lâu và đối với Việt Nam, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội lớn cùng tham gia biên soạn sách.

Trước đây, khi chúng ta sử dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa, cả giáo viên và học sinh đều coi đây là pháp lệnh không thể làm trái. Điều này đã vô tình hạn chế sự đổi mới sáng tạo của người dạy và người học cũng như bó hẹp sự sáng tạo của đội ngũ tác giả, biên soạn trong một bộ sách.

Khi thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, thị trường có nhiều bộ sách khác nhau, từ đó nảy sinh sự đối sánh về mặt nội dung giữa từng bộ. Đây là sự thay đổi tích cực trong quá trình dạy và học khi cả giáo viên và học sinh đều có sự chủ động trong việc tiếp cận nhiều nguồn học liệu tin cậy khác nhau.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để nhóm tác giả, biên soạn sách có thể sáng tạo, đóng góp tri thức, trí tuệ của mình cho nền giáo dục quốc dân một cách đa dạng, mới mẻ hơn.

“Một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó chương trình mang tính pháp lệnh, đảm bảo các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu đã tạo ra sự thay đổi lớn cho công tác giáo dục - đào tạo của đất nước.

Khi giáo viên được tham khảo nhiều bộ sách khác nhau, được tìm kiếm, sử dụng nhiều nguồn học liệu sẽ giúp cho tiết học trở nên phong phú. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa cũng khiến người dạy phải thay đổi tư duy, phương pháp dạy học để tạo sự hấp dẫn cho bài giảng. Ngược lại, học sinh cũng có thêm sự hào hứng khi được tiếp cận đa dạng kiến thức và chủ động tìm kiếm tri thức ở các nguồn học liệu khác nhau”, thầy Cường chia sẻ.

z6076339583288-f80859c00788084aeebd12f2c8f4e77d-4000.jpg
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh. Ảnh: NVCC

Ghi nhận những hạn chế để khắc phục và hoàn thiện

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song trong quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không tránh khỏi những vướng mắc.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, khi quá trình biên soạn sách diễn ra trong khoảng thời gian tương đối gấp gáp, việc nảy sinh những thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, không ít lần dư luận đã lên tiếng về những thiếu sót, “sạn” về mặt nội dung trong một số bộ sách giáo khoa.

Do đó, dù chương trình đã được triển khai một thời gian thì vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động rà soát, sửa chữa để đảm bảo và nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

1-3380-1483.jpg
Đến nay, cả nước có 3 bộ sách chính với hàng trăm đầu sách đang được sử dụng trong các trường học. Ảnh minh họa: NXBGDVN

Sau 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đến nay, cả nước có 3 bộ sách chính với hàng trăm đầu sách đang được sử dụng trong các trường học. Đó là bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục chủ trì và Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC phối hợp chủ trì.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chúng ta có 54 dân tộc, tính chất vùng miền rất rõ rệt, có sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như phong tục tập quán, văn hóa, vậy nên cần phải có đa dạng đầu sách với nhiều đối tượng học sinh khác nhau.

3 bộ sách được sử dụng chính ở thời điểm hiện tại chỉ là số lượng ban đầu để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thời gian đầu có lúng túng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới, môn học tích hợp… nhưng dần dần các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên cũng đã từng bước thực hiện được một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đúng theo Nghị quyết 88 đặt ra.

Nếu muốn ngày càng có nhiều bộ sách giáo khoa thì khâu quan trọng nhất chính là phải đầu tư cho đội ngũ biên soạn, viết sách. Trên thực tế, khi chuyển từ chương trình một bộ sách giáo khoa sang định hướng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, chúng ta chưa có bước đệm để đào tạo đội ngũ viết sách. Đây là một bước vô cùng quan trọng, có sự quyết định đến chất lượng sách giáo khoa sau khi xuất bản và đến tay người dùng.

Bên cạnh đó, cần gia tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan trong việc tạo điều kiện để các nguồn lực trong xã hội tích cực tham gia xây dựng, đóng góp và biên soạn sách giáo khoa. Đổi mới giáo dục sẽ đạt được hiệu quả nếu có sự chung sức của toàn xã hội, cộng đồng.

ĐÀO HIỀN