Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ được đánh giá là mang đến nhiều cơ hội việc làm và nguồn thu nhập hấp dẫn.
Bên cạnh tiếng Anh và tiếng Trung, tiếng Nhật cũng ngày càng được ưa chuộng nhờ sự sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức quốc tế. Việc học tiếng Nhật không chỉ giúp người học nâng cao kỹ năng ngôn ngữ mà còn mang lại cơ hội khám phá văn hóa Nhật Bản một cách sâu sắc.
Tuy nhiên, ngành Ngôn ngữ Nhật vẫn đối mặt với không ít thách thức trong quá trình tuyển sinh, đặc biệt là việc làm sao thu hút học sinh và giúp phụ huynh yên tâm khi định hướng con em theo đuổi ngành học này.
Chương trình đào tạo nhiều định hướng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Hồng Vân - Trưởng khoa Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội cho biết, chương trình Ngôn ngữ Nhật tại trường được xây dựng theo hướng ứng dụng, trang bị kiến thức sâu về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Nhật Bản và rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Nhật thành thạo trong dịch thuật, thương mại, giảng dạy và các lĩnh vực chuyên môn khác.
Các học phần nổi bật và quan trọng nhất trong chương trình đào tạo là các học phần thực hành tiếng và các học phần thuộc các định hướng trong khối kiến thức chuyên ngành.
Theo đó, các học phần thực hành tiếng Nhật từ bậc A1 đến C1 là điểm nhấn nổi bật, đảm bảo người học đạt trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Ngôn ngữ Nhật tại Trường Đại học Hà Nội chia ra 3 định hướng bao gồm: “Biên - Phiên dịch", "Tiếng Nhật thương mại" và "Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật”.
Các học phần thuộc định hướng "Biên - Phiên dịch" sẽ tập trung vào tính thực tiễn, giúp người học làm chủ quy trình biên dịch (dịch viết) và phiên dịch (dịch nói) trong môi trường đa ngôn ngữ. Trong khi đó, định hướng "Tiếng Nhật Thương mại" nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp và hiểu biết về văn hóa kinh doanh Nhật Bản.
Còn các học phần thuộc định hướng "Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật" giúp sinh viên nắm vững lý thuyết và kỹ năng sư phạm, đáp ứng nhu cầu đào tạo tiếng Nhật theo nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh các học phần thuộc khối kiến thức đại cương cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật, người học ngành Ngôn ngữ Nhật được trang bị kiến thức toàn diện về ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, lịch sử, văn học Nhật Bản và kiến thức giao tiếp liên văn hóa.
Theo cô Hồng Vân, khoa tiếng Nhật của nhà trường sở hữu đội ngũ giảng viên người Việt (bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng) được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, gần 100% giảng viên từng tu nghiệp hoặc trải qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn và dài hạn tại Nhật Bản.
Hằng năm, 3-4 chuyên gia và giáo viên tình nguyện từ các tổ chức JICA, ICEA tới trường tham gia giảng dạy thực hành tiếng. Nhà trường cũng thường xuyên mời các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong những giờ học định hướng, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng và chuẩn bị cho môi trường làm việc thực tế.
“Mặc dù có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên bài bản, Nhà trường vẫn đối mặt với thách thức trong việc thu hút và giữ chân giảng viên người Việt trước tình trạng "chảy máu chất xám" sang các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục khác.
Đồng thời, việc thu hút giảng viên người nước ngoài cũng gặp khó khăn do quy định pháp lý phức tạp về visa (thị thực xuất/nhập cảnh) cùng với việc đảm bảo chế độ đãi ngộ và chi phí sinh hoạt phù hợp cho chuyên gia quốc tế”, cô Hồng Vân cho hay.
Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, đại diện Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản cho biết, ngành Ngôn ngữ Nhật tại trường được định hướng theo mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản cũng như đa phương với các quốc gia sử dụng tiếng Nhật.
Từ năm 2022, chương trình đào tạo đã tích hợp các học phần kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa dựa trên phản hồi từ doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của sinh viên. Năm 2023, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm nổi bật của chương trình đào tạo là các học phần Biên - Phiên dịch được thiết kế bài bản, từ cơ bản đến nâng cao. Sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn được thực hành chuyên sâu thông qua các dự án dịch thuật thực tế.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phiên dịch, từ năm thứ 3, sinh viên có cơ hội tham gia hơn 20 dự án thực tế, bao gồm diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị văn hóa Nhật Bản và các sự kiện quảng bá nhà trường đến bạn bè quốc tế. Điều này giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Ngoài ra, chương trình đào tạo không chỉ chú trọng phát triển đồng đều các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết mà còn cung cấp nền tảng kiến thức sâu rộng về văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và các khía cạnh khác của Nhật Bản.
