Người đàn bà bị mất con, lạc bước vào con đường làm "gái"

04/12/2011 10:00
Trang Anh/ Pháp luật & cuộc sống
Mỗi lần tới Trung tâm số 2, nhìn những mảnh đời gắng gượng, chuộc lỗi, trả giá cho sai lầm họ phạm phải trước đó, tôi thấy đáng thương hơn đáng trách...
Trước ngày tới Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2, tôi có trò chuyện với một anh bạn đồng nghiệp. Biết ý định tới Trung tâm của tôi, anh cười châm chọc: “Em quên câu “chớ nghe cave kể chuyện, chớ nghe con nghiện trình bày” rồi à?”. Tôi cười trừ. 
Chẳng hiểu sao nhưng mỗi lần tới Trung tâm số 2, nhìn những mảnh đời gắng gượng, chuộc lỗi, trả giá cho sai lầm họ phạm phải trước đó, tôi thấy đáng thương hơn đáng trách. Dĩ nhiên tôi không phải tý phú thời gian, song câu chuyện của những phận gái bán hoa có gì đó luôn khiến tôi day dứt, ám ảnh.


Hạnh phúc và yên bình trở nên quá xa xỉ

Mới trở về từ vườn rau của đội sản xuất ở Trung tâm, Dương Thị Thực vội vã kẹp chặt đôi tay giấu xuống gầm bàn. Những ngón tay gầy, móng tay giắt đất vàng thó giải thích cho cái sự “xấu hổ” của Thực khi tiếp xúc với người lạ. Chị phân trần: “Em thấy cán bộ nói có nhà báo tới thăm. 
Sợ anh chị đợi lâu nên chẳng kịp rửa tay chân”. Nói đoạn, chị bẽn lẽn cười để lộ hàm răng trắng. Nụ cười hiếm hoi trong suốt buổi nói chuyện chan chứa nhiều nước mắt về quãng đời cơ cực và bất hạnh của mình, phần nào xua đi cái quạnh quẽ của Trung tâm trong một buổi chiều đầu đông gió về.
Dương Thị Thực là người cuối cùng trong buổi làm việc của tôi ngày hôm đó, nhưng là người phụ nữ đầu tiên tôi muốn đặt bút viết về. Phải chăng, sự ám ảnh là quá lớn, hay khúc dư ba đau lòng về cuộc đời chị khiến một người cũng là phận nữ nhi thường tình, cũng mang thiên chức của một người mẹ như tôi trở nên đồng cảm và xót xa.

Sinh năm 1982, nhưng gặp Thực, người ta dễ hình dung tới một người thuộc thế hệ 7X đời đầu. Nghĩa là chị già hơn so với tuổi. Cội nguồn của sự già dặn ấy có thể do tạng người, do sinh lý, nhưng cũng có thể do sớm va chạm với cuộc đời, do những lo toan, do nước mắt tạo nên…

Mọi thứ đều có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau, nhưng tâm hồn là thứ không thể dối trá. Thực nghẹn ngào kể về tuổi thơ khuyết thiếu tình yêu thương, lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình, Gia đình tan tác khi Thực còn rất nhỏ.

Cùng anh trai sống với bố, Thực hầu như không có ý niệm về sự chăm sóc, tình yêu thương của mẹ. Lớn lên một chút, Thực nghe được cuộc sống của mẹ qua lời kể u uẩn và chan chứa nhiều hằn học của bố, rằng mẹ đã có một cuộc đời mới, bên một người đàn ông khác, nghe đâu đầy đủ, sung túc lắm. Bố không cho phép Thực và anh trai liên lạc với mẹ. Ông bảo, hãy coi như mẹ đã chết và quên đi. Quá non nớt để hiểu sự đời, Thực chỉ biết răm rắp nghe theo mệnh lệnh của bố.

Không được học hành đến nơi đến chốn, Thực ở nhà làm lụng đồng ruộng, trở thành nhân lực lao động chính của gia đình, sống lặng lẽ như con ong, cái kiến chỉ biết cui cút làm ăn. Chị nói, có nhiều lần nhớ mẹ, muốn hỏi bố thật nhiều về mẹ, nhưng không dám mở lời.

Có lần, chỉ vì hỏi bố một câu, ông đã ném chiếc điếu cày về phía chị, rất may nó chỉ sượt qua mặt và để lại vết xây xước nhỏ. Cuộc đời của mẹ, thân phận của mẹ luôn là một ẩn số bí mật đối với đứa con khao khát tình mẹ như Thực.

Giống như đa phần những cô gái quê mùa ở cái xã nghèo Vân Trung – Việt Yên – Bắc Giang, đến tuổi lấy chồng, Thực theo chân một người trai cùng làng về làm vợ anh. Nhưng cuộc sống chưa kịp mỉm cười thì chồng Thực lao vào chơi bời, cờ bạc, thẳng tay đánh đập người vợ bụng mang dạ chửa.

Con trai chị lọt lòng được 4 tháng tuổi, cũng là lúc cháu chứng kiến cảnh bố mẹ chia lìa tan tác. Thực không muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân đó. Hơn ai hết, chị hiểu những thiệt thòi của đứa trẻ không được cha mẹ yêu thương đầy đủ.

Nhưng cực chẳng đã, chị đành phải cứu vớt cuộc đời của mình và cứu lấy tương lai của đứa con mới hơn 4 tháng tuổi. Chia tay chồng, Thực cùng đứa con trai nhỏ dắt díu nhau lên Hà Nội, làm đủ nghề, cóp nhặt từng 500 bạc lẻ lấy tiền sống qua ngày. 

Đứa trẻ bị đánh cắp và nỗi đau không bao giờ nguôi của người mẹ

Hai mẹ con Thực lên Hà Nội, sống bằng nghề rửa bát thuê cho một nhà hàng ăn ở trung tâm thành phố. Để tiết kiệm tiền, Thực thuê một ngôi nhà trọ nhỏ xíu ở Yên Viên với giá rẻ, ngày đi làm, tối về với con. Không đủ tiền trả tiền nhà, hai mẹ con Thực được chủ nhà thương tình cho ở nhờ nóc tum ngôi nhà cao tầng.

Thực kể, có chị hàng xóm mới chuyển đến, là người tốt bụng thương mẹ con chị vất vả, thường sang chơi và trông con trai giúp chị. Mỗi lần như vậy, chị lại tin số phận mình may mắn gặp được những tấm lòng thơm thảo. Buổi sáng ấy, cũng như thường lệ trước khi chị đi làm, người hàng xóm ấy lên phòng dặn chị cứ yên tâm đi làm, để thằng bé ở nhà chị ngó nghiêng, ôm ấp giúp.

Yên tâm bước chân tới cửa hàng, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy lòng dạ chị nóng ran như lửa đốt. Trở về nhà sớm hơn mọi ngày, việc đầu tiên của chị là sang phòng người hàng xóm đón con. Căn phòng lặng ngắt khóa ngoài chặt chẽ, gọi mãi không thấy tiếng người trả lời, đoán có thể chị hàng xóm cho con mình đi chơi đâu đó.

Nhưng hôm đó, chị ngồi ở ngoài bậc cửa, thấp thỏm đợi người đàn bà kia ôm con chị trở về,  nhưng chị càng chờ càng mất hút. Hỏi han mấy người khách trọ, họ đều nói người đó đã dọn đồ đi rồi, họ nói ngay sau khi chị đi làm, chị ta đã ôm đứa trẻ và đống hành lý biến mất luôn.

Chị cuống cuồng chạy ra đồn công an báo tin tìm trẻ lạc. Chị khóc vật vã như chưa bao giờ được khóc. Chị phập phồng hi vọng người đàn bà kia bế con trai trả lại cho chị. Nhưng rồi 3 tháng sau con chị vẫn không được tìm thấy.

