Cần đạt 0,6 công trình/năm buộc giảng viên phải NCKH chứ không phải là thợ dạy

15/01/2025 06:21
Thu Trang

GDVN -Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi nhà trường phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.

Tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm.

Theo đại diện các trường đại học, việc này tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hơn chất lượng và tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Là điều tất yếu, phù hợp trong chiến lược phát triển của trường

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, việc phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng để khẳng định uy tín, vị thế của trường đại học.

Về chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm là điều tất yếu, phù hợp.

Bởi nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ luôn gắn liền với nhiệm vụ và sứ mệnh của mỗi trường đại học. Giảng viên ngoài việc giảng dạy ra cũng cần phải góp phần tham gia, nghiên cứu khoa học nhằm đẩy mạnh hoạt động phục vụ đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, học thuật.

Vì vậy, mục tiêu này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, từ đó tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ , tăng cường công bố quốc tế và nâng cao thứ hạng, uy tín, vị thế của nhà trường.

Đồng thời góp phần hình thành đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học tận tình, tâm huyết với giảng dạy, nghiên cứu khoa học với chuyên môn sâu.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như trong chiến lược nêu, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm cần tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của từng trường. Mỗi trường sẽ có chiến lược và thời gian cụ thể để thực hiện mục tiêu này cũng như cần xem xét thêm thời gian lộ trình để triển khai phù hợp.

Với những trường đại học lớn, được thành lập lâu năm, có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và trình độ cao, cùng với cơ sở vật chất hiện đại sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu này.

Là một trường đại học trực thuộc địa phương, trong quá trình phát triển và xây dựng đội ngũ giảng viên vẫn còn những hạn chế nhất định, quy mô nghiên cứu chưa sâu như một số cơ quan giáo dục đại học lớn. Để đạt được con số này có lẽ là một thách thức với nhà trường.

Với giảng viên của trường, các thầy cô đều cố gắng đáp ứng bởi về yêu cầu và nhiệm vụ giảng viên hàng năm đặt ra đều phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học , công bố các sản phẩm, bài báo quốc tế.

Hơn nữa, đã là giảng viên có trình độ thạc sĩ, đặc biệt là tiến sĩ thì một năm phải có một bài báo khoa học. Tuy nhiên, với quy mô đội ngũ chưa đủ lớn, để đảm bảo đạt được mục tiêu này, đòi hỏi nhà trường phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.

Ảnh minh hoạ: Mộc Trà
Ảnh minh hoạ: Mộc Trà

Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm vào năm 2030 là một mục tiêu cần thiết, mang tính chiến lược, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm giáo dục.

Điều này tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hơn chất lượng và tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, giúp giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học thường xuyên hơn, xây dựng một văn hóa nghiên cứu trong môi trường học thuật, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian như trên không phải con số quá cao. Hiện nay, nhà trường đã đạt được con số này.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các sản phẩm khoa học công nghệ phải có giá trị, mang tính ứng dụng cao, được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.

Việc các sản phẩm nghiên cứu được đưa vào thực tế và tạo ra giá trị thực sự là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, mục tiêu này vừa giúp để thúc đẩy, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ trong nhà trường. Đồng thời qua đó, để đạt được con số này, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia với các trường đại học trong việc phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Cần có lộ trình để tất cả các bên cùng nỗ lực phấn đấu

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, với Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm với các trường đã và đang có xu hướng phát triển để hội nhập quốc tế thì mục tiêu này là hoàn toàn khả thi.

Các trường đại học muốn nâng cao chất lượng đào tạo bắt buộc phải nâng cao chuẩn về đội ngũ, đặc biệt là yêu cầu về nghiên cứu khoa học. Khía cạnh nghiên cứu,phát triển khoa học công nghệ và giảng dạy buộc phải song song, đồng đều.

Về số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian có thể sau này chỉ số đó còn cao hơn với các trường đại học định hướng nghiên cứu và đặc biệt là quan tâm về vấn đề công bố quốc tế.

“Với mỗi giảng viên cần phải phát triển cân bằng trên hai trụ cột chính là nghiên cứu khoa học và giảng dạy, hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Việc có công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ nâng cao chuyên môn mà còn trực tiếp hỗ trợ cho công tác giảng dạy. Khi người dạy tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ, người học cũng sẽ được đào tạo tốt hơn

Nếu chỉ tập trung vào giảng dạy mà bỏ qua nghiên cứu, giảng viên có thể chỉ dừng lại ở vai trò “thợ dạy.” Hiện nay, xã hội đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi giảng dạy mà còn phải có khả năng nghiên cứu khoa học, qua đó ứng dụng, giải quyết những vấn đề từ thực tiễn”, thầy Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đại diện các trường đại học, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần có điều kiện và những chiến lược cụ thể.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, để đạt được con số 0,6 công trình/năm như chiến lược đã nêu, bước vào giai đoạn năm 2025, 2026, nhà trường cũng đang cố gắng xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo sớm đạt mục tiêu.

Về phía giảng viên, cần xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu. Nhà trường luôn chú trọng tới việc nâng cao năng lực khoa học của giảng viên, thông qua việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, việc đào tạo bồi dưỡng giảng viên trong hoạt động nghiên cứu. Các cơ chế chính sách thúc đẩy giảng viên trong việc nghiên cứu cũng được ban hành đảm bảo theo đúng định hướng đề ra của Chiến lược.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, môi trường làm việc cho giảng viên cũng như xây dựng mạng lưới đối tác trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế nhằm trao đổi kiến thức và mở rộng mạng lưới học thuật.

Đồng thời, cần thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Ảnh minh hoạ: nguồn USTH
Ảnh minh hoạ: nguồn USTH

Còn theo thầy Tùng, để đạt được mục tiêu trung bình 0,6 công trình khoa học/năm trên mỗi giảng viên toàn thời gian vào năm 2030, ngoài các chiến lược và giải pháp, việc đáp ứng các điều kiện cần và đủ là yếu tố quyết định.

Trong đó, Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT, trong các tiêu chuẩn, tiêu chí về cơ sở vật chất cũng đưa ra để đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Các trường cần có môi trường làm việc, trao đổi học thuật để giảng viên phát triển được năng lực nghiên cứu khoa học của mình.

Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải “đi bằng hai chân”. Tức một chân là đào tạo, một chân là nghiên cứu khoa học. Khi quan niệm như vậy thì chắc chắn hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên ngày được quan tâm và chú trọng phát triển hơn. Từ đó, số lượng công trình công bố trong nước và quốc tế của giảng viên cũng tăng theo.

Ngoài ra, với những ngành đặc thù hoặc những công trình có giá trị lớn, có thể xem xét thêm những điều kiện hỗ trợ, khuyến khích về mặt tài chính ​​nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực cả về vật chất và tinh thần.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học càng có ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, đội ngũ giảng viên cần phải làm nghiên cứu khoa học thực sự nghiêm túc, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ.

Công việc này vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là quyền lợi của giảng viên; vừa đem lại uy tín khoa học cho họ, và cũng vừa xây dựng uy tín đào tạo cho nhà trường.

Thu Trang