Sao phải miễn học phí khi ngành Y có sức hấp dẫn lớn, điểm chuẩn luôn cao nhất

14/01/2025 09:06
Hồng Linh

GDVN -Việc hỗ trợ học phí có trọng tâm sẽ giúp phân bổ ngân sách hiệu quả hơn, tránh hỗ trợ tràn lan nhưng không mang lại kết quả như mong đợi.

Đề xuất của Bộ Y tế liên quan đến vấn đề học phí và sinh hoạt phí của sinh viên Y, Dược hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Cụ thể, Bộ Y tế mong Chính phủ chỉ đạo, nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập tương tự như chính sách hỗ trợ với sinh viên Sư phạm.

Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn.

Không nên hỗ trợ dàn trải cho tất cả sinh viên ngành Y, Dược

Là một trong số những cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ: “Ngành Y là ngành học có sức hấp dẫn lớn. Điểm chuẩn các trường Y luôn nằm trong nhóm cao nhất, thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt từ các thí sinh. Điều này cho thấy ngành Y không thiếu người muốn học, dù miễn học phí hay không.

Thực tế, chính sách miễn học phí đã được áp dụng từ trước, nhưng giới hạn ở chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y và pháp y tâm thần (theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009), và gần đây có thêm các ngành tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu (theo Luật Khám chữa bệnh 2023).

Đây là những chuyên ngành kén người học, nếu không có biện pháp khuyến khích sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Do đó, việc miễn học phí cho các chuyên ngành này là cần thiết và hợp lý.

Thay vì áp dụng chính sách hỗ trợ học phí đại trà cho tất cả sinh viên ngành Y, Dược hoặc các ngành khác thì nên tập trung vào các lĩnh vực và địa phương đang gặp khó khăn về nhân lực. Việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cũng sẽ giúp phân bổ ngân sách hiệu quả hơn, tránh hỗ trợ tràn lan nhưng không mang lại kết quả như mong đợi”.

Cùng bàn về vấn đề này, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh chia sẻ:

“Việc xây dựng chính sách hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên thuộc khối ngành sức khỏe là cần thiết.

Tuy nhiên trong điều kiện kinh phí Nhà nước có hạn thì cần tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực hiện đang thiếu nhiều nhân lực như bác sĩ đa khoa, bác sĩ các chuyên khoa truyền nhiễm, lao, phong, pháp y, tâm thần, không hỗ trợ dàn trải cho tất cả các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Đối với ngành điều dưỡng, hộ sinh, tính chất công việc vất vả, thu nhập không cao, thiếu cơ hội phát triển phát triển, thậm chí còn có tình trạng phân biệt đối xử, sau đại dịch COVID-19 có nhiều điều dưỡng nghỉ việc. Những yếu tố trên đã tác động lớn đến việc tuyển sinh ngành này.

Nếu không có chiến lược về thu hút đào tạo đối với điều dưỡng, hộ sinh, Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức thiếu nhân lực chăm sóc trong tình hình tốc độ già hóa dân số tăng nhanh và sự dịch chuyển điều dưỡng, hộ sinh từ khu vực công sang khu vực tư nhân, từ Việt Nam sang các nước phát triển (xuất khẩu điều dưỡng), cũng như thách thức đối với chỉ tiêu đạt 33 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030 theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam thông tin, thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên ngành điều dưỡng, hộ sinh đã mang lại những tác động tích cực.

Tại tỉnh Bình Dương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với sinh viên hệ chính quy theo học các ngành điều dưỡng, hộ sinh trên địa bàn tỉnh với mức 3.600.000 đồng/người/tháng (không quá 10 tháng/năm học). Theo đánh giá, nhờ chính sách này, tình hình tuyển sinh ngành điều dưỡng hộ sinh trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện.

"Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề học phí, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến chính sách về vị trí việc làm, đãi ngộ về tiền lương, đảm bảo đầu ra cho sinh viên để tránh việc lãng phí đào tạo, sinh viên ra trường không làm đúng nghề hoặc bỏ việc” - Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

TTUT ThS Nguyễn Việt Thắng.png
Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC.

Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Chương - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm - Lao, Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế): "Theo tôi, chúng ta không nên miễn học phí cho sinh viên ngành Y, Dược vì số lượng tuyển sinh ngành này vẫn đảm bảo. Khoản kinh phí hỗ trợ đó nếu sử dụng cho các chuyên ngành đặc thù nhưng ít người theo học như tâm thần, truyền nhiễm, pháp y sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Nhà nước cũng nên tăng cường đầu tư cho các trường Y, Dược về trang thiết bị, phòng khám, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành để nâng cao hiệu quả đào tạo. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về vị trí việc làm, đãi ngộ cũng cần được cân nhắc để đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Thực tế, tình trạng thiếu nhân lực ngành Y tại các vùng sâu, vùng xa nhưng dư thừa ở thành phố là vì điều kiện làm việc không đảm bảo, thiếu cơ hội học tập nâng cao trình độ, vấn đề tiền lương. Để khắc phục, chúng ta cần cải thiện các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho bác sĩ được trau dồi kiến thức, kỹ năng, đồng thời nâng thêm mức phụ cấp".

PGS TS Trần Xuân Chương.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Chương - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm - Lao, Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục

Đề cập đến một số ảnh hưởng nếu mở rộng chính sách miễn học phí cho toàn bộ ngành Y, Dược như đề xuất của Bộ Y tế, tiến sĩ Trần Ái Cầm chỉ ra:

Thứ nhất, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp có thể bị hạn chế. Miễn học phí chắc chắn đi kèm với những ràng buộc, chẳng hạn như yêu cầu làm việc tại các cơ sở y tế công, hoặc địa bàn được chỉ định, trong một thời gian nhất định. Điều này có thể khiến những sinh viên nhận ra mình không phù hợp với ngành Y hoặc muốn theo đuổi các lĩnh vực khác gặp khó khăn khi thay đổi định hướng nghề nghiệp. Việc hoàn trả học phí cũng tạo ra áp lực không nhỏ.

Thứ hai, ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh thêm một khoản chi lớn để hỗ trợ các trường đào tạo y khoa. Điều này đi ngược với mục tiêu giảm chi thường xuyên, tập trung đầu tư phát triển những định hướng quan trọng đang được thúc đẩy hiện thực hóa.

Thứ ba, sự phụ thuộc vào ngân sách có thể làm giảm động lực tự chủ và sáng tạo của các trường đại học. Thay vì tìm kiếm những phương thức đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tự tạo nguồn thu, các trường có thể trở nên thụ động, chờ đợi vào nguồn ngân sách được cấp.

Thứ tư, ưu tiên miễn học phí có thể dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các ngành nghề. Trong khi đó, mọi lĩnh vực đều cần thiết để duy trì sự phát triển và vận hành của xã hội. Nếu ngành Y được miễn học phí như ngành sư phạm, các ngành khác cũng có thể yêu cầu chính sách tương tự, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngân sách Nhà nước.

z5483609723066_0a4f0d073fd791f1d151c1931a8df8c0.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: ntt.edu.vn.

Phân tích rõ hơn về tác động của đề xuất hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên Y, Dược đến vấn đề tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, học phí là nguồn thu lớn nhất giúp các trường tự chủ tài chính. Với đặc thù đào tạo ngành Y, học phí tại các trường Y thường cao hơn nhiều so với các ngành khác.

Việc thu học phí cao cho phép các trường đầu tư vào máy móc, phòng thí nghiệm, trả lương cho giảng viên giỏi và duy trì chất lượng đào tạo.

Khi thực hiện tự chủ, các trường Y sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, giúp Nhà nước giảm gánh nặng chi ngân sách cho giáo dục. Điều này khuyến khích các trường phải tìm kiếm thêm các nguồn thu khác, như nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế hoặc liên kết đào tạo.