Điều này giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện, khả năng thích nghi và phát triển tốt trong môi trường làm việc đa văn hóa. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tranh biện, và làm việc với các số liệu. Những kỹ năng này hỗ trợ sinh viên làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn sau này.
“Với bề dày lịch sử 20 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngôn ngữ Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng là ngành đào tạo đầu tiên tại khu vực miền Trung. Chúng tôi tin rằng sinh viên được đào tạo bài bản với triết lý giáo dục Nhân văn – Sáng tạo – Thích ứng của Nhà trường như vậy đã và đang khẳng định vai trò của mình trong thị trường lao động.
Nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng. Hiệp hội đã đóng góp nhân lực, vật lực và tài chính cho các hoạt động lớn do nhà trường tổ chức như: Lễ hội mùa hè, Giao lưu sinh viên và doanh nghiệp, Ngày hội việc làm, Tuần lễ kiến tập doanh nghiệp Nhật Bản,…
Qua các sự kiện này, sinh viên được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”, đại diện Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng thông tin.
Cơ hội nghề nghiệp phong phú song cũng đầy thách thức
Trong nhiều năm gần đây, các ngành học về ngôn ngữ như tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Trung luôn nhận được sự quan tâm từ phụ huynh, học sinh cấp trung học phổ thông.
Theo đại diện Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng tầm thành “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào năm 2023, nhu cầu về nguồn nhân lực thành thạo tiếng Nhật ngày càng gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của Nhật Bản đã và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực thâm nhập thị trường Nhật Bản. Đây chính là tiền đề mở ra cơ hội việc làm rộng lớn với mức thu nhập hấp dẫn cho người lao động.
Sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Nhật không chỉ được trang bị năng lực ngôn ngữ mà còn được phát triển kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, ngay từ năm thứ tư, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và mời làm việc với mức thu nhập khởi điểm cao hơn mặt bằng chung của sinh viên mới tốt nghiệp ở một số ngành khác.
Còn theo Tiến sĩ Nghiêm Hồng Vân, mặc dù ngành Ngôn ngữ Nhật thường không phổ biến bằng ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung nhưng nó giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
Theo kết quả khảo sát nhà sử dụng lao động năm 2024 do Trường Đại học Hà Nội cho thấy, 90% doanh nghiệp đánh giá cựu sinh viên của Khoa tiếng Nhật cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, nhà tuyển dụng đánh giá cao các kỹ năng mềm của sinh viên tốt nghiệp, bao gồm khả năng dẫn dắt, phản biện, lập kế hoạch, điều phối và thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, họ khuyến khích sinh viên trau dồi thêm kỹ năng công nghệ thông tin cùng năng lực quản lý và lãnh đạo.
Ngoài ra, đối với kết quả khảo sát với cựu sinh viên năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường trong thời gian 3 tháng đạt 88%; từ 3-6 tháng đạt 94% và sau 6 tháng đạt 100%. Đây là một tỷ lệ rất cao cho thấy ưu thế về việc làm của cựu sinh viên theo đúng ngành được đào tạo.
Vị trí việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất là thư ký, chuyên viên, nhân viên, trợ lý trong các công ty, doanh nghiệp (64,1%); giáo viên/giảng viên (11,2%), Phiên dịch-Biên dịch viên (15%). Tỷ lệ cựu sinh viên đang đảm nhận công việc phù hợp hoặc liên quan với ngành đào tạo lên đến hơn 90%.
Các kết quả khảo sát cho thấy sức hấp dẫn rất lớn và lợi thế của việc học ngành Ngôn ngữ Nhật.
“Trong suốt quá trình phát triển, bên cạnh việc đào tạo, nhà trường cũng luôn chú trọng phát triển các mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước như: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JF), Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản,…
Đồng thời, trường cũng đã thúc đẩy liên kết hợp tác với trên 40 trường đại học, tổ chức giảng dạy tiếng Nhật ở Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành giúp mang lại nhiều cơ hội đi trao đổi học tập và thực tập tại Nhật Bản, cơ hội giao lưu, học hỏi thực tế cho không chỉ người học, mà còn giúp xây dựng, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ giảng dạy”, cô Hồng Vân cho hay.
Tuy nhiên, trước sự biến động của nền kinh tế thế giới và sự phổ biến ngày càng tăng của các ngôn ngữ khác, việc thu hút người học sẽ trở nên thách thức hơn, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có nhiều biện pháp đổi mới mọi mặt của ngành Ngôn ngữ Nhật.
