Hệ từ xa ĐH Kinh tế Nghệ An: Vì sao đề án ghi 5 ngành nhưng chỉ tuyển 2 ngành?

21/01/2025 06:25
Mạnh Đoàn

GDVN - Năm 2023, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An tuyển 1500 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo đại học hình thức từ xa, nhưng sau đó nhà trường chỉ tuyển 500 cho 2 ngành.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An được thành lập theo Quyết định 205/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 26/12/2024, nhà trường đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An khi Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1653/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 1/10/2024 (thời điểm nhà trường chưa thực hiện sáp nhập và đổi tên), website nhà trường không có thông báo cũng như đề án tuyển sinh đào tạo từ xa năm 2024.

Tuy nhiên về nội dung trên, ngày 2/1/2025, đại diện Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay: "Do nhà trường đã thay đổi và cập nhập lại trang website nên Đề án tuyển sinh hệ từ xa năm 2024 (được ban hành theo quyết định số 133/QĐ-ĐHKTNA ngày 22/2/2024 của Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An) đã bị ẩn".

Theo Đề án tuyển sinh đại học từ xa năm 2023 (ban hành ngày 19/10/2023), nhà trường tuyển sinh 1500 chỉ tiêu cho 5 ngành: Công nghệ thông tin (200 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (275 chỉ tiêu), Marketing (300 chỉ tiêu), Tài chính ngân hàng (300 chỉ tiêu) và Kế toán (425 chỉ tiêu).

thong-bao-tuyen-sinh-truong-dai-hoc-kinh-te-nghe-an.png
Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức từ xa theo phương thức trực tuyến năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Trong khi đó, thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức từ xa theo phương thức trực tuyến năm 2023 (ban hành ngày 20/11/2023), nhà trường chỉ tuyển sinh 700 chỉ tiêu cho 2 ngành Kế toán (425 chỉ tiêu) và Quản trị kinh doanh (275 chỉ tiêu).

Trả lời về nội dung nêu trên, đại diện nhà trường cho hay, năm 2023 nhà trường công bố Đề án tuyển sinh về hệ đào tạo từ xa với 5 ngành (Công nghệ thông tin, Kế toán, Marketing, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng).

Tuy nhiên, sau khi khảo sát về khả năng tuyển sinh thì Ban tuyển sinh đề xuất tuyển sinh giai đoạn đầu là ngành Kế toán và ngành Quản trị Kinh doanh. Ngoài ra, để đảm bảo về việc thực hiện đào tạo có chất lượng nên nhà trường chỉ tập trung vào tuyển sinh của 2 ngành này.

"Năm 2024, dựa trên năng lực đào tạo nhà trường đã xác định tuyển sinh 2 ngành đào tạo từ xa là: Kế toán và Quản trị kinh doanh. Trong đó, ngành kế toán: 500 chỉ tiêu và ngành Quản trị kinh doanh: 500 chỉ tiêu", đại diện nhà trường thông tin.

Theo thông tin nhà trường quảng bá, thời gian đào tạo đại học đại học từ xa dao động từ 2-3,5 năm. Tuy nhiên, đối tượng đào tạo cụ thể và thời gian ra sao phóng viên không tìm thấy thông tin.

Về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết, chương trình đào tạo từ xa được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo của hệ đại học chính quy là 129 tín chỉ. Tuỳ vào từng đối tượng tuyển sinh, số tín chỉ được miễn giảm tương ứng với việc xét miễn giảm môn học trong chương trình đào tạo.

Cụ thể, người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông, không được xét miễn giảm thời gian học mà phải học khối lượng 100% của chương trình đào tạo tương ứng là 129 tín chỉ. Do vậy thời gian học là 3,5 năm.

Đối với thời gian học của các đối tượng đã tốt nghiệp khác khác (trung cấp, cao đẳng, đại học) sẽ dựa trên bảng điểm học tập để xét miễn giảm môn học. Do vậy, thời gian tốt nghiệp và cấp bằng cho các đối tượng là khác nhau. Thời gian học từ 2-3,5 năm (đã được miễn các môn học).

Điểm trúng tuyển hệ đào tạo từ xa khoảng 12 điểm trở lên

Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức từ xa theo phương thức trực tuyến năm 2023, nhà trường xét tuyển hai ngành Kế toán và Quản trị Kinh doanh là từ 12 điểm. Trong khi điểm chuẩn hệ đại học chính quy của hai ngành này năm 2023, 2024 dao động từ 16-18 điểm.

Chia sẻ về điểm trúng tuyển hệ đại học hình thức từ xa và số lượng thí sinh nhập học hệ này trong năm 2023, 2024, cũng như sự chênh lệch điểm chuẩn, đại diện nhà trường cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh hệ từ xa nên Hội đồng tuyển sinh quyết định mức điểm thấp hơn hệ chính quy để tạo điều kiện cho thí sinh và nắm bắt tốt hơn nhu cầu của thí sinh.

