Thiết kế thời trang không phải ngành học chỉ dành cho "con nhà giàu"

20/01/2025 07:02
Hồng Linh

GDVN - Sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang, sinh viên có thể đảm nhận vị trí việc làm liên quan đến thời trang; kỹ thuật may; kinh doanh...

Thiết kế thời trang là ngành đã và đang hấp dẫn không ít các bạn trẻ và có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo trên khắp cả nước, từ trường công lập đến tư thục.

Nơi mọi sự sáng tạo đều được tôn trọng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Minh Nhựt, Giám đốc Chương trình Thiết kế Thời trang, Khoa Thiết kế - Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, trọng tâm đào tạo ngành Thiết kế thời trang của nhà trường là giúp sinh viên hiểu được quy trình thiết kế thời trang một cách bài bản, có phương pháp, đạt chuẩn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và đặc biệt là luôn sẵn sàng làm việc (ready to work) giữa một thị trường lao động nhiều cạnh tranh như hiện nay.

Việc đào tạo ngành này ở Trường đại học Hoa Sen có nhiều thuận lợi khi nhà trường đã ký hợp tác quốc tế với nhiều cơ sở đào tạo về thời trang uy tín ở Pháp. Ngoài ra, tháng 06/2024, ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Hoa Sen đạt chuẩn kiểm định quốc tế theo tiêu chuẩn AUN-QA (Tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN).

Cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng yêu cầu đào tạo đặc thù của ngành gồm các phòng máy tính hiện đại, phòng thực hành thiết kế thời trang với đầy đủ máy may điện tử, bàn cắt, bàn ủi, giấy rập,... chuẩn công nghiệp. Sinh viên có không gian để thực hành trong giờ học và ngoài giờ học.

Đề cập đến khó khăn trong đào tạo, thầy Nhựt nói: “Trong quá trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang, chúng tôi gặp nhiều trường hợp sinh viên bị quá tải kiến thức, không đủ thời gian để thực hiện bài tập. Các bạn trẻ hiện nay do đa số phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội, áp lực gia đình,... nên rất dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần.

Với người làm thiết kế, điều này gây cản trở trong quá trình sáng tạo. Bởi vậy, thầy cô luôn là người hướng dẫn, động viên, giúp đỡ các bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn trong suốt quá trình học đại học.

Ngoài ra, khả năng sáng tạo và tư duy thẩm mỹ của mỗi sinh viên khác nhau, nên trong quá trình hướng dẫn sinh viên thực hiện bài tập, đội ngũ giảng viên cũng gặp một số cản trở. Có bạn tiếp thu và cải thiện rất nhanh, nhưng lại có bạn cần nhiều thời gian để học hỏi và tiến bộ".

(2) Trần Minh Nhựt.JPG
Thạc sĩ Trần Minh Nhựt, Giám đốc Chương trình Thiết kế Thời trang, Khoa Thiết kế - Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về ngành học, Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trưởng bộ môn Thiết kế Thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang của nhà trường hướng đến việc phát huy khả năng sáng tạo, tính chủ động của sinh viên, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức lý thuyết với thực hành.

Đặc biệt, đội ngũ giảng viên luôn tôn trọng định hướng thẩm mỹ sinh viên và tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận với thực tiễn. Sinh viên ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động thực tế, show trình diễn không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn nhận được những lời mời các đối tác bên ngoài.

Thầy Dũng đánh giá: "Vì xuất phát từ nhu cầu của con người nên ngành Thiết kế thời trang sẽ luôn có sức hút và tiềm năng phát triển. Việt Nam có hơn 100 triệu dân, cung cấp một thị trường rộng lớn, ngoài ra Việt Nam nền sản xuất gia công hàng dệt may chất lượng. Đây là nền tảng để mà phát triển các sản phẩm dệt may mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, ngành học này cũng phải đối diện với không ít thử thách, cần sự quan tâm.

Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, trong quá trình học, sinh viên có thể được thỏa sức sáng tạo nhưng khi đi làm người trẻ buộc phải làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá cả, kiểu dáng. Trong khi đó ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn còn non trẻ.

Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành học này, hàng năm có nhiều sinh viên ở khắp 3 miền ra trường, nhưng vị trí của họa sĩ thời trang trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng. Do đó, đây sẽ là thử thách đối với các em, nếu không đủ đam mê sẽ dễ dàng bỏ cuộc".

thay-nguyen-tri-dung.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trưởng bộ môn Thiết kế Thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: art.hau.edu.vn.

Ngành Thiết kế thời trang không chỉ dành cho “con nhà giàu”

Nhiều người quan niệm rằng ngành Thiết kế thời trang chỉ dành cho “con nhà giàu”, phải có đủ điều kiện tài chính mới có thể theo học ngành này. Dưới góc nhìn của Thạc sĩ Trần Minh Nhựt, điều này có điểm đúng nhưng chưa thực sự toàn diện.

“Ngoài học phí phải đóng mỗi kỳ, sinh viên còn phải chi trả các khoản phí mua vải vóc, nguyên phụ liệu, in ấn... Tuy nhiên, nhiều hay ít tùy thuộc vào định hướng phát triển nghề nghiệp của mỗi sinh viên. Những bạn muốn hướng theo dòng thời trang cao cấp chắc chắn phải đầu tư về chất liệu, đảm bảo tính sang trọng và đắt đỏ vốn có của thời trang.

Mặt khác, có những bạn muốn theo dòng thời trang bình dân hay thời trang bền vững/tái chế sẽ tốn ít chi phí mua sắm nguyên phụ liệu hơn. Đội ngũ giảng viên ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Hoa Sen thấu hiểu nỗi băn khoăn này, do đó trong mỗi đề án/đồ án, chúng tôi khuyến khích các em mua sắm vải vóc, chất liệu phải thực sự vừa túi tiền, đúng nhu cầu” - thầy Nhựt nói.

Chia sẻ thêm về chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang, Thạc sĩ Trần Minh Nhựt thông tin, các môn học sẽ tập trung về phát triển kỹ năng ngành nghề dựa trên những kiến thức nền tảng như phát triển tư duy thẩm mỹ, kỹ năng nghiên cứu ý tưởng, phân tích và dự báo xu hướng thời trang, phương pháp chuyển tải ý tưởng lên những bản vẽ thiết kế, thực hành tạo mẫu trên rập 2D và 3D (draping), phương thức tiếp thị và quảng bá bộ sưu tập thời trang ra thị trường,... Tất cả nhằm giúp người học biết “thiết kế theo thời đại”, đúng với bối cảnh của xã hội.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được mở mang thêm kiến thức thông qua những hoạt động học thuật đa dạng. Đặc biệt, điểm nhấn trong chương trình học là show diễn tốt nghiệp “Fashion Creation” đã qua 12 năm tổ chức.

Đối với sinh viên học chuyên ngành Kinh doanh thời trang, đồ án tốt nghiệp sẽ được trình bày và triển lãm tại sự kiện “Runway to business”, nhấn mạnh sự giao thoa giữa nghệ thuật và thương mại để tạo ra các doanh nghiệp thời trang thành công và bền vững.

Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp(1).jpg
Sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Hoa Sen bảo vệ đồ án. Ảnh: NTCC.

Cùng bàn về vấn đề chi phí với sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng nêu quan điểm, với những người học thời trang ở môi trường quốc tế, thường phải điều kiện tài chính nhất định nhưng tại Việt Nam các bạn không có thế mạnh về kinh tế vẫn có thể theo đuổi ngành học vì học phí ở trường công lập tương đối thấp.

Ngoài ra, sinh viên khi theo học ngành này tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn được tạo điều kiện thuận lợi với những sự hỗ trợ từ nhà trường và khoa.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng là một trong số những đơn vị đào tạo ngành Thiết kế thời trang, Thạc sĩ Hoàng Thị Oanh - Phó Trưởng khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may cho biết: “Nhà trường có bề dày hơn 50 năm đào tạo nghệ thuật, do vậy ngành Thiết kế thời trang cũng thừa hưởng nền tảng của mỹ thuật ứng dụng vững chắc. Ngoài ra, học phí của trường thấp nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo học.

