Nên cân nhắc cho phép dạy thêm thu tiền học sinh ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp

08/02/2025 08:23
Cao Nguyên

GDVN - Học sinh nếu có nhu cầu học thêm trong nhà trường để ôn thi vào thời gian hè thì việc đóng học phí theo thoả thuận cần được cân nhắc sao cho hợp tình hợp lí.

Ngày 30/12/2024 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2025.

17-683-2436-7108.png

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông rất đồng tình với Điều 4 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Cụ thể:

1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Bởi vì, không có bất cứ lý do nào để biện minh rằng học sinh tiểu học phải đi học thêm - trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao hay rèn luyện kỹ năng sống.

Người viết đã dành khá nhiều thời gian để đọc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 thì thấy rằng, các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng đối với bậc học này rất nhẹ nhàng.

Chỉ có điều, theo ghi nhận của người viết, hiện nay khá nhiều học sinh tiểu học tham gia học thêm chủ yếu các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh ngoài nhà trường chủ yếu là do phụ huynh.

Cha mẹ cho con học thêm vì sợ con mình không theo kịp bạn bè trong lớp; lo con không phát triển toàn diện, không phát huy hết các năng lực của bản thân; sợ bị giáo viên "đì"; cho con học thêm các thầy cô "có tiếng" để con giỏi hơn, để được nở mày nở mặt với thiên hạ.

Vì vậy, phụ huynh cần ý thức được rằng, mỗi con, em sẽ có một năng lực nhất định ở một nhóm bộ môn, một lĩnh vực nào đó, còn việc các em giỏi toàn diện thì không nhiều. Cha mẹ cần giúp các con cân bằng giữa việc chơi và học và đảm bảo sức sức khỏe mới là điều quan trọng nhất.

2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Quy định này rất hay ở chỗ đó là buộc giáo viên phải dạy hết sức hết lòng, toàn tâm toàn ý ở trên lớp học. Nếu giáo viên dạy tốt thì chất lượng học tập của học sinh sẽ được cải thiện, sẽ giảm thiểu việc các em phải tham gia học thêm ở ngoài nhà trường.

Ngược lại, giáo viên nào dạy qua loa, thậm chí vô trách nhiệm, dẫn đến nhiều học sinh học không hiểu bài, không làm được bài thì họ sẽ bị kỉ luật, trong đó nặng nhất là bị đưa vào diện tinh giảm biên chế theo quy định.

Cùng với đó, quy định sẽ góp phần chấm dứt việc giáo viên đối xử thiên vị đối với các học sinh có tham gia học thêm do mình trực tiếp giảng dạy. Theo quy định hiện hành, giáo viên đối xử thiên vị giữa các học sinh là trái quy định.

Cần biết thêm, Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định giáo viên phải: "Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học".

3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Điều này có nghĩa, giáo viên trường công lập có thể thể dạy thêm ngoài nhà trường. Dĩ nhiên, theo quy định, giáo viên được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền nhưng không được dạy học sinh mình đang dạy chính khóa ở lớp chính thức trong trường.

Tuy nhiên giáo viên không được tham gia quản lí và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Tức nếu đăng ký kinh doanh thì giáo viên trường công lập không được đứng tên hộ kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức hoạt động dạy thêm.

Quy định này còn nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên lôi kéo, ép buộc học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Tuy vậy, người viết vẫn băn khoăn với Điều 5 quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:

1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Xuất phát từ thực tiễn dạy học và nhu cầu của học sinh, phụ huynh, người viết cho rằng cần nghiên cứu theo hướng cho phép các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được thu tiền đối với học sinh tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì những lí do sau đây.

Đối với học sinh lớp 9, lớp 12, khoảng từ 20/5 hàng năm là các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã hoàn tất hồ sơ sổ sách để các em chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào tháng 6.

Vì vậy, không có chuyện học sinh nào đi học thêm thì sẽ được giáo viên thiên vị điểm số. Lúc này giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng/hiệu phó đã vào điểm, kí/phê duyệt học bạ.

Như vậy, học sinh và phụ huynh nếu có nhu cầu cho con, em tham gia học thêm trong nhà trường nhằm giúp cho việc ôn thi hiệu quả thì giáo viên bộ môn sẽ dạy cho các em và có thu tiền học phí theo thoả thuận là hợp tình hợp lí.

Việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh lớp 9, lớp 12 chỉ diễn ra khoảng 3 tuần nên hầu hết phụ huynh vẫn có khả năng đóng học phí cho con, em. Giáo viên cũng cần có thêm một khoản thù lao để ăn uống, đổ xăng xe, chứ không thể nào dạy miễn phí cả.

Cùng với đó, học sinh được học thêm trong trường (có thu học phí) cũng có nhiều cái lợi như: giáo viên dạy phân hoá học sinh theo năng lực vì thầy cô nắm lực học của các em rất rõ; học phí thấp vì giáo viên dạy theo số đông; nhà trường quản lí các em dễ dàng theo giờ giấc;...

Ngoài ra, khi học sinh tham gia học thêm vào tháng 6 (thời gian nghỉ hè) thì các bộ phận phục vụ gián tiếp như lao công, bảo vệ, giám thị,... cũng sẽ có thêm một khoản thù lao trang trải cho cuộc sống khi đồng lương của họ còn rất eo hẹp.

Liên quan đến quy định dạy thêm, học thêm, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo và quản lý hoạt động này.

Theo đó, Công điện có nội dung đáng chú ý: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Thiết nghĩ, học sinh nếu có nhu cầu học thêm trong các nhà trường để ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào thời gian nghỉ hè thì việc đóng tiền học phí theo thoả thuận cũng cần được cân nhắc sao cho hợp tình hợp lí.

Sẽ có hướng dẫn của địa phương về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29

Điều 8 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

Đồng thời, ban hành các văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm;

- Việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm;

- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên