Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội (Western Ha Noi School) là cơ sở giáo dục liên cấp đào tạo từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở theo ba hệ đào tạo bao gồm: Hệ nâng cao, Hệ định hướng quốc tế và Hệ tích hợp.
Hiện nay, Thạc sĩ Nông Thúy Hòa là Chủ tịch hội đồng trường và Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Chắp đang giữ chức Hiệu trưởng.
Theo quy định, những biểu mẫu phải công khai vào tháng 6/2024, các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục quốc dân. Để có thông tin khách quan về việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi câu hỏi đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội.
Ngày 21/1/2025, thầy Nguyễn Văn Chắp - Hiệu trưởng nhà trường đã có trao đổi với phóng viên về các nội dung liên quan.
Nhiều chương trình đào tạo, học phí cao nhất hơn 108 triệu đồng/năm
Theo thông tin nhà trường cập nhật trên website, đối với bậc tiểu học, trường đào tạo theo 2 hệ là Hệ nâng cao và Hệ định hướng quốc tế. Còn với bậc Trung học cơ sở, trường đào tạo theo 3 hệ bao gồm Hệ nâng cao, Hệ ưu tú, Hệ Tiếng Anh học thuật.
Ở từng chương trình đào tạo, mức học phí cũng có sự chênh lệch đáng kể. Theo đó, năm học 2025 - 2026, học phí áp dụng đối với cấp tiểu học Hệ nâng cao là 87.200.000 đồng/năm, Hệ định hướng quốc tế là 107.200.000 đồng/năm.
Theo thông tin nhà trường quảng cáo trên website, Hệ nâng cao sẽ tập trung hình thành và phát triển 2 năng lực cốt lõi là năng lực ngôn ngữ (Tiếng Việt và Tiếng Anh) và năng lực tư duy (Toán học) qua việc tăng cường thêm một số tiết học của các bộ môn nhằm phát triển năng lực, thế mạnh vốn có của người học, giúp học sinh có năng lực học tập đạt tiêu chuẩn vào lớp chọn của các trường Trung học cơ sở chất lượng cao.
Nhà trường cũng cam kết sẽ phát triển khả năng Tiếng Anh toàn diện cho học sinh, giúp học sinh tự tin tham gia các kỳ thi quốc tế.
Đối với Hệ định hướng quốc tế, học sinh được bồi dưỡng chuyên sâu ngoại ngữ, học 16 tiết Tiếng Anh trong một tuần, trong đó có 6 tiết học với giáo viên người nước ngoài.
Cụ thể, học sinh không chỉ học ngôn ngữ mà còn hiểu và áp dụng kiến thức, thuật ngữ các môn học khác bằng tiếng Anh. Chuẩn đầu ra Tiếng Anh bao gồm các bài thi Cambridge với lộ trình rõ ràng từ Starters (Khối 2) đến FCE (Khối 8-9). Với chương trình này, nhà trường cam kết học sinh sẽ sử dụng thành thạo tiếng Anh trong cả giao tiếp và học thuật, tự tin trong môi trường học tập quốc tế.
Còn ở cấp trung học cơ sở, Hệ nâng cao có học phí là 93.500.000 đồng/năm; Hệ ưu tú có mức học phí 103.500.000 đồng/năm và Hệ Tiếng Anh học thuật có học phí cao nhất là 108.500.000 đồng/năm.
Tại website, nhà trường thông tin Hệ nâng cao ở cấp trung học cơ sở bao gồm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Chương trình Tiếng Anh; Chương trình Bản sắc WHS và Chương trình ngoại khoá.
Đối với Hệ Tiếng Anh học thuật, đối tượng đầu vào là những học sinh hệ Định hướng quốc tế tiểu học WHS; hoặc những học sinh có khả năng ngôn ngữ tốt, thích học ngoại ngữ và phát triển cá nhân theo hướng quốc tế hoá. Nhà trường định hướng học sinh khi theo học chương trình này sẽ đỗ vào các trường Trung học phổ thông công lập và tư thục chất lượng cao. Những học sinh ở lớp đội tuyển Anh có cơ hội đỗ vào các lớp chuyên ngữ của các trường chuyên.
Ngoài ra, phóng viên cũng chỉ tìm được thông tin chính sách học phí năm học 2025 - 2026 chứ không tìm được nội dung thông tin học phí của năm học 2024 - 2025 hay các năm học về trước.
Trả lời câu hỏi này, thầy Nguyễn Văn Chắp - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, trường luôn công khai và minh bạch học phí với từng cấp học, từng hệ đào tạo. Tuy nhiên, do năm học 2024 - 2025 đã qua nên có thể bộ phận kỹ thuật khi cập nhật thông tin học phí năm học mới đã vô tình gỡ bỏ nội dung học phí năm học cũ. Thầy Chắp cho hay sẽ cập nhật lại đầy đủ nội dung này lên website trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội cũng cho biết năm học 2025 - 2026, học phí các chương trình đào tạo của trường tương đối ổn định so với năm học trước. Riêng có Hệ định hướng quốc tế mức học phí có cao hơn năm trước vì trường định hướng đầu ra cho học sinh sẽ có đủ khả năng tham gia thi chứng chỉ IELTS.