Đối với điểm trúng tuyển sinh viên hệ đại học từ xa năm 2023, có ngưỡng điểm điểm xét tuyển thí sinh có bằng trung học phổ thông với điểm chuẩn từ 12,5 đến 29,20 (theo phương thức xét tuyển 200);

Trong đó có 4 sinh viên dưới 16 điểm (12,5- 14,5 điểm) và 50 sinh viên có điểm đầu vào từ 16 - 29,20 điểm. Đối với các phương thức xét tuyển 500, ngưỡng đầu vào là 2,0 (điểm hệ số 4,0) và (5,0 đối với điểm hệ số 10).

Năm 2003, số lượng nhập học của 2 ngành từ xa là 122 (ngành Kế toán: 59; Quản trị kinh doanh: 63).

Năm 2024 nhà trường đã tuyển sinh được 512 sinh viên (Kế toán: 255; Quản trị kinh doanh: 257), ngưỡng điểm đầu vào tuỳ từng đợt có sự khác nhau.

Cụ thể, đợt 1, ngưỡng đầu vào trúng tuyển có 1 sinh viên đạt 13,90 điểm và các sinh viên còn lại đạt từ 16,10 đến 27,07 điểm; Đợt 2: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển từ 17 đến 27,07 điểm; Đợt 3, ngưỡng điểm đầu vào trúng tuyển từ 15,90 đến 26,50 điểm; Đợt 4: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển có 1 sinh viên đạt 12,40 điểm và các sinh viên còn lại đạt từ 16,20 đến 25,53 điểm; Đợt 5: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển từ 15,40 đến 27,30 điểm; Đợt 6: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển từ 15,80 đến 24,97 điểm; Đợt 7: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển từ 15,60 đến 26,33 điểm; Đợt 8: Ngưỡng đầu vào trúng tuyển từ 14,30 đến 26,70 điểm.

truong-dai-hoc-kinh-te-nghe-an.jpg
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (Ảnh: website nhà trường)

Qua tìm hiểu của phóng viên, văn phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh đào tạo từ xa của Nhà trường là Công ty CP giáo dục và Trường học trực tuyến. Để làm rõ thêm thông tin về nhiệm vụ của đơn vị này, phóng viên đã gửi câu hỏi đến nhà trường.

Trả lời nội dung nêu trên, đại diện nhà trường cho hay, đơn vị đã ký kết hợp tác với Công ty CP công nghệ giáo dục trực tuyến vào tháng 11/2023.

Nhiệm vụ của đơn vị này là hỗ trợ nhà trường về quảng bá truyền thông, tuyển sinh trên phần mềm trực tuyến; ngoài ra còn hỗ trợ nhà trường về hệ thống quản lý học tập; Tiếp nhận hồ sơ học sinh để chuyển về cho nhà trường xét tuyển theo các quy định hiện hành.

Hướng dẫn sinh viên tự học ra sao?

Hiện nay nhà trường đang áp dụng hình thức học tập không tập trung, giảng viên hướng dẫn sinh viên tự học qua hệ thống quản lý học tập.

Tại Khoản 7, Điều 9 theo Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học quy định: Việc tổ chức đào tạo từ xa phải đảm bảo sự tương tác giữa người học với giảng viên, giữa người học với người học; đảm bảo ít nhất 4 hoạt động học tập chính: Tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, buổi trao đổi thảo luận chuyên đề và hội thảo; học tập các nội dung từ các học liệu chính và các học liệu bổ trợ; thực hiện các hoạt động học tập và làm các bài tập đánh giá; tham vấn và đặt câu hỏi với giảng viên...

Về quy định nêu trên, đại diện nhà trường cho hay, hiện nay, đơn vị đang áp dụng hệ thống giảng dạy từ xa trên nền tảng LMS. Hệ thống học tập được xây dựng: bài giảng điện tử ghi âm ghi hình đảm bảo chất lượng nội dung theo yêu cầu - học liệu chính và các học liệu bổ trợ, có các bài kiểm tra quá trình và lưu trữ mọi kết quả học tập và tương tác của SV và các hoạt động của giảng viên.

Hệ thống học tập có diễn đàn trao đổi thảo luận, giảng viên chuyên môn tổ chức các chủ đề thảo luận trên hệ thống này theo từng tuần học. Hệ thống hỏi đáp 1 -1 bắt buộc trả lời trong 72h giữa giảng viên và sinh viên, đảm bảo quá trình giải đáp và tự học và các giờ học trực tuyến.

Với các quy định hiện nay của nhà trường và sự hỗ trợ của hệ thống, đơn vị đã thực hiện theo khoản 7, Điều 9 theo Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Khoản 3, Điều 7 của Thông tư số 10/20217/TT-BGDĐT quy định “Việc tổ chức thi kết thúc học phần phải được thực hiện tập trung tại cơ sở giáo dục đại học hoặc tại Trạm đào tạo từ xa, được giám sát bởi cán bộ của cơ sở giáo dục đại học”.

Về nội dung này, đại diện nhà trường thông tin, hiện nay, hình thức thi kết thúc học phần của hệ đào tạo từ xa được tổ chức thi trực tiếp tại nhà trường và các điểm từ xa đã được nhà trường ký kết theo quy định hiện hành.

