Hiệu trưởng, giáo viên làm gì để quy định mới về dạy thêm phát huy hiệu quả?

17/01/2025 22:00
Mạnh Đoàn

GDVN - Việc lãnh đạo nhà trường tăng số lần dự giờ sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, tránh việc học sinh phải đi học thêm.

Liên quan đến nội dung Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành thời gian vừa qua, có trường phổ thông cho biết sẽ tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, tránh cho học sinh phải đi học thêm.

Về nội dung nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo trường trung học cơ sở tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay, Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu chi tiết, quy định cụ thể trách nhiệm của hiệu trưởng trường phổ thông công lập trong việc quản lý giáo viên dạy thêm ngoài trường so với Thông tư 17/2012 của Bộ trước đây.

Theo đó, Khoản 3, Điều 6 của Thông tư nêu rõ: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm".

Điều 13, Thông tư 29/2024 cũng nêu cụ thể trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lí giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường: "Quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường".

Theo vị này, việc hiệu trưởng phối hợp, theo dõi kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài trường của giáo viên trong đơn vị thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong việc quản lý, xử lý giáo viên nếu có dấu hiệu vi phạm.

"Thông tư 29/2024 là sự nhấn mạnh, quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan so với Thông tư 17/2012", vị hiệu trưởng nói.

Bên cạnh những nội dung đã nêu trên, điểm mới của Thông tư 29/2024 là quy định việc dạy thêm trong nhà trường là không thu tiền đối với học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, quy định này có thể khiến các trường gặp khó khăn khi chưa biết sẽ lấy nguồn chi từ ngân sách ra sao cho giáo viên.

"Hiện nay, tại trường, giáo viên tham gia ôn luyện cho học sinh trong đội tuyển được hỗ trợ 1 triệu đồng/học kỳ/người", vị hiệu trưởng chia sẻ.

dư gio.png
Hình ảnh minh họa (Doãn Nhàn)

Trước những quy định tại Thông tư 29/2024, vị này cho rằng, nhà trường sẽ động viên các thầy cô cố gắng giảng dạy 45 phút trên lớp đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường tổ hoạt động dự giờ theo kế hoạch, dự giờ đột xuất để tăng cường đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Đối với lãnh đạo nhà trường, có thể dự kiến sẽ mỗi tháng một lần dự giờ đối với các lớp, với hình thức dự giờ đột xuất, từ đó chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ được tăng lên

"Giáo viên giảng dạy tốt ở trên lớp sẽ không còn tình trạng giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa tại nhà. Đồng thời, học sinh cũng phải rèn luyện tính tự học, ôn luyện tại nhà", vị lãnh đạo chia sẻ.

Đồng quan điểm với vị lãnh đạo nêu trên, thầy Hà Duy Trung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay, nhà trường cũng tổ chức dự giờ định kỳ và dự giờ đối với giáo viên trong nhà trường. Việc này nhằm đổi mới chất lượng giảng dạy ở trên lớp của giáo viên, qua đó giúp học sinh hiểu bài, hạn chế việc đi học thêm.

"Đối với giáo viên, một tuần sẽ được dự giờ một đến hai tiết học, còn đối với cán bộ quản lý sẽ đi dự giờ hai đến bốn tiết/tuần và tùy theo công việc của từng tuần", thầy Trung chia sẻ.

Về việc nâng cao chất lượng chuyên môn của giáo viên trong nhà trường, hằng tuần, sinh hoạt chuyên môn thì tập trung vào hướng nghiên cứu bài học, qua đó giáo viên được sử dụng phương pháp, kỹ thuật tổ chức dạy học tích cực.

Đối với việc giảng dạy của giáo viên trên lớp, thầy Trung cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đầy đủ kiến thức, nội dung cho học sinh tiếp thu. Tuy nhiên, vẫn có một số em chưa đủ khả năng hoàn thành kiến thức trên lớp nên việc kèm cặp thêm cho học sinh còn khó khăn.

Đối với việc bồi dưỡng cho học sinh có học lực chưa đạt, các thầy cô của nhà trường thường bồi dưỡng cho các em vào cuối buổi học vào buổi chiều.

"Việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học là hợp lý", thầy Trung chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Phúc, giáo viên muốn dạy thêm ở ngoài trường, sẽ phải báo cáo hiệu trưởng sẽ thuận lợi cho việc giám sát hoạt động dạy thêm của giáo viên. Từ đó, nội dung giảng dạy của giáo viên ở trường cũng sẽ được đảm bảo chất lượng.

Nếu như không có sự giám sát của lãnh đạo nhà trường, có thể sẽ không nắm bắt được giáo viên trong đơn vị đang dạy thêm nội dung gì.

Thầy Hà Duy Trung cũng đồng tình với quy định giáo viên không dạy thêm đối với học sinh chính khóa, bởi vì khi học sinh đi học thêm ở trung tâm sẽ được phản ánh chất lượng học tập của học sinh được khách quan hơn.

"Đến thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đang chuẩn bị văn bản hướng dẫn các trường triển khai Thông tư 29, để các nhà trường quán triệt tới giáo viên", thầy Trung chia sẻ.

Cô Hà Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Hợp Minh (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cho biết, trong nhiều năm qua nhà trường vẫn bồi dưỡng miễn phí đối với học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh có học lực chưa đạt.

Theo đó, đối với cấp tiểu học của nhà trường, giáo viên sẽ ôn luyện cho học sinh có học lực chưa đạt vào đầu giờ buổi sáng (giờ truy bài) và cuối giờ học buổi sáng (hết giờ học 4 tiết), trong thời gian khoảng hai mươi phút.

Đối với cấp trung học cơ sở, giáo viên sẽ phụ đạo cho học sinh có học lực chưa đạt vào thời gian hết tiết thứ năm. Với việc bồi dưỡng học sinh giỏi đội tuyển, hay các cuộc thi trên mạng, học sinh được bồi dưỡng vào lúc buổi học đầu giờ chiều khoảng hơn một rưỡi, đến hai giờ.

Chia sẻ về việc bồi dưỡng thu nhập cho các thầy cô phụ đạo cho học sinh, cô Dung cho hay, nhà trường có chi trả một chút kinh phí, và khi học sinh có thành tích thì khen thưởng cho thầy cô.

Trong nội dung Thông tư 29/2024, cô Dung đánh giá có nội dung mới là về việc không thu tiền đối với học sinh lớp 9 ôn vào lớp 10.

Nhà trường tổ chức ôn luyện cho học sinh cuối cấp vào tháng 4, tháng 5 (học sinh viết đơn) và được nhà trường thu phí theo Nghị quyết 59 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tối đa 25 nghìn đồng/buổi/3 tiết. Vì vậy, việc "động viên" giáo viên đi dạy nhưng không thu tiền là khó.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thư Phú (Thường Tín, Hà Nội) cho hay, nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với năng lực của học sinh tiểu học, tuy nhiên nhu cầu của phụ huynh là cho con em đi học thêm để nâng cao năng lực vẫn hiện hữu.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thư Phú cho hay, việc giám sát chất lượng giảng dạy tại các trung tâm ôn luyện cho học sinh cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Mạnh Đoàn