Chương trình đào tạo của ngành được xây dựng logic, khoa học, phù hợp với thực tế của nhu cầu xã hội, bên cạnh những kiến thức cơ bản, hàn lâm, sinh viên còn được đào tạo về thực hành nghề nghiệp".

Thạc sĩ Hoàng Thị Oanh khẳng định, trải nghiệm thực tế đặc biệt quan trọng trong đào tạo mỹ thuật ứng dụng. Do đó, khoa và nhà trường đặc biệt chú ý đến vấn đề này.

Cụ thể, sinh viên sẽ được đi thực tế chuyên môn Huế, Đà Nẵng, đến địa điểm tâm linh, thăm bảo tàng, làng nghề, đặc biệt khi đến với cố đô Huế các em sẽ được chép hoa văn và xem toàn bộ thiết kế trang phục triều Nguyễn... Đây là những di sản văn hóa, tạo cảm hứng cho các bạn sinh viên đưa vào trong thiết kế.

Ngoài ra, sinh viên còn được đến làm việc trực tiếp tại các nhà máy chuyên về may mặc. Thực tế, công việc một nhà thiết kế thời trang không chỉ là thực hiện trên các bản vẽ, sinh viên cần nắm được quy trình tạo ra sản phẩm, dây chuyền sản xuất, giúp sản phẩm đảm bảo tính thực tế.

Cô Oanh thông tin, các chương trình thực tập này đã được thực hiện trong vòng 17 năm và hoàn toàn mang lại những kết quả tích cực.

Chỉ có tài năng là chưa đủ để thành công

Nói về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Thạc sĩ Trần Minh Nhựt bày tỏ, thiết kế thời trang không phải là một ngành học nhiều “mộng mơ”, mà phải được ứng dụng trong thực tiễn lại có tính cạnh tranh cao, nhưng không vì thế mà sinh viên đánh mất cơ hội có được vị trí làm việc như mong đợi.

Sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang, sinh viên có cơ hội đảm nhận nhiều vai trò, vị trí khác nhau theo 3 nhóm:

Nhóm công việc về Thời trang (nhà thiết kế thời trang; nhà thiết kế vật liệu dệt may; chuyên viên phát triển mẫu thời trang bằng phần mềm, chuyên viên định hướng phong cách thời trang; biên tập viên thời trang, chuyên viên phân tích xu hướng thời trang)

Nhóm công việc về Kỹ thuật may (chuyên viên kỹ thuật rập phẳng 2D - pattern maker; chuyên viên kỹ thuật rập 3D - 3D draper; chuyên viên kỹ thuật sản phẩm - phát triển bảng mẫu và bảng thông số kỹ thuật sản phẩm; nhân viên quản lý sản xuất hàng thời trang).

Nhóm công việc về Kinh doanh Thời trang (nhà sáng lập/quản lý thương hiệu thời trang; chuyên viên/quản lý tiếp thị thời trang, chuyên viên truyền thông cho lĩnh vực thời trang, quản lý chuỗi cung ứng thời trang, quản lý shop/doanh nghiệp thời trang, quản lý chiến lược sản phẩm thời trang).

Để trở thành một nhà thiết kế thành công, theo thầy Nhựt, người học luôn phải trau dồi kiến thức và kỹ năng, bởi thời trang thay đổi liên tục theo từng ngày. Để phát triển lâu dài và bền vững, nhà thiết kế thời trang cần phải có những tố chất như:

Có khiếu thẩm mỹ: Thời trang là ngành nghề thiên về nghệ thuật thị giác. Vì vậy, một nhà thiết kế phải có năng khiếu thẩm mỹ, hiểu cách cân bằng màu sắc, phối hợp hoa văn và chất liệu vải để tạo ra một mẫu thiết kế đẹp.

Có khả năng sáng tạo: Một nhà thiết kế cần có kỹ năng tư duy sáng tạo để phân tích các xu hướng thời trang hiện có, từ đó tạo ra những phong cách thời trang mới mẻ, thay đổi liên tục để phù hợp với thị trường.

Có tính kiên nhẫn: Nhà thiết kế phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ quy trình sáng tạo thời trang, từ khâu lên ý tưởng, phác thảo mẫu, làm rập và ra sản phẩm. Quy trình đòi hỏi ở họ tính kiên nhẫn, chịu khó, luôn suy tư để luôn cải tiến các thiết kế trang phục.

Nhanh nhạy với phần mềm công nghệ: Biết cách sử dụng các phần mềm thiết kế giúp nhà thiết kế có thể truyền đạt ý tưởng của mình cho người khác một cách dễ dàng. Thị trường thời trang Việt Nam hiện nay ngày một năng động, sản xuất nhanh chóng, nhu cầu mua sắm tăng cao, do đó nhà thiết kế biết ứng dụng công nghệ sẽ luôn là lợi thế để cạnh tranh với các đối thủ.

Thích ứng với xu hướng: Xu hướng thời trang luôn thay đổi theo thời gian. Vì vậy, nhà thiết kế phải chủ động cập nhật xu hướng và điều chỉnh theo nhu cầu thay đổi ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Nhạy bén trong kinh doanh: Nhà thiết kế cần phải hiểu về cách tiếp thị, quảng cáo, bán hàng và quản lý các mặt hàng thời trang. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn tiếp cận với khách hàng mới, tăng doanh thu và phát triển hơn.

Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình: Trong thời trang, nhà thiết kế cần phải làm việc với nhiều người như người mẫu, nhiếp ảnh gia, đối tác, khách hàng… do vậy phải có khả năng truyền đạt ý tưởng và kế hoạch của mình cho người khác.

Dưới góc nhìn của Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng: "Sự hào nhoáng của thời trang vừa là điểm hấp dẫn vừa là thách thức đối với những người theo học. Thời trang là luôn luôn thay đổi, nếu nhà thiết kế thiếu sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng, không nỗ lực bổ sung kiến thức và kiên trì theo đuổi nghề sẽ rất dễ bị đào thải.

Đặc biệt, nhà thiết kế thời trang không thể chỉ xem mà phải đẩy mình vào thực tế, dù có thể phải trả giá bằng tiền bạc hoặc thời gian để có thể nhận ra bài học và hướng đi đúng. Những kinh nghiệm tích lũy được sẽ giúp các em trưởng thành.

Ngoài ra, trong thời trang hay bất cứ lĩnh vực liên quan đến “cái đẹp” khác, có tài năng thôi là chưa đủ, mỗi người làm nghề cần tìm cho mình những điểm khác biệt, dấu ấn riêng mới có thể được nhớ tới".

1-22.jpeg
Sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: art.hau.edu.vn.

Theo thông tin của Thạc sĩ Hoàng Thị Oanh, sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương sinh viên có thể trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc tự xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các em có thể đảm nhận vị trí nhân viên trong các phòng thiết kế của các thương hiệu tư nhân hoặc thiết kế mẫu mã cho các dây chuyền sản xuất công nghiệp, tổ chức sự kiện thời trang hay kinh doanh trong lĩnh vực thời trang.

Đưa ra lời khuyên cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, cô Oanh nói: "Nếu không nỗ lực sinh viên sẽ rất dễ bị tụt hậu trong ngành thiết kế thời vốn có nhiều sự cạnh tranh. Ngoài kiến thức đã được học tập trong nhà trường, các em có thể tham khảo, tìm kiếm thêm những kiến thức mới trong lĩnh vực thời trang; tiếp tục rèn rũa về tay nghề.

Đặc biệt, sinh viên cần hiểu được về thị trường, xu hướng, biết đặt mình vào đúng phân khúc để tìm được hướng đi cho tương lai. Đồng thời phải luôn nuôi dưỡng đam mê với nghề mới có thể đi xa và biến ước mơ thành sự thật".

Hồng Linh