Ngày 18/01/2025, trong khuôn khổ Ngày hội Xuân “Đong đầy yêu thương – Vẹn tròn sắc Tết”, Trường Phổ thông liên cấp Olympia đã tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề “Xây nền tự học - Vững bước vươn xa". Hội thảo nhằm tìm hiểu thêm về năng lực tự học của trẻ tiểu học, dành cho cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi tiểu học.
Chương trình có sự góp mặt của hai chuyên gia về giáo dục là Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, nhà giáo từng nhận Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh do chính phủ Pháp trao tặng và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Olympia, người có hơn 16 năm kinh nghiệm đồng hành với hàng nghìn phụ huynh trong việc thấu hiểu, định hướng và khơi dậy tiềm năng của trẻ trong lứa tuổi tiểu học.
Giữa bối cảnh thế giới toàn cầu liên tục đổi thay, động lực tự học được gieo mầm từ bậc Tiểu học chính là bước đệm quý giá, hun đúc ý chí kiên cường để con sẵn sàng đón nhận mọi thử thách phía trước. Khi trẻ sở hữu “chìa khóa” tự học này, cánh cửa dẫn đến những môi trường học thuật tiên tiến sẽ rộng mở, giúp con tự tin chinh phục thử thách, khẳng định bản thân và bền bỉ nuôi dưỡng niềm say mê học tập suốt cuộc đời.
Tại tọa đàm, cha mẹ học sinh cùng các chuyên gia đã cùng thảo luận về 4 chủ đề: bản chất của việc học là gì, thế nào là năng lực tự học đối với trẻ 5 – 8 tuổi; trong thời đại công nghệ ngày nay, trẻ dễ dàng tiếp cận với kiến thức chỉ bằng một cú “click chuột”, liệu năng lực tự học có còn thực sự cần thiết; mỗi đứa trẻ đều có sự ham thích học hỏi và cách tự học khác nhau, làm thế nào để nhà trường và gia đình có thể đồng hành cùng với quá trình đó và cách kết nối gia đình – nhà trường – bạn bè, xây dựng “hệ sinh thái học tập” vững chắc, nơi con được nhận sự hỗ trợ toàn diện cả về kiến thức lẫn tinh thần.
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng bày tỏ: “Chúng ta đã quen với quan niệm đi học là nhận lại kiến thức từ phía thầy cô, nhưng việc học dù là học với thầy cô, cha mẹ hay ở đâu, cũng là sự chủ động từ phía học sinh. Nếu người học không chủ động, dù thầy cô giỏi tới đâu, cha mẹ thương yêu con cỡ nào, thì học sinh đó cũng không phát triển được. Quyền quyết định thuộc về đứa trẻ, không phải về người lớn. Mỗi đứa trẻ có một cách học khác nhau, và thầy cô giáo cũng chỉ là người đồng hành yêu thương”.
Cô Phượng chia sẻ, phụ huynh luôn kỳ vọng và mong mỏi con có thể có khả năng tự học và chăm chỉ học tập hơn. Nhưng thay vì ép buộc con ngồi vào bàn học, cần phải để trẻ tự nhận ra lợi ích của việc học.
Để minh chứng cho ý kiến này, cô Phượng chia sẻ câu chuyện về hai người cháu của cô: cháu lớn rất đam mê đọc sách còn cháu nhỏ lại không thích đọc sách. Dù vậy, cô Phượng không bắt ép cháu nhỏ phải đọc sách nhiều như anh trai.
Cô Phượng tặng cháu cuốn sách “Bảy thói quen để trẻ trưởng thành”. Trong vài tháng, người cháu hoàn toàn không đọc sách mà chỉ hỏi:“Sách nói về cái gì vậy?". Khi nghe bà kể trong sách có nhân vật thường than thở: "Chán quá!" rất giống mình, cháu muốn bà tóm lại trong một câu xem nhân vật đã giải quyết vấn đề như thế nào, nhưng bà từ chối, chỉ nhận lời cùng đọc câu chuyện với cháu.
Sau đó, theo yêu cầu của cháu nội, cô Phượng cùng cháu đã thong thả đọc từng truyện một, rồi cùng bàn bạc về câu chuyện. Mỗi tháng cô chỉ ra Hà Nội một lần, cùng cháu đọc một câu chuyện, nên mất nhiều tháng mới đọc xong 7 truyện trong cuốn sách đó. Có lần cháu nóng ruột, nhờ người lớn khác cùng đọc trước một truyện.
