Năm 2025, nhiều trường đại học mở chuyên ngành vi mạch bán dẫn - đây là một trong những ngành then chốt của công nghệ hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các thiết bị điện tử, viễn thông, ô tô, y tế, và nhiều lĩnh vực khác.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Năm 2025, nhà trường dự kiến mở 6 ngành mới gồm: Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường; Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Công nghệ truyền thông.
Chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật nhằm mục đích đào tạo ra kỹ sư vật lý kỹ thuật, có hiểu biết cơ sở của vật lý trong các ứng dụng kỹ thuật, cũng như nắm vững các kỹ năng liên quan đến máy tính, các hệ thống điều khiển; có thể chế tạo và ghép nối cảm biến và các thiết bị đo với máy tính; mô phỏng, tính toán các hiệu ứng, hiện tượng vật lý trong các bài toán kỹ thuật; có nền tảng vật lý của vi mạch, phục vụ cho thiết kế, sản xuất linh kiện, đóng gói và kiểm thử ở trình độ phù hợp với nền kinh tế".
Sinh viên sau khi tốt nghiệp, có kiến thức, kỹ năng và năng lực phát triển khả năng, vận dụng kiến thức về toán học và khoa học cơ bản, kiến thức vật lý từ cơ sở đến chuyên sâu để phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề kỹ thuật đo lường, cảm biến. Đồng thời, phát triển năng lực thiết kế kỹ thuật để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, bao gồm các khâu từ thiết kế, sản xuất linh kiện, đóng gói và kiểm thử.
Ngoài ra, có thể phát triển các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, có thái độ nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Phát triển năng lực thích nghi với những công nghệ, phương pháp và công cụ mới để luôn theo kịp sự phát triển của thực tiễn ngành vật lý kỹ thuật với khả năng đáp ứng trước những thách thức của môi trường biến động.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025. Theo đó, trường dự kiến tuyển khoảng 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực. Trong đó, có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học (mã ngành: 7420201), Vật lý học (vật lý bán dẫn và kỹ thuật) (mã ngành: 7440102), Lịch sử (mã ngành: 7229010), Xã hội học (mã ngành: 7310301), Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam (mã ngành: 7220101).
Về phương thức xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường, năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ sử dụng 3 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do nhà trường tổ chức (SPT).
Như vậy, so với năm 2024, nhà trường bỏ 2 phương thức tuyển sinh, đó là xét bằng học bạ ở bậc trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp điểm học bạ với điểm thi năng khiếu.
Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện dự tuyển đối với tất cả ngành đào tạo là thí sinh tính tới thời điểm xác định trúng tuyển đã tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương. Đồng thời, có kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) tất cả 6 học kỳ cấp trung học phổ thông đạt loại Khá trở lên.
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trên website Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà trường đã công bố danh sách ngành (chương trình đào tạo) cùng chỉ tiêu dự kiến trong kỳ tuyển sinh năm 2025. Trong đó, 3/4 ngành mới có mặt trong danh sách là: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử); Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu). Ngoài ra, trường cũng mở ngành Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học) trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến sử dụng các phương thức xét tuyển như: Xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông năm 2025; xét tuyển theo SAT, A-LEVEL, ACT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch đều dự kiến xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán học, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán học, Tiếng Anh, Ngữ văn), tổ hợp Toán học, Tiếng Anh, Tin học và tổ hợp Toán học, Vật lý, Tin học.
Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu chuyên ngành Công nghệ vật liệu (Chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), đào tạo 4,5 năm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng kỹ sư.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tuyển sinh đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn) - mã ngành: 7520207T.
Chương trình đào tạo của chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn được phát triển trên nền tảng của ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA từ năm 2019). Nhiều thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp được các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như: Intel, Marvel, Renesas… đánh giá cao về chất lượng đào tạo.
Chương trình đào tạo cũng được cập nhật liên tục theo sự phát triển của công nghệ vi mạch trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh trình độ đại học bao gồm: 43 ngành chương trình tiêu chuẩn, 21 ngành chương trình tiên tiến, 11 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh, 10 ngành chương trình dự bị đại học bằng tiếng Anh, 13 ngành chương trình học tại phân hiệu Khánh Hòa, 13 ngành chương trình liên kết đào tạo quốc tế, 13 ngành chương trình dự bị liên kết đào tạo quốc tế theo 4 phương thức xét tuyển.
Phương thức 1: Xét theo kết quả quá trình học tập trung học phổ thông.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức 4: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trên website Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà trường cho biết, hiện đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn và dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho năm học 2025-2026. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được tiếp cận nội dung và phương pháp đào tạo tiên tiến với nhiều cơ hội học bổng, thực tập và việc làm hấp dẫn.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Theo thông tin trên website Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2025, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến sẽ đào tạo cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn theo hình thức đào tạo liên kết 2+2 (gồm 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở Đài Loan). Sinh viên tốt nghiệp sẽ được Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cấp bằng cử nhân và có cơ hội được các tập đoàn TSMC, Micron… tuyển dụng.
Trước đây, Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung đã ký kết với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hợp tác đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam. Hiện, đã mở khoá thứ 5. Tháng 6/2024, Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cấp học bổng trao đổi cho 20 sinh viên ngành Vật lý, Hoá học, Khoa học vật liệu... sang Đài Loan học tập 2 tuần.