Theo cô Hồng Vân, nhằm nâng cao sức hấp dẫn của ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Hà Nội đã và đang triển khai các biện pháp cụ thể sau:
Một là, tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thường xuyên; rà soát, chỉnh sửa chương trình sao cho bám sát thực tế và nhu cầu của các nhà sử dụng lao động, đảm bảo mục tiêu chương trình luôn phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và xu hướng phát triển toàn cầu.
Hai là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản để cung cấp chương trình liên kết đào tạo và trao đổi sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội học tập tại Nhật Bản mà còn tạo lợi thế khi tìm việc sau khi tốt nghiệp.
Ba là, tổ chức các chương trình thực tập hưởng lương tại các doanh nghiệp Nhật Bản để giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế và xây dựng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm văn hóa Nhật Bản; tổ chức sự kiện, hội thảo chuyên đề về kinh tế, văn hóa đất nước này cùng các cuộc thi hùng biện tiếng Nhật. Những hoạt động này giúp sinh viên không chỉ rèn luyện ngôn ngữ mà còn khám phá sâu hơn về xã hội và con người Nhật Bản.
Bốn là, mở rộng các quỹ học bổng dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài với ngành học.
Năm là, triển khai các công cụ dạy - học trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học tiếng Nhật và xây dựng tài liệu học tập tương tác để nâng cao trải nghiệm học tập.
Bạn Dương Thị Hà Trang, sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Hà Nội, nhận định rằng với quan hệ Việt - Nhật ngày càng thắt chặt cùng sự gia tăng đầu tư và giao lưu văn hóa giữa hai nước, tiếng Nhật luôn nằm trong top ngôn ngữ có cơ hội việc làm cao tại Việt Nam. Vì vậy, Trang đã xác định mục tiêu theo học ngành này từ sớm.
“Hiện em đang theo học định hướng Biên - Phiên dịch, ngành Ngôn ngữ Nhật tại Trường Đại học Hà Nội. Chương trình đào tạo được thiết kế khoa học với các môn học phân bổ theo từng kỳ, độ khó tăng dần, phù hợp với khả năng tiếp thu và vận dụng của sinh viên.
Điểm nổi bật là giáo trình giảng dạy được các thầy cô của Khoa tiếng Nhật nghiên cứu, biên soạn và cập nhật liên tục, đảm bảo tính ứng dụng cao, giúp sinh viên hứng thú học tập và dễ dàng áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Ngoài ra, nhà trường còn có đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, nhiệt tình; cơ hội giao lưu, thực tập tại các doanh nghiệp nước ngoài; và nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, hội thảo, talkshow, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng thực tế”, bạn Hà Trang thông tin.
Bên cạnh đó, Hà Trang nhận định rằng, trải qua 4 năm học tại Trường Đại học Hà Nội, bạn đã rèn được các kỹ năng như: kỹ năng tìm kiếm chọn lọc thông tin, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp,....
Đặc biệt, điều khiến Trang đặc biệt tâm đắc trong suốt thời gian học tập tại trường chính là sự tận tâm của các thầy cô khi luôn định hướng và khuyến khích sinh viên khám phá “cái tôi” và tìm ra “màu sắc riêng” của chính mình.
“Đặt mình vào bối cảnh xã hội hiện nay, khi ngày càng có nhiều người học và làm việc liên quan đến tiếng Nhật, hiện tượng trở nên bão hoà là một điều không thể tránh khỏi. Do vậy, để không trở thành những cá thể bị “hoà tan”, chúng em cần chủ động đi tìm và “mài giũa” những giá trị riêng của bản thân để dù hoà nhập với công việc, với xã hội song ai cũng có thể tỏa sáng những giá trị của riêng mình.
Đối với cá nhân em, ngành nghề nào sử dụng tiếng Nhật dù là biên, phiên dịch viên, giáo viên, nhân viên sales, nhân viên chăm sóc khách hàng, IT Comtor hay startup kinh doanh, đầu tư,... thì tuỳ vào từng ngành nghề, vị trí sẽ có những yêu cầu về trình độ, kỹ năng khác nhau. Song điều quan trọng hơn cả là nếu biết phát triển bản thân, kiên trì học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng thì cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở đối với mỗi người học tiếng Nhật”.
Ngoài ra, theo Hà Trang, để theo học ngành Ngôn ngữ Nhật và có cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường, bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, chính trị và kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần trang bị thêm các kỹ năng sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ và ứng dụng công nghệ vào thực tế, như Microsoft Office, Chat GPT, Canva,...
Thêm vào đó, kỹ năng phân tích điểm mạnh, điểm yếu và phát huy giá trị riêng sẽ giúp sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật hiểu rõ bản thân, phát triển toàn diện, từ đó xác định mục tiêu học tập và nghề nghiệp rõ ràng cũng như tìm ra phương pháp phù hợp để đạt được mục tiêu của mình.