Việc tổ chức thi, giám sát thi theo quy định hiện hành của nhà trường (Quyết định số 1451/QĐ-ĐHKTNA ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An về việc ban hành Quy định về công tác Kiểm tra, đánh giá và quản lý kết quả học tập trong hoạt động đào tạo đại học chính quy tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; Theo Quyết định số 998/QĐ-ĐHKTNA ngày 05/09/2023 về việc ban hành Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và theo Quyết định số 1037/QĐ-ĐHKTNA ngày 30 tháng 08 năm 2024 Ban hành Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (Sửa đổi bổ sung theo Thông tư 28/2023 của BGDĐT).

"Nhà trường thành lập hội đồng tổ chức thi gồm: Chủ tịch, cán bộ xem thi, thanh tra thi,… theo các quy định hiện hành", đại diện nhà trường thông tin.

Về việc giám sát học tập sinh viên hệ đào tạo từ xa, đại diện nhà trường cho hay, để không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo của các hệ đào tạo trong Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói chung và các ngành đào tạo từ xa nói riêng. Nhà trường đã không ngừng cải tiến các phương thức đánh giá người học cùng với nền tảng LMS để kiểm tra đánh giá, biên soạn và thực hiện các hoạt động giảng dạy cho sinh viên.

Nhà trường đang đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh và Kế toán thực hiện theo thông tư 10/2017 đối với các khóa tuyển sinh trước năm 2024 và Thông tư 28/TT-BGDĐT đối với các khóa tuyển sinh từ năm 2024, quy chế đào tạo từ xa của trường ĐHKTNA trong Quyết định Số 998/QĐ-ĐHKTNA ngày 5/9/2023 và sửa đổi theo quyết định số 1037/QĐ-ĐHKTNA ngày 30/8/2024.

Sinh viên tự học qua hệ thống quản lý học tập đều có sự giám sát của giảng viên giảng dạy và thông qua hệ thống LMS, sinh viên phải thực hiện đầy đủ các phần học tập, làm bài tập, thảo luận, đặt câu hỏi cho giảng viên,… Việc học tập của sinh viên đều được lưu trên hệ thống LMS.

Quy định kiểm tra đánh giá đối với đào tạo từ xa bao gồm 2 điểm thành phần: điểm đánh giá quá trình (25% chuyên cần qua quá trình tham gia học tập, thảo luận trên hệ thống và 75% các bài kiểm tra quá trình được thiết kế sẵn trên hệ thống, chủ yếu là hình thức kiểm tra trắc nghiệm, báo cáo và một số học phần là hình thức thi viết), điểm đánh giá cuối kỳ là bài thi được tổ chức thi trực tiếp tại trường. Các học phần đều xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra/ thi (đề kiểm tra được trộn ngẫu nhiên trên hệ thống và đề thi cuối kỳ được Phòng thanh tra - khảo thí - quản lý chất lượng tổ chức bốc đề, trộn đề theo đúng quy trình, quy định.

Thiết kế bài giảng do nhà trường xây dựng trên cơ sở đề cương chi tiết học phần đã được ban hành. Ngoài ra, còn được hỗ trợ của Công ty CP giáo dục trực tuyến Onschool về nền tảng giải pháp phần mềm. Tất cả bài giảng trước khi đưa vào giảng dạy cho sinh viên để được nghiệm thu theo quy định hiện hành của nhà trường.

Về tổ chức thực hành thực tập cho sinh viên, với các học phần thực tế tại đơn vị được thiết kế theo các buổi hướng dẫn và các buổi tổ chức sinh viên đến trực tiếp tại đơn vị. Đối với học phần thực tập và làm khóa luận đảm bảo số tuần học, thời gian triển khai như quy định thực tập như đối với sinh viên chính quy. Kết quả đánh giá là các bài báo cáo nộp trực tiếp và được giảng viên chấm theo đúng quy định

Đầu ra về ngoại ngữ, tin học của sinh viên từ xa tương đương chính quy

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 cũng như các thông báo tuyển sinh đào tạo từ xa của nhà trường không có nội dung đề cập đến chuẩn đầu ra về tin học, ngoại ngữ cho sinh viên hệ đào tạo từ xa.

Trả lời nội dung trên, đại diện nhà trường thông tin, chuẩn đầu ra hệ đào tạo từ xa của các ngành trong nhà trường được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo chính quy (trên cơ sở khảo sát các bên liên quan, đối sánh chương trình đào tạo, dựa trên sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược của trường, các quy định có liên quan và khung năng lực quốc gia theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 16/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Các chuẩn đầu ra được xây dựng theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp.

"Chuẩn đầu ra tin học và ngoại ngữ cho hệ đào tạo từ xa được thiết kế cũng giống như chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của chính quy, và việc tổ chức kiểm tra đánh giá như các học phần khác, đảm bảo đạt yêu cầu theo quy định môn học", đại diện nhà trường cho hay.

Mạnh Đoàn