Kinh tế số phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo trường ĐH đào tạo ngành này kỳ vọng gì?

06/02/2025 06:38
Vân Anh

GDVN - Năm 2025, lãnh đạo các trường ĐH đào tạo ngành Kinh tế số có nhiều kỳ vọng về tuyển sinh, hợp tác doanh nghiệp và quốc tế, NCKH... để hướng tới kỷ nguyên số.

Theo Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới. [1]

Nhân dịp năm mới Ất Tỵ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo một số trường đại học có đào tạo ngành Kinh tế số, để tìm hiểu rõ hơn về những thời cơ, thách thức và kỳ vọng của các cơ sở giáo dục đại học này trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.

Những dấu ấn đào tạo trong kỷ nguyên số

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Năm 2024 đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Nhà trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác đào tạo.

Về công tác tuyển sinh năm 2024, nhà trường đạt kết quả ấn tượng với 196,5% chỉ tiêu đại học chính quy. Nhờ đó, nâng tổng số sinh viên đại học chính quy lên tới gần 10.000 sinh viên, trong đó có khoảng 100 sinh viên quốc tế. Điều này, thể hiện sự tin tưởng của xã hội đối với chất lượng đào tạo của nhà trường.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã tập trung đầu tư mạnh mẽ, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, kinh tế và kinh doanh số, blockchain,... Song song với đó, hệ thống học liệu số được triển khai toàn diện trên nền tảng LMS/LCMS mang đến sự thuận tiện, hiệu quả nhằm tạo điều kiện học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều doanh nghiệp hàng đầu. Các đối tác tiêu biểu là những doanh nghiệp công nghệ, các sàn thương mại điện tử nổi tiếng toàn cầu. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội thực tập mà còn tạo điều kiện việc làm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này, góp phần đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, ở lĩnh vực kinh tế và kinh doanh số - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của nhà trường. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình bao gồm các học phần tiên tiến như phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)”.

VUV_9368-Custom-scaled.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về những dấu ấn nổi bật của nhà trường trong năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (sau khi sáp nhập theo Quyết định số 1653/QĐ-TTg ngày 26/12/2024, gọi là Trường Đại học Nghệ An) bày tỏ: “Năm vừa qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Về chất lượng đào tạo, nhà trường đã tham gia vào các tổ chức kiểm định quốc tế quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Những nỗ lực đó không chỉ giúp nâng cao vị thế của nhà trường, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác và trao đổi với các cơ sở giáo dục trên toàn cầu.

Về công tác tuyển sinh, nhà trường đạt được những kết quả tích cực và có những bước tiến rõ rệt. Trước đó, năm 2023, nhà trường tuyển sinh trung bình khoảng 500 sinh viên, nhưng đến năm 2024, con số này đã tăng lên gấp đôi, khoảng 1.000 sinh viên. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường.

Ngoài ra, về nguồn nhân lực, nhà trường đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, không chỉ là đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn trong nước mà còn mời các chuyên gia từ nước ngoài về giảng dạy và thỉnh giảng.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và kết nối doanh nghiệp, nhà trường đã xây dựng và mở rộng mạng lưới liên kết với nhiều đối tác quan trọng bao gồm các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Những mối quan hệ này không chỉ tăng cường tính thực tiễn trong các chương trình đào tạo mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường tập trung phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đặc biệt, các ngành Kinh tế số, Logistics được chú trọng đầu tư, nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để sẵn sàng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”.

9b3ebd95d30d6f53361c.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (sau khi sáp nhập, gọi là Trường Đại học Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Là một trong những trường đại học đào tạo ngành Kinh tế số, trong năm qua, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) cũng đã thực hiện rất nhiều hoạt động nổi bật trong cải tiến chương trình đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) chia sẻ: “Nhà trường xác định chất lượng đào tạo là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao uy tín và hình ảnh, nên trong năm 2024, nhà trường đã thực hiện rất nhiều hoạt động nổi bật, trong đó, hoạt động quan trọng nhất là cải tiến toàn bộ 25 chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, ứng dụng công nghệ thông tin và liên thông với các trường đại học quốc tế. Việc này giúp sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm không chỉ trong nước, mà còn ở khu vực và trên toàn thế giới.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) chú trọng đào tạo trong tất cả các ngành học, lĩnh vực như Kinh tế số, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng…, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động tìm kiếm, triển khai các phương pháp giảng dạy và giải pháp phù hợp nhằm tăng cường vai trò của khoa học công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số”.

466880716_1006875744812558_4959136090268777825_n.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân chia sẻ thêm: “Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) đã sớm nắm bắt xu hướng phát triển các ngành kinh tế mới. Từ năm học 2023-2024, nhà trường đã đi đầu tại khu vực về đầu tư và mở các ngành Kinh tế số, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ tài chính và Marketing, đây là những lĩnh vực mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.

Năm 2024, nhà trường tiếp tục tập trung nguồn lực để đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, các chương trình đào tạo không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Chẳng hạn, đối với ngành Kinh tế số, kế toán tài chính, việc lượng hóa và mô hình hóa là rất quan trọng. Điều này, đòi hỏi phải sử dụng các công cụ, phương pháp đo lường và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng cao”.

Xu hướng phát triển trong kỷ nguyên số

Bàn về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa bày tỏ: “Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhà trường xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh quan trọng.

