Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Trong đó, Thông tư nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cùng với đó, tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường song phải báo cáo với hiệu trưởng. Đồng thời, giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Định hình lại việc dạy thêm, học thêm chặt chẽ nhưng nhân văn
Việc dạy thêm, học thêm được xem là nhu cầu hợp lý của nhiều học sinh mong muốn nâng cao vốn hiểu biết và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đã gây ra không ít lo ngại từ phía phụ huynh do sự thiếu vắng các quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc tổ chức dạy thêm, học thêm cả trong lẫn ngoài nhà trường. Chính vì vậy, Thông tư 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận, bởi rất nhiều quy định mới được đưa vào áp dụng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy môn Toán tại Hà Nội nhận định, việc tổ chức dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thật, chính đáng, cần thiết của người dạy, người học và của xã hội. Song, những bất cập, tiêu cực về việc dạy thêm, học thêm trong thời gian dài vừa qua là do các quy định chưa chặt chẽ; khâu kiểm tra còn lỏng lẻo; những người có liên quan đã không làm đúng các quy định; nhận thức của học sinh, phụ huynh chưa toàn diện; cũng như chưa thực hiện tốt các khâu đánh giá và thi cử.
Chỉ ra bốn điểm mới trong Thông tư 29, thầy Trần Mạnh Tùng đánh giá quy định hoàn toàn phù hợp và thiết thực, không chỉ mang tính định hướng mà còn thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giải quyết những bất cập đã tồn tại lâu nay trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thứ nhất, điểm mới đầu tiên chính là quy định việc dạy thêm trở thành một loại hình kinh doanh có điều kiện. Đây là sự thay đổi căn bản để khắc phục việc quản lí hoạt động dạy thêm không hiệu quả trong thời gian qua. Qua đó, hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự quản lí của Luật Doanh nghiệp. Trong khi cá nhân hay tổ chức dạy thêm cần đăng ký kinh doanh, thì việc quản lí hoạt động dạy thêm là trách nhiệm thuộc về các cấp chính quyền (xã, phường; quận, huyện; tỉnh, thành phố) và ngành Giáo dục (phòng, sở, Bộ). Nói cách khác, việc giáo viên tự ý dạy thêm là vi phạm quy định.
Thứ hai, một điểm mới đáng chú ý khác là giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà mình dạy chính khóa. Quy định này giúp khắc phục hầu hết các tiêu cực của việc dạy thêm trước đây như tình trạng ép buộc học sinh đăng ký học thêm bằng cách bớt xén bài tập trên lớp, phân biệt đối xử,… Do đó, quy định của Thông tư 29 sẽ định hướng việc dạy và học trong nhà trường trở lại đúng quỹ đạo.
Thứ ba, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng (về môn dạy, thời gian, địa điểm). Điều đó có nghĩa là giáo viên phải công khai minh bạch, rõ ràng, cụ thể, trung thực các thông tin về việc dạy thêm của mình. Mặt khác, hiệu trưởng cũng có trách nhiệm quản lý cả việc giáo viên dạy thêm bên ngoài.
Thứ tư, điểm mới nữa là việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền. Đây là quy định rất nhân văn, nhằm tạo giá trị cho học sinh, đúng với tôn chỉ của các nhà trường và của ngành giáo dục. Quy định này nếu làm tốt thì cũng không còn các tiêu cực của việc dạy thêm trong nhà trường (tương tự với các tiêu cực của dạy thêm ngoài nhà trường).
Cũng bàn luận về vấn đề này, thầy Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, những quy định tại Thông tư 29 mang tính đúng đắn, văn minh và phù hợp với thực tiễn.
Theo quy định này, giáo viên thuộc hệ thống trường công lập và tư thục, nếu có năng lực và nhu cầu, đều được tạo điều kiện tham gia hoạt động dạy thêm như bình thường. Song, có một lưu ý là giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập sẽ không được đảm nhiệm vai trò quản lý tại các cơ sở dạy thêm.
Hơn nữa, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong phạm vi nhà trường, đồng thời theo dõi, kiểm tra giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài. Lãnh đạo trường còn phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng hoạt động dạy thêm, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm theo đúng quy định, cũng như xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về vấn đề này.
Để triển khai hiệu quả các quy định của Thông tư 29, thầy Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh, vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng là rất quan trọng. Nếu giáo viên vi phạm quy định về việc dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng có quyền áp dụng các biện pháp kỷ luật, cách chức hoặc chấm dứt nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra còn có trách nhiệm của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương và cả phụ huynh.