Nếu Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc phần lớn học phí cho sinh viên, các trường Y có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động tự chủ tài chính vì những lý do dưới đây:

Giảm nguồn thu từ học phí: Khi học phí của sinh viên được Nhà nước hỗ trợ, các trường sẽ phải phụ thuộc vào việc phân bổ ngân sách từ Nhà nước thay vì thu trực tiếp từ sinh viên. Điều này có thể làm mất đi tính linh hoạt của các trường trong việc điều chỉnh học phí để đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Chậm đầu tư cơ sở vật chất: Nếu ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ và kịp thời, các trường sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, vốn rất cực kỳ cần thiết cho đào tạo ngành Y.

Thay vì miễn học phí nên duy trì, mở rộng chính sách học bổng

Chính bởi những ảnh hưởng nêu trên, Tiến sĩ Trần Ái Cầm khẳng định thay vì miễn học phí, Nhà nước nên duy trì và mở rộng chính sách học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc thành tích xuất sắc. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn khuyến khích sự nỗ lực trong học tập và nghiên cứu.

Chính sách cho vay học phí với lãi suất ưu đãi cũng cần được đẩy mạnh. Với đặc thù ngành Y có thời gian học kéo dài và chi phí cao, việc hỗ trợ sinh viên vay vốn sẽ giúp họ tập trung vào việc học mà không lo lắng về tài chính.

Ngoài ra, xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ sinh viên là một hướng đi cần thiết. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, có thể tham gia vào việc cấp học bổng, tài trợ nghiên cứu hoặc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại cơ sở của họ.

Trong lúc hệ thống y tế tư nhân ngày một phát triển thì sự đồng hành của các đơn vị này được coi như một khoản đầu tư dài hạn để họ thu hút nhân lực, bên cạnh ý nghĩa quảng bá thương hiệu.

"Chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành Y cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên những bằng chứng và phân tích cụ thể. Miễn học phí không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất.

Thay vào đó, các chính sách khuyến khích học tập và hỗ trợ tài chính một cách linh hoạt, cùng sự tham gia của xã hội, có thể mang lại hiệu quả bền vững hơn cho ngành Y và hệ thống y tế của Việt Nam" - Tiến sĩ Trần Ái Cầm khẳng định

Ảnh minh họa: tuyensinh.ntt.edu.vn

Ảnh minh họa: tuyensinh.ntt.edu.vn

Ngoài ra, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tự chủ tài chính của các trường đào tạo ngành Y nếu triển khai chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nêu, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Xây dựng cơ chế hỗ trợ linh hoạt: Nhà nước có thể áp dụng chính sách hỗ trợ theo hình thức đồng tài trợ, nghĩa là hỗ trợ một phần học phí (ví dụ: 50-70%), phần còn lại do sinh viên chi trả. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng cho sinh viên nhưng vẫn duy trì một phần nguồn thu cho các trường.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ nghiên cứu: Bên cạnh hỗ trợ học phí, Nhà nước cần có các chương trình đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các trường Y. Việc này giúp các trường giảm áp lực tìm kiếm nguồn thu từ học phí và có thể tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo.

Khuyến khích các trường đa dạng hóa nguồn thu: Các trường Y cần tích cực tìm kiếm các nguồn thu khác ngoài học phí như Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu; Cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, Thành lập các Trung tâm nghiên cứu ứng dụng…

Xây dựng quỹ học bổng quốc gia cho sinh viên Y: Thay vì hỗ trợ trực tiếp học phí cho tất cả sinh viên, Nhà nước có thể xây dựng quỹ học bổng dành riêng cho sinh viên ngành Y. Quỹ này sẽ trao học bổng toàn phần hoặc bán phần cho những sinh viên giỏi hoặc có hoàn cảnh khó khăn, vừa đảm bảo công bằng vừa giảm gánh nặng ngân sách.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh thêm: “Chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên Y là một giải pháp cần để thu hút nhân lực y tế.

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế quản lý hợp lý, chính sách này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề tự chủ tài chính của các trường Y, khiến các trường gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo và đầu tư phát triển.

Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ linh hoạt, kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước và yêu cầu tự chủ của các trường để vừa đảm bảo quyền lợi của sinh viên vừa giúp các trường Y tiếp tục phát triển bền vững”.

Hồng Linh