Giáo viên mong sớm ban hành chính thức Thông tư quy định chế độ làm việc

02/02/2025 07:38
KIM OANH

GDVN - Giáo viên rất mong muốn Bộ sớm ban hành chính thức Thông tư Quy định chế độ làm việc để các trường có cơ sở thực hiện phân công công việc được tốt hơn.

Ngày 19/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, dự thảo này được lấy ý kiến đến ngày 19/8/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 1/2025, người viết chưa tìm thấy thông tin Bộ ban hành chính thức Thông tư này.

Theo Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học mà Bộ công bố gồm có 4 chương, 14 Điều. Trong đó, chương II và chương III (từ Điều 5 đến Điều 12) quy định rõ quy định rõ chế độ làm việc của giáo viên.

Thực tế hiện nay theo người viết tìm hiểu, đối với các cấp học phổ thông hiện nay việc quy đổi số tiết chưa thực sự rõ ràng, mỗi nơi mỗi kiểu dẫn đến những thiệt thòi cho giáo viên. Vì thế, giáo viên rất mong muốn Bộ sớm ban hành chính thức Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên để các trường có cơ sở thực hiện phân công được tốt hơn.

bai-van-ve-thay-co-giao-700-1631865368349315703330-6451.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Những nội dung cơ bản trong dự thảo Bộ đã lấy ý kiến

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, giáo viên công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học được áp dụng định mức tiết dạy/năm quy định cho cấp học cao nhất mà giáo viên đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc quy đổi tiết dạy giữa các cấp học.

Dự thảo Thông tư dự kiến quy định: giáo viên dạy tại trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện quy định về định mức tiết dạy của cấp học đó. Đồng thời, 01 tiết dạy được phân công ở bất kỳ cấp học nào được tính bằng 01 tiết định mức (khoản 4 Điều 4 dự thảo Thông tư).

Theo quy định hiện hành, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, trong khi giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp THCS và THPT được giảm 4 tiết/tuần.

Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh chế độ giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học từ 03 tiết/tuần thành 04 tiết/tuần (khoản 1 Điều 8). Lí do: Để đảm bảo thống nhất giữa các cấp học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Theo quy chế tổ chức và hoạt động, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú có tổ quản lý học sinh, trong đó có tổ trưởng và tổ phó nhưng chưa có quy định cụ thể về giảm định mức tiết dạy cho đối tượng này.

Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định giảm định mức tiết dạy cho giáo viên kiêm tổ trưởng, tổ phó tổ quản lý học sinh, số tiết được giảm tương đương với số tiết giảm của tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn (khoản 3 Điều 8).

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, số tiết dành cho công tác tư vấn học sinh là từ 3 đến 8 tiết/tuần và được quy định cụ thể theo quy mô trường học, theo vùng miền. Trong đó, số tiết dành cho công tác tư vấn học sinh đối với cấp tiểu học ít hơn các cấp học khác. Đồng thời, trong thực tiễn, việc quy đổi số tiết này tại các trường không được thực hiện thống nhất.

Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh quy định như sau: Tăng số tiết dành cho công tác tư vấn học sinh đối với các trường tiểu học tương đương với trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông .

Cụ thể: Trường phổ thông có từ 28 lớp trở lên ở vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên ở vùng 1 được sử dụng 08 tiết/tuần; các trường phổ thông còn lại được sử dụng 04 tiết/tuần. Đồng thời, làm rõ quy định số tiết được sử dụng để làm công tác tư vấn học sinh là số tiết dành cho cả tổ tư vấn và tổng số tiết giảm cho từng thành viên trong tổ (là giáo viên kiêm nhiệm) không cao hơn số tiết được sử dụng làm công tác tư vấn học sinh của cả tổ (khoản 2 Điều 10).

Bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp truyền thống, hiện tại còn tồn tại hình thức dạy học trực tuyến, tuy nhiên chưa có quy định về chế độ làm việc của giáo viên dạy học trực tuyến.

Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định về việc quy đổi cho hình thức dạy trực tuyến (Điều 12), cụ thể: Trường hợp tổ chức dạy trực tuyến không theo lớp học, nếu số học sinh tham gia học trực tuyến nhỏ hơn tổng số học sinh bình quân của 02 lớp thì 01 tiết dạy trực tuyến được tính bằng 01 tiết định mức.

Trường hợp tổ chức dạy trực tuyến không theo lớp học, nếu số học sinh tham gia học trực tuyến lớn hơn hoặc bằng tổng số học sinh bình quân của 02 lớp thì 01 tiết dạy trực tuyến được tính bằng 1,5 tiết định mức; Trường hợp tổ chức dạy trực tuyến theo lớp học, nếu dạy cho 02 lớp trở lên (dạy cùng thời điểm) thì 01 tiết dạy trực tuyến được tính bằng 1,5 tiết định mức.

Hiện nay, để đảm bảo bố trí đủ giáo viên dạy các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh còn thiếu giáo viên, thực tế nhiều địa phương phải bố trí giáo viên ở một số môn phải dạy liên trường. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chế độ cho đối tượng này.

Dự thảo Thông tư dự kiến quy định về việc tính tiết dạy cho giáo viên được phân công dạy liên trường như sau: nếu giáo viên được điều động, phân công dạy tăng cường ở cơ sở giáo dục khác thì mỗi tiết dạy của giáo viên ở cơ sở giáo dục đó được tính bằng 01 tiết định mức (khoản 1 Điều 12).

Hiện nay, việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi chưa rõ ràng, đồng thời chưa có quy định việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên bồi dưỡng học sinh tham gia hội khỏe phù đổng, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Dự thảo Thông tư dự kiến quy định việc quy đổi các hoạt động này như sau: Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức. Căn cứ vào từng hình thức bồi dưỡng, cấp tham gia, mà hiệu trưởng nhà trường quyết định việc quy đổi này (khoản 3 Điều 12).

Hiện nay chưa có quy định về việc giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường (các cuộc thi hoặc hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định về việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường như sau: 01 tiết tham gia chấm trực tiếp được tính bằng 01 tiết định mức (khoản 5 Điều 12)…

Như vậy, dự thảo dành cho giáo viên phổ thông đã được hướng dẫn tương đối tường minh, cụ thể và nếu được thông qua sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục thực hiện thuận lợi các công việc phân công, tính định mức tiết dạy cho giáo viên. Nếu so sánh với các văn bản hiện hành, dự thảo Thông tư có nhiều ưu điểm hơn.

Mong muốn Bộ sớm ban hành chính thức Thông tư quy định chế độ làm việc

Vừa qua Bộ đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia cho học sinh lớp 12 nhưng học sinh lớp 9 thì có nơi đã tổ chức thi học sinh giỏi cấp huyện, nơi thì chưa và đa phần chưa tổ chức thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh cấp trung học cơ sở đa phần rơi vào cuối tháng 3 hằng năm. Trong khi, việc ôn thi học sinh giỏi thường rất vất vả vì giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị và ôn thi trực tiếp cho học sinh.

Nhiều trường học phân công định mức cho giáo viên ôn mỗi tuần 4 tiết, hoặc “khoán trọn gói” mấy chục tiết nhưng đa phần giáo viên đều ôn hơn số lượng này mới hy vọng học sinh có giải.

Trong khi đó, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 tới đây hướng dẫn các đối tượng được dạy thêm tại nhà trường, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhưng, mỗi môn học không được tổ chức dạy thêm quá 02 tiết/tuần.

Vì vậy, sau ngày 14/2/2025 thì nhà trường sẽ không được phép bố trí quá 2 tiết/tuần- kể cả bồi dưỡng học sinh giỏi.

Nếu Bộ sớm ban hành chính thức Thông tư quy định chế độ làm việc và nội dung dự thảo “Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức” được giữ nguyên sẽ đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và cũng thuận lợi cho việc phân công ở các nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH