Sản phẩm nghiên cứu khoa học nói chung rất đa dạng. Tuy nhiên, bài báo nghiên cứu có thể được xem là phổ biến và thường xuyên nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Bài báo này trình bày xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu trên các tạp chí khoa học được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu Web of Science (Mỹ) của các nước trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2024.
Xếp hạng thành tựu bài báo khoa học của các nước ASEAN là rất cần thiết?
Nghiên cứu khoa học giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia. Thành tựu nghiên cứu khoa học chẳng những phản ánh sức mạnh nói chung mà còn cho thấy tiềm lực kinh tế tri thức của một nước. Tuy nhiên, chỉ khi các kết quả nghiên cứu được chuyển giao mang lại giá trị cụ thể thì vai trò của nghiên cứu khoa học mới được phát huy một cách rõ ràng [1].
Ngày 13/12/2024, bảng xếp hạng hiệu suất thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 (ký hiệu: SARAP Ranking-2024-0.5E) đã được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ [2]. Trong đó, có đề xuất mở rộng bảng xếp hạng này cho các cơ sở giáo dục đại học trong Khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Trước đó, ngày 18/11/2024 tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nghiên cứu khoa học và đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 Việt Nam trong 03 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học [3].
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia [4]. Nghị quyết này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
Như vậy, mục tiêu của Việt Nam là sớm trở thành một trong 3 nước hàng đầu khu vực ASEAN về khoa học và công nghệ, ít nhất là đến năm 2030. Đây là một mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đưa nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập sâu rộng từ khu vực đến toàn cầu. Do đó, việc nghiên cứu về đo lường khoa học đối với thành tựu khoa học của các nước ASEAN là rất cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả xếp hạng về thành tựu bài báo nghiên cứu của các nước ASEAN trong năm vừa qua, 2024. Kết quả xếp hạng giúp Việt Nam có thể xác định được vị trí hiện tại về thành tựu nghiên cứu thông qua bài báo nghiên cứu trong khu vực ASEAN. Từ đó, có thể kịp thời xem xét và hoạch định những chính sách phát triển nghiên cứu khoa học để có thể sớm đạt được mục tiêu như đã nêu.
Phương pháp và dữ liệu xếp hạng
Hiện nay, có thể nói hai cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới là Cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan và Web of Science của Mỹ. Scopus thống kê 42.703 tạp chí khoa học uy tín trên toàn thế giới và tương ứng Web of Science (WoS) thống kê 22.588 tạp chí [6]. Tuy nhiên, hầu hết các tạp chí WoS cũng đồng thời là tạp chí Scopus, 99,11% [7]. Do đó, Cơ sở dữ liệu WoS có thể được xem là cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất trên thế giới.
Năm 2024, toàn thế giới có 3.689.422 ấn phẩm khoa học đã được công bố trên các diễn đàn khoa học được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu WoS dưới dạng 38 loại ấn phẩm. Trong đó, ấn phẩm khoa học loại bài báo nghiên cứu (article) được công bố trên các tạp chí WoS chiếm đa số, 76.14%. Đó là lý do mà khi đánh giá năng lực nghiên cứu thông qua WoS, thành tựu bài báo nghiên cứu thường được sử dụng.
Dữ liệu bài báo nghiên cứu loại WoS được dùng để xếp hạng các nước ASEAN trong bài báo này được truy xuất vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 14/01/2025 từ phiên bản có bản quyền của Clarivate (Mỹ) thông qua lệnh truy xuất tổ hợp “CU=Country/Region” [8]. Lệnh truy xuất dữ liệu này được thực hiện đồng bộ đối với 10 quốc gia ASEAN tại cùng thời điểm như đã nêu để có thể có được dữ liệu chính sách và tránh việc trùng lắp giữa các quốc gia. Đối với WoS, dữ liệu tại mỗi thời điểm truy xuất có thể khác nhau vì quá trình cập nhật dữ liệu của WoS là tự động và liên tục.