Liên quan đến lo ngại của một số giáo viên về nguy cơ thu nhập bị sụt giảm đáng kể, điều này là có thật, tuy nhiên, mức lương và các khoản phụ cấp dành cho nhà giáo trong khu vực công lập đã được cải thiện đáng kể. Mỗi thầy cô sẽ có những tâm tư riêng, song, chúng ta hi vọng đây cũng chính là cơ hội để người dạy tự nâng cao năng lực bản thân để hoạt động dạy thêm, học thêm tổ chức theo đúng quy định.
Giải pháp nào để dạy thêm, học thêm đi đúng hướng?
Để quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm, thầy Đặng Minh Tuấn cho rằng, điều cốt yếu là cần nâng cao chất lượng giảng dạy trong từng giờ học chính khóa. Giáo viên phải đảm bảo mỗi tiết học cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. Bởi lẽ, nếu chất lượng tiết học không được đảm bảo, phụ huynh sẽ lại tìm cách để đưa con em mình đi học thêm để bổ trợ kiến thức.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng học liệu và bài giảng điện tử nhằm hỗ trợ học sinh trong trường hợp thời lượng dạy học trên lớp không đáp ứng đủ. Ngoài ra, việc giảm tải chương trình học và các kỳ thi cũng là giải pháp giúp hạn chế nhu cầu dạy thêm, học thêm.
Theo thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (Long Biên, Hà Nội), tinh thần của Thông tư 29 là hợp lý, kịp thời trước tình trạng nhiều địa phương, trường học, đặc biệt ở các trung tâm thành phố lớn đang "nở rộ" việc dạy thêm, học thêm. Để hạn chế tận gốc vấn nạn “ép” học sinh học thêm, trách nhiệm quan trọng trước tiên thuộc về mỗi thầy cô giáo. Cần nâng cao tinh thần tự giác, tư cách đạo đức của nhà giáo, vì học sinh và vì sự tử tế của nghề nghiệp mà xã hội luôn trân trọng.
Ở các nhà trường, vai trò của người đứng đầu cũng giữ vai trò cần thiết. Việc nắm bắt được các hiện tượng tiêu cực, từ đó giám sát và quản lý là trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Vì vậy, chính hiệu trưởng phải là người định hướng, lắng nghe được học sinh, chấn chỉnh giáo viên của mình làm đúng.
Bản lĩnh của các bậc phụ huynh cũng cần phát huy để bảo vệ được học sinh, nên hiểu rõ năng lực học tập của con để xác định môn nào cần bổ sung kiến thức, tập trung vào các môn thi tốt nghiệp hoặc xét tuyển. Đồng thời, phụ huynh là những người nhận biết rõ nhất việc con mình có bị ép buộc học thêm hay không, từ đó cần mạnh dạn lên tiếng phản ánh, góp ý với nhà trường và các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi và sự phát triển của người học.
Chia sẻ về một số giải pháp cho vấn đề này, theo thầy Trần Mạnh Tùng, một là phải làm tốt khâu đăng ký kinh doanh. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần công khai các tiêu chí, điều kiện để đăng ký dạy thêm; nghiêm túc trong việc xét duyệt hồ sơ, cấp đăng ký kinh doanh.
Hai là phải làm tốt khâu quản lí hoạt động dạy thêm. Các cấp chính quyền theo phân công nhiệm vụ cần giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm. Các đơn vị giáo dục cần làm tốt việc quản lý chuyên môn và phối hợp thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Ngoài ra cần sự giám sát của học sinh, phụ huynh, truyền thông và của xã hội.
Ba là quy trách nhiệm cho người đứng đầu, cũng như phân rõ nhiệm vụ của các cấp trong việc quản lý hoạt động dạy thêm. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi trường mình, giáo viên của mình vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.
Bốn là đổi mới phương pháp dạy học. Từ đó, học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, không để việc học thêm như là nhu cầu của đại đa số học sinh như hiện nay.
Năm là đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, thi cử. Bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chúng ta nên tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Nếu đề thi thay đổi theo hướng này thì cũng tác động trở lại việc dạy và học, khi đó việc học thêm cũng sẽ giảm. Đồng thời cần xem xét lại vấn đề áp lực thi cử, xây dựng thêm trường, lớp,... nhằm đáp ứng quyền lợi của người học.
Sáu là thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về học thêm. Chúng ta cần tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ để học sinh, phụ huynh nhận thức rõ khi nào cần học thêm, học cái gì và học như thế nào.
Bảy là tăng lương cho giáo viên, để các thầy cô yên tâm với nghề giảng dạy, không phải bươn chải dạy thêm nữa.