Trường dừng thu học phí dạy thêm, băn khoăn điều kiện cơ sở dạy thêm bên ngoài

21/01/2025 06:36
Thùy Trang

GDVN - Sau Thông tư 29, trường học dừng thu học phí dạy thêm, học thêm trong trường, chờ hướng dẫn cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025 với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành trong Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường có một số điểm đáng chú ý.

Tại khoản 1 điều 5 quy định về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường: việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng Trung học cơ sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thông tin, trong học kỳ I vừa qua, nhà trường đã tổ chức học thêm, dạy thêm trong nhà trường. Học phí học thêm, dạy thêm của nhà trường là 8.000 đồng/tiết/học sinh (trước đây là 6.000 đồng/tiết). Với 3 tiết mỗi buổi học, mỗi tuần 3 buổi, tổng học phí là khoảng 300.000 đồng/tháng cho 3 môn học. Với thông tư 29 vừa được ban hành, học kỳ II tới đây nhà trường quyết định tạm dừng việc dạy thêm, học thêm trong trường học để chờ hướng dẫn mới từ cấp quản lý.

Trong học kỳ I, khi trường tổ chức dạy thêm, nhiều phụ huynh đã đóng học phí cho cả học kỳ II để tiện lợi. Tuy nhiên, với Thông tư mới ban hành, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông báo và hoàn trả học phí học thêm học kỳ II cho những phụ huynh đã đóng trước đó.

gdvn_anh13.jpg
Ảnh minh họa.

Vị hiệu trưởng chia sẻ, với quy định mới các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm nữa. Nhà trường nằm ở khu vực khó khăn nhất của thành phố Bà Rịa, nơi phần lớn dân cư là người nhập cư với điều kiện kinh tế eo hẹp và ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của con em. Để hỗ trợ phụ huynh và học sinh, nhà trường tổ chức dạy thêm với mức học phí thấp hơn so với các trường khác. Đặc biệt, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường còn miễn hoặc giảm học phí. Dù vậy, việc tổ chức dạy thêm trong trường cũng cần một khoản thu tối thiểu để chi trả thù lao dạy thêm cho giáo viên, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường...

Trước các quy định mới trong Thông tư 29, nhiều trường đã cân nhắc chỉ tổ chức bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh yếu kém sau các kỳ kiểm tra và gần như ngừng hẳn việc dạy thêm chính thức. Đối với các lớp ôn thi tuyển sinh lớp 10 vốn rất cần thiết nhiều trường cũng “âm thầm” dừng tổ chức, vị hiệu trưởng cho biết.

Để đảm bảo tính minh bạch và chất lượng dạy thêm, các trường cần thực hiện đúng quy định. Giáo viên dạy ngoài trung tâm phải là các đơn vị có đăng ký kinh doanh và báo cáo với lãnh đạo nhà trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các trung tâm dạy thêm bên ngoài để đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi cho học sinh.

Theo vị hiệu trưởng này, Thông tư 29 quy định rõ đối tượng được phép học thêm trong trường là hợp lý, nhắm đúng vào đối tượng có nhu cầu. Tuy nhiên, về việc không được thu tiền học phí dạy thêm, học thêm trong trường là vấn đề khó đối với các trường do nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nguồn ngân sách hạn chế, việc chi trả lương cho giáo viên dạy thêm theo đúng quy định (150% lương ngoài giờ) là khó khả thi nếu không thu học phí từ học sinh.

Hiện nay, học phí dạy thêm trong trường trung học phổ thông thường dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/3 tiết/buổi. Tại trường của vị hiệu trưởng này, mức thu là 30.000 đồng/3 tiết, mỗi tuần học sinh học 3 buổi. Môn học thêm được tổ chức dựa trên nhu cầu của học sinh. Ví dụ, học sinh lớp 12 học thêm các môn phục vụ kỳ thi tốt nghiệp, học sinh lớp 10 và 11 chọn môn học dựa trên nguyện vọng cá nhân. Với mức học phí này, mỗi môn học thêm một buổi/tuần sẽ khoảng 120.000 đồng/tháng/môn.

Vị hiệu trưởng này đánh giá, so với học thêm bên ngoài, học phí trong trường thấp hơn đáng kể. Các trung tâm học thêm bên ngoài thường thu từ 60.000 đến 200.000 đồng/buổi. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường còn miễn giảm học phí, điều mà các trung tâm bên ngoài hiếm khi thực hiện.

Vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông này quan ngại rằng, với Thông tư 29, có thể sắp tới các trung tâm dạy học sẽ mọc lên “như nấm” và việc quản lý, giám sát các trung tâm sẽ khó khăn. Về chất lượng dạy học, giáo viên trong trường được quản lý chặt chẽ và tham gia các chương trình tập huấn để cập nhật phương pháp giảng dạy mới. Trong khi đó, nhiều người dạy thêm bên ngoài không phải là giáo viên chuyên ngành hoặc không được đào tạo bài bản, dẫn đến chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Họ cũng không chịu sự kiểm tra về chuyên môn như giáo viên trong trường.

Ngoài ra, việc quản lý các trung tâm dạy thêm bên ngoài còn nhiều bất cập. Các trung tâm này chỉ đăng ký kinh doanh và nộp thuế, nhưng không có cơ chế giám sát chặt chẽ về chuyên môn. “Nếu các trung tâm này phát triển tràn lan sau khi thông tư có hiệu lực, liệu chất lượng dạy học của họ có được kiểm soát không?”, vị hiệu trưởng đặt vấn đề.

Ôn thi tốt nghiệp THPT thuộc trách nhiệm của nhà trường

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết phòng đã tổ chức họp với các hiệu trưởng cấp tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn để chỉ đạo từ nay đến hết hết ngày 14 tháng 2, các trường phải hoàn tất, chấm dứt thực hiện mọi hoạt động học thêm, dạy thêm trong và ngoài trường học. Theo đó, các trường phải thông báo với giáo viên, giáo viên phải cam kết không dạy thêm, đồng thời triển khai đến phụ huynh làm cam kết không cho con em học thêm giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.

Trường hợp giáo viên vi phạm, hiệu trưởng sẽ được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm liên quan. Về phương thức xử lý cụ thể, Phòng chờ hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng đánh giá, Thông tư 29 với những quy định mới liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm là đúng đắn và sẽ hạn chế các tiêu cực trong giáo dục. Việc dạy thêm, học thêm trong trường học và không thu học phí sẽ tránh tình nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ ra, việc dạy thêm trong trường mà không thu phí của học sinh cũng sẽ khó thực hiện, vì đã có quy định rõ số tiết của giáo viên trên lớp nếu huy động các thầy cô dạy thêm thì sẽ tính là làm thêm giờ, nhà trường thì không có kinh phí để chi trả cho các thầy cô dạy thêm giờ này. Dạy thêm mà không thu học phí thì nhà trường phải kêu gọi thêm sự đóng góp, dạy miễn phí từ phía thầy cô và đa phần các thầy cô sẽ không hưởng ứng.

Lâu nay, các lớp cuối cấp sẽ có những lớp bồi dưỡng, học thêm và có sự thoả thuận giữa trường và phụ huynh để đóng một phần kinh phí để trả cho các thầy cô. Nhưng năm nay, nếu thực hiện không thu học phí, không học thêm thì hoạt động này cũng sẽ khó diễn ra.

Về văn bản hướng dẫn cụ thể sắp tới, ông Hưng kỳ vọng sẽ có những quy định rõ ràng, văn bản hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới để đảm bảo các trung tâm giảng dạy thêm hoạt động đúng quy định và minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thành lập trung tâm dạy thêm.

“Ai sẽ cấp phép cho các trung tâm này; mức học phí của các trung tâm, quy định mức trần, mức sàn học phí là bao nhiêu? Quy chuẩn người dạy ở các trung tâm, người dạy công tác ở các trường hay là lực lượng đội ngũ dạy tự do? Giáo viên sẽ không được dạy học sinh của mình ở lớp chính khoá, nếu đội ngũ dạy ở trung tâm là các giáo viên công tác ở các trường thì việc phân loại học sinh ở các trung tâm sẽ như thế nào? Việc quản lý các trung tâm này sẽ diễn ra như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các trung tâm, nếu như trung tâm bị tố giác dạy trái phép hoặc dạy sai quy định thì ai sẽ là người đến để giải quyết sai phạm đó….”, ông Hưng mong muốn các nội dung này sẽ được đề cập trong hướng dẫn sắp tới.

Tại tỉnh Sơn La, ông Đoàn Lê Huy, Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho hay, Thông tư 29 quy định học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và không được thu học phí của học sinh.

Tại khoản 1, điều 7, Thông tư 29 quy định về thu và quản lý tiền học thêm có nêu kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, vì vậy việc ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo kế hoạch giáo dục nhà trường đầu năm phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới.

IMG_3552.JPG
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Hiện tại phòng chuyên môn trong Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La đang tiến hành họp xin ý kiến các lãnh đạo. Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để sớm ban hành quy định về dạy thêm, học thêm ở địa phương. Sở sẽ có hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường trên địa bàn.

Ông Huy đánh giá, nhìn xa hơn, Thông tư 29 ban hành phù hợp với vấn đề chính sách an sinh xã hội trong tương lai, về việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non cho đến trung học phổ thông, kể cả câu chuyện dạy thêm trong nhà trường, ngân sách của nhà nước sẽ lo vấn đề an sinh này. Khi áp dụng thông tư đến các tỉnh, các tỉnh phải cân đối một nguồn ngân sách để rà soát, bổ sung để cấp bù cho các nhà trường trong việc tổ chức 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Nếu Thông tư được ban hành sau khi kì thi tốt nghiệp năm nay, để cho các tỉnh cân đối kinh phí cho năm 2026 thì tôi nghĩ sẽ ổn hơn, lúc này vừa kết thúc một năm và đang chuẩn bị kế hoạch cho năm tiếp theo, các tỉnh sẽ có sự chuẩn bị kể cả về mặt ngân sách, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật tham mưu cho uỷ ban tỉnh, hội đồng nhân dân sẽ phù hợp hơn thời điểm này ban hành.

Ông Huy cho biết, trước mắt giải quyết về việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vẫn phải duy trì lớp ôn tập cho đối tượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đây là trách nhiệm của các thầy cô, của nhà trường. Về định hướng sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn chỉ đạo tiếp tục dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô nhưng cũng sẽ cố gắng sắp xếp chế độ chính sách đối với giáo viên giảng dạy ôn tập để động viên, tạo động lực cho giáo viên.

Thùy Trang