Tuy nhiên, khác với chương trình cử nhân tài năng hay chương trình tiên tiến, do tuyển đầu vào rất gắt nên toàn sinh viên giỏi, chương trình chất lượng cao phân ba tầng sinh viên rõ rệt giỏi, khá và trung bình. Vì vậy mà mỗi năm vẫn có trường hợp sinh viên bị cấm thi do vắng nhiều buổi học, bị buộc thôi học vì không đạt tín chỉ”.
Phân biệt giàu - nghèo!
NMH, sinh viên khóa đầu của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Tôi so chương trình đào tạo với lớp đại trà gần như giống nhau, còn giảng viên do được tuyển nên giáo trình khác với đại trà nhưng tốt hơn thế nào thì tôi không biết. Được nhất là học tại cơ sở chính, không phải đi nhiều cơ sở khác, được học phòng máy lạnh, lớp ít nên chúng tôi được đầu tư kỹ, nghe nói một số học phần được chuyên gia nước ngoài giảng dạy”.
Tuy nhiên, điều bất hợp lý của các chương trình chất lượng cao là nhà trường dành hết những điều kiện vật chất, tri thức vốn có của một trường ĐH công cho các sinh viên có tiền. Phó hiệu trưởng một trường ĐH nói: “Không lẽ sinh viên các lớp đại trà chỉ được học với giảng viên kém hơn, dạy dở hơn? Trong cùng một môi trường giáo dục, cùng ngành học mà phân biệt giàu - nghèo với kiểu đóng tiền cao - thấp như vậy là không nên”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Chất lượng cao thì phải có tiêu chí, sinh viên đóng học phí cao thì giáo trình học có khác với sinh viên đại trà, cũng như kết quả học có hơn sinh viên đại trà không. Điều kiện tốt đã tác động đến kết quả học tập của sinh viên như thế nào thì mới đánh giá được chương trình cao hay không. Tuy nhiên, đừng để tạo ra bất công quá lớn giữa sinh viên đại trà với sinh viên đóng tiền nhiều hơn”.
Chất lượng cao nhưng vẫn chưa làm đúng ngành
Giáo sư Phạm Phụ cho rằng lâu nay các trường thấy học phí thấp quá, không hợp lý nên họ tìm một con đường để vùng ra, để tăng học phí thôi. Tất nhiên chương trình này sẽ chọn thầy giỏi hơn, tổ chức lớp đàng hoàng hơn… mỗi thứ thêm một chút nên gọi là chất lượng cao. Điều kiện như vậy thì cũng gọi là cao hơn, ít nhiều thì sinh viên cũng được nâng lên một nấc trình độ. Tuy nhiên, đáng lý chương trình này phải có chính sách tuyển riêng, chứ không chỉ học phí cao, cơ sở vật chất tốt là được.
“Lẽ ra Nhà nước phải có một chiến lược tổng thể. Nhưng trong lúc Nhà nước chưa giải quyết cơ bản thấu đáo thì các trường phải tìm cách làm, phải chấp nhận mâu thuẫn này. Còn nếu đứng trên quan điểm quốc gia thì mâu thuẫn, mất cân bằng xã hội, mất công bằng đối với sinh viên thật sự giỏi. Nói như vậy để thấy rằng công bằng xã hội trong giáo dục ĐH thì nhiều lúc các trường ĐH không quan tâm đến, bởi chuyện này phải là của Nhà nước giải quyết” - Giáo sư Phạm Phụ nói.
Mặc dù sinh viên được đào tạo chương trình chất lượng cao với mọi điều kiện tốt nhất nhưng ThS Lê Việt Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Theo số liệu thống kê của trường tôi, chỉ khoảng 90% sinh viên chất lượng cao làm đúng ngành nghề”. Còn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng thông tin gần như 100% sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao ra trường có việc làm nhưng đúng ngành thì không chắc!
Một chuyên gia giáo dục nói: “Những sản phẩm đầu ra của chương trình chất lượng cao cần được kiểm định. Không thể để các trường “tự phong” chương trình “cao” rồi thu học phí “trên trời” trong khi sinh viên tốt nghiệp trình độ và cơ hội việc làm chưa biết như thế nào.
Các chương trình chất lượng cao “xịn” giá rẻ
- Chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng: Tuyển SV diện tuyển thẳng, học sinh giỏi quốc gia hoặc có điểm thi tuyển sinh cao. Khi học chương trình này tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM là ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế-Luật, sinh viên được ưu tiên học bổng đủ để trang trải học phí và sinh hoạt; được tạo điều kiện sử dụng các phương tiện trang thiết bị hỗ trợ học tập, nghiên cứu hiện đại của trường; được cung cấp đầy đủ tài liệu; ưu tiên cử đi học nước ngoài... Đối với sinh viên học chương trình đào tạo tài năng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong ký túc xá…
- Chương trình tiên tiến: Sau khi trúng tuyển ĐH, sinh viên có nguyện vọng học chương trình này phải đăng ký và tham dự kỳ thi tiếng Anh hoặc miễn thi nếu có điểm TOEFL, IELTS tương ứng. Các chương trình đào tạo tiên tiến được nhập khẩu từ các ĐH đối tác, giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh. Chỉ thay đổi một số môn xã hội học trong chương trình của Mỹ bằng các môn Mác-Lênin.
Cán bộ giảng dạy cho chương trình tiên tiến là các giáo sư thỉnh giảng có uy tín từ các trường đối tác của Mỹ, châu Âu và các giảng viên Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, được gửi sang trường đối tác ở Mỹ để nghe giảng, tham vấn với giáo sư Mỹ về môn học mà họ sẽ phụ trách (cả lý thuyết và thực hành). Chi phí triển khai một khóa đào tạo cho chương trình tiên tiến cao gấp 10 lần so với các chương trình đại trà. Tuy nhiên, sinh viên thuộc chương trình này chỉ đóng học phí bình quân 10 triệu đồng/năm so với từ hơn 3 triệu đồng/năm như sinh viên đại trà.