Trường ĐH khu vực Tây Nguyên và những ưu tiên đầu tư, phát triển năm 2025

01/02/2025 07:44
Ngọc Trâm

GDVN - Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, 2 trường ĐH khu vực Tây Nguyên đặt mục tiêu đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ưu tiên đầu tư lĩnh vực trọng điểm.

Năm 2024, một số trường đại học tại khu vực Tây Nguyên đã gặt hái không ít thành tựu đáng tự hào, song vẫn còn nhiều thách thức lớn phải đối mặt. Hướng tới năm 2025, các trường đã xây dựng những kế hoạch phát triển để vượt qua khó khăn, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và đất nước.

Đột phá trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Tiến Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột chia sẻ, Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột là một trong những cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe tiên phong tại khu vực Tây Nguyên với mô hình trường - viện. Năm 2024, nhà trường đã có những bước đi đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

unnamed (77).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Tiến Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Website nhà trường)

Nhà trường đã thành lập Trung tâm huấn luyện mô phỏng và đánh giá kỹ năng lâm sàng. Trung tâm này không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo, giảng dạy và học tập của sinh viên mà còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp môi trường thực hành thực tế, giúp sinh viên chuẩn bị tốt kỹ năng cho việc thực hành lâm sàng ở bệnh viện cũng như việc hành nghề sau này.

Về chất lượng giáo dục, nhà trường đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, đồng thời hai chương trình Y khoa và Dược học đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng. Năm 2024, Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột bắt đầu đào tạo sinh viên quốc tế đối với ngành Y khoa.

“Năm học 2023-2024, trường thực hiện đào tạo ngành bác sĩ đa khoa đối với 64 sinh viên quốc tế đến từ Ấn Độ. Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường, giúp mở rộng cơ hội giao lưu học hỏi và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo y khoa.

Ngoài ra, trong năm 2024, nhà trường đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế, bao gồm trao tặng học bổng, đưa sinh viên đi thực tập tại Nhật Bản và hợp tác với Viện Khoa học Châu Á trong đào tạo y khoa. Các hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo của nhà trường”, thầy Đức thông tin.

Cũng trong năm vừa qua, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã ban hành các quy định về hỗ trợ công bố khoa học, khen thưởng bài báo quốc tế, sáng chế, và xuất bản Tạp chí Khoa học sức khỏe. Đồng thời, trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cấp phép hoạt động cho tạp chí Y Dược học.

Các hoạt động cộng đồng như khám bệnh từ thiện, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ gia đình chính sách và cứu trợ đồng bào bị thiên tai cũng được nhà trường chú trọng. Các hoạt động này không chỉ thể hiện cam kết “Vì lợi ích cộng đồng” mà còn góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của nhà trường.

Cũng là một trong những cơ sở giáo dục nổi bật tại khu vực Tây Nguyên, Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết, nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, mở rộng quy mô đào tạo, cải tiến công tác kiểm định, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

“Về đội ngũ giảng viên, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên tại trường đã đạt con số trên 41%, cao hơn khoảng gần 10% so với trung bình chung của cả nước và cao hơn tỉ lệ yêu cầu của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Quy mô ngành nghề đào tạo của trường được mở rộng mạnh mẽ trong những năm qua. Nếu như năm 2020, nhà trường mới chỉ có 47 ngành đào tạo ở tất cả các trình độ thì hiện nay, tổng số ngành đào tạo của trường tăng lên 58 ngành. Trong đó, số ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ của trường chiếm hơn 50% toàn khu vực Tây Nguyên”, thầy Chiến chia sẻ.

Về hoạt động kiểm định chất lượng, Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục chú trọng công tác kiểm định cấp cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo trong năm vừa qua. Theo đó, nhà trường đã đạt kiểm định cấp cơ sở giáo dục đại học (chu kỳ 2) và có 14 chương trình đào tạo đạt kiểm định cấp chương trình. Cụ thể, nhà trường có 9 chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance).

Trường Đại học Đà Lạt là trường đại học đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ có chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

unnamed (78).jpg
Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt. (Ảnh: Website nhà trường)

Cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị giảng đường, phòng thí nghiệm cũng đã được Trường Đại học Đà Lạt quan tâm đầu tư, hiện đại hóa. Trường đã hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản trị đại học liên thông, đồng bộ trong toàn trường và hệ thống quản lý học tập trực tuyến từ đó, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học.

