Thủ khoa mong tiếp cận dễ dàng thông tin tuyển dụng, cơ hội thăng tiến

19/01/2025 08:20
Anh Tú

GDVN- Chúng tôi kỳ vọng các chính sách dài hạn không chỉ dừng lại ở “ưu tiên đầu vào”, mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch và có một lộ trình phát triển rõ ràng.

Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Mở rộng hơn đối tượng của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP trước đó, Nghị định số 179 đã có nhiều ưu đãi về cơ hội thăng tiến cùng với thu nhập hấp dẫn cho nhóm đối tượng có năng lực như thủ khoa đầu ra, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các đơn vị giáo dục đại học có tiếng trong và ngoài nước.

Chính sách khích lệ dành cho các thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Hoàng Dương (thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Kinh doanh quốc tế năm 2024, điểm trung bình cao nhất từ trước đến nay của Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá cao tính kịp thời của Nghị định số 179/2024/NĐ-CP.

Cụ thể, Nguyễn Hoàng Dương cho biết: “Hiện nay, tôi đang làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập trong nước. Với mong muốn trở thành công chức, viên chức và cống hiến lâu dài cho Nhà nước, tôi nhận thấy Nghị định số 179 đã mở ra chính sách phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Đồng thời, đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để các tài năng trẻ và nhà khoa học có cơ hội cống hiến.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta cần nguồn nhân lực chất lượng cao, các chế độ đãi ngộ, môi trường phát triển và tính linh hoạt ở khu vực tư nhân có nhiều đặc điểm phù hợp với mong muốn của lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ có năng lực xuất sắc. Nghị định này không chỉ tạo cơ chế mà còn thúc đẩy thay đổi nhận thức về vai trò của nhân tài trong các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Nam thủ khoa cũng chỉ ra rằng, chính sách đãi ngộ trong Nghị định số 179 được thiết kế cạnh tranh hơn, bao gồm các hỗ trợ về tài chính, phúc lợi xã hội và điều kiện làm việc. Ví dụ, các khoản hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại và mức lương đủ sức hấp dẫn, sẽ giúp người tài cảm thấy yên tâm, tập trung vào công việc mà không bị áp lực quá lớn về mặt tài chính. Việc đảm bảo các phúc lợi này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa khu vực công và các lựa chọn nghề nghiệp khác.

Bên cạnh đó, nghị định cũng nhấn mạnh cam kết xây dựng một môi trường làm việc công khai, minh bạch và khuyến khích sáng tạo. Điều này rất quan trọng, bởi những người xuất sắc thường mong muốn làm việc trong một môi trường nơi ý kiến của họ được lắng nghe, các sáng kiến được đánh giá công bằng và năng lực được sử dụng một cách hiệu quả. Khi người tài cảm nhận được giá trị của bản thân được công nhận, họ sẽ có thêm động lực để cống hiến lâu dài.

z6212225582655_ea9d1078349929ddba5df88fdc7592dd.jpg
Nguyễn Hoàng Dương trong buổi đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm đó, Lương Ngọc Ánh (tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Tài chính năm 2024) đánh giá, việc ban hành Nghị định số 179 là cú hích với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đặc biệt với những ngành đòi hỏi tính chuyên môn cao như Tài chính - Ngân hàng: “Được xét tuyển đặc cách là một cơ hội lớn, giúp sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc như tôi giảm được áp lực cạnh tranh với số đông, nhất là khi thị trường việc làm ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ chế của Nghị định số 179 cũng góp phần trao cơ hội cho các bạn sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, xuất sắc ngành Tài chính - Ngân hàng tiếp cận nhanh hơn với các vị trí quan trọng trong khu vực công, nơi có thể đóng góp chuyên môn vào việc hoạch định và thực thi chính sách tài chính. Đây là điều mà khu vực tư nhân đôi khi không thể mang lại vì có xu hướng tập trung vào lợi nhuận nhiều hơn”.

Cũng theo Ngọc Ánh, mặc dù có nhu cầu làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, song, do các cơ chế chính sách cũ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển bản thân, cùng với mức lương chưa xứng đáng, nên tân cử nhân quyết định làm việc tại một công ty tư nhân.

Tuy nhiên, khi có cơ hội, đặc biệt với chính sách “chào đón” nhân tài của Nghị định số 179, Ngọc Ánh hy vọng trong tương lai, bản thân sẽ đứng trong hàng ngũ công chức, viên chức, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

z6212238695606_b1997f95d54669ad484acdfcab0aad15 (1).jpg
Lương Ngọc Ánh, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Tài chính năm 2024.
Ảnh: NVCC.

Cũng cho rằng Nghị định số 179 đã mở ra cơ hội rộng lớn chưa từng có cho những người trẻ tuổi giàu tài năng và khát vọng, Trương Minh Thư (tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2024 ngành Hoá học, Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Chính sách tuyển dụng đặc biệt hướng đến sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ và chuyên gia hàng đầu theo Nghị định số 179 không chỉ giúp họ tiếp cận nhanh chóng các vị trí trong hệ thống công quyền, mà còn thể hiện sự đánh giá cao đối với năng lực và đóng góp của họ. Đây là một tín hiệu đáng khích lệ, tạo động lực để nhân tài trẻ tự tin cống hiến.

Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, từ lương thưởng, phúc lợi cho đến hỗ trợ phát triển sự nghiệp... là những yếu tố quan trọng thúc đẩy cá nhân có năng lực tốt lựa chọn công tác trong khu vực công. Những chính sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, mà còn tạo điều kiện để nhân tài phát huy tối đa khả năng, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của cả hệ thống”.

Việc tiếp cận thông tin tuyển dụng của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế

Một mặt, Nguyễn Hoàng Dương nhận định đây là cánh cửa mở rộng thu hút tinh anh của nền giáo dục nước nhà, mặt khác anh cũng cho rằng, cơ hội lớn này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nhân tài trẻ khi lựa chọn cống hiến trong khu vực công: “Một trong những thách thức lớn nhất là sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế. Các sinh viên xuất sắc thường kỳ vọng môi trường làm việc trong khu vực công sẽ thực sự năng động, minh bạch và hiệu quả, nhưng đôi khi thực tế có thể phức tạp hơn, với các yếu tố như quy trình hành chính hay văn hóa làm việc khác biệt”.

Chung quan điểm trên, Bùi Thị Khánh Huyền (thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2024 ngành Báo chí, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Đối với cá nhân tôi cũng như nhiều bạn trẻ, ngoài cơ hội xét tuyển, chúng tôi kỳ vọng các chính sách dài hạn hơn, không chỉ dừng lại ở “ưu tiên đầu vào”, mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch và có một lộ trình phát triển rõ ràng trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mục tiêu của Nghị định số 179 là để cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, bố trí, sử dụng công chức, viên chức phù hợp, phát huy được năng lực cốt lõi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều cơ quan báo chí được sáp nhập để tinh gọn bộ máy, các sinh viên xuất sắc càng mong muốn có cơ hội làm việc đúng ngành, đúng nghề và phát triển năng lực trong lĩnh vực báo chí”.

Được làm việc, cống hiến, tập trung bồi dưỡng năng lực theo đúng chuyên ngành là mong muốn hiển nhiên, song Khánh Huyền cũng chia sẻ: “Rào cản lớn nhất khiến nhiều sinh viên xuất sắc không lựa chọn làm việc trong khu vực công, theo tôi, là do mức lương chưa thực sự cạnh tranh so với khu vực tư nhân, môi trường làm việc, quy trình quản lý còn “nặng” tính hành chính”.

z6212716708880_5bac77dd33149877b2963a24785d5add.jpg
Bùi Thị Khánh Huyền, thủ khoa ngành Báo chí, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2024. Ảnh: NVCC.

Về nội dung này, Trần Thùy Dương (tốt nghiệp xuất sắc ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao năm 2024) cũng chỉ ra, điểm chưa thu hút khiến nhiều sinh viên xuất sắc không lựa chọn làm việc trong các cơ quan Nhà nước đến từ yếu tố: “Thực tế, nhiều người coi việc vào biên chế là sự đảm bảo cho công việc ổn định; tuy nhiên, đối với những người đã được gọi là “nhân tài”, có thể sẽ rất ít ưu tiên những môi trường quá an toàn và ổn định. Những cơ hội và điều kiện để họ phát huy hết tiềm năng của bản thân có lẽ sẽ là điều quan trọng hơn.

Mặt khác, tôi cảm thấy khá khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin tuyển dụng của các bộ, ban, ngành. Trong khi đó, các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tư nhân xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội, sẽ dễ dàng tiếp cận và thu hút hơn”.

Cũng theo Thùy Dương, các chính sách tuyển dụng cần có giải pháp truyền thông hiệu quả để sinh viên biết tới và có kế hoạch phấn đấu nếu có nhu cầu: “Việc truyền thông về các chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Tôi đã may mắn có cơ hội tham dự Toạ đàm giới thiệu về các vị trí tuyển dụng và môi trường làm việc của Bộ Ngoại giao do Học viện Ngoại giao tổ chức. Trong đó, tôi đã được lắng nghe những chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo Bộ và các anh chị cựu sinh viên, nay là cán bộ công tác tại Bộ Ngoại giao về cơ hội việc làm, cơ chế tuyển dụng và các chính sách đãi ngộ hấp dẫn.

Tôi nhận thấy, đây là một hoạt động truyền thông rất ý nghĩa và thiết thực giúp cho sinh viên có nhiều hứng thú hơn với các công việc trong cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, việc phổ biến chính sách qua các kênh báo chí cũng sẽ góp phần thu hút thêm sự quan tâm lớn của các bạn sinh viên tài năng”.

52776abe-5b88-405a-9db8-7f9494aab90f.jpg
Trần Thùy Dương, tốt nghiệp xuất sắc năm 2024 ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa (tốt nghiệp xuất sắc ngành Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ TESOL năm 2024), hiện là trợ giảng tại một trường đại học công lập tại Việt Nam cho rằng, việc minh bạch trong xét tuyển biên chế là điều nhiều người quan tâm.