“Để người học đạt được yêu cầu, nhà trường phải tăng thêm các tiết dạy nên học phí đối với chương trình này có cao hơn so với năm học trước đó”, thầy Chắp thông tin.
Khi được phóng viên đặt vấn đề về việc thẩm định các chương trình đào tạo, thầy Nguyễn Văn Chắp cho biết về tên gọi các chương trình có khác nhau, nhưng khung chương trình đào tạo vẫn xây dựng theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy nhà trường không cần thẩm định các chương trình đào tạo này.
Trường sẽ hoàn trả phí giữ chỗ khi học sinh nhập học
Tháng 3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Công văn số 809/SGDĐT-QLT về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn.
Trong đó nhấn mạnh: "Các cơ sở giáo dục không thực hiện thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội".
Tuy nhiên, theo phóng viên tìm hiểu, tại mục Chính sách học phí nhà trường đăng tải trên website, bên cạnh các khoản phí bắt buộc thì Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội vẫn đề cập đến khoản phí giữ chỗ.
Trả lời phóng viên về nội dung này, thầy Nguyễn Văn Chắp cho biết công tác tuyển sinh tại các trường tư thục khá bất cập khi số lượng đăng ký và số lượng thí sinh nhập học chênh lệch rất nhiều. Khi đó, phí giữ chỗ sẽ là điều kiện để thí sinh không thay đổi nguyện vọng, nhà trường cũng dễ dàng nắm được tình hình tuyển sinh mỗi năm. Khi học sinh nhập học (đủ tiêu chuẩn qua kỳ xét tuyển), phí giữ chỗ sẽ được khấu trừ vào học phí và không được hoàn lại nếu học sinh không học tại trường.
Bên cạnh đó, thầy Chắp cũng cho biết nhà trường đã nắm được thông tin Công văn số 809/SGDĐT-QLT về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Theo đó, trường sẽ quán triệt không thu khoản phí này và sẽ điều chỉnh lại thông tin trên website để cha mẹ học sinh nắm được.
Bên cạnh phí giữ chỗ, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội xây dựng thêm Quỹ phát triển và phí này không được hoàn lại cũng như chuyển nhượng trong mọi trường hợp. Đối với học sinh nhập học ở học kỳ II sẽ đóng 50% Quỹ phát triển.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường thu 5 triệu đồng/năm/học sinh đối với quỹ này với mục đích nghiên cứu và phát triển chương trình học; cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện; mua các chương trình học, chương trình bản quyền phục vụ các tiết học chính khóa và ngoại khóa cho học sinh; tái đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng thư viện số, phổ cập AI, ứng dụng AI trong dạy và học; các chương trình hướng nghiệp; tâm lý học đường, lớp học trực tuyến, lớp học số.
Bên cạnh đó phát triển phòng tư vấn học đường với sự đồng hành của các chuyên gia đầu ngành bằng các chương trình đồng hành cùng cha mẹ, xây dựng trường học đạt chứng chỉ xanh Asian. Khoản thu này cũng được nhà trường thông báo đến phụ huynh ngay từ đầu năm học để phụ huynh nắm được và cũng nhà trường bổ trợ cho con em có điều kiện học tập tốt nhất.
Trường chưa kiểm định chất lượng vì còn khá "non trẻ"
Tại biểu mẫu 6 Công khai thông tin chất lượng giáo dục thực tế năm học 2023 - 2024 đối với cấp tiểu học. Theo số liệu nhà trường báo cáo, có 2 học sinh (lớp 1 và lớp 3) chưa hoàn thành chương trình lớp học. Trao đổi với phóng viên, thầy Chắp cho biết nhà trường không chạy đua theo thành tích mà chú trọng quan tâm đến năng lực của người học.
Đối với 2 trường hợp học sinh lưu ban vì không đáp ứng được yêu cầu học tập trên lớp, nhà trường đã có trao đổi kỹ càng với phụ huynh để có định hướng tốt nhất cho con em.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội cũng cho biết thêm, hàng năm nhà trường sẽ có đợt khảo sát, đánh giá năng lực học sinh để kịp thời củng cố, bồi dưỡng với những trường hợp yếu kém. Cụ thể, với những em học sinh có thành tích học tập kém, trường sẽ giao nhiệm vụ cho giáo viên của từng bộ môn tự nguyện phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí học sinh tại trường sau giờ học chính khóa để các em có thể cải thiện kết quả học tập. Với những em không đạt yêu cầu, trường cam kết đánh giá công tâm, thực hiện đúng theo quy định.
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục quốc dân quy định cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện công khai: “Kiểm định cơ sở giáo dục: công khai báo cáo đánh giá ngoài, kết quả công nhận đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục”. Tuy nhiên, phóng viên không tìm thấy những thông tin công khai này trên website nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Văn Chắp cho biết nhà trường chưa thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục vì đơn vị vẫn còn khá non trẻ. Tuy nhiên, nhà trường cũng đang hoàn tất các tiêu chí điều kiện cũng như có kế hoạch, lộ trình cụ thể để phấn đấu đến năm 2026 - 2027 sẽ đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ nghiêm túc thực hiện công khai các nội dung nêu trong Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng quy định.