Đạt tỷ lệ GV trình độ tiến sĩ 40% sẽ là thách thức với trường đặt ở địa phương

19/01/2025 06:21
ĐÀO HIỀN

GDVN - So với những trường ở trung tâm, thành phố lớn, điều kiện phát triển của các trường đại học đặt tại địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, vừa kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn minh nhân loại.

Bên cạnh đó phát triển hệ thống giáo dục mở bảo đảm công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Đối với giáo dục đại học, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (công bố tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024), trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 6.000 nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh trình độ tiến sĩ trong 3 năm học gần đây đều đạt dưới 50% chỉ tiêu.

Trong đó, năm học 2023-2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ của cả nước là 7.158 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh được 3.376 nghiên cứu sinh, đạt 47,16%. Đây cũng là số lượng nghiên cứu sinh tuyển được nhiều nhất trong 3 năm qua.[1]

Mục tiêu là định hướng cần thiết và phù hợp để phát triển giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào nhận định, để có thể phát triển quy mô, chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, việc phát triển đội ngũ giảng viên cả về chất và lượng là điều hết sức cần thiết.

Sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, thích ứng hiệu quả với xu hướng toàn cầu hóa.

Trên thực tế, hiệu quả giảng dạy ở các trường đại học là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, thậm chí được đặt lên hàng đầu nhằm góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như xây dựng thương hiệu, uy tín của đơn vị.

Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới nền giáo dục như hiện nay thì công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Khi các cơ sở giáo dục đại học phát triển được đội ngũ giảng viên năng động, có trình độ cao, phương pháp giảng dạy tích cực sẽ thích ứng tốt với nhiều nhiệm vụ trong thời đại mới.

“Trong môi trường giáo dục đại học, giảng viên là một lực lượng không thể thiếu. Các trường đại học chỉ có thể khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình thông qua chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mà chất lượng này lại phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giảng viên của cơ sở giáo dục đại học.

Có thể nói rằng, chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng nhất, then chốt nhất để phát triển vị thế, chất lượng của cơ sở đào tạo”, thầy Tuấn nêu quan điểm.

0f1a4026-1160.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: HLU

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cũng cho rằng, trường đại học muốn vận hành, hoạt động tốt thì cần phải có đội ngũ. Ở mỗi trình độ đào tạo khác nhau yêu cầu về đội ngũ giảng viên cũng có sự khác biệt. Và với sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì đội ngũ đào tạo ở trình độ đại học phải là lực lượng có kiến thức, chuyên môn giỏi.

Có thể thấy rằng, việc chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giáo dục đại học phải đạt tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ít nhất 40% là định hướng cần thiết và phù hợp trong tiến trình phát triển của giáo dục hiện đại.

Theo thầy Hà, cơ sở giáo dục đại học sở hữu đội ngũ giảng viên tiến sĩ không chỉ đảm bảo quy mô đào tạo, phát triển chuyên môn, năng lực đào tạo mà còn góp phần tạo dựng thế mạnh của đơn vị. Qua đó tăng sức mạnh cạnh tranh trong thị trường trong và ngoài nước.

Theo chia sẻ của thầy Hà, hiện nay, số lượng trường đại học tại Việt Nam đang tăng trưởng khá mạnh mẽ. Điều này cho thấy nhu cầu đòi hỏi lực lượng giảng viên có trình độ ngày càng cao.

Nhận xét về con số tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho rằng đây không phải là mục tiêu quá khó đối với những trường đại học lớn, được thành lập lâu đời như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân…. Bởi, với những trường đã có vị thế, uy tín lâu năm thì bản thân các đơn vị đã có sẵn đội ngũ chất lượng, công tác tuyển dụng, thu hút cũng khá dễ dàng.

Trong khi đó, với những trường đại học mới thành lập, các trường được đặt tại địa phương, điều kiện phát triển còn hạn chế thì việc đạt tỷ lệ 40% giảng viên tiến sĩ lại là một thách thức.