Với tầm nhìn dài hạn, nhà trường đặt mục tiêu xây dựng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) trở thành một cơ sở giáo dục đại học đào tạo định hướng ứng dụng hiện đại. Nhà trường kỳ vọng, mọi sinh viên tốt nghiệp đều tự tin gia nhập các tập đoàn lớn, tham gia các dự án công nghệ quốc tế hoặc tự mình khởi nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, chương trình đào tạo của nhà trường không ngừng được đổi mới, tích hợp các nội dung thực tiễn như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và kinh tế nền tảng.

Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đầu tư vào các phòng thí nghiệm hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế và doanh nghiệp, đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên để mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất cho sinh viên. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tin rằng mỗi sinh viên ra trường sẽ không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng thị trường lao động mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển trong kỷ nguyên số của đất nước”.

471843045_993940402775450_2218863628175142926_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tranh tài với những ý tưởng kinh doanh số độc đáo trong sự phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trong hành trình đào tạo và phát triển ngành Kinh tế số của nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa nhận thấy những cơ hội và thách thức lớn.

“Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng đòi hỏi nguồn lực lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bên liên quan. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần được cải thiện, để tạo nên một hệ sinh thái giáo dục, đào tạo một cách toàn diện và hiệu quả.

Do đó, nhà trường mong muốn Nhà nước có thể hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và hạ tầng công nghệ, để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho các trường đại học đào tạo lĩnh vực kinh tế số, bao gồm tài trợ các dự án nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế và cấp học bổng cho sinh viên tài năng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là nơi cung cấp việc làm, mà còn tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ sinh viên thông qua các học bổng” - thầy Nghĩa phân tích.

Với niềm tin vào sự phát triển trong năm 2025, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cho biết thêm: “Nhà trường đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc trong công tác đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số - một lĩnh vực được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong thời đại mới. Với mục tiêu xây dựng trường đại học số, đa ngành, đa lĩnh vực, nhà trường cam kết sẽ đưa mọi hoạt động của trường lên nền tảng số hóa toàn diện, từ quản lý đào tạo, học liệu số đến dịch vụ hỗ trợ sinh viên.

Nhà trường hướng tới sự đột phá trong chất lượng đào tạo thông qua việc ứng dụng “giảng viên AI”, sẵn sàng đối diện và làm chủ công nghệ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số. Đồng thời, chương trình đào tạo sẽ được nâng cao và mở rộng theo hướng liên ngành giữa công nghệ số và kinh tế số, nhằm đào tạo những thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo và có tư duy đổi mới.

Ngoài việc cung cấp kiến thức, nhà trường mong muốn xây dựng môi trường học tập gắn kết, nơi sinh viên và cựu sinh viên luôn có thể tự hào. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên vững bước trên con đường sự nghiệp. Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng, khẳng định vị thế hàng đầu của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực kinh tế số, vượt qua thách thức và tiếp tục chinh phục những mục tiêu lớn”.

Hướng tới những mục tiêu trong năm 2025, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường cũng đặt ra nhiều kỳ vọng và mục tiêu quan trọng: “Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đổi mới chương trình học, phương pháp giảng dạy, đặc biệt ứng dụng công nghệ số.

Ngoài ra, nhà trường sẽ mở rộng ngành học, phát triển đào tạo đa ngành, đẩy mạnh liên kết quốc tế và hợp tác với các tổ chức giáo dục toàn cầu.

Tiếp đó, nhà trường tập trung tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng cải thiện cơ sở vật chất với thư viện số, phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành hiện đại và triển khai hệ thống quản lý đào tạo thông minh.

Cuối cùng, khẳng định thương hiệu và uy tín của nhà trường; xây dựng hình ảnh nhà trường là một cơ sở giáo dục uy tín, hàng đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng thời, thu hút sinh viên từ khắp cả nước và góp phần nâng cao vị thế giáo dục của tỉnh Nghệ An”.

Về phía Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân cũng chia sẻ về xu hướng phát triển ngành học trong kỷ nguyên số và cơ hội việc làm cho sinh viên: “Hiện nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại trường đạt trên 85% (sau 6 tháng) và gần 95% (sau 1 năm). Đây là con số rất tích cực, chứng tỏ, hầu hết các sinh viên sau khi ra trường đều đã có việc làm ổn định. Còn đối với ngành Kinh tế số, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%.

Đối với công tác tuyển sinh trong năm 2025, nhà trường chú trọng đến việc thu hút sinh viên thông qua việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đối với những ngành phát triển trong nền kinh tế số như ngành Kinh tế số, Logistics..., nhà trường tập trung vào các yếu tố quan trọng: Sinh viên phải đam mê ngành nghề mà mình lựa chọn; ngành nghề phải phù hợp với năng lực cũng như sở trường của sinh viên bao gồm cả kiến thức và khả năng tài chính. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp sinh viên có thể phát triển bền vững và thành công trong nghề nghiệp”.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) tổ chức chương trình “Tết đoàn viên - Xuân sum vầy 2025". Ảnh: NVCC.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) tổ chức chương trình “Tết đoàn viên - Xuân sum vầy 2025". Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về những kỳ vọng trong năm Ất Tỵ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân nhấn mạnh, trong năm 2025, nhà trường đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên, giúp sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu thị trường lao động.

Đồng thời, nhà trường sẽ tham vấn chính quyền địa phương trong việc xây dựng các chính sách phát triển. Với những định hướng trên, nhà trường kỳ vọng sẽ khẳng định vai trò gắn kết cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/thu-tuong-phe-duyet-chien-luoc-phat-trien-giao-duc-den-2030-tam-nhin-den-2045-post248254.gd

Vân Anh