Theo thầy Chiến, hiện trường có khoảng 15 nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, trong đó số sinh viên đại học hệ chính quy của trường chiếm hơn 30% trong tổng số sinh viên đại học ở toàn bộ 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu tại khu vực Tây Nguyên, khẳng định vị thế và uy tín của trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2024, Trường Đại học Đà Lạt tự hào khi luôn giữ vị trí đứng đầu khu vực Tây Nguyên và được xếp hạng 325 trong số khoảng 5000 trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Còn nhiều thách thức trong việc phát triển giáo dục đại học tại khu vực Tây Nguyên

Tiến sinh Lê Minh Chiến đánh giá, Tây Nguyên là vùng có sự đa dạng dân tộc lớn nhưng còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, các chỉ số giáo dục còn thấp so với các vùng khác. Mặc dù nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc thay đổi tư duy và thói quen của người dân tộc thiểu số vẫn là một thách thức lớn, nhất là trong việc nâng cao tỷ lệ tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tại Trường Đại học Đà Lạt, nguồn thu của nhà trường chủ yếu đến từ học phí trong khi mức học phí áp dụng hiện tại lại khá thấp. Trường gặp khó khăn khi chưa thể tăng mức học phí như các trường tại thành phố lớn vì điều này sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho con em trong vùng. Bên cạnh đó, nguồn thu hạn chế cũng ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường.

Cũng theo thầy Chiến, một trong những thách thức lớn mà các cơ sở giáo dục đại học tại khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt là thiếu vắng các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài hoặc sự hợp tác với các đối tác quốc tế mạnh. Điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với các xu hướng giáo dục tiên tiến và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của giáo dục đại học trong khu vực.

“Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học. Nếu so với các khu vực khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế,… thì Tây Nguyên vẫn còn hạn chế về việc hợp tác quốc tế.

Đây là điều dễ hiểu vì khu vực này chưa phải là trung tâm giáo dục hay trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Vì vậy, hoạt động hợp tác quốc tế chưa thực sự phát triển”, thầy Chiến nêu quan điểm.

Do yếu tố địa lý, Tây Nguyên là khu vực cách xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông và kết nối quốc tế chưa phát triển đồng đều, làm giảm khả năng thu hút đối tác quốc tế. Các trường đại học tại Tây Nguyên còn thiếu hụt các trang thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm vào đó, các trường đại học ở Tây Nguyên có thể chưa đủ nguồn lực tài chính và đội ngũ giảng viên có trình độ quốc tế để xây dựng và vận hành các chương trình hợp tác. Trong khi đó, các chương trình đào tạo quốc tế yêu cầu đội ngũ giảng viên và nhân viên có trình độ chuyên môn cao và khả năng sử dụng tiếng Anh tốt.

“Trong năm 2025, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ là một ưu tiên hàng đầu của Trường Đại học Đà Lạt. Hiện nay, Cảng hàng không Liên Khương đã được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các đối tác quốc tế đến với Trường Đại học Đà Lạt. Nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến 2030 sẽ phát triển được ít nhất 2 chương trình đào tạo liên kết quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nguyên", thầy Chiến bày tỏ.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Cao Tiến Đức nhận định, khu vực Tây Nguyên có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với ngôn ngữ, văn hóa và trình độ học vấn khác nhau. Việc thiết kế chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng sinh viên là một bài toán phức tạp, đòi hỏi nhà trường có sự đầu tư về thời gian, nguồn lực, và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa bản địa.

Việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giảng viên, nghiên cứu viên và nhà khoa học có trình độ cao cũng là một thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học khu vực Tây Nguyên.

Tại Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, hiện nay, số lượng sinh viên ngành Y khoa, Điều dưỡng thực tập lâm sàng tại các bệnh viện ngày càng tăng, trong khi số lượng giảng viên giảng dạy lâm sàng tại bệnh viện còn thiếu, đặc biệt là tại các chuyên khoa lẻ chưa có giảng viên cơ hữu phụ trách hướng dẫn cho sinh viên như: Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Mắt, Phục hồi chức năng, Tâm thần, Da liễu nên khó khăn trong công tác giảng dạy, quản lý sinh viên trong thời gian học lâm sàng. Một số bộ môn chưa có giảng viên cơ hữu phụ trách giảng dạy nên lịch dạy phụ thuộc nhiều vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.

unnamed (79).jpg
Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết và có kinh nghiệm thực tiễn. (Ảnh: Website nhà trường)

Để giải quyết tình trạng này, Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Nhà trường xây dựng mức lương, thưởng và các chính sách phúc lợi cạnh tranh, bao gồm bảo hiểm, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe. Khu nhà chuyên gia cũng đã được xây dựng để tạo môi trường sống thoải mái cho giảng viên thỉnh giảng.

Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột chú trọng việc phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình đào tạo nâng cao, hội thảo khoa học và các khóa học quốc tế. Đồng thời, duy trì nguồn kinh phí ổn định và hợp tác quốc tế để tạo cơ hội tham gia các dự án lớn.

Môi trường làm việc cởi mở và minh bạch, cùng với các chương trình khen thưởng và ghi nhận thành tựu, là yếu tố quan trọng để giữ động lực cho giảng viên. Nhà trường cũng phát triển cơ sở vật chất hiện đại và tăng cường các hoạt động gắn kết nội bộ”, thầy Đức chia sẻ.

Ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm

Bước sang năm 2025, 2 trường đại học tại khu vực Tây Nguyên đều có những kế hoạch phát triển đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Đà Lạt đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong hai cơ sở giáo dục đại học nòng cốt để đầu tư, trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao tại khu vực Tây Nguyên. Điều này hướng tới mở rộng quy mô đào tạo, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho người dân trong khu vực và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Trường đã lựa chọn 4 lĩnh vực trọng điểm để đề xuất nhà nước ưu tiên đầu tư, gồm sư phạm, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược học gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và kỹ thuật hạt nhân. Từ đó, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử và mở rộng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đời sống.

Các dự án này đều tập trung vào việc đầu tư hệ thống trang thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và tạo ra các sản phẩm dịch vụ khoa học công nghệ thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và mang lại nguồn doanh thu lớn cho nhà trường trong thời gian tới”, thầy Chiến nói.

Trường Đại học Đà Lạt cũng hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định quốc tế vào năm 2030, với kỳ vọng rằng một số ngành trọng điểm sẽ đạt kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu vào năm 2032.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới với những chỉ đạo quyết liệt từ Đảng và Nhà nước, việc tinh gọn bộ máy và tạo ra động lực phát triển mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Trường Đại học Đà Lạt.

e226A4015-1024x683.jpg
Trường Đại học Đà Lạt ký kết thỏa thuận đưa sinh viên thực tập tại Nhật Bản. (Ảnh: website nhà trường)

Nhà trường kỳ vọng sẽ có thể triển khai các dự án đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy. Những bước tiến này sẽ giúp Trường Đại học Đà Lạt đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên, đồng thời khẳng định vị thế, phát triển bền vững trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.

Tại Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, năm 2025, nhà trường đặt mục tiêu thực hiện nhiều kế hoạch phát triển quan trọng, trong đó có việc xây dựng chính sách tuyển sinh phù hợp với điều kiện của trường và tổ chức tuyển sinh đối với sinh viên quốc tế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Cao Tiến Đức, nhà trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai tuyển sinh tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trường sẽ tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh ở các trường trung học phổ thông, đặc biệt là tại các khu vực trên.

“Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột chú trọng đến công tác đổi mới phương pháp dạy và học, hoàn thiện quy trình đào tạo, và tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo tiếng Anh và Tin học cho sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội”, thầy Đức thông tin.

Năm 2025, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh công tác số hóa trong quản lý, triển khai các phần mềm để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng và đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như dược liệu, y học cổ truyền, và ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh cũng được nhà trường từng bước xây dựng kế hoạch và chú trọng triển khai trong năm 2025.

Cụ thể, nhà trường tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế và khuyến khích giảng viên viết bài báo quốc tế nhằm nâng cao vị thế của trường trong hệ thống giáo dục quốc tế.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng y sinh học của trường cũng sẽ tập trung vào các thí nghiệm về nhân giống cây thuốc và bảo tồn giống cây thuốc quý của Tây Nguyên. Các công tác đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ, giảng viên cũng sẽ được tiếp tục thực hiện, đảm bảo đội ngũ giảng dạy chất lượng cao.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Tiến Đức bày tỏ kỳ vọng về những thay đổi tích cực trong quản lý và phát triển, bao gồm việc sắp xếp lại các đơn vị theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời xây dựng mô hình quản lý linh hoạt và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm thiểu thủ tục phức tạp.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng cũng kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, với tiêu chuẩn cao hơn về năng lực, đạo đức và trách nhiệm. Cơ chế tuyển dụng, đánh giá và đào tạo cán bộ cần phải công bằng, minh bạch, gắn với năng lực thực tiễn và kết quả làm việc.

“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước với nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, và các sự kiện lớn khác. Đây là năm tạo tiền đề cho việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và duy trì sự ổn định kinh tế.

Trong đó, nhà trường sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y dược, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, và tăng cường hoạt động vì cộng đồng, đồng thời, sẽ chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế.

Với sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ, tôi kỳ vọng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình, không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn trên cả nước, đồng thời, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột bày tỏ.

Ngọc Trâm