“So với những đơn vị đào tạo ở những trung tâm, thành phố lớn thì quy mô của Trường Đại học Tiền Giang còn khá khiêm tốn. Hiện nay, nhà trường chỉ mới bước vào giai đoạn đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ giảng viên. Chưa kể khi điều kiện kinh tế, vị trí địa lý còn hạn chế cũng khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút, tuyển dụng được giảng viên trình độ cao về trường công tác”, thầy Hà chia sẻ.

tien-si-vo-ngoc-ha-3892-7772.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: website nhà trường

Còn khó với các trường đặt tại địa phương

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay ở Việt Nam có gần 100 trường đại học đào tạo bậc tiến sĩ. Trong giai đoạn 2019 - 2024, tổng chỉ tiêu từ 5.000 đến hơn 7.000 mỗi năm, số lượng nghiên cứu sinh các trường tuyển mới dù có xu hướng tăng dần nhưng vẫn chưa năm nào đạt được 50% tổng chỉ tiêu.[2]

Ghi nhận từ tình hình thực tế, lãnh đạo một số trường đại học cho rằng còn một số rào cản khiến ứng viên e ngại việc đăng ký học tiến sĩ.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, nhiều năm nay, Trường Đại học Tiền Giang đã cố gắng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên nhưng kết quả thay đổi không đáng kể. Theo đó, dù nhà trường đã triển khai đào tạo tại chỗ song số lượng giảng viên đăng ký tham gia nghiên cứu sinh không nhiều.

Làm nghiên cứu sinh để trở thành tiến sĩ là việc mang tính cá nhân, có thể học trong nước hoặc ngoài nước. Tuy nhiên công tác nghiên cứu sinh thường rất vất vả, chi phí lại tốn kém, mất khá nhiều thời gian. Chưa kể các yêu cầu để được công nhận tiến sĩ ngày càng khắt khe đã khiến nhiều người “e ngại” việc đăng ký tham gia học tiến sĩ.

Hiện nay, hầu hết các trường đại học đã xây dựng nhiều chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu sinh. Đối với Trường Đại học Tiền Giang, nhà trường cũng tạo những điều kiện tốt nhất “trong khả năng” của đơn vị để thầy cô có thể tham gia học tập, nghiên cứu một cách thuận lợi và gặt hái được thành quả tốt nhất.

Khi điều kiện còn hạn chế, Trường Đại học Tiền Giang mới chỉ hỗ trợ được 1 phần chi phí tham gia nghiên cứu sinh cho giảng viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tận dụng ngân sách hỗ trợ từ tỉnh Tiền Giang để cùng tham gia giảm tải gánh nặng kinh tế cho những cán bộ giảng viên đăng ký học tiến sĩ.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cũng trăn trở rằng, vì điều kiện của nhà trường hiện nay còn khiêm tốn nên chưa có nhiều điều kiện để thu hút những giảng viên giỏi, có trình độ cao từ nơi khác về. Thậm chí, với những giảng viên đã hoàn thành khóa học tiến sĩ, nhà trường cũng gặp khó trong việc giữ chân đội ngũ này ở lại công tác, gắn bó lâu dài với trường.

Trước mục tiêu đến năm 2030 phải đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thầy Hà cho hay nhà trường đã xây dựng một kế hoạch, lộ trình cụ thể và có định hướng đối với đội ngũ giảng viên trong trường để có thể đạt được kết quả như chiến lược đề ra. Đồng thời, tích cực khuyến khích, hỗ trợ giảng viên trong khả năng cho phép của đơn vị để đội ngũ giảng viên có điều kiện tốt nhất khi tham gia nghiên cứu sinh.

“Đối với những cơ sở giáo dục đại học đặt tại địa phương, con số 40% có thể sẽ là một áp lực lớn, song phải là mục tiêu không thể đạt được”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà bày tỏ.

317096025_1552063198576033_1340566518083717285_n (1).jpg
Trường Đại học Tiền Giang vẫn gặp khó trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, tính từ thời điểm hiện tại cho đến năm 2030 chỉ còn khoảng 5 năm, tương đương 1 khóa đào tạo nghiên cứu sinh. Do đó, nếu áp tỷ lệ này với những trường đại học đặt tại địa phương hoặc các trường mới thành lập thì sẽ là một thách thức, áp lực lớn cho các trường.

Theo chia sẻ của thầy Tuấn, Trường Đại học Tân Trào cũng không phải ngoại lệ khi hiện nay, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của nhà trường mới đạt hơn 30%. Để đạt được tỷ lệ 40% cho năm 2030, nhà trường sẽ phải cần thêm tối thiểu 35 giảng viên tiến sĩ. Trong khi đó, thống kê tại trường hiện nay chỉ có 21 người đang tham gia nghiên cứu sinh, chưa kể trong 5 năm sắp tới, đội ngũ giảng viên của nhà trường có nguy cơ hao hụt khi có những giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, hoặc giảng viên phải chuyển công tác.

