Lãnh đạo trường chỉ ra thách thức đối với việc hội nhập quốc tế trong GD đại học

01/02/2025 07:19
Anh Tú

GDVN - Để văn bằng Việt Nam được quốc tế công nhận, cần đổi mới giảng dạy, bồi dưỡng giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn giáo dục uy tín thế giới.

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học không chỉ là thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy, học tập, mà còn là đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, nhằm để bằng cấp, tín chỉ của trường đại học Việt Nam được nước ngoài công nhận trong học tập, làm việc.

Tuy vậy, tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, vẫn tồn tại những vướng mắc khiến quá trình này gặp khó [1].

Giảng viên, sinh viên chưa sẵn sàng để thích nghi với môi trường quốc tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đánh giá, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học mang lại cả cơ hội lớn, lẫn thách thức không nhỏ đối với các trường đại học ở Việt Nam.

“Phát triển, hội nhập quốc tế là điều tất yếu và đây chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam mở rộng giao lưu với các đối tác quốc tế, từ đó, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo.

Các trường đại học có thể thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao từ quốc tế, đồng thời khai thác các nguồn tài trợ hoặc hợp tác về nghiên cứu, đào tạo từ các tổ chức nước ngoài. Đây là bước tiến quan trọng để nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức lại nằm ở sự cạnh tranh. Khi các cơ sở giáo dục quốc tế vào Việt Nam, họ mang đến môi trường giáo dục hiện đại, chương trình giảng dạy tiên tiến và nhiều lợi thế thu hút người học. Nếu các trường trong nước không duy trì hoặc cải thiện chất lượng giảng dạy, đào tạo, sẽ rất khó giữ chân sinh viên. Người học có thể chuyển hướng sang các cơ sở đào tạo đại học quốc tế để tìm kiếm những giá trị tốt hơn.

Đặc biệt, đội ngũ giảng viên và nhân sự cần được đầu tư phát triển không chỉ về chuyên môn mà còn ở năng lực hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong môi trường cạnh tranh này” - thầy Lung đánh giá.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Lung, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh) đã tham gia mạng lưới Hệ thống trao đổi tín chỉ ASEAN (ASEAN Credit Transfer System - ACTS) nhằm trao đổi tín chỉ giữa các trường đại học thành viên của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) nhưng việc thực hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, sinh viên Việt Nam thường gặp trở ngại lớn về năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh – điều kiện tiên quyết để tham gia các chương trình trao đổi quốc tế. Ngoài ra, dù các trường đối tác có thể tài trợ học phí, sinh viên vẫn phải tự chi trả các khoản sinh hoạt phí, điều này khiến nhiều bạn e ngại khi đăng ký tham gia.

unnamed.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: uit.edu.vn.

Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Một trong những thách thức lớn đối với việc hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học là cơ chế công nhận bằng cấp và tín chỉ quốc tế còn phức tạp; các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, trong khi hệ thống pháp lý chưa theo kịp nhu cầu hội nhập. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý chưa đưa ra được những hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết, khiến các cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình liên kết quốc tế.

Ngoài ra, một số giảng viên vẫn còn hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng giảng dạy hiện đại và kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng giảng dạy các chương trình đào tạo liên kết cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu hoặc trao đổi học thuật với nước ngoài”.

Đánh giá về mức độ sẵn sàng của các trường đại học Việt Nam trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế chương trình đào tạo và xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế, vị hiệu trưởng chỉ ra:

“Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất của nhiều trường đại học tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí dành cho việc đầu tư vào cơ sở vật chất, công nghệ giảng dạy hiện đại và nguồn học liệu còn hạn chế. Đặc biệt, các trường tự chủ tài chính thường gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách, trong khi nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế hoặc nhà nước lại chưa đủ để giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Việc thiết kế và triển khai các chương trình đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi sự đầu tư lớn, không chỉ về chuyên môn mà còn về cơ sở vật chất, điều mà không phải trường nào cũng có thể đáp ứng.

Đồng thời, hệ thống kiểm định chất lượng nội địa vẫn còn khá chậm so với tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều quy trình kiểm định chưa được đồng bộ và cập nhật kịp thời để phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa. Điều này khiến cho các trường không chỉ gặp khó khăn trong việc chứng minh chất lượng mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút sinh viên quốc tế và hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế.

Ngoài ra, cả sinh viên và giảng viên đều chưa thực sự sẵn sàng thay đổi tư duy để thích nghi với môi trường quốc tế hóa. Thói quen học tập và giảng dạy truyền thống vẫn còn phổ biến, trong khi động lực để áp dụng các phương pháp mới lại bị cản trở bởi những khó khăn nêu trên. Điều này dẫn đến tình trạng chậm thích ứng với những yêu cầu và xu thế của giáo dục quốc tế hiện đại”.

nxhoan-2452.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu kỹ quy định về liên kết trong đào tạo

Trường Đại học Hà Nội được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục đại học có uy tín và thế mạnh đào tạo ngoại ngữ và các chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Với phương châm “Đưa sinh viên ra thế giới”, nhà trường xác định hợp tác quốc tế là động lực phát triển các nguồn lực, góp phần đẩy nhanh chiến lược phát triển Trường Đại học Hà Nội thành Đại học Hà Nội đa ngành, định hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, để hướng tới việc bằng cấp, tín chỉ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể trao đổi với nước bạn, trước tiên các trường phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về giáo dục đại học và liên kết trong đào tạo để kịp thời điều chỉnh và đáp ứng tốt các quy định.

“Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, Trường Đại học Hà Nội xác định quốc tế hóa giáo dục là nền tảng cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi học thuật. Với tầm nhìn phấn đấu trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, thuộc tốp đầu tại Việt Nam và có danh tiếng trong khu vực Châu Á, nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng môi trường học thuật đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu.

Hiện, nhà trường đang hợp tác với 225 đối tác đến từ 36 quốc gia với số lượng thỏa thuận hợp tác với nước ngoài còn hiệu lực là gần 370 văn bản. Đồng thời, nhà trường cũng đang triển khai 7 chương trình liên kết đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ với nước ngoài. Những chương trình này giúp phát triển chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của nhà trường, góp phần nâng cao chuyên môn của giảng viên, tăng cường chất lượng đào tạo và kết nối học thuật với các trường đại học quốc tế, và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam được học tập với đội ngũ giảng viên quốc tế và nhận bằng cấp quốc tế với chi phí hợp lý.

Nhờ các hoạt động hợp tác quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả, hằng năm, Trường Đại học Hà Nội đón tiếp và làm việc với khoảng 80-90 đoàn với hơn 300 lượt khách nước ngoài, đào tạo hơn 700 lưu học sinh, tiếp nhận khoảng 50 giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại Trường, cử gần 100 lượt cán bộ, giảng viên đi học tập, giảng dạy và nghiên cứu trao đổi tại nước ngoài, thực hiện hơn 80 chương trình học bổng, trao đổi với hơn 300 sinh viên tham gia các chương trình tại các đối tác ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình đào tạo hướng tới việc công nhận bằng cấp, tín chỉ quốc tế, Trường Đại học Hà Nội nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về giáo dục đại học và liên kết trong đào tạo để kịp thời điều chỉnh và đáp ứng tốt các quy định. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đổi mới, cập nhật phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn của đội ngũ giảng viên và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đối sánh với các chương trình đào tạo của các quốc gia có nền giáo dục uy tín trên thế giới. Nhờ đó, việc công nhận bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ với các trường đối tác của các nước được thực hiện một cách thuận lợi” - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

z6245290790573_627d7b6b9bb823196d491b6f85de7226.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cùng chia sẻ vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cũng chỉ ra những bước đi cụ thể của Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh để tiến tới môi trường hợp tác quốc tế đạt hiệu quả cao. Cụ thể: “Trước hết, nhà trường đã tập trung xây dựng khung chương trình chuẩn quốc tế, điều chỉnh nội dung đào tạo sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của những tổ chức kiểm định danh tiếng như AUN-QA hay ABET. Đồng thời, các môn học tích hợp công nghệ và kỹ năng mềm đã được đưa vào chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những năng lực cần thiết trong bối cảnh hội nhập.

Bên cạnh đó, tiếng Anh được xác định là yếu tố tiên quyết trong quá trình quốc tế hóa giáo dục. Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các ngành học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn như kinh tế, quản trị và kỹ thuật. Đồng thời, các chương trình cấp bằng kép, hợp tác với các trường đại học quốc tế, cũng được xây dựng nhằm mở rộng cơ hội học tập và phát triển cho sinh viên”.

Bên cạnh đó, về phương pháp giảng dạy, Trường Đại học Công thương Hồ Chí Minh cũng chú trọng thay đổi toàn diện để phù hợp hơn với môi trường học thuật quốc tế.

“Nhà trường đã đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quá trình học tập của sinh viên. Các mô hình học tập kết hợp (blended learning) và học tập qua dự án thực tế (project-based learning) cũng được áp dụng rộng rãi, mang lại trải nghiệm học tập chủ động và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế là một trong những chiến lược quan trọng. Các trường đã ký kết thêm nhiều biên bản ghi nhớ (MOU) với các trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế. Việc tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế cũng giúp chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các mô hình giáo dục tiên tiến và khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam trên bản đồ thế giới” - vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, để những bước đi này đạt được hiệu quả cao nhất, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, cần có sự trợ giúp mạnh mẽ từ các chính sách Nhà nước. “Trước tiên, cần xây dựng một cơ chế minh bạch và rõ ràng về việc công nhận bằng cấp, tín chỉ quốc tế cũng như quy trình chuyển đổi tín chỉ giữa các hệ thống giáo dục. Điều này không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận cơ hội học tập quốc tế mà còn thúc đẩy sự liên thông và hội nhập giữa giáo dục Việt Nam và thế giới.

Bên cạnh đó, việc cấp thêm ngân sách cho các trường đại học là vô cùng cần thiết để đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cấp công nghệ giảng dạy và phát triển hoạt động nghiên cứu. Việc này sẽ giúp các trường có điều kiện tạo ra môi trường học tập hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng khả năng cạnh tranh với các trường quốc tế.

Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm chuyên trách hỗ trợ các trường đại học trong việc tìm kiếm và kết nối với đối tác quốc tế. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như cầu nối, giúp các trường xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.

Cuối cùng, tổ chức các hội thảo và triển lãm giáo dục quốc tế là cách hiệu quả để giới thiệu tiềm năng của giáo dục Việt Nam. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh giáo dục nước nhà, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác chiến lược trên phạm vi toàn cầu” - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn đề xuất.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10143

Anh Tú