Khi chuyển về Bộ GDĐT, dạy văn hóa trong trường nghề nên điều chỉnh ra sao?

16/01/2025 06:27
Tường San

GDVN -Nếu tham gia vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, trường cao đẳng sẽ thực hiện tốt được công tác tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu của nhiều người học

Tại tọa đàm “Hệ cao đẳng vươn mình trong kỷ nguyên mới” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 15/1/2025, lãnh đạo, đại diện một số trường cao đẳng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp để hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới ngày càng phát triển hơn nữa khi chuyển từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Công tác tuyển sinh dự kiến có nhiều thuận lợi

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) bày tỏ sự kỳ vọng lớn vào những thuận lợi khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi.

Đó là góp phần mở rộng được phạm vi tuyển sinh cho các trường. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, với cách tuyển sinh hiện tại, nhà trường đang tiếp cận được khoảng 18 địa phương trên cả nước. Nếu nằm trong hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, nhà trường có thể tiếp cận được với các thí sinh ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn nữa, các công đoạn, quy trình từ xử lý thông tin, hồ sơ,… đến thông báo kết quả tuyển sinh tất yếu cũng sẽ được tối giản hơn, giúp tiết kiệm các nguồn lực.

thầy Đông.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Đào Hiền).

Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung này mặc dù đã tương đối thân thuộc với các cơ sở giáo dục đại học nhưng lại khá bỡ ngỡ với hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, thầy Đông cho hay, với địa bàn của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ là đặt tại tỉnh Bắc Ninh, nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ, khoa học, công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn hiện nay. Điều này đã phần nào nói lên được lực lượng nguồn nhân lực dự báo của nhà trường là khá lớn.

Theo thông tin từ phía tỉnh Bắc Ninh dự báo cho thấy, địa phương cần khoảng 50.000 nguồn nhân lực trong 2-3 năm tới nhằm đáp ứng cho các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ.

Vậy nên, thầy Đông băn khoăn rằng việc đưa lên thông tin của các cơ sở giáo dục, liệu trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung có cách sắp xếp, dự báo, định hướng phân luồng đến đâu?

Thực tế hiện nay, nhu cầu của số đông thí sinh vẫn là muốn vào học đại học thay vì giáo dục nghề nghiệp. Do đó, để công tác tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thuận lợi hơn, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cần giúp học sinh hiểu rõ về hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như tính liên thông từ cao đẳng lên đại học, tránh xảy ra trường hợp các em hiểu nhầm hoặc hiểu không rành mạch.

0.jpg
Tọa đàm “Hệ cao đẳng vươn mình trong kỷ nguyên mới” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 15/1/2025 thu hút nhiều lãnh đạo, đại diện trường cao đẳng tham gia

Mặc dù việc được nằm trong hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp các trường cao đẳng tăng cường về khả năng truyền thông, quảng bá, thế nhưng, theo thầy Đông, chúng ta vẫn cần phải lưu tâm về việc khai thác, sử dụng dữ liệu tuyển sinh này một cách hiệu quả.

Thầy Đông cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề liệu các trường đại học có được đào tạo hệ cao đẳng hay không sau khi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý?

Ngoài ra, năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước tình hình đó, hiện nay nhiều trường đại học cũng đang loay hoay trong việc xây dựng phương thức xét tuyển.

Vậy nên, nếu chuyển cơ quan quản lý nhà nước về Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Đông cho rằng, việc khối trường cao đẳng sử dụng các phương thức xét tuyển cùng 81 tổ hợp xét tuyển như khối giáo dục đại học là gần như “mới tinh” và khá bỡ ngỡ.

Đối với Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, thầy Đông nhận thấy rằng, tổ hợp xét tuyển có môn Tin học, Công nghệ sẽ khá phù hợp với các ngành nghề về công nghiệp, kỹ thuật mà Nhà trường đang đào tạo.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào những khối ngành khoa học, kỹ thuật là khá ít mà đa số tập trung vào những khối ngành xã hội, kinh tế.

Chỉ còn mấy tháng nữa là tới mùa tuyển sinh năm 2025, thầy Đông mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương sẽ có định hướng, phân luồng, hướng nghiệp nhằm tăng cường số lượng thí sinh lựa chọn tổ hợp liên quan đến những ngành nghề mà xã hội, đất nước đang rất cần như khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Trong kỷ nguyên mới, chương trình 9+ nên thực hiện thế nào?

Cũng tại tọa đàm, Tiến sĩ Khổng Hữu Lực – Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã chia sẻ về thực trạng đối với việc đào tạo chương trình 9+ hiện nay.

Theo thầy Lực, chương trình 9+ (mô hình đào tạo song song giữa học nghề với học văn hóa trung học phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở) đã mang lại rất nhiều giá trị cho xã hội. Qua đó giúp cung cấp nguồn lao động trực tiếp cho xã hội với nguồn lao động trẻ, kịp thời. Tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, đã có nhiều em học sinh tham gia hệ đào tạo này vừa nắm vững được kiến thức văn hóa trung học phổ thông lại vừa giỏi nghề.

Thầy Lực thông tin, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện chương trình 9+ theo 2 hướng: Một là học sinh tham gia học nghề và học văn hóa tại các trường trung cấp, cao đẳng; Hai là học nghề và học văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

thầy Lực.JPG
Tiến sĩ Khổng Hữu Lực – Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ ý kiến tại tọa đàm (Ảnh: Đào Hiền).

Đáng nói, trên thực tế, nhiều trường cao đẳng, trung cấp có nguồn lực rất lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như có đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu chương trình giảng dạy văn hóa phổ thông nhưng theo quy định hiện hành, các trường vẫn buộc phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp để đào tạo văn hóa giáo dục phổ thông cho các em học chương trình 9+.

Do đó, các trường trung cấp, cao đẳng thường rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu học tập và thực tập cho các em.

Mặt khác, chương trình đào tạo văn hóa giáo dục phổ thông khai giảng vào ngày 5/9 hàng năm. Trong khi đó, trường trung cấp, cao đẳng lại tuyển sinh quanh năm, cao điểm tuyển sinh diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11.

Vậy nên, có tình trạng là khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa danh sách học sinh học chương trình 9+ sang thì đã quá thời gian khai giảng chương trình văn hóa giáo dục phổ thông, phải chờ đến sang năm. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội, thời gian học tập của các em.

Trước thực trạng trên, thầy Lực cho rằng, nên bổ sung chức năng, nhiệm vụ đào tạo văn hóa trung học phổ thông đối với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoặc sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Giải pháp này là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay vừa tinh gọn bộ máy vừa giải quyết được những bất cập trong công tác đào tạo, tổ chức giảng dạy.

Theo đó, các trường trung cấp, cao đẳng bố trí, sắp xếp thời khóa biểu, lịch học phù hợp hơn; xây dựng chương trình học tập tích hợp một cách hợp lý hơn để tránh quá tải kiến thức cho người học. Bên cạnh đó, giải pháp trên còn giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác quản lý tốt và chặt chẽ, đồng bộ khi được đồng thời quản lý cả việc đào tạo nghề và đào tạo văn hóa trung học phổ thông.

Hơn nữa, giải pháp này cũng góp phần làm giảm tải áp lực cho xã hội khi thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở; giảm bớt rào cản lo lắng khi vào học trường nghề của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay.

Đồng thời, việc sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vào các trường trung cấp, cao đẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát huy những giá trị hiệu quả.

Tường San