Với phương pháp truy xuất dữ liệu như đã nêu và trong năm 2024, tất cả 10 quốc gia ASEAN đã công bố 87.403 bài báo nghiên cứu (article) được phân bố theo các nhóm lĩnh vực như sau:
Lĩnh vực |
Số bài báo nghiên cứu |
Khoa học cơ bản và kỹ thuật (SCIE) |
56.325 |
Khoa học xã hội (SSCI) |
8.018 |
Nghệ thuật và nhân văn (AHCI) |
822 |
Ngoài ra, còn có 25.298 bài báo nghiên cứu của các quốc gia ASEAN được xuất bản trên những tạp chí WoS chưa được xếp vào các nhóm SCIE, SSCI hay AHCI. Những tạp chí này thuộc nhóm ESCI (Emerging Sources Citation Index, nhóm các tạp chí mới được vào WoS hoặc các tạp chí WoS bị rớt hạng nên có trích dẫn khoa học có thể còn khiêm tốn).
Kết quả xếp hạng
Với phương pháp và dữ liệu đã được thu thập như đã phân tích ở trên cho năm 2024, kết quả hết sức bất ngờ là Malaysia dẫn đầu các quốc gia ASEAN về thành tựu bài báo nghiên cứu loại WoS. Malaysia đã công bố 22.109 bài báo nghiên cứu như đã nêu và chiếm 25,22% tổng số thành tựu chung của ASEAN. Singapore và Thái Lan tương ứng đứng thứ hai, thứ ba với 19.052, 17.384 bài báo nghiên cứu. Và đặc biệt là Việt Nam của chúng ta được xếp thứ 5 với 12.421 bài báo nghiên cứu.
Bảng dưới đây là xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu loại WoS của 10 quốc gia ASEAN năm 2024 (ký hiệu: SARAP Ranking 2024 ASEAN):
Hạng |
Nước |
Số bài báo nghiên cứu loại WoS |
Tỷ lệ % trong ASEAN |
1 |
Malaysia |
22.109 |
25,220% |
2 |
Singapore |
19.052 |
21,732% |
3 |
Thailand |
17.384 |
19,830% |
4 |
Indonesia |
17.161 |
19,575% |
5 |
Vietnam |
12.421 |
14,169% |
6 |
Philippines |
3.920 |
4,472% |
7 |
Brunei |
597 |
0,681% |
8 |
Cambodia |
454 |
0,518% |
9 |
Myanmar |
400 |
0,456% |
10 |
Laos |
252 |
0,287% |
SARAP Ranking 2024 ASEAN
Kết quả SARAP Ranking 2024 ASEAN cho thấy thành tựu bài báo nghiên cứu của ASEAN chủ yếu tập trung vào nhóm 5 quốc gia dẫn đầu, trong đó có Việt Nam. Có đến 05 quốc gia ASEAN đóng góp dưới 10% vào thành tựu bài báo nghiên cứu của cả khối. Điều đáng lưu ý là có đến 04 quốc gia đóng góp dưới 1% gồm Brunei, Cambodia, Myanmar và Laos. Điều này có thấy có thể có dấu hiệu cách biệt khá rõ nét trong cộng đồng ASEAN về phát triển nghiên cứu khoa học.
Làm thế nào để khai thác giá trị của các bài báo khoa học?
Bảng xếp hạng SARAP Ranking 2024 ASEAN cung cấp thông tin rất thú vị và quan trọng về sự tương quan của các quốc gia trong ASEAN về thành tựu nghiên cứu khoa học thông qua phương pháp đo lường là bài báo nghiên cứu loại WoS. Tuy nhiên, để thành tựu này được phát huy và có thể tạo giá trị thật và có thể đóng góp cụ thể vào sự phát triển của các quốc gia, cần nghiên cứu sâu hơn về những giá trị chuyển giao mà những bài báo nghiên cứu có thể mang lại. Những sản phẩm chuyển giao có thể là sản phẩm tri thức mới, sản phẩm công nghệ mới hoặc sản phẩm danh tiếng mới từ các bài báo khoa học [1].
Bảng xếp hạng trên có ý nghĩa rất thiết thực đối với lộ trình thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước dẫn đầu ASEAN về số lượng công bố quốc tế như đã nêu. Nếu xét theo thành tựu bài báo nghiên cứu chuẩn WoS thì việc chỉ còn 5 năm nữa để đưa Việt Nam ít nhất vượt qua Indonesia và Thái Lan để có thể đứng vào tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN có thể là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với những chủ trương và chính sách quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ, chúng ta có thể có hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu quan trọng này.
