Để giáo dục "vươn mình" trong năm 2025, hiệu trưởng trường phổ thông kỳ vọng gì?

26/01/2025 06:26
ĐÀO HIỀN

GDVN - Muốn ngành giáo dục tiếp tục đột phá trong năm 2025 thì đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục phải sẵn sàng đón nhận, tiếp nhận tri thức mới.

Năm 2024, nhờ sự quan tâm, đồng hành của Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục đã có những bước chuyển mình tích cực.

Một năm trôi qua với nhiều tin vui khởi sắc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Năm 2024, cán bộ viên chức công tác trong lĩnh vực giáo dục đã nhận được rất nhiều tin vui, sự khích lệ thông qua những chính sách mới, cũng như phải thay đổi để thích nghi với những yêu cầu của thời cuộc.

Đầu tiên là việc điều chỉnh, sắp xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng, để giáo viên có thể an tâm công tác, sống “dựa” vào lương.

Theo chia sẻ của cô Hồng, việc Nhà nước quan tâm, cải thiện thu nhập nhà giáo chính sự là sự khích lệ, cổ vũ to lớn đối với các thầy cô đang công tác, cống hiến cho ngành giáo dục. Đây cũng là sự điều chỉnh góp phần nâng cao vai trò vị thế nhà giáo trong giai đoạn hội nhập và phát triển, phù hợp với xu thế của thế giới.

Tiếp đó là Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cô Hồng cho hay: “Xưa nay, các cụ vẫn có câu “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP được triển khai trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm có giá trị động viên tinh thần rất lớn, khiến nhà giáo thêm phấn khởi vì được quan tâm và ghi nhận. Qua đó cũng khích lệ thầy cô quyết tâm hơn cho sự nghiệp trồng người”.

Đối với học sinh, năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cũng đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt, các cấp thực hiện tốt theo đúng chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học.

Ghi nhận từ thực tế, cô Hồng đánh giá chất lượng dạy và học đang ngày càng được cải thiện và đảm bảo tính thực chất. Thay vì coi sách giáo khoa là pháp lệnh như trước, giờ đây giáo viên được chủ động sáng tạo trong các giờ học, tiết dạy của mình. Từ việc giảng dạy nội dung trong sách giáo khoa, giáo viên có thể đa dạng phương thức dạy học thông qua những dự án, hoạt động trải nghiệm để khơi gợi hứng thú, sự chủ động nắm bắt kiến thức của học sinh.

Mặt khác, yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo để làm nội dung trong đề kiểm tra môn Ngữ văn cũng buộc giáo viên và học sinh phải chủ động tiếp cận các nguồn học liệu khác. Đối với người học cũng đã dần thích nghi thay đổi phương pháp học tập, linh hoạt hơn trong việc vận dụng kiến thức được truyền đạt trên lớp với các dạng bài, dạng đề khác nhau.

“Có thể nói rằng, năm 2024 là một năm khởi sắc đối với ngành giáo dục khi những chính sách được ban hành, thực thi và tạo ra những thay đổi tích cực. Sự quan tâm, đồng hành và phối hợp của các cấp chính quyền địa phương đã thể hiện rõ quyết tâm của cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục quốc dân vững mạnh. Đây chính là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững, của nền giáo dục hiện đại”, cô Hồng chia sẻ.

IMG_8217.jpg
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Hà Nội) cũng cho rằng, năm 2024 là một năm có nhiều thay đổi đối với ngành giáo dục khi nhiều chính sách mới ra đời, từng bước đảm bảo quyền lợi, chế độ làm việc cho đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó là sự khởi sắc từ các cuộc thi quốc tế và khu vực. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Gồm 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, năm 2024 tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc.

Thầy Cường nhận xét, những thành tích xuất sắc này đã góp phần xây dựng hình ảnh cho quốc gia cũng như khẳng định trí tuệ của người Việt trên đấu trường quốc tế. Điều này cũng cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng của nước ta ngày càng đảm bảo, ổn định, phát triển công tác giáo dục mũi nhọn.

Đối với học sinh cũng có sự thay đổi rõ nét khi người học được thay đổi phương pháp dạy học và học tập, cũng như định hướng phát triển năng lực, phẩm chất đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, khả quan. Hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các thế hệ trẻ đáp ứng những chuẩn mực, yêu cầu của xã hội, đồng thời tự tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Trong năm 2024, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã đạt 1 giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; 2 giải nhất và 1 giải nhì cấp quận và nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế của học sinh.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trình độ của đội ngũ giáo viên Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã được khẳng định là một trong những đơn vị dẫn đầu về chất lượng trên địa bàn quận Đống Đa về phong trào giáo viên dạy giỏi. Chất lượng đào tạo cũng ngày một tiến bộ hơn qua sự chuyển mình rõ nét từ phương thức dạy học của giáo viên và nhận thức, thái độ của học sinh.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, trong tương lai gần, học sinh của trường sẽ có đủ khả năng và sự tự tin để đáp ứng, hội nhập trên đấu trường quốc tế”, thầy Cường thông tin.

Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), năm 2024 cũng được ghi nhận và đánh giá là một năm thuận lợi và thành công với nhiều kết quả đáng tự hào.

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng nhà trường là cô Tô Thị Hải Yến, năm học 2024, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận và những phản hồi tích cực từ cha mẹ học sinh. Không chỉ vậy, những chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho giáo dục đã tạo thêm động lực cho đội ngũ giáo viên hết mình cống hiến cho công tác giáo dục và đào tạo.

21112022091456_2.png
Cô Tô Thị Hải Yến đánh giá năm 2024 là một năm thành công với Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: website nhà trường

Cô Yến đánh giá, trên thực tế, giáo viên là lực lượng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc “chèo lái” con đò tri thức. Không thể phủ nhận rằng trong năm qua, khi chính sách về tiền lương, chế độ làm việc của nhà giáo được làm việc đã tiếp thêm năng lượng cho nhà giáo, khiến các thầy cô phấn khởi, yên tâm hơn. Qua đó có sự đầu tư và nhiệt huyết hơn trong từng tiết dạy, mang đến những tiết học chất lượng, hiệu quả hơn.

Ghi nhận từ kết quả dạy - học của Trường Trung học cơ sở Giảng Võ trong học kỳ I vừa qua, cô Yến cho biết kết quả giáo dục đại trà và kết quả giáo dục mũi nhọn đều đạt được những thành tựu đáng kể.

Cụ thể, tỷ lệ xếp loại học tập loại tốt của trường đạt được khoảng 76%. Trong năm 2024, học sinh của trường rất tích cực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế và đều gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào.

“Năm 2024, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ tự hào là ngôi trường có nhiều thành tích dẫn đầu trên địa bàn quận Ba Đình. Các kết quả, thành tích của học sinh đã minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực thay đổi và thích nghi của tập thể nhà trường trong một năm có nhiều biến động”, cô Yến bày tỏ.

Kỳ vọng giáo dục sẽ có nhiều đột phá trong năm 2025

Theo đánh giá của thầy Nguyễn Cao Cường, giáo dục là một trong những ngành, lĩnh vực cần được thực hiện đồng bộ và có chiều sâu. Trong yêu cầu về đổi mới giáo dục và đào tạo thì phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Bên cạnh đó, phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ để phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.

Với những tiêu chí đó, việc nâng cao dân trí hay phát triển giáo dục trong thời đại mới chính là một áp lực, thách thức rất lớn. Song, không thể phủ nhận rằng thời gian vừa qua đội ngũ giáo viên đã rất nỗ lực tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Khi đó, chúng ta nhận thấy rằng giáo viên đã có sự chuyển mình rất rõ nét, đặc biệt là sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Người học cũng được tiếp cận với những phương pháp học tập mới, được thay đổi tư duy và phát triển toàn diện hơn.

Do đó, trong năm 2025, để giáo dục tiếp tục phát triển và vươn mình trong kỷ nguyên mới thì trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo cần phải tiếp tục nâng cao, tiếp tục phát huy từ những thành tựu vốn có để tạo ra những thành tích, sự chuyển mình đột phá hơn trong năm mới.

“Rất hy vọng rằng dù trong thời điểm nào, hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo luôn giữ được sự bình tâm, nhiệt huyết và “lửa nghề”, không ngừng rèn luyện, phát triển chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt chức trách của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam”, thầy Cường chia sẻ.

ong-nguyen-cao-cuong-thcs-thai-thinh-1248.jpeg
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Hà Nội) cùng học trò. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, theo quan điểm của cô Tô Thị Hải Yến, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình thì giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi, mọi sự phát triển đều phải trải qua một quá trình, sự phát triển của giáo dục có thể không đột biến nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

“Do vậy, để đất nước có thể vươn mình trong kỷ nguyên mới thì cần ưu tiên việc phát triển giáo dục là nhiệm vụ then chốt. Đúng như quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”, cô Yến nhấn mạnh.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) kỳ vọng toàn xã hội sẽ tiếp tục quan tâm, đồng cảm, đồng hành và có cả sự tháo gỡ kịp thời những bất cập trong thực tiễn, để giáo dục có thể phát triển toàn diện.

“Phát triển một quốc gia không phải là sứ mệnh, nhiệm vụ của một cơ quan, tổ chức hay lĩnh vực, ngành nghề nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn dân tộc. Như vậy, muốn giáo dục tiếp tục có sự đột phá trong tương lai thì chính đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục phải làm việc trên tâm thế hết sức cởi mở, sẵn sàng đón nhận, tiếp nhận tri thức mới.

Khi tất cả mọi hoạt động trong đời sống đều đang ngày càng hiện đại hoá thì con người cũng cần phải tăng cường năng lực liên quan để thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới của thời cuộc. Đối với giáo dục cũng không ngoại lệ khi đã tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ và biến chúng trở thành công cụ trợ giúp hữu hiệu, đắc lực cho quá trình giảng dạy.

Trong tương lai gần, những nhà quản lý giáo dục cần có trách nhiệm định hướng học sinh có phương pháp khai thác, tiếp cận sử dụng nguồn học liệu phong phú, cũng như tận dụng công nghệ của trí tuệ nhân tạo trong quá trình tiếp thu kiến thức”, cô Yến nêu quan điểm.

ĐÀO HIỀN