Dương Thị Thực không thể tin cuộc đời lại ném trả lại chị cái xấu xa, bỉ ổi đến mức ấy. Đứa con là động lực sống duy nhất của chị, giúp chị gắng gượng đi qua những năm tháng tủi hờn của cuộc hôn nhân không trọn vẹn với trăm nghìn thứ điều tiếng vô hậu, vô tâm đổ lên đầu, nhưng nay, cuộc đời tàn nhẫn cũng cướp nó khỏi bàn tay yêu thương của chị.

Chị trách mình quá cả tin, trách mình mải mê kiếm dăm ba đồng bạc lẻ đến nỗi đánh mất thứ thiêng liêng nhất cuộc đời. Từ ngày con chị bị bắt cóc, dứt khỏi dòng sữa nhỏ ngọt ngào của mẹ, chưa một ngày nào chị ngừng hi vọng tìm lại được con, cho dù giấc mơ cổ tích ấy khó trở thành hiện thực.

Khi đang lang thang trên đường Hà Nội, chị tình cờ gặp lại người bạn cũ và được rủ rê làm gái kiếm dăm ba đồng thêm thắt cuộc sống hàng ngày. Chị cần phải sống để chờ đợi ngày con chị trở về, nghĩ bụng là thế, chị ngậm ngùi đi làm cái nghề bị cả xã hội quay lưng, khinh rẻ, cốt sao bám trụ tồn tại lắt lay chờ mong tin nhạn báo về.

Lần đầu tiên đi khách, cũng là lần đầu tiên chị bị Công an huyện Gia Lâm bắt trong đợt cao điểm truy quét gái mại dâm. Và như một kết quả tất yếu dành cho những cô gái làm cái nghề bán thân nuôi miệng như chị, họ được đưa vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội, để bình tâm nhìn lại quãng thời gian buông thả trước kia và định hướng cho một tương lai gần ở trước mặt.

Dương Thị Thực ngậm ngùi: “Từ ngày vào Trung tâm, không đêm nào em tròn giấc. Đặc biệt, hình ảnh con trai em xuất hiện thường trực trong những giấc mơ. Nhớ đôi mắt tròn đen lóng lánh của con, đôi môi đỏ hồng hào bụm chặt bầu sữa mẹ, bàn tay quơ quơ trong không khí.

Từng hình ảnh hiện về tha thiết, cồn cào và sống động như hiện thực làm em choàng tỉnh. Giá như, nó sẽ trở lại…”. Nói tới đây, Thực ngừng bặt, đôi mắt xa xăm nhìn về khoảng sân phơi đầy sắn thái lát bằng cả sự trống rỗng và cồn cào trong đó. Bởi hình như, chị chợt nhận ra mơ ước của mình khó có thể trở thành hiện thực.

Vào trung tâm mới được 7 tháng, nhưng dường như quãng thời gian ở Trung tâm của Dương Thị Thực còn gấp đôi con số ấy. Chị nói, ở đây ý niệm về thời gian như tan biến, một ngày dằng dặc trôi đi nặng nề, chậm chạp như con ốc sên lê lết bò trên tảng đá phủ kín rêu.

Nhưng, hi vọng ngày tìm được con trai, hy vọng ngày trở về gặp lại những người anh em ruột thịt mà không phải cúi đầu trong nhục nhã, cách tốt nhất và thiết thực nhất là cố gắng cải tạo bản thân, học cách sống chậm, cảm nhận những biến động nhẹ nhàng của cuộc sống xung quanh.

Quãng đời trong quá khứ đã đầy sương mù giá lạnh, Dương Thị Thực đang đi về phía nắng ấm, tìm kiếm bình yên và hạnh phúc, cho dù với chị, chúng thực sự mong manh.
Trang Anh/ Pháp luật & cuộc sống