Việc phát triển nghiên cứu khoa học với sản phẩm là các bài báo khoa học cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro cần được xem xét và từ đó có thể có chiến lược phòng ngừa ngay từ đầu. Theo [9], thời gian qua Ả Rập Saudi đã rất quyết liệt trong việc phát triển bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về số lượng; tuy nhiên, đã xuất những vấn đề “đau đầu” mà quốc gia này đang gặp phải như:
(i) Việc xuất bản bài báo khoa học được khuyến khích mạnh mẽ, thường là với nguồn tài trợ hào phóng, nhưng lại thiếu văn hóa liêm chính nghiên cứu và các ủy ban đạo đức nghiên cứu bị tê liệt.
(ii) Một số học giả được liệt kê là đồng tác giả của vô số bài báo, sách và bằng sáng chế mà không thực sự đóng góp vào nội dung.
(iii) Việc một học giả xuất bản ít nhất 10 bài báo khoa học mỗi năm trong khi vẫn thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và hành chính toàn thời gian và không có phòng thí nghiệm được trang bị tốt hoặc không có sinh viên sau đại học là điều không thực tế.
(iv) Nỗ lực ở cấp độ tổ chức để gian lận tổng số ấn phẩm khoa học là quá lớn, vì tác động đến thứ hạng (hoặc các động lực khác của tổ chức liên quan đến số lượng ấn phẩm nghiên cứu cao). Tuy nhiên, điều đó có thể không cao/không nghiêm trọng bằng nỗ lực thuyết phục hàng nghìn nhà nghiên cứu bên ngoài Ả Rập Saudi ghi các địa chỉ của các tổ chức của Ả Rập Saudi trong các bài báo nghiên cứu của họ, dù các tổ chức của Ả Rập Saudi này không có đóng góp thực chất vào các bài báo nghiên cứu đó.
(v) Việc có một nền văn hóa học thuật ưu tiên các số liệu như ấn phẩm khoa học hơn các nghiên cứu ứng dụng hoặc các giải pháp công nghệ sẽ dẫn đến sự mất liên kết giữa các kết quả nghiên cứu và nhu cầu phát triển thực sự của Ả Rập Saudi.
Dự trù các hệ lụy nếu chỉ tập trung phát triển số lượng ấn phẩm khoa học mà thiếu quan tâm đến chuyển giao để tạo ra giá trị nên đã nhấn mạnh mục tiêu liên quan vấn đề này trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như sau: “Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP” [4]. Những tỷ lệ phần trăm này trong mục tiêu cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu để có thể tạo ra giá trị cụ thể và phải được đo lường cụ thể thông qua các chỉ số phát triển kinh tế. Ngay trong tên của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, có thể thấy mục tiêu “đột phá phát triển khoa học, công nghệ” phải gắn liền với “đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, nghĩa là nghiên cứu khoa học phải gắn liền với chuyển giao các kết quả nghiên cứu [1].
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Văn Út (2024); Ba loại sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra tiền, Đại biểu Nhân dân, Văn phòng Quốc hội, 01/02/2024.
[2] Lê Văn Út (2024); Xếp hạng hiệu suất thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ, 13/12/2024.
[3] Thùy Linh (2024), “Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề đối với ngành giáo dục”, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 18/11/2024.
[4] Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
[5] Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[6] Lê Văn Út (2025); Xếp hạng tạp chí khoa học ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn; Workshop về Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu tại Khoa Du lịch thuộc Trường Đại học Văn Lang, ngày 20/01/2025.
[7] V.K. Singh, P. Singh, M. Karmakar, et al. (2021), “The journal coverage of Web of Science, Scopus and Dimensions: A comparative analysis”, Scientometrics, 126(6), pp.5113-5142.
[8] Ut V. Le (2025); Rankings by research performance of ASEAN countries in 2024 (manuscript).
[9] Wagdy Sawahel (2025); Research output soars by 320%, but what are metrics hiding?; University World News, 17 January 2025.