Đến nay, dù đã tự mình đọc cuốn sách nhiều lần, nhưng người cháu vẫn thích cùng đọc lại từng câu chuyện với cô Phượng - theo sở thích từng lúc của mình. “Như vậy, cháu đã chủ động đọc sách khi bản thân cháu thực sự tò mò, muốn biết, và đọc theo nhịp của riêng mình. Bà chỉ là người đồng hành, luôn ân cần, thân thiết”, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ.
Đến nay, dù đã tự mình đọc cuốn sách nhiều lần, nhưng người cháu vẫn thích cùng đọc lại từng câu chuyện với cô Phượng - theo sở thích từng lúc của mình. “Như vậy, cháu đã chủ động đọc sách khi bản thân cháu thực sự tò mò, muốn biết, và đọc theo nhịp của riêng mình. Bà chỉ là người đồng hành, luôn ân cần, thân thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng nhận xét: “Chúng tôi vẫn nói với phụ huynh là trẻ đang trong quá trình hình thành chứ không phải các con đã đến đích. Chính vì vậy chúng ta cần cho trẻ học cách ra quyết định và học năng lực chịu trách nhiệm. Vai trò của gia đình và nhà trường là khơi gợi để các con tìm được niềm yêu thích và nhận diện bản thân một cách tốt nhất”.
Cô Hằng cũng chia sẻ thêm, việc học luôn luôn diễn ra, tự học chỉ khác biệt ở yếu tố bản thân trẻ tự làm điều đó. Không có nghĩa là trẻ phải ngồi vào bàn, làm một bài toán, bài văn mới gọi là tự học. Bố mẹ đưa con đi chợ Tết, giải thích cho con đây là hoa gì, có màu gì; bánh chưng gói ra sao, mua hết bao nhiêu tiền cũng là một cách học và bố mẹ cần hướng dẫn con học một cách có ý thức. Đây chính là cách để bố mẹ và con cái kết nối với nhau và học cùng nhau.
Trong phần hỏi đáp, một phụ huynh hỏi cô Phượng liệu có một thang điểm hay một bộ tiêu chí nào để đánh giá khả năng tự học của trẻ để phụ huynh tiện theo dõi hay không, cô Phượng tâm sự: “Phụ huynh luôn muốn được chuẩn bị trước để có cảm giác an toàn, nhưng hãy để việc đánh giá trẻ cho thầy cô. Phụ huynh cần có một vai trò khác đó là quan sát trẻ có đang vui vẻ, yêu thích trường lớp sau khi đi học về hay không”.
Một phụ huynh khác đặt câu hỏi: “Con giỏi Toán nhưng không thích học môn Tiếng Việt và viết chữ rất xấu, có nên yêu cầu cháu ôn luyện thêm không?”. Chuyên gia tư vấn: “Việc bắt con học thêm một môn cháu không thích có thể phản tác dụng, khiến con càng không thích học môn đó.
Thay vì lẽ đó, hãy tìm hiểu lý do khiến cháu không thích môn học này, có phải do phương pháp dạy của cô giáo chưa phù hợp với con không. Với môn Tiếng Việt, nếu con không gặp vấn đề gì trong năng lực diễn đạt ngôn ngữ thì phụ huynh không nên quá lo lắng”.
Bên cạnh Hội thảo, với mong muốn dệt thêm những kỷ niệm hạnh phúc, vun đắp yêu thương cho các gia đình học sinh trong ngày Tết đến xuân về và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, Trường phổ thông liên cấp Olympia còn tổ chức sự kiện “Đong đầy yêu thương – Vẹn tròn sắc Tết”.
Tại đây, gia đình đã được đắm mình trong không khí ấm áp của mùa xuân thông qua các trò chơi dân gian và hoạt văn hóa truyền thống ngày Tết như: gói bánh chưng, trang trí bao lì xì, nhảy sạp, ném lon, ném còn, nhảy bao bố…
Mỗi hoạt động được thiết kế với cảm hứng lấy từ những “sắc Tết” khác nhau như: sắc nhiệt huyết, sắc yêu thương, sắc hạnh phúc, sắc hy vọng... Từng cái tên, từng hoạt động vừa gợi nhắc không khí tưng bừng của ngày Tết truyền thống, vừa đánh dấu những cảm xúc tích cực mà mỗi thành viên trong gia đình cùng nhau lan tỏa và khắc ghi.
Trải nghiệm cũng là dịp giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về văn hóa ngày Tết cổ truyền và có cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần “Tết đong đầy, “Vẹn tròn sắc Tết”.