Sách giả, sách lậu đánh trúng tâm lý "ham rẻ" của người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Sách giáo khoa là tài liệu học tập chính thống, nội dung thể hiện đúng và đầy đủ chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục, đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập và giảng dạy.
Mặc dù vậy, hiện nay sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn tồn tại trên thị trường. Sách giả được làm rất tinh vi, nhìn thoáng qua bên ngoài sẽ giống với sách thật; nhưng bên trong, chất lượng in ấn kém, có thể có sai sót về nội dung, thiếu dữ liệu, thiếu chữ, thiếu ký hiệu… khiến nội dung bị sai lệch, thậm chí làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Hình ảnh bị nhòe, mờ, không rõ dễ khiến thị lực bị suy giảm.
Với học sinh, phụ huynh không có kinh nghiệm chọn sách, không biết phân biệt giữa sách giả, sách thật dễ mua nhầm phải sách có nguồn không chính thống”.
Theo thầy Công, sách giả gây khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Khi học sinh không may mua nhầm và sử dụng sách giáo khoa giả, nội dung bị sai lệch, thiếu sót, thầy cô giáo sẽ phải mất thời gian chỉnh sửa, giải thích và bổ sung lại kiến thức. Điều này gây gián đoạn bài giảng, giảm hiệu quả học tập cũng như ảnh hưởng tới các bạn học khác.
Ngoài ra, sách giả còn gây thiệt hại trực tiếp đến các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách uy tín về kinh tế, doanh thu vì sách in lậu thường không phải trả chi phí về bản quyền, được chiết khấu với giá cao.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Văn Chuyển - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Từ trước đến nay, Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải cũng chưa từng ghi nhận trường hợp học sinh, phụ huynh mua phải sách giả, sách lậu. Nhà trường là đầu mối liên hệ với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Yên Bái (tỉnh Yên Bái) để đăng ký và nhận sách giúp học sinh.
Trước khi sách được giao đến tay học sinh, nhà trường sẽ kiểm duyệt, đảm bảo về chất lượng, sách không bị lỗi hay bị nhàu, rách trong quá trình vận chuyển. Nhiều phụ huynh không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, nên đã đặt trọn niềm tin vào nhà trường”.
Theo thầy Chuyển, việc có những phụ huynh, học sinh mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu chủ yếu do tâm lý tiết kiệm chi phí khi phải mua số lượng lớn sách giáo khoa vào đầu năm học. Sách giả, sách in lậu thường được bán giá rẻ hơn nhiều so với sách thật trên thị trường, đánh trúng nhu cầu tâm lý “ham rẻ” của người tiêu dùng...
“Để ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý nghiêm các đối tượng in lậu, làm giả sách giáo khoa. Việc chung tay của cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội rất quan trọng trong việc giải quyết triệt để vấn đề này, giúp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”.
Tư vấn tuyển sinh đầu cấp kết hợp giới thiệu bộ sách, cách phân biệt sách thật - giả
Thầy Bùi Văn Chuyển cho biết thêm, vào đầu mỗi năm học, nhà trường thường đến các trường trung học cơ sở trong huyện Mù Cang Chải để tư vấn tuyển sinh kết hợp với việc giới thiệu sách giáo khoa nhà trường dự kiến sẽ lựa chọn để dạy trong năm học sắp tới.
Theo đó, nhà trường thường mang bộ sách giáo khoa lớp 10 có sẵn để giới thiệu cho học sinh chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10. Bệnh cạnh đó, nhà trường cũng hướng dẫn học sinh phân biệt giữa sách giả và sách thật. Việc này giúp tránh tình trạng phụ huynh, học sinh mua nhầm lẫn sách, cũng như ngăn chặn sớm việc học sinh mua phải sách giáo khoa giả.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn, tới đây sẽ có thêm nhiều nhà sách trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, để phụ huynh, học sinh có thể mua trực tiếp, không mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều sự lựa chọn cả về sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện đọc… cho học sinh”.
Để đẩy lùi tình trạng sách giáo khoa giả, thầy Đỗ Thành Công chia sẻ thêm: “Trước mỗi năm học, nhà trường đều tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh đăng ký mua sách tại địa chỉ uy tín. Hiện tại, học sinh nhà trường đăng ký mua sách giáo khoa tại Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Yên Bái (tỉnh Yên Bái).
Không chỉ vậy, nhà trường nhấn mạnh tác hại, ảnh hưởng của sách giáo khoa giả trong quá trình học tập. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh, đảm bảo việc sử dụng sách giáo khoa thật, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và nâng cao chất lượng học tập.
Với những trường vùng cao, có một bộ phận phụ huynh, học sinh còn chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình nên chưa mua đầy đủ sách giáo khoa. Việc phân biệt sách thật, sách giả vẫn còn hạn chế.
Đặc biệt, khi thôn, xã lên nông thôn mới, các em học sinh không được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ về giáo dục tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn còn gặp trở ngại khi mua sách giáo khoa cũng như tài liệu tham khảo khác”.
Chính vì vậy, thầy Đỗ Thành Công mong rằng: “Trường học vùng cao được quan tâm hơn nữa, nhất là việc xây dựng thư viện có đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh có thể mượn vào đầu các năm học.
Mặc dù, nhà trường có phòng thư viện, nhưng còn thiếu thốn về tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, không gian đọc chưa đáp ứng được yêu cầu của học sinh. Nhà trường mong muốn các cấp ngành bổ sung, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu sách cho nhà trường. Việc này giúp học sinh ở những trường vùng cao nói chung được tiếp cận với sách ngày càng phong phú, đa dạng hơn”.