Vậy nên, nếu tính lộ trình trong 5 năm tới, nhà trường sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu 40 giảng viên có trình độ tiến sĩ như chiến lược đã đặt ra.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, nhà trường đã có nhiều chính sách động viên, khuyến khích giảng viên đi học cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cụ thể, nhà trường quyết định hỗ trợ 100% các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở đi, mức hỗ trợ tùy thuộc vào kết quả nghiệm thu.

Đối với các bài báo khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 và tương đương, trường hỗ trợ 60 triệu đồng/bài; bài thuộc danh mục Q2 sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/bài; bài thuộc danh mục Q3 được hỗ trợ 40 triệu đồng/bài. Các bài tạp chí có chỉ số ISSN và DOI sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/bài.

Đối với các tạp chí trong nước, bài có điểm theo hợp đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố điểm 1,25 được hỗ trợ 6 triệu đồng/bài; 1 điểm được hỗ trợ 5 triệu đồng; 0,75 điểm được hỗ trợ 4 triệu đồng; 0,5 điểm được hỗ trợ 3 triệu đồng và 0,25 điểm được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu trong 01 năm, giảng viên có từ bài thứ 2 trở lên mà đạt 1,25 điểm sẽ được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng; đạt 1 điểm được hỗ trợ 3 triệu đồng; đạt 0,75 điểm được hỗ trợ 2 triệu đồng; 0,5 điểm nhận hỗ trợ 1 triệu đồng. Nếu có thêm các bài khác được đăng thì mức hỗ trợ sẽ gia tăng mỗi cấp 1 triệu đồng/bài.

Để giảm tải áp lực tài chính cho giảng viên tham gia nghiên cứu sinh, nhà trường hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng/giảng viên, khoảng 160 triệu đồng/khóa nghiên cứu sinh.

Đối với giảng viên được công nhận học hàm phó giáo sư sẽ được hỗ trợ 150 triệu đồng. Bên cạnh đó trường còn hỗ trợ thu nhập hàng tháng ngoài lương cơ bản với giảng viên có trình độ tiến sĩ là 1,5 triệu đồng/tháng nhằm tạo thêm động lực để giữ chân giảng viên ở lại công tác, gắn bó với trường.

Bên cạnh việc khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu sinh, trường còn sẵn sàng chi trả 100 triệu đồng/người để thu hút những giảng viên trình độ tiến sĩ ở nơi khác về.

Mặc dù đã có những chính sách hấp dẫn để thu hút, hỗ trợ giảng viên tham gia làm nghiên cứu sinh, song kết quả mà Trường Đại học Tân Trào nhận được chưa đạt được kỳ vọng ban đầu.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, trên thực tế số lượng tiến sĩ nhà trường có được mỗi năm rất khiêm tốn. Trong 5 năm vừa qua chỉ đạt được 3 người, trong khi đó số lượng tiến sĩ chuyển đi cùng giai đoạn lại lên đến 10 người.

Bên cạnh đó, dù đã nhiều chính sách hỗ trợ nhưng còn nhiều giảng viên vẫn ngại đi học, thậm chí không mặn mà với học vị “tiến sĩ”.

“Do đó, để thực hiện mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về tỷ lệ 40% giảng viên trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Tân Trào sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ.

Trong đó, xác định trong 2 năm 2025 và 2026 sẽ tạo điều kiện để tối thiểu có 40 giảng viên nhập học làm nghiên cứu sinh, bổ sung kinh phí hỗ trợ để giảng viên có thêm động lực đi học.

Với kế hoạch và lộ trình như vậy, nhà trường kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu mà chiến lược đặt ra. Qua đó góp phần phát triển đội ngũ giảng viên của đơn vị và nâng cao thương hiệu, uy tín của nhà trường”, thầy Tuấn thông tin.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/chi-tiet-nhung-con-so-ve-quy-mo-dao-tao-cac-trinh-do-dai-hoc-cua-nuoc-ta-post244679.gd

[2]: https://vnexpress.net/noi-lo-it-nguoi-hoc-tien-si-4796479.html

ĐÀO HIỀN