Cụ thể: “Thực tế, việc triển khai Nghị định số 179 có thể đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là trong khâu thực hiện chính sách và đảm bảo tính minh bạch. Quá trình xét tuyển, đánh giá và bố trí biên chế ưu tiên cần được thực hiện công khai, rõ ràng và công bằng để đảm bảo rằng các đối tượng thực sự đủ năng lực và xứng đáng được hưởng lợi từ chính sách. Việc này không chỉ đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ mà còn cần có cơ chế phản hồi, xử lý kịp thời các trường hợp sai sót, nhằm tránh tình trạng ưu ái không đúng người, đúng việc, làm suy giảm niềm tin vào chính sách.

Bên cạnh đó, bản thân tôi cho rằng, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ toàn diện và hiệu quả hơn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, viên chức phát huy tối đa năng lực sau quá trình đào tạo. Hiện nay, một số cán bộ sau khi hoàn thành các chương trình học tập hoặc nghiên cứu ở nước ngoài trở về, đôi khi cảm thấy khó khăn khi tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân có thể đến từ sự hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn lực hỗ trợ, hoặc những thách thức trong việc thích nghi với môi trường làm việc. Vì vậy, việc xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu thuận lợi, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến các chính sách khuyến khích cụ thể, sẽ không chỉ giúp giảm bớt những trở ngại, mà còn thu hút nhân tài trong nước, quốc tế tham gia vào quá trình phát triển đất nước”.

473069701_1695136987717320_3636009237386527084_n.png
Thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa trong buổi lễ tốt nghiệp xuất sắc ngành Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ TESOL năm 2024. Ảnh: NVCC.

Môi trường làm việc đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân nhân tài

Chia sẻ thêm về thủ khoa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Hoàng Dương cũng đề xuất một số biện pháp cụ thể dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và tham khảo từ các mô hình thành công ở các quốc gia phát triển:

Thứ nhất, cung cấp cơ hội phát triển sự nghiệp và học thuật: Để nhân tài không ngừng phát triển và gắn bó lâu dài, cần có các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng, chẳng hạn như các khóa học, hội thảo quốc tế, hay chương trình trao đổi chuyên gia. Đức đã triển khai thành công chương trình “Blue Card” (thẻ xanh) để thu hút và hỗ trợ nhân tài quốc tế, giúp họ phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực nghề nghiệp. Hơn nữa, một hệ thống đánh giá và thăng tiến minh bạch, dựa trên năng lực và đóng góp thực tế, sẽ tạo động lực để nhân tài không ngừng hoàn thiện bản thân.

Thứ hai, xây dựng môi trường làm việc hiện đại và sáng tạo: Môi trường làm việc đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân nhân tài. Đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, không gian sáng tạo và công nghệ tiên tiến là bước đi cần thiết để nhân tài có thể làm việc hiệu quả nhất. Đồng thời, một văn hóa công sở tích cực, khuyến khích giao lưu, làm việc nhóm và công nhận sáng kiến sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và gắn bó trong công việc.

Thứ ba, chính sách “mở cửa” cho nhân tài quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài: Thu hút nhân tài Việt kiều và quốc tế là một chiến lược cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đối với nhân tài Việt kiều, các gói ưu đãi như miễn thuế thu nhập trong thời gian đầu, đảm bảo quyền lợi tương đương với người trong nước sẽ khuyến khích họ quay về đóng góp. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, cư trú và làm việc cho người nước ngoài sẽ mở rộng cánh cửa cho các chuyên gia quốc tế đến với Việt Nam, giúp tăng cường sự đa dạng và phát triển cho khu vực công.

Thứ tư, cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu và phát triển sản phẩm cụ thể: Một cách thu hút nhân tài hiệu quả là thông qua cơ chế “đặt hàng” các dự án nghiên cứu hoặc phát triển sản phẩm cụ thể. Các cơ quan Nhà nước có thể đưa ra những dự án lớn, trao quyền chủ động cho nhân tài đảm nhận, đồng thời hỗ trợ tối đa về tài chính, nhân sự và quyền sáng tạo. Ví dụ, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã “đặt hàng” các dự án công nghệ không gian với các chuyên gia hàng đầu, qua đó thu hút và giữ chân được những người xuất sắc nhất.

Thứ năm, kết nối nhân tài với cộng đồng: Những cá nhân xuất sắc không chỉ mong muốn phát triển sự nghiệp, mà còn muốn tạo giá trị xã hội. Tổ chức các dự án cộng đồng, chương trình khởi nghiệp địa phương, hoặc các hoạt động giáo dục sẽ giúp nhân tài gắn bó hơn với cộng đồng nơi họ làm việc. Bên cạnh đó, việc xây dựng các diễn đàn và hội nghị thường niên để nhân tài giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cũng sẽ tạo ra mạng lưới kết nối mạnh mẽ, thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo.

Anh Tú